Ngôn ngữ của sắc màu

Lượt xem: 8289
12/4/2022 10:00 - Công nghệ & Tiện nghi
Tác giả: Bài TRẦN VĂN CHÂU - GRAPHICS: CLIPPER

Từ xa xưa, các tiền nhân đã tìm cách trang trí nơi chốn mình sinh sống. Họ đã sử dụng hội họa và màu sắc có sẵn trong các nguyên liệu tự nhiên để thể hiện quan điểm cá nhân, trình bày những sinh hoạt của xã hội và biểu đạt những điều huyền diệu của tâm linh. Với khả năng cảm thụ tốt, và với những rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên trước màu sắc và hình thái đa dạng của các loài hoa, loài chim và côn trùng những nghệ nhân này đã sáng tác ra nhiều kiểu hình mẫu thật đặc biệt, thực hiện nhiều thiết kế để đời.  Từ đó, có thể nói hội họa là 1 trong 3 bộ môn nghệ thuật tĩnh (*) được khai mở ra từ bản năng tự nhiên của con người.

 
 
 
 

  

 
... Và rồi qua từng thời đại với nhu cầu của nghệ sĩ, thời trang, nhà thiết kế,… đã thúc đẩy các nhà khoa học  khám phá và tạo ra vô số màu sắc qua việc tìm kiếm công thức hóa học để pha chế.  Khoa học ngày nay đã chứng minh là có thể phân biệt được 18 desillion màu. Nghĩa là 18 và 33 con số 0 tiếp theo.
Việc tạo hoặc tổng hợp ra màu sắc đã có từ rất lâu. Trong thời kỳ đồ đá khoảng chừng 270.000 năm trước Công Nguyên (TCN), con người đã sử dụng màu sắc được lấy ra từ đá và khoáng chất. Đặc biệt là đất sét  giàu chất sắt đã cho ra các gam màu như đỏ, nâu, nâu vàng,… mà chúng ta có thể thấy ở những bình cổ của Trung Quốc với sắc tố đỏ hạt dẻ. 
Vào thời Ai Cập cổ đại 3.000 năm TCN người ta tìm thấy mặt nạ của các xác ướp có một màu xanh lam đậm. Màu xanh lam là một trong những màu sắc được giới nghệ sĩ yêu thích. Tuy nhiên, trong thiên nhiên nó lại không cho chúng ta nhiều vật liệu về gam màu xanh lam này. Vì vậy từ xa xưa, khi muốn tạo ra sắc tố màu xanh lam, người Ai Cập đã dùng lò nung để nấu hỗn hợp được trộn từ cát, muối, phấn và đồng. Hỗn hợp này được nghiền nhỏ và cho vào lò nung với nhiệt độ siêu cao được nấu trong khoảng từ 10-100 giờ và sau đó những cục như đá thủy tinh có màu xanh lam xuất hiện. Nó cho ra là một sắc tố được gọi “Màu xanh Ai Cập”.
Đến những năm 1.700 TCN, màu vàng của Ấn Độ xuất hiện. Có vẻ khó tin, nhưng màu vàng Ấn Độ được tạo ra từ nước tiểu của bò khi mà họ cho con bò ăn chỉ toàn lá xoài. Những cục bột màu vàng này đã xuất qua Âu châu từ những năm 1400-1900. 
Ngoài việc màu sắc được lấy ra từ đá và khoáng chất. 
Trở về lại việc làm ra màu từ các con sinh vật nhỏ như bài trước chúng ta có đề cập chuyện màu tím từ các con ốc biển nhỏ xíu thì vào khoảng những năm 700 TCN tại Trung Á mà đặc biệt là Afghanistan có xuất hiện một màu đỏ sẫm được lấy từ xác của con bọ cái Chochineal có nguồn gốc từ châu Mỹ La Tinh. Được biết, loại bọ này có tiết ra một chất như nước nhuộm có sắc tố đỏ được gọi là “carminic acid”. Người Afghanistan đã nấu chúng với dung dịch Amonia hoặc Sodium. Sau đó, nó được lọc ra những phần rắn không tan còn lại chất lỏng sẽ được làm đặc lại với Alum (phèn) để kết thành màu đỏ sẫm mà người ta thường dùng để tẩm nhuộm hoặc dùng để vẽ tranh.
Ba màu đỏ, vàng và xanh lam được nêu ở trên cũng là 3 màu căn bản làm nên bánh xe màu sắc mà nhà thiên tài vật lý Isaac NewTon (1643-1727) đã nêu ra.
Kể từ đó, ngôn ngữ sắc màu luôn được các nhà hiền triết, các nhà khoa học, các tư tưởng gia và giới nghệ sĩ,… biểu đạt, trình bày với nhiều cung bậc cảm xúc làm thăng hoa cuộc sống.
Một số người thiên về khoa học thì cho rằng màu sắc được hiểu như là hiệu ứng hình ảnh của sự phản xạ và khúc xạ ánh sáng trong khi những người khác thì cho rằng màu sắc là phương tiện để biểu đạt mọi sự vật trong đời sống. Tuy nhiên hầu hết mọi người đều đồng ý rằng: cho dù gì hay bất kể nó là gì thì vẻ đẹp của màu sắc là không thể phủ nhận và suy cho cùng thì “Màu sắc là một loại ngôn ngữ đặc biệt”. Trước đây cũng có những nhận định rằng: Màu sắc không tồn tại khi không có ánh sáng và ánh sáng không tồn tại khi thiếu bóng tối. 
Mọi vấn đề trên đã được giải thích rất khoa học khi Isaac NewTon tìm ra rằng sự kết hợp của các bước sóng trải ra dọc theo quang phổ khả kiến tạo nên ánh sáng trắng. Vì vậy màu trắng thực sự không phải là một màu sắc. Nó hiện diện của tất cả các màu của ánh sáng khả kiến. Ông cũng cho chúng ta thấy rằng: những gì chúng ta thấy là màu đen là không có ánh sáng và những gì chúng ta nhìn thấy màu sắc khi ánh sáng trắng bị khúc xạ hoặc bị bẻ cong theo một góc nào đó. 
Quang phổ mà chúng ta nói ở đây là quang phổ điện từ có độ dài sóng từ 400nm đến 700nm (nm: nanometers, bằng một phần tỷ của mét) mà mắt người bình thường thấy được. Phạm vi này được chia thành nhiều màu sắc như đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.
Thấy ra được sự hấp dẫn của chủ đề “Ngôn Ngữ Sắc Màu” nên trong thời gian qua, Color&More đã lập ra một Ban Biên tập và nhận được sự cộng tác của một số anh chị em nhà thiết kế kiêm nhà văn và nhà báo hay nhà trang trí nội thất để cùng định hướng cho các bài sẽ được viết ra đây. Trong đó, màu sắc sẽ được xem là nền tảng, là phương tiện hoặc là sợi giây kết nối nhằm thể hiện vẻ đẹp, nét thẩm mỹ được hình thành qua sự cộng hưởng và giao thoa giữa các bộ môn nghệ thuật với các lĩnh vực trong khoa học, công nghệ có liên quan đến đời sống của con người.
 
(*) 6 bộ môn nghệ thuật mà chúng ta biết được xếp thành 2 loại: 3 bộ môn tĩnh như hội họa, điêu khắc và kiến trúc và 3 bộ môn động như âm nhạc, thơ văn và nhảy múa. 
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 190

Các tin khác