Oxford cũng là địa danh hấp dẫn để khám phá vẻ đẹp từ các kiến trúc cổ
Oxford là địa danh có nguồn chất liệu đá vôi dùng trong xây dựng kiến trúc mang đậm khoáng sắt (hơn 50%), nên có màu vàng nâu hoặc ngả vàng kem. Hầu hết các công trình cổ xây dựng tại Oxford đều tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ này, từ đó hình thành nên một diện mạo kiến trúc đặc trưng riêng, từ kiểu dáng, màu sắc, phong cách, nét trang trí… đậm yếu tố vùng miền, phối hợp cùng vẻ đẹp mỹ thuật và yếu tố thời gian, khiến Oxford trở thành điểm đến lý tưởng, không chỉ từ chuyện giáo dục, học tập, mà còn để tham quan vẻ đẹp kiến trúc từ những công trình mang đậm nét cổ xưa.
Đẹp và nổi tiếng
Hai mỹ từ này vốn dễ song hành cùng nhau, và sẽ thật hoàn hảo nếu miêu tả ngắn gọn như thế khi đề cập đến các kiến trúc cổ ở Oxford. Nếu đi vào chi tiết, mỗi công trình mang một nét chấm phá rất riêng, ấn tượng chính từ những đường nét điêu khắc, chạm trổ trên đá. Có thể lấy ví dụ về cổng trường Đại học Merton với mảng điêu khắc tinh tế thực hiện từ thế kỷ 15 có hình vị thánh Gioan đang thực hiện nghi thức rửa tội trên sông Jordan, mảng đối xứng là Walter de Merton - người sáng lập trường Đại học Merton, bao quanh là các đường diềm với chi tiết điêu khắc thể hiện tinh xảo các loài động - thực vật trên đó.
Một điểm đến khác chính là nhà hát Sheldonian thuộc trường Đại học Oxford với những bức tượng điêu khắc bán thân độc đáo do Christopher Wren dựng nên từ 1664-1669. Theo lịch sử của trường Đại học Oxford, phần mặt tiền nhà hát hiện có 13 bức tượng, được gọi là các nhà hiền triết, mang gương mặt, thần sắc và bộ râu khác nhau. Chính những nét điêu khắc bộ râu khác biệt đã nảy sinh lý giải rằng tượng đại diện cho phong cách để râu của quý ông thời Trung cổ. Theo thiết kế ban đầu của Christopher, có tổng cộng 14 tượng, được nghệ nhân điêu khắc đá William Byrd thực hiện và hoàn tất vào 1669.
Đến 1700 khi xây dựng toà nhà Clarendon, một bức tượng phải dời đi, và đến 1868 người ta thay mới bằng các tượng điêu khắc tương tự, nhưng do làm từ chất liệu đá kém nên sớm bị phá hỏng. 13 tượng còn lại được điêu khắc gia Michael Black phục chế và hoàn tất tháng 10.1972, với trọng lượng mỗi tượng trung bình 1 tấn.
Nếu nói đến kiến trúc ở Oxford, vẻ đồ sộ của kiến trúc trường Chúa Cứu Thế (Christ Church) - một trong những lò đào tạo các vĩ nhân bởi đã là nơi sản sinh ra 13 thủ tướng Anh, nhà bác học Albert Einstein cũng đã từng học ở đây vào những năm 30 - sẽ là một điểm đến hấp dẫn không chỉ với người tham quan, mà đặc biệt với dân nhiếp ảnh. Bởi ở góc máy nào, Christ Church cũng thể hiện những nét đẹp đa phong cách, từ trung cổ, đến phục hưng, rồi gothic… toạ lạc trong khuôn viên rộng phủ đầy cây lá, cỏ hoa, là nơi thật dễ có thêm những góc ảnh đẹp từ kiến trúc Christ Church.
Mỗi cổng trường đại học đều có những nét chạm trổ tinh tế trên nền đá mang dấu ấn và phong cách riêng
Nét cổ xưa chính là điểm hấp dẫn của thành phố đại học Oxford
Khuôn viên rộng lớn của Đại học Christ Church ở Oxford
Đường nét lạ trong kiến trúc Oxford
Từ góc đường Catte nhìn về phía Đại học Hertford, có một kiến trúc cầu nhỏ xinh, nối giữa hai khối kiến trúc của Đại học Hertford, được giới sinh viên ở Oxford đặt tên là “cây cầu than thở” (Bridge of Sighs). Nhìn từ xa, kiến trúc này không có gì nổi bật nếu so với những mảng kiến trúc độc và đẹp khác ở Oxford, nhưng điều khiến cây cầu và kiến trúc này trở nên nổi tiếng, chính bởi những câu chuyện gần gũi với đời sống sinh viên xoay quanh nó.
Cầu được Sir Thomas Jackson thiết kế và hoàn thiện vào năm 1914, với công năng giản đơn chỉ là dùng làm lối đi chung nối kết giữa hai toà nhà của trường. Nhiều người cho rằng cầu nổi tiếng vì có kiến trúc khá giống với cây cầu Rialto ở Venice, Ý.
Còn có một câu chuyện vui khác liên quan đến cây cầu, là trong các lần kiểm tra sức khoẻ, sinh viên trường Hertford bao giờ cũng nặng ký nhất, do vậy nhà trường quyết định đóng cửa cây cầu để sinh viên phải dùng cầu thang bộ, coi như một phương cách để sinh viên vận động và giảm béo. Thế nhưng, nếu sử dụng cầu, các sinh viên sẽ phải leo nhiều nấc thang hơn so với lối đi khác.
Đây cũng là kiến trúc cầu vòm duy nhất ở Oxford, bao thế hệ sinh viên và cả những du khách đến rồi đi, đều ít nhất một lần tìm đến cây cầu than thở để được nghe và khám phá những chuyện kể, cùng vẻ đẹp cây cầu đã 100 năm tồn tại.
Bên cạnh những nét đẹp điêu khắc, kiến trúc Oxford có hai đại diện độc đáo mang dáng tròn đó là nhà hát Sheldonian và phòng đọc Radcliffe thuộc thư viện Bodleian. Nếu như Sheldonian dễ bị các nét điêu khắc của 13 tượng bán thân trang trí bên ngoài lấn át đi vẻ đẹp kiến trúc, Radcliffe thì ngược lại. Toà kiến trúc được hình thành từ 1749 này chính là một đại diện tiêu biểu đầu tiên của Anh khi đề cập đến việc xây dựng thư viện theo bố cục tròn.
Với kết cấu công trình phân thành ba tầng nếu nhìn từ bên ngoài, sử dụng nguyên liệu đá từ vùng Headington và Burford, ốp lát từ phần chân đế của kiến trúc, phối với phần mái vòm được phủ một lớp hỗn hợp chì có màu xám trắng, tạo sự tương phản màu sắc cộng với kiến trúc hình tròn khiến cho Radcliffe trở nên nổi bật hơn so với các công trình kiến trúc khác ở Oxford.
Những kiến trúc cổ ở Oxford liền kề, hết công trình này lại nối tiếp công trình khác, mà cứ mỗi lần diện kiến, lại là cơ hội khám phá thêm một chi tiết đẹp, một câu chuyện thú vị. Đó cũng chính là nét hấp dẫn của Oxford, thành phố đại học nổi tiếng trên vương quốc Anh.
Oxford cũng là địa danh hấp dẫn để khám phá vẻ đẹp từ các kiến trúc cổ
Các vị hiền triết với gương mặt, cảm xúc và bộ râu khác biệt trước nhà hát Sheldonian
Kiến trúc hình tròn nổi tiếng Radcliffe ở Oxford
Sông Cherwell ở Oxford nhìn từ cầu Magdalen
Cây cầu than thở của Đại học Hertford
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 101