Tác phẩm Lá rụng của nghệ sĩ Menashe Kadishman
Về công trình của mình, KTS Daniel Libeskind viết năm 1989: “Chính thức thì tên gọi của công trình là bảo tàng Do Thái, nhưng tôi đã đặt tên cho nó là “Nơi nằm giữa các con đường” bởi với tôi, thiết kế thể hiện hai dòng suy nghĩ, tổ chức và mối liên hệ. Đó là một đường thẳng tắp nhưng đứt đoạn, gẫy khúc và một đường uốn khúc nhưng kéo dài vô tận”. Đồ án này đã được chọn chỉ vài tháng trước sự kiện “bức tường Berlin”, rồi bị trì hoãn bởi nhiều lý do tài chính, chính trị và cuối cùng hoàn thành thi công mười năm sau đó.
Zig – zag có lẽ là từ dùng để mô tả toà nhà một cách chính xác nhất. Toàn bộ thiết kế dựa trên hai cấu trúc tuyến tính mà khi kết hợp với nhau tạo thành phần thân của toà nhà. Tuyến thứ nhất uốn khúc với nhiều xoắn ốc trong khi tuyến thứ hai cắt ngang toà nhà. Giao điểm của chúng là các sảnh trống vươn thẳng từ trệt tới mái. Trong tưởng tượng của Libeskind, những “con đường” chạy ngang qua thành phố Berlin và kéo dài bất tận.
Trong hai năm đầu kể từ lúc hoàn thành, không triển lãm nào diễn ra tại đây. Toà nhà, đơn thuần là trống rỗng. Thế nhưng điều này cũng không cản trở 350.000 du khách khi ấy đã ghé thăm công trình này. Dù bị nhiều người chỉ trích là “một kiến trúc khủng khiếp”, như “một con thú bị thương”... nhưng rốt cuộc, nó cũng được vinh danh bằng giải thưởng Kiến trúc quốc gia Đức, với không ít lời ca ngợi.
Mặt tiền của bảo tàng hầu như không gợi bất kỳ thông tin nào về những gì chứa đựng bên trong. Các khung cửa sổ, chủ yếu là các khe hở hẹp, được sắp xếp chính xác theo một ma trận. Trong quá trình thiết kế, Libeskind đã nối địa chỉ của các công dân Đức gốc Do Thái trên bản đồ Berlin thời kỳ trước chiến tranh, để tạo thành một “ma trận vô hình và phi logic”. Ông sử dụng ma trận đó làm nền tảng tạo nên ngôn ngữ hình thức, cấu trúc hình học cho công trình cũng như để sắp xếp vị trí cửa sổ. Toàn bộ toà nhà được phủ kẽm, một loại vật liệu lâu đời trong lịch sử kiến trúc thành phố. Qua thời gian, những tấm hợp kim kẽm và titan bị oxy hoá và đổi màu theo điều kiện ánh sáng và thời tiết.
Tổng cộng có năm “sảnh” lớn giữ vai trò hội tụ trong kết cấu và kết nối với nhà bảo tàng cũ. Tường và cầu thang tại đây đều là bêtông thô, không có hệ thống sưởi hay điều hoà nhiệt độ và rất ít đèn chiếu sáng, khiến nó hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của toà nhà. Từ các tầng trên của khu vực triển lãm, khách tham quan có thể nhìn thấy các bức tường sơn đen ở bên ngoài khu sảnh. Tác phẩm điêu khắc/sắp đặt bằng thép của Menashe Kadishman – nghệ sĩ Israel mang tên Lá rụng chiếm nguyên bề mặt sàn của một “sảnh”. Và đối với người tạo ra nó, chính không gian trống ấy đại diện cho những gì không cách nào trưng bày được, khi nhắc đến lịch sử của người Do Thái ở Berlin: “Nhân tính bị đốt thành tro tàn”.
Những hành lang ngầm nối toà nhà cũ (bảo tàng Berlin) với toà nhà mới (bảo tàng Do Thái) thực sự không có lối ra vào. Khách tham quan sau khi đi qua sảnh, sẽ thấy trung tâm thông tin Rafael Roth ở bên phải nơi cuối cầu thang, trong khi trước mặt họ là những con đường tạo thành ba trục, biểu trưng cho ba hiện thực của lịch sử người Do Thái ở Đức. Dài nhất là Con đường vĩnh hằng nối với cầu thang chính dẫn đến khu trưng bày. Rẽ nhánh từ đây, Con đường di cư dẫn ra Vườn tha hương với tường ngày càng thu hẹp trong khi sàn nhấp nhô và thoai thoải dốc lên dẫn đến một cánh cửa rất nặng luôn khép hờ thông với khu vườn. Con đường của nạn diệt chủng ngày càng hẹp hơn, tối hơn và kết thúc tại Tháp diệt chủng. Hàng tủ kính trưng bày gắn hai bên tường trưng bày tài liệu hay vật dụng cá nhân của các nạn nhân.
Ba con đường này đều có những đoạn giao nhau, đại diện cho sự nối kết giữa ba hiện thực của đời sống của người Do Thái ở Đức. Khu Vườn tha hương nằm cuối các con đường là điểm kết thúc của chuyến tham quan và được thiết kế với mục đích tạo trải nghiệm bất ổn, cảm giác hoàn toàn mất phương hướng của khách tham quan, tương tự những gì mà những người phải chạy khỏi nước Đức trong chiến tranh đã từng trải qua. Khu vườn có độ nghiêng 12° với 49 cột trụ bêtông khoanh lại một khoảng vuông nhỏ, phía trên trồng cây sồi lá liễu biểu tượng cho niềm hy vọng.
Dù về công năng, toà nhà vốn không hẳn phù hợp cho hoạt động trưng bày, nhưng thực ra tự nó đã tồn tại như một tác phẩm điêu khắc – kiến trúc, một tác phẩm nghệ thuật công trình. Bảo tàng Do Thái Berlin của Libeskind đã trở thành tiêu biểu cho kiến trúc bảo tàng và được coi là một trong những thành tựu kiến trúc vĩ đại nhất 100 năm qua. Căn cứ vào lượng khách viếng thăm hàng năm cỡ 700.000, hẳn công trình này có hấp lực không nhỏ với công chúng, như họ đã từng bị cuốn hút bởi các toà nhà như bảo tàng Guggenheims ở New York và Bilbao hay trung tâm Pompidou ở Paris.
Bảo tàng Do thái Berlin
Thể loại Bảo tàng Mỹ thuật
Phong cách kiến trúc Hậu hiện đại liên kết với kiến trúc Baroc của toà nhà cũ (bảo tàng Berlin)
Hệ thống kết cấu Khung bêtông, mặt tiền bọc hợp kim kẽm titan
Địa điểm Lindenstrasse 9 – 14, 10969 Berlin, Đức
Cuộc thi đồ án kiến trúc 1989. Hoàn thành phần thi công 1999
Khánh thành 9.9.2001. Thời gian hoàn thành 1984
Kiến trúc sư trưởng Daniel Libeskind
Tổng diện tích sàn 15.500m2 , chi phí xây dựng 40,05 triệu USD
Bảo tàng Do Thái nhìn từ các góc bên ngoài
Chi tiết mặt tiền với các tấm hợp kim kẽm titan
“Con đường vĩnh hằng” dẫn đến cầu thang
Cột hy vọng trong Vườn tha hương
Khoảnh sân với cây ôliu - biểu tượng quen thuộc của người Do Thái, được trồng tượng trưng trong bảo tàng
Các góc trưng bày với các cửa sổ hẹp được thiết kế dựa trên “ma trận” do Linbeskind tạo ra
Khu trưng bày đa phương tiện tại bảo tàng
Các góc trưng bày trong bảo tàng
Khu vực triển lãm “Các vấn đề về niềm tin” tại bảo tàng Do Thái Berlin
Bài Phương Nhi ảnh Tường Huy
Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống, số 60