Colour - Cội nguồn

Lượt xem: 260901
9/3/2022 17:00 - Công nghệ & Tiện nghi
Tác giả: PGS.TS.KTS NGUYEN HẠNH NGUYEN

Màu sắc là một khái niệm có thể là rất rõ ràng (như màu xanh, màu đỏ, màu nâu,…) nhưng cũng có thể mang ý nghĩa mơ hồ (màu của ánh sáng, màu của thời gian …).  Nhưng dù với ý nghĩa nào thì màu sắc vẫn luôn thú vị, bí ẩn, biến hóa theo thời gian kể từ khi con người còn ở trong hang động, biết vẽ lên trên cơ thể mình những vệt màu nổi bật để trang trí, và cho đến nay các chuyên gia về màu sắc vẫn đang loay hoay tìm kiếm thêm những giá trị mới mà màu sắc có thể mang lại cho con người. 

 

  

 

  

 

  

 

Điều đáng nói là màu sắc đã tồn tại từ bao đời trong vũ trụ và trên hành tinh này qua biết bao hình thái của bình minh hay hoàng hôn. Cùng với đó, nó được điểm xuyết thêm nhiều màu sắc của các loài động vật biết bay. Trên mặt đất thì có màu của cây, cỏ, hoa, lá… và nó lại được chuyển đổi sắc thái theo từng mùa. Còn dưới nước thì màu sắc của các loài cá và vô vàn hải sản.
Chúng ta hãy cùng nhìn vào màu của dân gian để hiểu được màu phản ánh thiên nhiên như thế nào. Màu phản ánh tập quán của mỗi địa phương, phản ánh thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của mỗi miền. Nhìn màu, một số tín hiệu màu mà người ta nhận ra được đây là màu của Bộ lạc trên thảo nguyên của Châu Phi, hoặc màu của người Da đỏ ở Nam Mỹ, màu của thổ dân Úc, màu của người dân tộc trên núi Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) cũng có một màu rất riêng. Rồi mỗi quốc gia, người dân có phong tục sử dụng màu khác nhau và nó ảnh hưởng đến đời sống hôm nay. Người Trung Hoa chuộng màu đỏ, người Nhật Bản chuộng màu xám đá, người Thái Lan chuộng màu vàng,Việt Nam chúng ta, mỗi một dân tộc lại có một ngôn ngữ màu rất riêng mà nhìn trang phục chúng ta có thể nhận ra đây là đồng bào Tây Nguyên, đây là người Khmer, người Chăm ở Nam bộ … hay người Tày, người Dao, người H’Mông miền núi phía Bắc... Chính cách dùng màu lấy trong thiên nhiên từ vỏ cây, từ đất, từ hoa trái... dần dần trở  thành thói quen rồi tích lũy thành văn hóa. Do vậy, chỉ một đoạn màu mà chúng ta có thể ngộ ra được cả một nền văn hóa ẩn sâu bên trong. Thật diệu kỳ!.
Trong sự tiến hóa và văn minh của nhân loại, con người dù ở đâu dưới một nền văn hóa nào thì cũng đều dùng màu giống nhau do họ tiếp cận/ tiếp nhận và được thừa hưởng nền tảng này từ thiên nhiên. Tuy nhiên, càng về sau này màu sắc được công nghệ hỗ trợ nên nó rất phong phú và đa dạng nhằm đáp ứng cho từng lĩnh vực từ công nghiệp cho đến nghệ thuật như Kiến trúc, Nội thất, Thời trang, Âm nhạc, Hội họa, Xe hơi, Ẩm thực, Nữ trang, Đồ Gia dụng…
 
    
 
  


Nhờ sự đa dạng của màu sắc cũng khiến cho mỗi ngành tạo ra một số nét đặc thù riêng.  Và mỗi màu có một lời nói rất riêng như màu vàng nói về sự huy hoàng, màu xanh da trời biểu hiện cho sự tự do, bay bổng, đen và trắng thể hiện  tính cách “thiền”,  “tĩnh”,... 
Khi màu được thay đổi với các trạng thái sắc độ khác nhau, nó sẽ còn cho ra nhiều biểu hiện khác nữa: Ví dụ như màu xanh lam đậm sẽ là màu tự do của biển khơi, sự sâu lắng. Màu lam nhạt là trạng thái nhẹ nhàng, bay lơ lửng, sự lãng mạn của thiên nhiên,… Màu thay đổi vi tế như thế nên nếu biết cách sử dụng “lời nói” này một cách thận trọng, cân nhắc, chúng ta sẽ tạo ra được sự tinh tế cho từng lĩnh vực mà chúng ta quan tâm. 
Thế nhưng, sự rung động và cảm thụ về màu sắc của mỗi chúng ta là không giống nhau. Có người thích màu này, có người ưa màu kia, có người bị kích ứng với nhóm màu tương phản mạnh, nhưng có người lại rất phấn khích khi ở trong không gian có màu biểu cảm mạnh, tương phản mạnh… Tuy nhiên khi màu sắc thể hiện cho từng giai đoạn trong tình yêu thì nó rất đồng điệu từ Cổ chí Kim từ Đông sang Tây như hoa hồng trắng, hoa hồng vàng và hoa hồng đỏ cũng như màu tím thể hiện cho sự chung thủy tại Pháp qua câu chuyện Hoa Violet ngày thứ tư của nhà văn André Maurois hay bài thơ tiền chiến Màu tím hoa sim của Hữu Loan.
Chính vì vậy, màu sắc sẽ là một đề tài hấp dẫn muôn thủa mà chúng tôi sẽ cố gắng tìm tòi học hỏi, nghiêng cứu cũng như mời gọi thêm nhiều chuyên gia về màu sắc chia sẻ trong từng lĩnh vực để cống hiến đến độc giả.
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 189

Các tin khác