Một chiều muộn đầu năm, khi người còn thưa vắng vì về quê chưa vào phố, tôi có việc chạy qua khu nhà thờ. Rồi như có một lực hút vô hình, chiếc xe tìm một chỗ gửi. Và rồi thơ thẩn đường chiều, với lá với gió và với những triết gia lặng im: sách
Sách bây giờ không khó để mua, mua trên mạng cũng rất dễ. Có đứa bé còn “kinh nghiệm” tới nỗi, đặt mua làm sao để khi người giao sách đến, thì bé đã đi học rồi, và ông bố ở nhà, nhận sách phải móc túi. Nhưng vui, hễ con chịu đọc sách thì nghe lòng mát lắm, ông bố này lên mạng mắng yêu thằng bé. Bạn bè ông bấm like xong chắc thấy nhẹ lòng. Thông tin bây giờ sao nhiều điều nặng nề quá. Chuyện thằng bé láu cá cho bố trả tiền sách nghe như một cốc nước chanh mát lạnh.
Sách còn được bán ở nhà sách, dĩ nhiên. Nhiều đứa bé mỗi cuối tuần, hay đòi cha mẹ chở tới nhà sách. Nhiều khi cũng chẳng mua nhiều, một hai cuốn truyện tranh rồi về nhưng không đi thì có khi giận dỗi. Ừ thì đi nhà sách, có khi lại tha về xà bông, bột giặt và cả snack với tổng số tiền cao hơn tiền mua sách. Cũng tốt thôi, vừa mua sách vừa mua xà bông, thì không mất thời gian chứ sao.
Sách còn được bán trong hội sách. Dân đọc sách mà muốn tiết kiệm thì ráng đợi, hai năm có hội sách một lần. Hội sách của thành phố là hội sách có doanh số khủng nhất nước. Kinh nghiệm là không nôn nóng đi vào những ngày đầu, khi ban tổ chức còn ép các đơn vị tham gia giữ giá (cứ như là con gái giữ gìn trinh tiết). Mà chờ hai ba ngày cuối, xả kèo, tha hồ mà lựa, lựa lựa lựa. Sách đổ ra hàng đống đón hàng chục, hàng trăm cánh tay rịn mồ hôi xới nó lên… Một khung cảnh xôm tụ giữa tiếng loa ra rả nhạc chiến đấu. Một nhà văn ngửa cổ lên trời, tôi mua được sách mình giá 10 ngàn đồng trong một cái chợ trời! Không sao cả, mua được sách mình với 10 ngàn đồng cũng vui mà.
Nhưng mà, đường sách Nguyễn Văn Bình lần này tôi đến nó lạ lắm. Tôi không có ý định mua xà bông, cũng không mong mua hàng giảm giá. Hay vì còn vướng vất một mùa xuân? Hay vì nắng hôm ấy gờn gợn cái lạnh của miền xa? Đến đường sách nhưng tâm trí hoàn toàn không tìm kiếm, không mong muốn sở hữu cuốn nọ cuốn kia. Đi như là đi thôi. Và đi chậm. Ồ phải rồi, đi chậm.
Không chỉ có tôi đi chậm, mà người kế bên cũng đi chậm. Nghe tiếng bước chân mình, rụt rè trên phố một nỗi bâng khuâng.
Vào đường sách để gặp sách, gặp người thầy, người bạn trung thành nhất. Sách hiện diện trang trọng và mời chào. Chạm vào sách như chạm vào nỗi linh thiêng. Cuối dãy, bắt gặp một cô bé vừa bệt xuống thảm mà mắt không rời trang. Thấy yêu và thấy an.
Đường sách có vài quán cà phê, để hẹn hò, để ngồi im và chỉ để ngắm nhìn. Nhìn người đi chậm. Sài Gòn đi nhanh trên khắp nẻo, nhưng bước vào đường sách, Sài Gòn dường như thở bằng một không khí khác, không khí của thong dong.
Đường sách có thể là niềm tự hào, có thể là thứ để người miền khác ganh tỵ với dân Sài Gòn. Đường sách có thể là một nỗ lực cho bằng chị bằng em, cho ra dáng, cho xứng tầm chi đó. Nhưng đường sách, còn là một nẻo lạc. Bước vào là tự động giảm tốc độ, kể cả thở. Thở cũng tự nhiên thở chậm, mà sâu.
Nhưng đường sách ngắn. Đi thật chậm vẫn thấy ngắn. Như cậu bé nhấm nháp que kem, không liếm thì sợ tan, mà liếm thì sợ hết. Đường sách kết thúc như một nỗi thẹn thùng. Lấy xe ra khỏi bãi, anh nói, thì cứ thong thả và an yên khi đến đây. Có nhiêu hưởng nhiêu. Khi nào em cần chậm, cứ báo!
Nhưng điều gì sẽ bảo đảm là đường sách sẽ mãi nằm yên đấy? Một người có nhiều quen biết trong giới làm sách nói nhỏ, thì ráng ủng hộ chủ trương, cho đến khi nào thấy không thể cân bằng nổi giữa lợi nhuận và ý nghĩa của sự có mặt, thì đóng. Đừng giật mình, đừng ngoác mồm. Kể cả hàng cây già, cũng đâu dám chắc mình sẽ đời đời nơi đó. Huống gì sách cũng là một nẻo kinh doanh.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 118