Ra tết làm nhà

Lượt xem: 81045
14/3/2025 16:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài HƯƠNG ANH Ảnh HT

Ra Tết là thời điểm nhiều công trình nhà ở gia đình khởi công xây dựng. Ra Tết làm nhà là một tập quán, thói quen, suy nghĩ của nhiều gia chủ. Tất nhiên nó bắt nguồn từ nhiều yếu tố tích cực trong thời điểm này và người ta lựa chọn là có lý do. Nhưng cũng như mọi vấn đề của cuộc sống, điều gì cũng có hai mặt. Vậy ra Tết làm nhà có những thuận lợi và khó khăn gì, và phải làm thế nào để có một kết quả tốt?

 
 
Sự khởi đầu mới
Thật ra, nhìn rộng ở góc độ xã hội, thì các công trình khởi công quanh năm, không cứ gì vào dịp sau Tết. Ngay cả với những người “mê tín” thì tháng nào cũng có ngày đẹp, không nhất thiết phải là đầu năm. Nhưng trong tâm thức nhiều người, xây nhà là một việc trọng đại của đời người, của gia đình - là một việc rất quan trọng; nếu làm đầu năm mới, dịp mùa xuân mới sẽ có nhiều sự tốt đẹp, may mắn và đem lại tâm lý bình an cho gia chủ. Chính vì vậy, với các công trình nhà ở gia đình thì khởi công xây dựng và dịp đầu năm, sau Tết là việc tốt lành, hứa hẹn những điều hanh thông, thuận lợi.

 
Việc ra Tết làm nhà ít nhiều cũng có ảnh hưởng của những phong tục xưa. Những cư dân nông nghiệp trồng lúa cũng chọn dịp sau Tết để xuống đồng, cày ruộng, cấy lúa; ngư dân xuống thuyền ra khơi, người buôn bán mở cửa hàng… Đó là những sự khởi đầu mới cho năm mới, với ước nguyện cầu mong mọi sự khởi đầu suôn sẻ, như ý, thành công như những lời chúc trong dịp Tết.
 
Thông thường, khi kết thúc năm cũ, thì người ta cũng cố gắng hoàn thành nốt những việc trong năm, trả hết nợ nần… Nên khi sang năm mới thường mang tâm lý thoải mái và rảnh rỗi để bắt đầu vào công việc mới. Và đó là thời điểm tốt để khởi sự công việc quan trọng: Làm nhà.
 
 
Những thuận lợi và khó khăn khi làm nhà vào dịp sau Tết
Ra Tết làm nhà, tức làm nhà vào thời điểm sau Tết là lựa chọn của rất nhiều gia chủ. Thời điểm này có nhiều thuận lợi cho việc làm nhà, tuy nhiên cũng có những khó khăn nhất định. Dưới đây là những thuận lợi và khó khăn của việc làm nhà sau Tết.

 
Thuận lợi
- Thời tiết đẹp, phù hợp với công tác xây dựng: Ra Tết, vào xuân mới tiết trời thường ấm áp, khô ráo, không quá nóng, cũng không quá lạnh có thể ảnh hưởng tới công tác thi công hay sức khỏe thợ thuyền, gia chủ. Vào mùa xuân trời không quá nắng, nếu có mưa thì không quá to và hầu như không có bão, nên ít ảnh hưởng tới công việc xây dựng thời gian đầu như làm móng, đổ bê tông cột, dầm - sàn, xây tường bao… - là những công việc phải thi công ngoài trời.
- Thời gian phù hợp với tiến độ: Trung bình, một ngôi nhà ở gia đình, như nhà phố chừng 4 lầu hay biệt thự 2 lầu, với tổng diện tích sàn khoảng 250-400m2 sẽ cần thời gian thi công từ khi đào móng đến lúc hoàn thiện xong là khoảng 6-8 tháng. Như vậy, khi làm xong sẽ không gấp gáp vào thời điểm cuối năm; và gia chủ sẽ được ăn Tết trong nhà mới. Một điều nữa cần nói thêm là nhiều người kiêng làm nhà vắt qua 2 năm. Như vậy làm nhà sau Tết sẽ đảm bảo thời gian thi công nằm gọn trong một năm.
- Đội ngũ thi công sẵn sàng: Hầu hết các công trình thi công trước đó đã hoàn thiện trước Tết, nên các nhà thầu, đội thợ thường rảnh rỗi vào thời điểm sau Tết, sẵn sàng với công việc mới. Và cũng vì mới ăn Tết và bắt đầu công việc mới sau một thời gian nghỉ ngơi nên thợ có tâm lý thoải mái, làm việc tốt hơn và có năng suất cao hơn. Ở góc độ chủ nhà, sẽ có nhiều lựa chọn đội thợ tốt và giá cả hợp lý, không bị ép giá như thời điểm gấp gáp cuối năm.
 

 
- Đảm bảo về tài chính: Trước Tết, là thời điểm nhiều gia chủ có các nguồn thu: Lương, thưởng, tiền hàng, tiền dự án, tiền thu nợ, lãi suất tiết kiệm… Chính vì vậy sau Tết chủ nhà sẽ có nguồn tài chính đảm bảo cho việc làm nhà. Việc xây nhà diễn ra trong một thời gian dài, và phải “xuống tiền” làm nhiều đợt nên việc có tài chính thường trực cần huy động là điều cần thiết.
- Giá nguyên vật liệu ổn định: Thông thường, thời điểm sau Tết, cũng như nhiều loại hàng hóa khác, giá nguyên vật liệu xây dựng bình ổn, ít “nhảy múa” như các thời điểm trong năm và cuối năm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là giá một số chủng loại vật liệu, thiết bị có thể thay đổi thay mùa. Ví dụ như mua và lắp đặt máy lạnh vào mùa hè thì giá sẽ cao hơn so với làm việc này vào mùa đông.
- Các nhà thầu tập trung hơn: Đầu năm nên ít dự án, các nhà thầu sẽ tập trung hơn cho công trình và huy động được lực lượng nhiều, tinh hơn là thời điểm khác, khi họ nhận thêm dự án và phân tán nhân lực ra để nhận việc. Và với sự tập trung đó thì tiến độ nhanh hơn và chất lượng công trình cũng tốt hơn.
- Gia chủ có nhiều thời gian và sự quan tâm: Như trên đã nói, cũng như nhà thầu hay thợ, nhiều công việc đã hoàn thành trước Tết, nên sau Tết gia chủ có nhiều thời gian và sự quan tâm hơn cho ngôi nhà của mình, ở nhiều công đoạn như kiểm soát thiết kế, lựa chọn nhà thầu và tổ chức triển khai thi công, giám sát công trình, chọn lựa nguyên vật liệu…
 
 
Khó khăn
- Tài chính: Cũng là vấn đề tài chính nhưng lại ở chiều ngược lại: Nhiều gia chủ lại thiếu tiền sau Tết bởi trước Tết phải chi trả các công việc khác, trả nợ vay, mua sắm nhiều trong dịp Tết… Khi đó tài chính lại là vấn đề có thể ảnh hưởng đến công việc xây nhà như không lựa chọn được nhà thầu tốt hay ảnh hưởng đến tiến độ do không thanh toán đúng kỳ hạn với nhà thầu.
- Nguyên vật liệu: Một số vật liệu có thể thiếu hụt sau Tết vì các nhà cung cấp phải mất thời gian để phục hồi nguồn cung, đặc biệt là trong các thời điểm lễ Tết kéo dài. Một số loại vật liệu có thể thiếu hàng, hết mẫu sau kỳ cuối năm tiêu thụ lớn cho nhiều công trình. Cùng với đó, nhiều loại vật liệu, nhất là vật liệu nội thất bởi mẫu mã mới thường ra vào tháng 3, tháng 4, nên ít sự lựa chọn. Ngoài ra, đầu năm ít chương trình khuyến mãi nên gia chủ sẽ khó mua vật liệu, nội thất với giá tốt.
- Thiếu nhân công: Cũng chính là vấn đề ra Tết làm nhà - do nhiều công trình nhà ở gia đình cùng ra Tết khởi công nên dù lượng nhân công, nhà thầu có nhiều vẫn có thể thiếu. Một số đội thợ có thể không có đủ nhân công do họ vừa trở lại sau kỳ nghỉ, hoặc họ đã nhận các dự án khác. Điều này có thể khiến việc thi công của gia chủ chậm lại hoặc bị trì hoãn.
- Thợ thuyền chưa sẵn sàng: Một số đội thợ có tác phong chưa chuyên nghiệp: sau Tết dù đã đi làm rồi nhưng vẫn mang tâm lý đang ăn Tết, không tập trung vào công việc. Cùng với sự thiếu tập trung và không chuyên nghiệp đó là các thói xấu: uống rượu, nhậu nhẹt, bài bạc… gây ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ công trình, đôi khi vướng cả vào lao lý gây phiền hà tới gia chủ.
- Thủ tục hành chính: Làm nhà chắc chắc phải có công việc liên quan tới cơ quan hành chính của địa phương như chứng thực giấy tờ, tách nhập thửa đất, xin phép xây dựng… Nhưng các cơ quan hành chính hay có “độ trễ” trong việc phục vụ sau Tết. Đó là sự thật! Thực tế có những cơ quan đóng cửa đi lễ, du xuân. Vì thế có thể thủ tục hành chính đầu năm sẽ là khó khăn cho gia chủ xây nhà.
- Thời tiết nồm ẩm: Một số vùng, như phía Bắc có hiện tượng nồm ẩm vào mùa xuân, có thể ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của thợ thuyền (như phơi quần áo không khô), hay gây ướt, trơn trượt ở công trình, có thể gây khó khăn, ảnh hưởng tới việc thi công và an toàn lao động.
 
 
Ra Tết làm nhà - những điều cần lưu ý
Thời điểm ra Tết làm nhà có nhiều thuận lợi, như đã đề cập. Tuy nhiên, để công việc suôn sẻ, chủ nhà phải có kế hoạch thật chi tiết, cụ thể. Quan trọng nhất là khống chế được tổng thời gian thi công, từ thời điểm bắt đầu tới khi về đích. Cần phải nắm rõ đến khoảng thời gian nào làm những hạng mục gì, cần chi tiền bao nhiêu, cần mua sắm vật tư - vật liệu như thế nào… Khi đó sẽ có sự chủ động và chuẩn bị chu đáo cho từng giai đoạn, hạng mục, bao gồm cả chuẩn bị tài chính, để đảm bảo kết quả tốt.

 
Tìm được nhà thầu tốt, uy tín cũng là chìa khóa để thành công, tránh được việc thi công sai, kém chất lượng hay tệ hơn là hủy bỏ hợp đồng, “thay ngựa giữa dòng” - tìm nhà thầu mới. Đây là việc tối kỵ vì ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ công trình cũng như tâm lý của chủ nhà.
Thời gian thi công một công trình nhà ở gia đình - như phần trước đã nói, mất khoảng 6-8 tháng. Tất nhiên đấy là con số áng chừng. Tiến độ nhanh hay chậm, ngoài quy mô công trình, còn phụ thuộc vào độ khó, cầu kỳ của thiết kế, giải pháp kỹ thuật thi công từng hạng mục. Bên cạnh đó, tiến độ còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như địa chất - nền móng, điều kiện thi công… Ví dụ như nền móng yếu, phải khảo sát địa chất, xử lý đóng/ép cọc gia cường; thì có thể công việc này kéo dài mất vài tuần, kéo theo tiến độ chung cũng bị trễ theo. Lại có công trình điều kiện thi công không thuận lợi, trong ngõ hẻm, không có mặt bằng tập kết vật liệu hay không gian tời vật liệu lên cao nên phải vận chuyển vật liệu bằng tay đi thang bộ, cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.
 

 
Thiết kế là một phần rất quan trọng của việc làm nhà. Bây giờ hầu như mọi chủ nhà đều hiểu vai trò quan trọng của thiết kế, và hầu hết mọi ngôi nhà xây trong đô thị đều có bản vẽ thiết kế. Cần phải có thời gian nhất định để có bản thiết kế tốt, khoa học phụ vụ cho việc thi công. Bình thường, sau khi thống nhất phương án kiến trúc, văn phòng thiết kế hay kiến trúc sư phải mất 1-2 tháng để hoàn thành bản vẽ kỹ thuật thi công với các hạng mục: kiến trúc, kết cấu, điện - nước. Nhưng quan trọng nhất là “chốt” được phương án. Nhiều gia chủ sau Tết mới đi tìm tư vấn thiết kế nhưng có thể không tìm được ngay. Dịch vụ hiện tại thì có nhiều, nhưng tìm được kiến trúc sư hay đơn vị tư vấn đáp ứng được yêu cầu của mình, hợp “gu” thì chưa chắc đã dễ. Và tìm được rồi, quá trình tư vấn và lên phương án cũng không phải nhanh, có khi hàng tháng trời chưa “chốt” được phương án; từ đó ảnh hưởng tới tiến độ thiết kế kỹ thuật cũng như thi công. Chính vì vậy, tốt nhất, nếu muốn ra Tết làm nhà thì việc thiết kế phải hoàn thành trước Tết, sau Tết là chỉ khởi công.
 
Cũng tương tự như việc thiết kế, để đảm bảo tiến độ, các công tác khác như thủ tục hành chính, xin phép xây dựng, tìm nhà thầu chính, chuẩn bị tài chính đều nên thực hiện trước Tết. Việc tìm nhà cung cấp nguyên vật liệu phần thô (xi măng, cát, đá, gạch xây) cũng nên làm trước Tết, ký hợp đồng trước để đảm bảo nguồn nguyên vật liệu cung ứng đúng và đủ.
Ngoài ra, luôn có quỹ thời gian dự phòng cho những việc phát sinh trong quá trình thi công. Cần phải có kịch bản trước để ứng phó với những tình huốn) phát sinh, giảm thiểu rủi ro. Chủ động trước những vấn đề như vậy, thì đảm bảo khi ra Tết làm nhà, công việc sẽ có nhiều thuận lợi và chất lượng, tiến độ công trình sẽ được đảm bảo; cũng như chắc chắn rằng chủ nhà cùng gia đình sẽ được ăn Tết tới trong ngôi nhà mới.
 

 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 225