1. Một đoạn ngắn của đường Âu Cơ, khúc ngang qua Bàu Cát, đang có gần chục dự án căn hộ thành hình. Mỗi lần ngang qua đó, bạn tôi lại ước ao, thèm muốn sở hữu một căn. Ước mơ có một ngôi nhà mới với nhiều người, là ước mơ cả đời, ước mơ lớn lao và đôi khi khó khăn, viển vông như là... trúng số.
Hồi nhỏ, tôi có biết gia đình chú nọ, làm ruộng cật lực nhưng nghèo quanh năm. May nhờ trúng số nên xây được một ngôi nhà tường đàng hoàng, phía trước có sân phơi lúa bằng gạch tàu. Chiều bữa trước ngày tân gia, chú kéo dây bơm nước rửa sân, loay hoay sao đó mà điện giật rồi chết. Đau lòng không thể tả, vợ chú ngất lên ngất xuống chẳng lo được gì trong đám tang. Rồi họ hàng cũng giúp đỡ, chôn cất chú yên mồ yên mả. Nhưng vợ chú thì quyết định không dọn đồ vô nhà mới. Bà vẫn ở trong căn nhà gỗ nhỏ xíu cạnh đấy, tiếp tục làm ruộng nuôi con. Ngôi nhà mới sau đó bà bán, con cái lớn hết thì bà dọn về bản xứ, ở gần cha mẹ. Giờ mỗi lần ngang qua cái sân phơi ấy, tôi cứ thấy thương cho cả gia đình. Số phận sao nghe ‘trớt quớt” thế nào và một ngôi nhà mới, với họ, cũng chẳng ý nghĩa gì hết vì không còn người mà họ hết mực yêu thương, là chú.
2. Tản mạn về nhà cũ nhà mới tôi cho rằng, nhà mới thì ai cũng thích, bởi nó chưa hư hao, chưa long tróc thứ gì. Nhưng có cái gì mới mẻ hoài được đâu. Ba năm ráng gọi là mới chứ năm năm, sáu năm thì còn mới được nữa không? Chẳng lẽ lại đi đổi nhà? Sự chăm sóc, để ý giữ gìn cho ngôi nhà luôn trong trạng thái tinh tươm mới là điều đáng quý hơn cả. Bạn thử để ý đi, ngay trên tạp chí này, nhà mới xây đẹp đẽ phát mê thì hẳn nhiên rồi. Nhưng cũng có rất nhiều căn nhà, dù là nền gạch bông, thậm chí nền xi măng vẫn khiến bạn say đắm. Sự say đắm ấy, trong ngôi nhà có vẻ cũ kỹ ấy, chính nhờ chủ nhân của nó mà ra. Giống như nói “không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết cách làm đẹp”, tôi nghĩ rằng nhà ở cũng vậy. Không có căn nhà nào xấu cả, mà vì nó chưa được làm đẹp đó thôi. Mới cũ không quan trọng nhiều, quan trọng là chủ nhân của nó yêu nó bao nhiêu. Chủ nhân chính là người phả linh hồn để nó là ngôi nhà chứ không phải xác nhà. Ngôi nhà thì dành cho tổ ấm, chứ xác nhà thì chỉ là đối tượng của ve chai. Bởi vậy, họ hạnh phúc, họ vỡ nát, họ chỉn chu hay họ bung thùa... ngôi nhà là sẽ bản sao cá tính chủ nhân của nó. Và nhiều khi mơ màng tôi nghĩ, từng lời thì thầm, từng tiếng cười khúc khích, cả những tiếng cằn nhằn hay mắng nhiếc nhau, sẽ ngấm vào từng viên gạch, từng thớ gỗ và khiến nó bền chắc hơn hay mục ruỗng ra theo thời gian.
Mấy năm gần đi, từ thành phố đi ra ngoại thành, đi về các tỉnh, hướng nào cũng thấy mọc lên nhiều những doanh nghiệp mua bán xác nhà cũ. Một nhánh, họ mua xác nhà bê tông ở những khu giải tỏa để phá dỡ, bán sắt thép và gạch cũ. Một nhánh, họ đi sâu vào các làng quê để mua khung nhà gỗ cũ, thường là tài sản của người xưa. Gom hai ba xác nhà gỗ cũ, người ta có thể dựng được một ngôi nhà hoàn chỉnh, và giá của nó, chỉ dành cho... đại gia. Cái cũ, vẫn được săn lùng và hỏi mua mỗi ngày. Cái cũ, vẫn còn là thứ có giá, thậm chí giá cao. Ở “mặt trận” khác, mỗi ngày, có khoảng 5 tin nhắn vào điện thoại để chào bán nhà mới. Chạy ngang các khu căn hộ, nhiều khi các em sale đứng ra giữa đường để vắt đâu đó trên xe mình những tờ rơi quảng cáo căn hộ cao cấp lẫn bình dân. Cũ hay mới, bạn chọn cái nào là quyền và khả năng của bạn. Nhưng dù cũ hay mới, chúng cũng chỉ mới là xác nhà. Cái xác ấy, đang chờ bạn rót vào nó một hồn vía, thật riêng và thật đời.
3. Mới đây, nhà tôi sơn lại tường sau bao nhiêu năm để cho thời gian mặc tình tô trát lên nó toàn màu cũ kỹ. Tối đó, tôi đi làm về, hỏi chồng xong hết rồi hả anh, chồng ừ, kêu tôi đi coi thử một vòng coi vừa ý không. Làm sao mà tôi dám chê, người ta hai ba ngày bỏ việc, để lo cho ngôi nhà có một chiếc áo mới. Nhưng, chết rồi anh ơiiiii!, tôi kêu lên thảng thốt, sao lại sót nguyên một mảng tường trong phòng con thế này? Anh chạy qua nói không, không phải sót, mà là anh không muốn sơn mới chỗ này.
Mảng tường cạnh bàn học của con, trên cao là hình thằng bé đang chăm chú, thích thú nhìn chú dế đang bò trên tay mình. Bức hình sinh động và đáng yêu quá nên tôi phóng lớn ra treo lên cho vui. Nguyên mảng tường phía dưới, là từng vạch từng vạch bút chì gạch ngang qua ngay ngắn, trên đó ghi 1 con số và mốc thời gian, 120cm-sinh nhật 2005; 132cm - tháng chạp 2006, 141cm - noel 2007… từng nấc thời gian cao dần cao dần. Có khi vạch này cách vạch kia 4 phân, có khi 6 phân, nhưng cũng có vạch, cách nhau chỉ 1 phân. Đó chính xác là những lần tôi đo chiều cao cho con. Không theo một thời điểm cố định nào trong năm, cứ lâu lâu nhớ chừng là mẹ con tôi rủ nhau đo chiều cao một lần. Giờ nó 15 tuổi, vạch cao nhất ghi: 175cm, tháng 9. 2015.
Những lằn vạch tưởng chừng như đơn giản để ghi lại số liệu, lại dường như còn phát ra cả tiếng cười, còn có bóng dáng nguyên vẹn tuổi thơ ngây của nó. Có thời điểm, tôi nghe như có cả nỗi phập phồng trong run rẩy con số ghi chiều cao, khi năm đó con trải qua một cơn bệnh nặng. Có vạch, tôi như thấy trọn vẹn sự hí hửng của hai mẹ con khi chỉ trong 6 tháng, con cao thêm 6cm. Giờ thì tôi hiểu vì sao ba thằng bé không nỡ sơn đè lên mảng tường đó một màu sơn mới. Có những thứ nếu lấp đi rồi, thì tạo mới là điều không thể, dù đơn giản chỉ là một kẻ vạch bút chì.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 116