Khu thư viện mini với 900 đầu sách và báo chí chuyên ngành nghệ thuật, thiết kế của các nhà xuất bản lớn trên thế giới mà Rich đã dành khá nhiều năm sưu tập
Là nghệ sĩ, tạo được một không gian làm việc cho riêng mình đã là một điều khó, thế nhưng xây dựng một không gian sáng tạo với mục đích chia sẻ và hỗ trợ các nghệ sĩ khác cùng làm việc là một việc khó hơn hết thảy. Người xây dựng không gian phải hiểu rõ nghệ thuật, hiểu rõ người làm nghệ thuật, và trên hết phải hiểu rõ yêu cầu công năng trang thiết bị và công cụ của từng phân đoạn công việc mà nghệ sĩ hoạt động trong môi trường nghệ thuật đa phương tiện đương đại cần có cho việc xây dựng nên một tác phẩm.
Richard Streitmatter–Tran với tư cách là một nghệ sĩ thị giác – giảng viên bộ môn nghệ thuật đa phương tiện tại trường RMIT, cùng với lòng nhiệt huyết dành cho việc phát triển nghệ thuật tại Việt Nam cũng như việc tạo cầu nối giữa các nghệ sĩ quốc tế trong cộng đồng lưu vực sông Mekong tới làm việc và trao đổi kinh nghiệm tại Việt Nam đã cố gắng xây dựng Studio Địa như một địa chỉ dành cho người làm nghệ thuật...
Bước vào không gian đầu tiên là một kệ sách dài với trên 900 đầu sách và báo chí chuyên ngành nghệ thuật, thiết kế của các nhà xuất bản lớn trên thế giới mà Rich đã dành khá nhiều năm sưu tập. Bên phải là một bàn làm việc gọn với máy tính, máy in dành cho việc truy cập thông tin in ấn... Phía sau là hai vách ngăn di động có thể di dời tuỳ thuộc công năng không gian khi cần. Với cách bố trí này, khu vực vách ngăn hoàn toàn hội đủ yếu tố để tổ chức các buổi triển lãm nghệ thuật nhỏ. Sau vách ngăn là khu vực chế tác với đầy đủ các dụng cụ chuyên dụng từ máy khoan, cưa cắt các loại cùng hệ thống hồ sơ được phân chia theo tên quốc gia và nghệ sĩ trong các dự án nghệ thuật mà Rich đảm trách. Bên trên là khu vực kho với giàn khung sắt khá chắc chắn, thang treo dành chứa các loại nguyên liệu cồng kềnh trong quá trình chế tác các tác phẩm lớn, giữa nhà là một bản copy tác phẩm Human trap mà Rich vừa triển lãm tại SMU Art Fest 2010 (Singapore). Một chiếc bàn dài dọc theo khung kính với hệ thống màn kéo lọc ánh sáng gắt. Khu vực còn lại là giá vẽ, màu vẽ, khu vực cất thiết bị điện tử, vật liệu v.v… và một bức vách đầy các phác thảo. Rich chia sẻ, trong thời gian tới anh muốn thử nghiệm với các dụng cụ chế tác kim hoàn, nên sẽ dọn ra thêm một góc cho các thiết bị và các loại hoá chất. Với diện tích nhỏ hẹp chỉ 66m2 và chi phí sửa chữa trang bị khoảng 3.000 USD, anh đã tạo ra biết bao công năng cho một xưởng nghệ thuật. Tôi thầm nghĩ cậu bạn mình chắc sẵn sàng xây luôn toàn bộ khu chế tác đa ngành như một trường mỹ thuật lớn nếu có đủ điều kiện… Hiện nay, Studio Địa đang kết hợp cùng tổ chức nghệ thuật NTSD (New Technologies for Sustainable Development) thuộc Cộng hoà Czech và Na Uy trong chương trình kết hợp cùng khoa nghệ thuật đa phương tiện của trường RMIT nhằm trao đổi môi trường làm việc, tìm hiểu nghệ sĩ Việt Nam với việc ứng dụng công nghệ vào tác phẩm nghệ thuật. Hiện nay, một cựu sinh viên thuộc RMIT đang làm việc cùng tổ chức này tại Cộng hoà Czech thông qua chương trình của Studio Địa.
Bên chiếc bàn trà thấp, ly trà ô long nóng và quyển sách hay trên tay, cùng âm nhạc từ bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng, tôi thật lòng khó ra về… Cuộc sống đẹp hơn rất nhiều khi ta được chia sẻ công việc, niềm đam mê trong một không gian đầy ắp tinh thần sáng tạo với những người bạn như thế. Hẹn ngày quay lại nơi này với tư cách là một nghệ sĩ trong dự án nghệ thuật của bạn.
Vách ngăn di động phân chia khu thư viện và studio tách biệt, có thể chuyển đổi các bức vách theo nhu cầu trưng bày và triển lãm nhỏ. Các tác phẩm của một nghệ sĩ quốc tế vừa trưng bày tại Studio Địa
Khu lưu trữ hồ sơ dự án phân chia theo tên các quốc gia mà Rich đang kết hợp. Khu chế tác với thiết bị chuyên dụng dành cho thi công các tác phẩm đa phương tiện
Vách ngăn được bọc một lớp đệm mousse dành cho việc ghim đính các bản phác thảo trong quá trình xây dựng tác phẩm. Bản copy tác phẩm Human trap mà Rich vừa triển lãm tại SMU Art Fest 2010 (Singapore). Mặt sau vách ngăn di động được tận dụng thiết kế thành kệ chứa tài liệu
Khu truy cập thông tin và in ấn
Khung cửa lấy sáng với hệ thống mành lọc ánh sáng chói
Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 51