Những sai lầm phổ biến
Những sai lầm này không phải là mới, cũng không phải là điều gì quá khác thường, dị biệt khó nhận biết; nhưng vẫn thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thái độ và cách thức làm việc bảo thủ, lạc hậu và suy nghĩ chủ quan duy ý chí của chủ nhà. Có thể liệt kê và tóm tắt những sai lầm phổ biến như sau:
- Làm nhà không có thiết kế/Thiết kế không có chuyên môn
Mặc dù hiện nay, thị trường thiết kế nhà ở đã rất sôi động và phong phú, nhưng nhiều chủ nhà vẫn làm nhà mà không có thiết kế của người có chuyên môn - kiến trúc sư. Có nhiều lý do về vấn đề này: Có thể là tiết kiệm kinh phí, có thể do suy nghĩ rằng nhà mình nhỏ, đầu tư ít, không cần thiết kế, có thể chủ nhà cho rằng mình có năng lực tự thiết kế… Thực tế, có rất nhiều công trình xây dựng theo kiểu này: Không có thiết kế - khi xây dựng chỉ áng chừng ở công trường rồi làm trực tiếp, đến đâu hay đến đấy. Có công trình thì có thiết kế nhưng không phải là thiết kế của kiến trúc sư; có thể chủ nhà tự vẽ ra, hay ông thầu nào đó mách nước, hay cóp nhặt mỗi nơi một mẫu ghép vào nhau. Tất nhiên những bản vẽ này là nghiệp dư, thiếu tính khoa học và thẩm mỹ kiến trúc, càng thiếu yếu tố kỹ thuật quan trọng. Một vấn đề quan trọng ở khía cạnh kỹ thuật là bộ môn kết cấu. Các dạng nhà xây không thiết kế hoặc thiết kế kiểu nghiệp dư thường không có bản vẽ kết cấu, mà làm theo kinh nghiệm; dễ rơi vào hai trường hợp: Thứ nhất là làm kết cấu không chuẩn, thiếu an toàn; Thứ hai là làm “quá” lên để đảm bảo an toàn, gây lãng phí không cần thiết. Trường hợp sau còn có thể gây những phiền toái về không gian kiến trúc do bố trí quá nhiều dầm cột. Không có thiết kế hay thiết kế không có chuyên môn gây khó khăn cho quá trình thi công và chắc chắn sản phẩm cuối cùng không thể là sản phẩm tốt. Công trình kiến trúc là một sản phẩm tổng hợp, bao gồm cả yếu tố công năng, thẩm mỹ, kỹ thuật; cũng là sản phẩm liên ngành với các bộ môn kỹ thuật khác nhau: Kiến trúc, kết cấu, điện-nước, nội thất…; vì vậy cần một bản thiết kế hoàn chỉnh của các kiến trúc sư và kỹ sư chuyên ngành. Không có thiết kế hay thiết kế không có chuyên môn là sai lầm hàng đầu của chủ nhà!
- Chạy đua theo trào lưu không đúng nhu cầu thực sự
Nhiều chủ nhà trước và trong khi làm nhà tham khảo rất nhiều phong cách, xu hướng trên sách báo, các trang mạng. Thông tin bây giờ thì rất sẵn và có những ảnh hưởng nhất định, có những tác động tới ý thích của chủ nhà. Từ đó, họ đưa ra yêu cầu làm theo những kiểu, phong cách mà họ thích, nhưng thực sự không phải nhu cầu của mình và gia đình. Trào lưu hiện có nhiều phong cách, có cái “dễ tính” dễ có sự hòa hợp nhưng có những cái “khó tính” không phải ai cũng “chơi” được. Ví như có chủ nhà đòi làm bể cá koi theo mốt nhưng không có thời gian, kỹ năng để chăm sóc nên cuối cùng cá chết, bể bỏ không. Có người thì làm nhà theo phong cách tối giản cho thời thượng nhưng thực tế thói quen, nếp sống, lối sống không thể phù hợp được để tạo nên những không gian tối giản và kiến trúc tối giản… Cuối cùng tất cả lưng chừng, lỡ cỡ. Sai lầm này cũng khá phổ biến.
.jpg)
- Bắt kiến trúc sư vẽ theo ý mình
Nhiều chủ nhà thuê kiến trúc sư, thuê văn phòng thiết kế để thiết kế nhà cho mình nhưng lại áp đặt, bắt vẽ theo ý mình. Việc làm này có vẻ như thỏa mãn nhu cầu của chính mình nhưng thực ra là một sự… dại dột. Bởi vai trò của kiến trúc sư là sáng tạo, chứ không phải là thợ vẽ, họa viên. Kiến trúc sư - nếu làm việc này chắc chắn là làm cho xong, không có cảm hứng sáng tạo và đó chính là thiệt thòi cho chủ nhà. Chủ nhà, dù có đọc, có tham khảo, hiểu nhiều về kiến trúc cũng không thể bằng kiến trúc sư được đào tạo chuyên nghiệp để thiết kế. Do đó, những ý tưởng hay giải pháp của chủ nhà đưa ra chắc chắn có hạn chế, không phải là tối ưu. Kiến trúc sư có cái nhìn tổng quát sẽ có những ý tưởng và giải pháp hay hơn, phù hợp trên nhiều phương diện.
- Phó mặc cho kiến trúc sư
Ngược lại việc áp đặt cho kiến trúc sư thì nhiều chủ nhà lại phó mặc cho kiến trúc sư; kiến trúc sư bảo gì, vẽ thế nào cũng ừ, cũng gật. Tin tưởng người có chuyên môn là tốt nhưng phó mặc hoàn toàn không phải là cách làm hay và hiệu quả. Bởi ngôi nhà là của mình, mình phải có những nhu cầu, mong muốn chính đáng làm đề bài cho kiến trúc sư giải. Chủ nhà phải cùng kiến trúc sư lập nhiệm vụ thiết kế, song hành cùng kiến trúc sư trong giai đoạn thiết kế thì kết quả mới tốt. Nhiều kiến trúc sư đã lợi dụng những chủ nhà như thế này để làm công trình “độc”, ấn tượng khi hoàn thành, đem lại tiếng tăm cho mình nhưng lại gây khó, không phù hợp với chủ nhà, thậm chí gây nhiều tốn kém cho chủ nhà. Những trường hợp như thế này, trách kiến trúc sư thì cũng phải trách chủ nhà trước vì đã không đóng vai chủ nhà chuyên nghiệp.
- Quá lệ thuộc vào phong thủy
Phong thủy là một nhu cầu chính đáng và phong thủy không xấu. Bản chất của phong thủy là kiến tạo nên môi trường sống tốt lành, khắc phục những nhược điểm. Phong thủy không phải mê tín dị đoan kỳ bí và bất biến. Phong thủy ở phương diện nào đó rất gần với vật lý kiến trúc và tâm lý con người. Trong việc xây dựng công trình kiến trúc, phong thủy chỉ là một phần, một kênh để tham khảo chứ không phải là tất cả; và càng không phải thứ để triệt tiêu khoa học kiến trúc - xây dựng. Thế nhưng nhiều người vẫn mù quáng với phong thủy, yêu cầu kiến trúc sư làm những thứ tréo ngoe, xung đột với kiến trúc. Cần phải hiểu rằng phong thủy rất linh hoạt và nếu có những chỗ chưa thuận thì cũng có rất nhiều cách khắc chế. Quá lệ thuộc vào phong thủy sẽ làm giảm tính sáng tạo của kiến trúc và khiến cho sản phẩm - ngôi nhà có nhiều khiếm khuyết trong công năng sử dụng cũng như kỹ thuật.
- Quá tham diện tích sử dụng
Dễ thấy, khi trao đổi với kiến trúc sư về phương án thiết kế mặt bằng công năng sử dụng, câu hỏi của nhiều chủ nhà đặt ra là: Phòng này bao nhiêu m2, chỗ kia bao nhiêu m2… Và rất nhiều chủ nhà yêu cầu làm thế nào rộng nhất có thể. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi ai cũng thích rộng, và trong thời buổi tấc đất tấc vàng thì tận dụng tối đa diện tích là nhu cầu thực. Nhưng kiến trúc không chỉ là diện tích mặt bằng, kiến trúc còn là kiến tạo không gian, tạo dựng môi trường cảnh quan, là ánh sáng, thông gió, chống nóng… Tham diện tích nhà nhưng mất đi khoảng sân nhiều ý nghĩa, tham diện tích phòng nhưng mất đi cái giếng trời giúp chiếu sáng và thông gió, tham một chút diện tích xây tường đơn thay vì tường đôi làm giảm khả năng chống nóng - có khi là mất nhiều hơn được. Vì lẽ đó, nếu cứ tham diện tích mà mất đi những yếu tố làm ngôi nhà tiện nghi hơn, thẩm mỹ hơn, môi trường tốt hơn thì cũng là sai lầm.
.jpg)
- Tham khảo quá nhiều người bên ngoài
Nhiều chủ nhà khi có thiết kế trong tay, dù ở giai đoạn sơ bộ hay thiết kế kỹ thuật thi công, hay thậm chí đang thi công rồi cũng cầm hồ sơ, hay dẫn đến công trường hỏi hết người này đến người kia, từ ông hàng xóm đến ông bạn, ông thầu xây dựng… Điều này dễ dẫn đến hậu quả tiêu cực. Thứ nhất là đã thuê kiến trúc sư thiết kế thì nên tin tưởng, nếu như kiến trúc sư thấy mình không được tin tưởng thì sẽ khó hợp tác. Thứ hai là khi đã hỏi người này người kia thì sẽ có lắm ý kiến; mà người xưa đã nói “lắm thầy thối ma”. Tâm lý người được hỏi thì luôn tỏ vẻ ta đây hiểu biết, phải có những ý kiến, chê bai gì đó, dù có khi chả có tí chuyên môn hay kinh nghiệm nào. Khi đó chủ nhà sẽ rối lên, loạn đầu vì những thông tin mới. Có chủ nhà thì phần kiến trúc nghe ông thầu nề, phần cửa nghe anh thợ gỗ, phần lan can nghe anh thợ sắt… Cuối cùng cái kết quả “hỗn hợp” đó không ra đâu vào đâu! Tất nhiên chủ nhà có quyền hỏi, tham khảo, nhưng cần tìm đến người có chuyên môn, chính trực, khách quan (và không cần nhiều người), để có những phản biện tích cực và khoa học. Từ đó bản thân tổng hợp và đưa ra những yêu cầu chính đáng cho kiến trúc sư điều chỉnh hoặc tìm giải pháp phù hợp.
- Không tìm hiểu kỹ về các quy định xây dựng công trình
Công trình xây dựng nói chung hay nhà ở nói riêng đều chịu sự tác động, ảnh hưởng bởi luật liên quan như luật Quy hoạch, luật Xây dựng. Chính vì vậy, khi xây nhà, nhất là nhà ở trong đô thị, chủ nhà cần tìm hiểu và nắm rõ những điều khoản liên quan như chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, số tầng, tổng chiều cao công trình… Những thông số, thông tin này cũng là cơ sở để lập nhiệm vụ thiết kế và lập hồ sơ xin phép xây dựng. Nhiều chủ nhà không nắm rõ các thông tin này, cứ yêu cầu bên thiết kế làm theo ý chủ quan; rồi cuối cùng phải thay đổi, chỉnh sửa hồ sơ thiết kế rất mệt mỏi. Có nhiều trường hợp đã thi công rồi mà bị “tuýt còi” vì sai các quy định xây dựng, phải điều chỉnh trực tiếp tại công trường thì thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
- Tự ý sửa thiết kế
Xây nhà có hồ sơ thiết kế, nhưng chủ nhà lại sửa thiết kế theo ý mình. Điều này cũng thường xuyên xảy ra. Có nhiều lý do để làm việc này: Có thể chủ nhà bị kiến trúc sư áp đặt, nhưng không phản kháng lại được, chấp nhận để kiến trúc sư vẽ như vậy, rồi sau tự sửa. Cũng có thể giải pháp trong thiết kế tốn kém quá, thay đổi thì đỡ tốn hơn, cũng có thể khi thi công phát sinh vấn đề thực tế ở công trường mà làm theo thiết kế không được, nên phải sửa… Dù là thế nào thì việc chủ nhà tự ý sửa thiết kế cũng làm kiến trúc sư rất không hài lòng, cảm thấy không được tôn trọng. Và bên cạnh đó, cần nói thêm là thiết kế - thi công công trình là một công việc chuyên môn với nhiều bộ môn, liên quan đến nhau nên sửa cái này có thể liên quan đến nhiều cái khác mà chủ nhà chưa biết hoặc không hình dung ra được. Từ đó có thể dẫn tới các hậu quả tiêu cực khác nhau.
- Không trù liệu đúng thời gian/Không chuẩn bị kỹ các công đoạn thi công
Xây nhà là công việc lớn, thời gian kéo dài, có thể từ vài tháng, có khi vài năm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Nhân lực, cung ứng vật tư, thời tiết, kế hoạch thiết kế-thi công… Chính vì vậy, khi xây nhà, việc quan trọng là phải lập được kế hoạch, tiến trình thời gian thật cụ thể, rõ ràng thì mới thực hiện được đúng tiến độ. Có những chủ nhà dự định sau Tết làm nhà (như lẽ thường), nhưng ra sau Tết mới tìm người thiết kế. Tìm được người thiết kế đã mất một khoảng thời gian, chốt được phương án sơ bộ thêm một khoảng thời gian nữa, rồi triển khai thiết kế kỹ thuật, xin phép xây dựng… chớp mắt đã giữa năm vẫn chưa khởi công được. Rồi trong quá trình thi công, tới hạng mục này, hạng mục kia rồi vẫn chưa tìm được nhà thầu.. Không trù liệu đúng thời gian, không chuẩn bị kỹ các công đoạn thi công có thể kéo dài thời gian làm nhà và tốn kém thêm đáng kể.
.JPG)
- Ham rẻ, thuê những nhà thầu không chuyên nghiệp hoặc không đủ năng lực
Làm nhà tốn rất nhiều tiền, điều đó chủ nhà nào cũng biết. Thế nên, các chủ nhà luôn băn khoăn, đắn đo trong việc tìm các nhà thầu giá rẻ. Trên thị trường thì rất nhiều nhà thầu, nhiều lời chào mời, ai cũng tự giới thiệu mình tốt. Có nhiều mức giá với biên độ chênh lệch khá lớn. Tuy vậy, cũng không nên ham rẻ mà chọn những nhà thầu không có cơ sở kiểm chứng; bởi có thể, rẻ chính là yếu tố đi cùng chất lượng. Với công trình nhà ở gia đình, không cần nhà thầu xịn giá cao, nhưng ham rẻ rất dễ rơi vào tình huống thuê phải những nhà thầu không chuyên nghiệp hoặc không đủ năng lực. Và tất nhiên hậu quả có thể thấy rõ không lâu sau đó.
- Không có hợp đồng/Hợp đồng không chặt chẽ với các đơn vị thi công
Nói chung, nhiều chủ nhà làm nhà vẫn chưa có tác phong công nghiệp, thói quen chuyên nghiệp; phần nào ảnh hưởng bởi văn hóa, tâm lý từ nông thôn; và các nhà thầu thi công nhiều khi cũng vậy. Đó là sự nói miệng, bàn miệng, giao việc cũng bằng miệng, thỏa thuận miệng… Có vẻ như đơn giản, dễ gần, tình cảm… Nhưng khi làm nhà phát sinh vấn đề mới thấy rằng, không có hợp đồng, hoặc hợp đồng không chặt chẽ thiếu điều khoản thì cãi nhau miệng không xong, mà lôi nhau ra tòa cũng không thể. Sai lầm này của chủ nhà rất dễ dẫn đến việc chậm trễ tiến độ thi công và tốn kém ngoài dự tính.
- Tự giám sát/Cử người giám sát không có chuyên môn
Rất nhiều gia đình xây nhà đã tự làm việc giám sát thi công xây dựng. Lý do thứ nhất là nhà của mình nên đặt sự quan tâm lớn vào và dành nhiều thời gian cho việc đó; thứ hai là… không tin tưởng người khác, người ngoài; thứ ba là để tiết kiệm chi phí. Có chủ nhà đi làm cơ quan không có thời gian giám sát được thì gọi người họ hàng ở quê đang vụ nông nhàn ra trông nom, giám sát. Đây là cách làm không chuyên nghiệp và hiệu quả không cao, kể cả hiệu quả kinh tế. Người giám sát cần có chuyên môn xây dựng, có khả có sức khỏe tốt và nếu không phải giám sát chuyên nghiệp thì có làm hiệu quả cũng không cao. Ngoài việc giám sát kỹ thuật từng hạng mục thì người giám sát còn phải biết quản lý, điều phối công việc khoa học, tuân thủ quy trình xây dựng. Chủ nhà, hay ai đó không có chuyên môn giám sát tưởng rằng là tốt nhưng thực tế thì không phải.
- Tự ý chọn vật liệu, thiết bị theo ý muốn chủ quan
Có bản thiết kế rồi, trong bản thiết kế của kiến trúc sư đã có chỉ định cụ thể về các loại vật liệu thiết bị như chủng loại, kích thước, màu sắc, đặc tính kỹ thuật… nhưng nhiều chủ nhà vẫn có suy nghĩ nhà của mình nên mình phải tự chọn, và việc đi chọn vật liệu này khá… thích thú vì nó trực quan. Có thể, việc tự chọn vật liệu của chủ nhà không như chỉ định của kiến trúc sư nó không ảnh hưởng nhiều đến tổng thế kiến trúc, nhưng cũng là sai lầm. Bởi khi chỉ định vật liệu, kiến trúc sư đã cân nhắc và lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố: Công năng, thẩm mỹ, đặc tính kỹ thuật, sự hài hòa tổng thể trong những không gian. Việc tự ý chọn vật liệu/thiết bị theo ý muốn chủ quan của chủ nhà tuy không “nghiêm trọng” như việc tự ý sửa thiết kế song ít nhiều cũng có thể làm kiến trúc sư không hài lòng khi đã có ý đồ cụ thể trong việc lựa chọn vật liệu/ thiết bị. Và tất nhiên công trình không đạt được hiệu quả tối ưu theo ý tưởng thiết kế.
- Ứng xử không khéo léo trong các mối quan hệ
Việc làm nhà liên quan đến nhiều người. Trước hết, người chủ nhà không chỉ làm nhà cho riêng mình mà là làm cho cả gia đình, nên liên quan đến những người trong gia đình trước tiên. Sau đó, là mối quan hệ với kiến trúc sư, chính quyền, các nhà thầu thi công, người quản lý giám sát, nhà cung ứng vật liệu, hàng xóm láng giềng… Nếu ứng xử không khéo léo trong các mối quan hệ này, có thể dẫn đến sứt mẻ tình cảm và ảnh hưởng đến kết quả công việc. Nhiều gia đình xây nhà, mới chỉ ở bước thiết kế đã xung đột, cãi nhau mất hòa khí trong nhà vì không tìm được tiếng nói chung cho ngôi nhà mới. Ứng xử không khéo léo với nhà thầu thi công có thể khiến thợ thuyền ức chế, làm không tận tâm, cá biệt có những trường hợp làm ăn tiểu xảo, gian trá, trả thù chủ nhà… Cũng tương tự đối với các mối quan hệ khác, chủ nhà cần phải tỉnh táo, mềm mỏng, khéo léo, nhưng cương quyết khi mình đúng. Như thế công việc mới suôn sẻ, trôi chảy.
.jpg)
Đừng có những sai lầm
Để không có những sai lầm khi làm nhà, trước tiên là phải có thiết kế của đội ngũ chuyên môn - là kiến trúc sư và kỹ sư chuyên ngành, trong đó kiến trúc sư đóng vai trò nhạc trưởng, điều phối công việc chung. Cần đồng hành cùng kiến trúc sư trong quá trình tư vấn thiết kế và cả giai đoạn thi công, tránh áp đặt hay phó mặc cho kiến trúc sư. Cần tin tưởng và có thái độ tôn trọng kiến trúc sư. Mọi vấn đề điều chỉnh, sửa đổi cần tham vấn ý kiến của kiến trúc sư hay đơn vị thiết kế. Chuẩn bị kỹ kế hoạch xây nhà theo từng bước, từng giai đoạn. Mọi việc phải thực hiện một cách bài bản, khoa học và chuyên nghiệp, tránh việc lẫn lộn đan xen quan hệ tình cảm và công việc…
Trong cuộc đời con người, không thể không có sai lầm. Việc làm nhà cũng vậy, rất dễ mắc sai lầm, không vấn đề này thì vấn đề kia. Có sai lầm dễ sửa, nhưng cũng có sai lầm khó sửa và có sai lầm thì không sửa được, sẽ phải chịu hậu quả lâu dài. Nhưng nếu có một cái đầu tỉnh táo, cái nhìn khách quan và thái độ đúng mực thì sẽ tránh được những sai lầm và có kết quả tốt đẹp!
Theo Kiến trúc & Đời sống số 227