Nhân cách là sự hợp thành của nó (Id), tôi (Ego) và siêu tôi (Superego) vốn dĩ ngập đầy phức tạp. Để biểu đạt nên cái phức tạp ấy, Trần Cường sử dụng ngôn ngữ hội họa, và chọn bản ngã - cái tôi (Ego) làm chủ đề chính trong từng tác phẩm.


Nếu nhìn thoáng vào tổng thể tác phẩm trong triển lãm “Gương cánh nâu”, sẽ thấy ở đó hiện thực cuộc sống qua những gam màu mạnh, ngồn ngộn xoay vần trong một thế giới riêng là bố cục của tác phẩm. Độ phức tạp, dày chi tiết, đa sắc màu tưởng như rối ren ấy, lại là điểm nhấn gây chú ý, và khi đã chậm rãi quan sát, sẽ kịp nhận ra có một bản ngã đang bá chủ trong không gian tác phẩm, với tạo hình riêng biệt khi mờ, khi tỏ, đầu đội chiếc vương miện - một biểu trưng cho uy quyền thực tại.
Lý giải về hình tượng nhân vật trong tranh, họa sĩ Trần Cường cho biết: “Người đội vương miện đấy chính là Ego, một nhân vật tôi muốn thể hiện theo thế giới riêng, bởi con người ai cũng có cái tôi quyền lực, có tốt - có xấu. Ego ở đây như một lăng kính mà người đối diện khi nhìn vào, sẽ có cách tự đánh giá Ego ấy, và soi diễn nội tâm Ego thành chính họ”.


Điểm thú vị trong loạt tranh của Trần Cường, ấy là trước những cái tôi mãnh liệt, tưởng chừng mất kiểm soát, cô độc, lại được thêm vào đó những nàng thơ, là hoa, là sắc màu… như một cách mang lại cân bằng và đồng thời gửi gắm niềm mong muốn cho cuộc đời thêm tươi đẹp hơn
Sử dụng gam màu tươi sáng, mạnh mẽ, cũng là dụng ý để người họa sĩ biểu đạt hiện thực cuộc sống, biểu đạt những cảm nhận mang tính nội tâm về thực tại, có thể là một góc nhìn tươi đẹp, lãng mạn, nhưng cũng có những gay gắt, châm biếm, đả kích cái bản ngã tăm tối, cực đoan trong nội tâm mỗi con người.
Nhìn ở góc độ khác, Trần Cường vẽ, nhưng lại trong vai người kể chuyện, chi tiết ấy thể hiện qua hình ảnh người phụ nữ trong các tác phẩm. Trần Cường chia sẻ: “Phụ nữ xuất hiện trong tác phẩm của tôi, có người của hiện tại, vì ở xã hội hiện tại, phụ nữ (cái đẹp) và quyền lực (trong đó có bản ngã) gắn bó với nhau chặt chẽ lắm. Tôi chọn hình tượng phụ nữ ấy để xây dựng bố cục và câu chuyện trong tranh, làm tăng thêm tính lãng mạn cho tác phẩm. Cũng có phụ nữ ở quá khứ, chỉ còn là hình bóng, nên tôi vẽ thêm cho họ đôi cánh, có thể là ác quỷ, hoặc là thiên thần, tùy thời điểm, và tùy vào sự kết hợp với Ego mà thành”.
Ở kỹ thuật thể hiện, tranh của Trần Cường sử dụng gam màu phong phú, nhưng từng tác phẩm đều hiện hữu hai màu chuyên biệt là xanh và tím than. Trần Cường lý giải: “Tôi có những giấc mơ, chợt tỉnh nhưng chẳng nhớ lại gì, chỉ còn lại màu, và trở thành nỗi ám ảnh bản thân. Hai màu xanh và tím than là như thế, nên khi vẽ, tôi luôn đưa vào tác phẩm, nếu không sẽ mang một cảm giác thiếu thiếu, không hoàn thiện”.


Đôi lúc tôi mượn hình ảnh dân gian như tranh Đông Hồ để tạo nên tương phản trong tác phẩm, cũng như thể hiện khoảng cách hiện tại - quá khứ, đương đại - dân gian, và đó cũng là sự tiếp nối

Hình tượng bản ngã quyền lực qua nét vẽ của Trần Cường, từng bản ngã tốt xấu, phản ánh hiện thực xã hội
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 198