Bài dự thi: Mái hiên - Nhà của cha - Tình yêu của tôi

Lượt xem: 2589
10/11/2023 7:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - MINH TUỆ

Đó là ngôi nhà mà cả đời cha tôi mơ ước bởi nó không chỉ là nơi che nắng mưa mà còn phải mang đến niềm vui cho mỗi người, tạo ra sự ấm cúng và thoải mái trong gia đình. Với tôi, căn nhà đẹp không nhất thiết phải tiện nghi hiện đại mà nó phải phù hợp với văn hóa dịa phương và tiện ích cho sinh hoạt gia đình và nhất là luôn nuôi dưỡng được tâm hồn của mỗi người ở trong đó.

 
Nhà tôi ở vùng ngoại ô, cách  trung tâm Hà Nội chưa đầy 20 cây số, cuộc sống mấy chục năm qua đã thay đổi rất nhiều vì tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng. Tuy vậy nhưng gia đình tôi vẫn giữ được nếp nhà, không chỉ là gia phong mà cả cái kiến trúc cũ của một ngôi nhà truyền thống ở làng quê Bắc bộ. Đó là ngôi nhà mà cả đời cha tôi đã tạo dựng và giữ gìn để cho con cháu mình được vui sống trong điều kiện tốt nhất. Theo cha tôi, ngôi nhà đẹp phải nhìn tổng thể từ bên ngoài, đặc biệt là từ cái hiên xuống sân vườn. Cái hiên rộng và cao cùng với bậc tam cấp lát đá granit khiến ngôi nhà của tôi nhìn thoáng rộng và đẹp hơn. Được thiết kế và xây dựng từ đầu những năm 1980 của thế kỷ trước với hình chữ “L” và có hai cột trụ  vững chắc để ngôi nhà vừa có phong cách truyền thống, vừa pha nét hiện đại. Ở nông thôn, kiểu nhà này cần đất rộng và phù hợp với lối sinh hoạt mọi thời đại.
Cái sân rộng, lát gạch đỏ chống rêu mốc làm tôn lên ngôi nhà thêm tươi sáng. Trước kia, khi nhà còn làm nông nghiệp và trồng lúa thì cái sân để phơi thóc, phơi rơm rất rộng rãi. Sau này, khi hết ruộng rồi thì làm nơi để xe cho cả nhà sớm tối đi về. Cái sân thềm rộng ở quê khiến người ta sống cởi mở hơn chứ không bị vô cảm như khi sống trong những bức tường chật hẹp ở thành phố. Điều đó giống như những con dế bị nhốt trong cái hộp giấy mà cánh đồng cỏ xanh chỉ được gặp trong giấc mơ. Bởi vậy mà người ở quê thuộc thế hệ của ông bà, cha mẹ tôi cứ sống chân chất, mộc mạc và hồn hậu đến thế.
 

 
Cha tôi đã lên chức ông nội, ông ngoại vẫn tự tay làm xích đu, trồng giàn hoa và xây khu tiểu cảnh để cái sân trở thành niềm vui của cả nhà. Mỗi chiều, lũ trẻ chơi cầu lông, tập xe đạp và nô đùa vui vẻ trên cái sân gạch thoáng rộng ấy. Những buối tối mùa hè, mẹ tôi thường hay dọn mâm cơm lên ngồi ở cái hiên lát gạch men mát rượi và cả gia đình cùng nhau ăn uống ngon miệng. Trước đây, những buổi tối mất điện, cả nhà lại trải chiếu ra hiên ngủ, gió thênh thang mát rượi cả đêm hè. Giờ cha đã về hưu, thường gọi mấy ông bạn già quanh xóm sang nhà chơi cờ và bàn chuyện xã hội. Ngồi ở góc hiên nhà, vừa uống trà và ngắm hoa, vừa nhìn lũ con cháu vui vầy là cha mừng lắm.
Ở quê, tiện nhất là khi gia đình việc như cưới xin, cỗ bàn thì cái sân rộng để bày biện thoải mái. Một góc sân dùng để nhặt rau, làm cỗ, còn lại để dựng rạp, kê bàn mời khách đến ăn uống. Nông thôn mới dù đã công nghiệp hóa và đang bị đô thị hóa nhưng vẫn sống theo lối “tối lửa tắt đèn có nhau”. Nhà ai có sân là cho nhau mượn để dùng khi có công việc. Có cái sân thềm mát và rộng để mọi người ngồi sum họp bên nhau chuyện trò chứ không ngồi một mình ôm điện thoại để tâm sự với nhau trên không gian ảo. Thời hiện đại, khi đất chật người đông như thế này mới thấy cái sân thềm nhà là khoảng trống vô cùng quý giá mà chúng ta phải biết trân trọng giữ gìn. 
Làng tôi giờ đã giàu có hơn nhiều và điều đó cũng đồng nghĩa với không gian sống ngày càng bị thu hẹp. Do sự biến đổi của kinh tế và xã hội mà nhà ở của các gia đình cũng ngày càng bị chật hơn. Cũng trăn trở với những thứ được và mất nhưng gia đình tôi vẫn giữ được khoảng sân thềm với ngôi nhà tâm huyết của cha. Trong làng, xã, nhiều nhà chia đất, cắt lô để bán hoặc xây nhà trọ cho công nhân, xung quanh bốn bề là những mái tôn kín mít phả hơi nóng xuống những mái hiên nhà cũng đã bị thu hẹp theo thời gian. Ở quê nhưng giờ nhà nào cũng hình ống và cửa đóng then cài cả ngày, nhìn một lượt mà khó có thể tìm thấy một nếp nhà có đủ sân vườn như trước đây. 
Trong mấy năm dịch bệnh Covid hoành hành mà nhờ có cái sân thềm thoáng rộng nên cả nhà tôi cũng đỡ buồn chán vì những ngày tháng dài cách ly. Bỏ qua lợi nhuận kinh tế, gia đình tôi vẫn giữ được ngôi nhà ấy suốt mấy chục năm qua, ở đó cha tôi tìm được sức khỏe và niềm vui tuổi già bên những người thân yêu của mình. Những thứ đó, dù có nhiều tiền bạc hay nhiều khu nhà trọ cộng lại cũng không bao giờ đánh đổi được.
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 209