Ngôn ngữ sắc màu - Bánh xe cuộc đời

Lượt xem: 3018
20/5/2022 8:00 - Công nghệ & Tiện nghi
Tác giả: TRẦN VĂN CHÂU | GRAPHICS: CLIPPER

Chuyện bắt đầu từ một tối họp mặt trong tiệm ăn của Mr. Lai tại Thảo Điền, nhạc sĩ Huy Phương đã đề xuất ý tưởng: Nhóm Color&More nên xây dựng một ban biên tập để thực hiện loạt bài về màu sắc nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho các kiến trúc sư trẻ, sinh viên và những độc giả quan tâm đến lĩnh vực này.

 
 
Thế là ngay sau đó, nhóm gồm nhạc sĩ Huy Phương, PGS.TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên, nhà trang trí nội thất Trần Thanh Trúc, KTS Do Cao Nguyen (hien:) và doanh nhân Trần Văn Châu (người chấp bút viết bài này) đã nhiều lần ngồi lại với nhau để tìm kiếm một phương pháp nhằm cho ra thật nhiều đề tài có liên quan đến màu sắc để trước hết, qua mỗi số báo chọn một đề tài để độc giả tham khảo.
Cuối cùng, nhóm đã thống nhất phương pháp liên quan đến nhiều lĩnh vực về màu sắc trong cuộc sống và được đặt tên là Bánh Xe Cuộc Đời.
 
Về lý thuyết, Bánh Xe Cuộc Đời được hình thành từ 3 vòng tròn:
Vòng tròn thứ 1 chứa 3 chủ thể: Thiên - Địa - Nhân theo lý thuyết Tam Tài Đông phương trong Vũ Trụ Quan của Kinh Dịch.
Vòng tròn thứ 2 chứa 6 bộ môn nghệ thuật bao gồm hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, thơ văn và nhảy múa mà cả phương Đông và phương Tây đều có cùng quan điểm.
Vòng tròn thứ 3 chứa 9 lĩnh vực bao gồm 5 trụ cột chính là vật lý, hóa học, y học, văn học, kinh tế được giải thưởng Nobel lấy ra từ các lĩnh vực của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và thêm 4 trụ cột khác từ câu tục ngữ An Cư Lạc Nghiệp bao gồm đầy đủ từ nhà cửa, ăn ở-ăn mặc, công việc-nghề nghiệp và vui chơi-giải trí.
Vì trọng tâm của các đề tài có liên quan đến màu sắc nên khi chọn:
- Con số 3 của vòng tròn thứ 1 nó cho ta sự liên tưởng đến 3 màu nguyên thủy là đỏ-vàng-lam trong bánh xe màu sắc được NewTon phát hiện ra.  
- Con số 6 của vòng tròn thứ 2 với 3 bộ môn nghệ thuật tĩnh như hội họa, điêu khắc và kiến trúc chiếm ½ vòng tròn như ½ tông màu lạnh của bánh xe màu sắc. Còn 3 bộ môn nghệ thuật động như âm nhạc, thơ văn và nhảy múa thì khớp với ½ vòng tròn của các tông màu nóng.
- Con số 9 của vòng tròn thứ 3 là vì nhóm gồm những người luôn ngưỡng mộ thiên tài Nikola Tesla về tất cả những gì ông đã để lại cho nhân loại. Bên cạnh đó, các con số 3, 6, 9 cũng gắn liền với cuộc đời của ông. Tesla cho rằng chúng là chìa khóa giải mã bí mật của vũ trụ. Mời độc giả tìm hiểu thêm các con số 3, 6, 9 với Nikola Tesla qua đường links https://youtu.be/au2SEq1AR1M.
Với 3 vòng tròn được đặt tên là Bánh Xe Cuộc Đời có cách ứng dụng như chúng ta sử dụng Bánh Xe Màu Sắc hay Bát Quái Đồ. Nghĩa là mỗi lần chúng ta xoay các vòng tròn và khi chúng gặp nhau ở đâu chúng ta cũng có sự giao thoa - giao hưởng của nhiều lĩnh vực và từ đó, nó hình thành ra những đề tài về màu sắc.
Với phương cách này, chúng ta có thể tiếp cận được rất nhiều đề tài để viết về màu sắc như màu sắc trong âm nhạc, màu sắc trong thơ văn, màu sắc trong y học, màu sắc trong ẩm thực, màu sắc trong công nghệ... Qua đó, chúng tôi muốn chia sẻ phương pháp này với hy vọng nó có thể gợi mở cho nhiều người đang tìm thêm ý tưởng và đề tài cho công việc trong cuộc sống.
Ngoài những sắc màu mà chúng ta thấy được, chúng ta cảm nhận được thì trong ngôn ngữ Việt Nam một số nhà thơ, nhà văn thường hay biểu đạt những thể loại màu mà chúng thể hiện là chỉ có thể hình dung và cảm nhận chứ không thể thể hiện một cách cụ thể được. Chẳng hạn như màu thời gian, màu kỷ niệm.  
Xin trích ra đây bài thơ Màu Thời Gian của nhà thơ Đoàn Phú Tứ (1910-1989)
 
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi 1)
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh

Tóc mây một món chiếc dao vàng2)
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát

Chú thích trong bài lấy từ sách Thi nhân Việt Nam.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc thành các bài hát cùng tên.

Nguồn: Báo Ngày nay, số 198 (số tết), ngày 27-1-1940, trang 12

 
Ghi chú – Sưu tầm từ internet
 (1) Thi nhân mượn sự tích người xưa để giữ vẻ kín đáo cho câu chuyện. Xưa có người cung phi, nàng Lý phu nhân, lúc gần mất nhất định không cho vua Hán Võ-đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu. Cái tên Tần Phi thi nhân đặt ra vì một lẽ riêng.
Ngàn xưa không lạnh nữa: Chuyện xưa đã hầu quên nay nhớ lại lòng thấy nôn nao.

(2) Nàng Dương Quý Phi lúc mới vào cung, tính hay ghen, bị Đường Minh Hoàng đưa giam một nơi. Nhưng nhà vua nhớ quá sai Cao lực sĩ ra thăm. Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Vua trông thấy tóc, thương quá, lại vời nàng vào cung.

Đoàn Phú Tứ hợp chuyện này và chuyện Lý phu nhân làm một và tưởng tượng một người cung phi lúc gần mất không chịu để vua xem mặt chỉ cắt tóc dâng, gọi là đáp lại trong muôn một mối tình trìu mến của đấng quân vương.
Phương Đông lấy ý từ Hoài Cổ - Hoài Niệm để làm ra thơ văn
Phương Tây lấy ý từ Hoài Cổ để cho ra đời dòng sơn hiệu ứng Mỹ thuật trong thời kỳ của phong cách kiến trúc Tân Cổ Điển - Neo Classicism (1730-1925). Đây là sự hoài niệm về phong cách kiến trúc Phục Hưng - Renaissance (1400-1600). Mà đúng là vào thời kỳ này, nhân loại mới bắt đầu kiến tạo ra những công trình nhằm thể hiện tư tưởng của con người.
 
Từ đây, xin giới thiệu bài viết của Interior Decorator Trần Thanh Trúc viết về màu sắc trong trang trí nội thất với sơn hiệu ứng Mỹ thuật.
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 191
 

Các tin khác