Trở lại Ka Đơn

Lượt xem: 6603
24/12/2018 0:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS Tuấn Hà ảnh Quốc Thống - Hảo Huỳnh

Tôi đã từng ghé nhà thờ Ka Đơn vào năm ngoái, sau khi công trình được khánh thành và bắt đầu được nhiều người trong nghề biết đến, dù nó nằm vị trí khá heo hút. Đó là nơi các nhà thiết kế, dân địa phương và những người quản lý - sử dụng đã làm được nhiều hơn công việc của những người tạo dựng ban đầu.

 

 
Khi tôi hỏi Linh mục Ngọc vì sao tất cả ghế trong nhà nguyện đều không có lưng dựa, câu trả lời thật giản dị: vì bà con người Chu Ru ai cũng có gùi sau lưng, làm ghế dựa sẽ vướng víu! Và hơn nữa, không gian Thánh lễ được quan niệm là phòng sinh hoạt đa năng, những băng ghế nhẹ nhàng sẽ dễ sắp xếp mà không tốn nhiều công sức, thời gian di chuyển
 
Thay vì chỉ giới hạn trong hình khối, công năng đúng với những gì “nhiệm vụ thiết kế” đòi hỏi, nhà thờ Ka Đơn lại kèm theo quà tặng vô giá cho những ai yêu mến thiên nhiên Lâm Đồng một vùng cảnh quan như không có giới hạn về rào chắn, tràn ngập cảm xúc chung quanh, bên trên, lẫn bên dưới bộ mái giản đơn mà ấn tượng này.
Thực sự lần trở lại nơi đây cuối tháng 11 qua, ấn tượng sâu đậm của tôi không nằm ở cấu trúc và nội thất nhà thờ như lần đầu ghé thăm nữa, mà hướng về không gian cảnh quan và cuộc đối thoại giữa cảnh quan với công trình. Dù là dân trong nghề nhìn nhận với thái độ “hết sức bình tĩnh”, dù còn nhiều ý kiến khác theo kiểu “giá như, tiếc rằng...” mang tính phản biện, thì phần bao cảnh chung quanh đã khiến tôi cảm thấy hình khối và chi tiết của tòa nhà chính cũng như tháp chuông phía sau nhà thờ vừa như được thăng hoa bay bổng, mà lại như vừa… biến mất vậy. Giống một dàn nhạc chơi quá khéo, quá chuyên nghiệp, không chỉ biết nâng đỡ giọng hát chính mà còn có thể ngẫu hứng tài hoa khiến khán giả thực sự ngất ngây bởi sự chỉnh chu và sáng tạo đó. Bạn chưa tin ư, thì thử xem nhé:
Này đây, bạn đã vòng vèo theo con đường bắt đầu rực sắc hoa dã quỳ để ngày càng xa dần những gì gọi là phố thị, để phần thưởng sau chặng đường dài là thu vào tầm mắt trọn vẹn một khoảng thung lũng thoáng rộng. Gần hơn chỗ xe dừng là mấy tảng đá thô sơ như cột mốc báo hiệu, và gần hơn chút nữa là tấm bảng ghi “Nhà thờ giáo xứ Ka Đơn” trên nền gỗ nguyên vỏ xù xì. Cách đó mấy bước chân, dãy nhà ăn, nhà học cho các trẻ mồ côi được giáo xứ nuôi dưỡng khiến bạn phải sững lại thoáng chốc: những đối tượng phục vụ của công trình, những thiên thần nhỏ đang tung tăng bên núi đồi!
Tiếp đến, bạn rẽ qua để tìm chỗ đậu xe mà thực ra cũng chẳng cần phải vậy, vì không có hàng rào lẫn ranh giới cố định nào, bạn cứ khéo đừng giẫm đạp hoa cỏ, thì sẽ gặp ngay một dãy nhà lợp tôn khung gỗ đơn giản,  đó vừa là các phòng phục vụ của nhà thờ, vừa là dãy nhà mang chức năng “Bảo tàng văn hóa Chu Ru”, như một phần thưởng cộng thêm cho bất kỳ ai tìm đến đây không phải chỉ vì nghe danh công trình đạt giải, không chỉ vì kiến trúc chính có ấn tượng này ý tưởng kia. Dãy nhà này tuy gọi là phụ nhưng lại góp phần hoàn thiện tổng thể bởi công năng hợp lý phục vụ cho cộng đồng và không quên lưu giữ văn hóa bản địa. 
 
 
 

 

 
Nội thất nhà trưng bày và hành lang nhà xứ. Hệ cột bên ngoài tuy mảnh dẻ nhưng tạo thành nhịp điệu của không gian thánh lễ, giữ ý nghĩa ban sơ về một nơi cầu nguyện. Mái hiên dài bao quanh này đồng thời là nơi hàng ngày cho trẻ em dân tộc học hành, chơi đùa không ngại mưa nắng

Thế rồi, bạn tha thẩn trong không gian văn hóa Chu Ru để đọc thêm và hiểu thêm về những lý do mà công trình (dù bạn chưa đi xem tiếp) lại có giải pháp như thế, chạm vào những viên đá đặt móng đầu tiên, hiểu lý do vì sao nhà thờ không hề có bậc thềm hay cổng rào để luôn đón chào các bàn chân trần đi về từ nương rẫy, không hề có trang trí tranh tượng tôn giáo theo lối thông thường mà chỉ là mảng phù điêu gỗ thật tối giản.
Dĩ nhiên vẫn còn đó những lời tạ ơn khẽ khàng chân thành, như chính kiến trúc này, đủ để bạn hiểu và biết trân trọng hơn các giá trị sáng tạo, các tương tác về không gian hỗ trợ liên ngành mà nếu thiếu tất cả những điều đó thì mãi mãi nhà thờ Ka Đơn chỉ nằm trên bản vẽ như một đồ án tốt nghiệp sinh viên thuần túy. Đến nơi, trải nghiệm, cảm nhận, và bắt đầu hiểu ra rằng: bất kỳ giải thưởng nào nếu thiếu sự đóng góp nghiêm túc và tương tác tốt giữa các bên, nếu chỉ là những tấm ảnh khéo chụp, thì ắt sẽ rỗng ruột và xuống cấp thảm hại mà không cần chờ tác động của thời gian, nói cách khác là thất bại về thực tế sử dụng ngay sau khi nó được khánh thành hay trao giải. Ka Đơn thì không thế, và tôi tin là tất cả những ai ghé lại đây đều chung một ý nghĩ này, đơn giản vì Ka Đơn không hoàn toàn là sáng tạo đơn lẻ của bất kỳ ai, không bị một kiểu lập ngôn to tát hay “tư tưởng thiết kế” nào áp đặt.
Khi hiểu dần ra những điều ấy, bạn sẽ làm gì?
Còn tôi, tôi đã phải ngồi xuống một tảng đá ven vạt cỏ xanh ngắt rực nắng như ai vô tình bỏ quên ven đường, hít một hơi dài mùi cỏ hoa còn vương sương sớm, xem lại những tấm ảnh vừa chụp như không tin vào mắt mình, và tự nhủ, tự hỏi: Bao giờ thì nghệ thuật cảnh quan, kỹ thuật hoàn thiện bao cảnh, thiết kế sân vườn cho các công trình hoành tráng tiêu tốn tiền tỷ ở nhiều địa phương của chúng ta mới biết dành “đất” để thể hiện được những ý tưởng thật tự nhiên tự tại như thế này? Bao giờ thì một số chủ đầu tư xứ Việt mới thôi loay hoay với mấy hòn non bộ, chậu bonsai đắt tiền, sắp xếp hỗn tạp đủ các linh thú ngoại lai xa lạ? Bao giờ các trọc phú nơi phố thị mới bớt khuân về vô vàn kỳ hoa dị thảo bị tận diệt từ núi rừng, mà chịu hiểu rằng thiết kế cảnh quan thực ra là trả lại cho thiên nhiên những gì vốn có, thổi hồn cho kiến trúc hòa nhịp đập với mảnh đất nơi nó đang ăn nhờ ở đậu. Có vậy, nghề kiến trúc mới được định dạng đúng chức năng là nghề tổ chức không gian gắn liền với cuộc đất - địa phương - điều kiện cụ thể và ý tưởng, có sáng tạo riêng biệt trong những ràng buộc chặt chẽ, chứ không phải là sự sao chép hàng loạt, chung chung, đơn điệu và hao tốn? 
Bao giờ ? 
 
 
 
Ka Đơn chẳng bậc thềm, chẳng tiền sảnh, chẳng cột trụ hoành tráng
 
 
 
 
Không gian nhà thờ có thể mở rộng đủ cho hơn 2.000 người. Không có cổng vào, chẳng cần hàng rào, đơn sơ tấm bảng gỗ ghi tên mộc mạc
 
Địa điểm: Giáo xứ Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng 
Chủ đầu tư: Giáo Xứ Ka Đơn, Người đại diện: Linh mục Nguyễn Đức Ngọc 
Thiết kế: VN Art Arc 
Kiến trúc sư: ThS.KTS Nguyễn Tuấn Dũng, ThS.KTS Vũ Thị Thu Hương 
Các cộng sự: KTS Lương Thị Huyền Diệu, KTS Nguyễn Hà Thắng, KTS Bùi Viết Huy, KS Vũ Trường Giang, ThS.KS Nguyễn Huy Ân, KS Nguyễn Hữu Thơ 
Cố vấn thiết kế: GS.KTS Finn Geipel, GS.KTS Claus Zillich từ Phân viện Kiến trúc - trường Đại học Kỹ thuật Berlin (CHLB Đức) 
Cố vấn phát triển và thực thi dự án: GS.KTS Rainer Mertes từ Phân viện Kiến trúc - trường Đại học Kỹ thuật Berlin (CHLB Đức) 
Cố vấn kết cấu: GS.KS Eddy Widjaja từ khoa Kiến trúc - trường Đại học chuyên nghiệp Beuth (Berlin, CHLB Đức) 
Lễ đặt viên đá đầu tiên (khởi công xây dựng): ngày 13.12.2009 
Lễ khánh thành và Cung hiến: ngày 13.7.2014 
Giải thưởng Kiến trúc Thánh châu Âu lần IV – 2011
Ngôi nhà thờ với kiến trúc khác biệt đã có ảnh hưởng tích cực đến quan niệm về kiến trúc của vùng miền, như lời Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đã nói khi ghé thăm: “Đây là một kiến trúc mang đậm bản sắc địa phương, biết tôn tạo những giá trị bền vững và làm toát lên tinh thần của người Kitô hữu hôm nay. Qua công trình này có thể thấy tác động tích cực đến tư duy kiến trúc của các công trình nhà thờ hiện nay rằng: đừng quá chạy theo lối mòn của tư duy hiện đại mà đánh mất đi tính mộc mạc và gần gũi mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta”.
“Sự trở lại của hồn địa, thiết kế nhà thờ Ka Đơn” là đồ án tốt nghiệp, sau đó trở thành luận văn cao học chuyên ngành kiến trúc tại Đại học Kỹ thuật Berlin, Đức của 2 KTS Nguyễn Tuấn Dũng và Vũ Thị Thu Hương. Công trình khi thành hiện thực có sự đóng góp của nhiều giáo sư, kiến trúc sư, kỹ sư từ Đức và Việt Nam, cùng với hàng chục ngàn giờ lao động của cư dân bản địa, và nhận Giải thưởng Kiến trúc Tôn Giáo - Kiến trúc Thánh (Fondazione Frate Sole lần thứ IV, năm 2011 tại Italia ). (Xem thêm về giải thưởng tại http://ashui.com/mag/congdong/kien-truc-su/5760-thiet-ke-nha-tho-ka-don-gianh-giai-thuong-kien-truc-thanh-chau-au-2011.html)
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 115