Từ sổ tiết kiệm chỉ mười triệu đồng
Đầu năm 2006, sau mấy kỳ lãnh lương, tôi tiết kiệm được mười triệu đồng để “phòng thân” khi đau ốm hay về quê ở miền Trung thăm gia đình. Giữa lúc bối rối không biết cất tiền ở đâu vì để ở phòng trọ thì không an tâm, một chị cùng nơi làm khuyên nên đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Sau mấy đêm suy nghĩ, tôi quyết định tới ngân hàng để tìm hiểu cách làm sổ tiết kiệm.
Đi ngang qua đường Nguyễn Văn Trỗi, quận 1, tôi trông thấy một ngân hàng nên tấp xe vào. Khi đó, các ngân hàng còn ít, “nổi lên” và có thương hiệu chỉ có vài ngân hàng. Niềm tin đó tạo lập trong người dân đến bây giờ. Mười triệu đồng khi đó là tiền mổ hôi nước mắt nên tôi đếm ở nhà trọ rất cẩn thận và đẩy cửa bước vào.
Lần đầu tiên bước chân vào ngân hàng với bao bỡ ngỡ. Tôi hỏi mấy chị nữ nhân viên cách làm sổ tiết kiệm, nên gửi thời hạn nào và mức lãi ra sao. Tôi quyết định gửi kỳ hạn một tháng vì khi đáo hạn, tôi lại nhận lương để “bơm” thêm tiền vào. Lãi suất khi đó không quan trọng lắm vì tôi nghĩ đã có nơi “giữ giùm” tiền là tốt rồi, hơn là để ở nhà trọ lại dễ bị kẻ gian lấy mất. Sau khi ghi CMND, đếm tiền, các chị ấy cấp cho tôi một quyển sổ tiết kiệm, có bọc bìa nhựa bên ngoài để khỏi bị ướt. Tôi đem quyển sổ tiết kiệm về nhà trọ giấu kín trong tủ, cứ vài bữa lại lấy ra xem đến hạn giao dịch tiếp hay chưa.
Từ ngày có sổ tiết kiệm, tôi lao vào công việc. Cứ mỗi tháng dư ra vài triệu, tôi lại ra ngân hàng gửi thêm vào. Nhiều tháng sau, số tiền ban đầu được cộng dồn tiền và lãi suất nên “nhảy” lên 20, 30, rồi 50 triệu đồng. Sau nhiều năm trời ròng rã tiết kiệm “ăn không dám ăn, mặc không dám mặc”, cuối năm 2011, nhờ sổ tiết kiệm cộng với gia đình “chi viện”, vay mượn bạn bè, tôi quyết định mua một căn hộ cũ tại P. Phước Long B, quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức) để thoát khỏi “đời gác trọ”, với giá 600 triệu đồng.
Đến căn hộ mơ ước
Thế là tôi đã có một chỗ an cư giữa một thành phố sôi động và náo nhiệt. Ngày đầu tiên nằm trong căn hộ của mình, tôi nghĩ về số tiền 10 triệu đồng đầu tiên nhờ ngân hàng giữ hộ. Qua suốt nhiều năm, nó đã “sinh sôi” dần. Nhờ căn hộ này, tôi đã có sổ hộ khẩu và CMND tại Sài Gòn sau bấy nhiêu năm mơ ước.
Còn nhớ cách đây tròn chục năm, khi đó đất nền ở quận 9 còn rất rẻ, người ở thưa thớt chứ không sầm uất như bây giờ. Giá đất nền tương đương một căn hộ đã hoàn thiện. Cuộc sống ở chung cư của tôi rất mát mẻ vì ở lầu 7, gió thổi mát lạnh, không cần dùng máy lạnh và quạt như nhà phố. Tối đến, sau khi ăn cơm, tôi lại xuống dưới đất để đi bộ, hóng mát hoặc tấp vào một quán cà phê trong cùng khu chung cư để uống nước, xem đá bóng.
Thế rồi “từ phương trời chẳng hẹn quen nhau”, dân trong các block của chung cư đều là người trẻ, chủ yếu là dân ngoại tỉnh nên dễ thông cảm và đồng cảm với nhau. Tôi có rất nhiều bạn mới. Họ hay ghé căn hộ cùng xem thời sự mỗi tối. Cánh cửa căn hộ luôn rộng mở và rộn ràng nụ cười. Các nhà bên cạnh khi có quà quê thì luôn cho qua, cho lại giống như ở quê vậy. Tới bữa cơm thiếu trái ớt hay gạo thì họ không ngại ngần mượn nhau.
Tôi có những người bạn ở các block đối diện. Hễ khi đi làm về, tôi mở rèm cửa đón gió thì bạn của tôi sẽ gọi để sang chơi, tối cuối tuần hay tụ tập. Các buổi sáng sớm, chúng tôi gọi nhau dậy để chạy bộ, đá banh cho khỏe người. Dù cách quận 1 hơn 20km, tối đến thường vắng vẻ nhưng tình người ở đây rất nồng nàn vì “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Suốt nhiều năm ở đây, tôi không hề thấy ai chửi mắng hay nặng lời với nhau vì họ xem nhau là anh em từ khi nào chẳng rõ. Hễ gặp nhau ở hành lang là chào hỏi “rổn rảng”, bắt tay thật chặt và nở nụ cười trên môi thật tươi. Đi về tới chung cư sau một ngày đi làm, chúng tôi đều ngủ một giấc thật say nồng vì mát mẻ.
Thế nên ở chung cư cũng có những nét hay của nó. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên được của mỗi người. Yêu thời ở chung cư, tôi chợt nhớ nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn…” (bài thơ Tiếng hát con tàu). Nhờ sự bao dung trên mảnh đất Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh mà tôi đã có nơi an cư, cả một tổ ấm mà cứ ngỡ như trong mơ.
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 191