Nhà trong thực tế
Nhớ lại, hồi tôi mới lập gia đình, vợ mới sinh con gái được hơn tháng, điều kiện kinh tế khó khăn, 2 vợ chồng chạy vạy vay mượn mấy chỉ vàng dựng tạm một mái nhà tranh trên nền đất ruộng. Mấy ông văn nghệ sĩ hay thi vị hóa mọi sự, bảo cái này là “Một mái nhà tranh hai quả tim vàng” hay “túp lều lý tưởng”. Đời không như là mơ, nên thực tế chẳng lãng mạn như văn thơ chút nào. Những hôm trời mưa, nước dột từ mái nhà chảy xuống đúng nóc mùng, phải lấy áo mưa che lên, khi nào nước đầy thì đẩy cho nước rớt xuống. Vợ chồng cả đêm không ngủ, ngồi bó gối trong mùng, hễ chỗ nào ướt thì xê dịch con sang chỗ khô ráo. Ai từng trải qua tình cảnh này mới thấu hiểu được tại sao ông bà ta lại nói, sống trên đời có 3 nỗi khổ: “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi!”.
Sau những ngày như vậy, bà xã thỉnh thoảng lại nhìn qua bên kia đường, nơi có căn nhà cấp 4, tường gạch lợp tôn của hàng xóm mới xây, rồi ao ước: “Không biết đến bao giờ mình mới có được căn nhà như thế kia!”.
Nhà có vị trí quan trọng như vậy nên chẳng phải tự nhiên mà người ta gọi vợ hay chồng mình là “nhà tôi”. Thi sĩ Bùi Giáng cả đời lang thang, phiêu bạt giang hồ, rày đây mai đó, cũng đã khẳng định điều này:
Mình ơi! Tôi gọi là nhà
Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi
Ngày xưa nhà thường lợp bằng tranh, rơm rạ, chỉ có những nhà khá giả mới được lợp ngói. “Nhà ngói ba tòa” tức là nhà rất giàu. Nhà tranh với nhà ngói khác nhau một trời một vực. Thế nhưng với mấy ông có tính ham vui, hám của lạ, hễ no cơm ấm cật lại dậm dật mọi nơi thì: “Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh!”.
Theo thời gian, nhà cũng phát triển theo đà tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và nền kinh tế xã hội của đất nước. Nghèo ở “nhà tranh vách đất”, nhà cấp 3 cấp 4, “nhà ổ chuột”, trong hẻm hóc, khu lao động, phải đi qua 5, 7 cái “xuyệt” mới đến nhà. Ở những khu này, mùa nắng thì nóng bức, ngột ngạt, bụi bậm mù trời, còn mùa mưa ẩm thấp, nước tràn vào nhà, có nơi ngập đến tận đầu gối.
Bây giờ để chỉ những người có gia thế khủng, con ông cháu cha, người ta hay nói là “nhà mặt phố, bố làm to”. Còn trước kia, để chỉ sự giàu có người ta thường sử dụng hình tượng “nhà lầu, xe hơi”. Cùng với sự phát triển của xã hội, thu nhập của người dân ngày càng tăng thì yêu cầu về nhà ở cũng cao hơn trước. Đối với nhiều người, nhà không chỉ đơn thuần là chỗ ở, sáng đi làm chiều về, mà còn phải là nơi để tận hưởng cuộc sống, với đầy đủ các yếu tố đẹp, tiện nghi, sang trọng như: sân vườn, bể bơi, phòng tập thể dục, phòng xông hơi… Phục vụ cho yêu cầu xây dựng những ngôi nhà hiện đại này đòi hỏi phải có những kiến trúc sư đẳng cấp, cộng với đội ngũ kỹ sư xây dựng chuyên nghiệp, lành nghề. Kiến trúc, thiết kế, xây dựng nội thất trở thành những ngành “hot”, thu hút đông đảo sinh viên của nhiều trường đại học.
Và nhà trong văn học, nghệ thuật
Từ xưa đến nay, nhà được đề cập đến rất nhiều trong văn học, nghệ thuật.
“Tam nguyên Yên Đổ” Nguyễn Khuyến, nổi tiếng là một vị quan có phẩm chất trong sạch, rất thanh liêm chính trực, khi từ quan về quê cũ ở ẩn trong ngôi nhà tranh giản dị, đạm bạc:
Năm gian nhà cỏ thấp le te/Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe…
Cụ Tú Xương thất thời, học tài thi phận, thi mãi vẫn không đậu, về quê dạy học, sống trong cảnh nghèo túng, nhà cửa tuềnh toàng, trống huơ trống hoác:
Nhà trống 3 gian, một thầy một cô một chó cái/ Học trò dăm đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi…
Nhưng có lẽ không ai nói một cách cụ thể, chi li ngôi nhà xiêu vẹo, rách nát của mình như cụ Nguyễn Công Trứ. Trong tác phẩm Hàn Nho Phong Vị Phú gia cảnh bần hàn, với ngôi nhà tiêu điều, tường đất trộn bùn rơm rạ, mái lợp cỏ dột tứ tung, cột kèo thì liêu xiêu, mối mọt ăn mục nát… được cụ mô tả thật chi tiết:
Kìa ai:/Bốn vách tường mo/Ba gian nhà cỏ/Đầu kèo mọt đục vẽ sao/Trước cửa nhện giăng màn gió/Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng/Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ/Đầu giường tre, mối dũi quanh co/Góc tường đất, giun đùn lố nhố/Bóng nắng dọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô/Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó…
Thời tiền chiến, nhạc sĩ Văn Cao có một ngôi nhà, nói theo ngôn ngữ bây giờ là nhà có view đẹp, cạnh bờ sông, gần gũi với thiên nhiên, hết sức thơ mộng, phù hợp với nhịp sống chậm (nhà kiểu này giờ rất là có giá):
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/Em đến tôi một lần/Bao lũ chim rừng/ Hợp đàn trên khắp bến xuân...
Hình ảnh ngôi nhà cũng hiện diện trong rất nhiều tác phẩm hội họa. Ở Việt Nam nói đến hội họa hiện đại không thể nhắc đến họa sĩ tài hoa Bùi Xuân Phái với hàng trăm bức tranh về phố cổ Hà Nội, mà người ta vẫn gọi là Phố Phái. Nhắc đến tranh Phố Phái, người ta có thể hình dung ra ngay những hình ảnh thân thương rất Hà Nội. Đó là những ngôi nhà cũ kỹ với mái ngói cổ kính, rêu phong, một vài gánh hàng rong, những góc phố nhuộm màu thời gian xưa cũ…
Một Hà Nội trầm mặc, tĩnh lặng với phố xưa, nhà cổ cũng là cảm xúc để nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ đưa vào tác phẩm của mình, như Trịnh Công Sơn với “Nhớ mùa thu Hà Nội” thật lắng sâu, khắc khoải:
Hà Nội mùa thu/Cây cơm nguội vàng/Cây bàng lá đỏ/Nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ/Mái ngói thâm nâu...
Hay Hà Nội với những căn nhà đổ nát, tan hoang trong chiến tranh được nhà thơ Phan Vũ và nhạc sĩ Phú Quang nhắc nhở trong một hoài niệm buồn nhưng cũng đầy lãng mạn, thơ mộng:
Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông/Ta còn em góc phố mồ côi mùa đông/Mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/Tan lễ chiều sao còn đọng tiếng chuông ngân…
Còn ở Nam bộ, tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, có một ngôi nhà cổ đã đã đi vào văn học và điện ảnh, đó là ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Ngoài giá trị về kiến trúc và lịch sử, ngôi nhà còn nổi tiếng bởi liên quan đến cuộc tình buồn của cô gái Pháp Marguerite Duras và chàng công tử người Việt gốc Hoa, Huỳnh Thủy Lê, vào những năm đầu thế kỷ XX. Sau đó, bà Marguerite Duras đã đem câu chuyện của mình viết nên cuốn tiểu thuyết L’Amant (Người tình). Tác phẩm được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới, và được chuyển thể thành phim cùng tên với diễn xuất của tài tử Hong Kong Lương Gia Huy. Năm 2008, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được chứng nhận là di tích cấp tỉnh, và đến năm 2009 được công nhận là di tích cấp quốc gia. Hàng năm ngôi nhà cổ này đón hàng chục nghìn lượt khách quốc tế đến tham quan.
Và một trong những bài hát được rất nhiều người ưa thích, tôi vẫn thường nghe mỗi khi nhớ về căn nhà cũ của mình là bài “Căn nhà xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn do ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày:
Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải/ Nơi những sớm mai nằm nghe nắng ròn trên mái/ Ở đó có những lũ sên bò quanh, có vết nứt rêu tường xanh…
Ngày xuân lan man chuyện nhà, hy vọng rằng, trải qua một năm khốn đốn vì Covid, trong năm mới cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, khó khăn, dịch bệnh bị đẩy lùi, giảm bớt đi, kinh tế hồi phục, khởi sắc, phúc lộc may mắn sẽ đến với mọi người, mọi nhà. Mong lắm thay!
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 188