Biệt thự Kaufmann hay còn gọi là Biệt thự trên thác nước (falling water house)
Nằm ở vùng quê hẻo lánh của miền tây Pennsylvania trên một dòng suối gọi là “Bear Run”, ngôi nhà có nhiều đặc điểm độc đáo, đáng kể nhất là phần các hiên lớn vượt thác, đan chéo nhau một cách hết sức táo bạo trên mặt nước, thu được cả tiếng suối reo, tiếng lá cây và tiếng gió thổi xào xạc vào trong nội thất.
Hiện giờ ngôi nhà nằm dưới sự quản lý của Viện Bảo tồn miền tây Pennsylvania. Từ khách sạn gần sân bay Pittsburg, Pennsylvania, tôi lái xe đến ngôi biệt thự Kaufmann vào một sáng tháng 5 mưa tầm tã. Mất khoảng gần 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi (nếu trời không mưa thì có lẽ sẽ nhanh hơn), vé đã được đặt trước trên mạng (65USD cho vé thăm quan chuyên sâu, 20USD cho thăm quan thường không chụp ảnh). Chuyến thăm quan (loại chuyên sâu – được phép chụp ảnh và thăm cả những phần phụ của ngôi nhà) kéo dài 2 tiếng đồng hồ và hầu hết khách đều là sinh viên hoặc công tác trong ngành kiến trúc, xây dựng.
Khác với nguyên lý sáng tác kết cấu “bố cục tự do” của Le Corbusier bị hạn chế bởi một mạng lưới cột cố định, Wright cho phép sáng tác của mình hình thành từ những thiết kế hoàn toàn tự do với khẩu hiệu “hình khối và công năng hợp nhất”. Wright đề cao trường phái kiến trúc hữu cơ trong đó kiến trúc kết hợp hài hòa với thiên nhiên, ông chống lại chủ nghĩa hình học và chủ nghĩa sơ đồ vì ông cho rằng nó xa lạ với bản chất con người. Có thể thấy mặt bằng công trình biệt thự Kaufmann được phát triển từ “bố cục khai phóng”, không có một sự ràng buộc nào cả, các góc cạnh của tòa nhà như là “có sức sống vươn ra xung quanh”.
Điều này được thể hiện ngay từ bước đầu tiên, khi phải chọn vị trí xây nhà, Wright chọn một vị trí hiểm hóc và bất ngờ: ông quyết định xây nhà ngay trên khối đá gồ ghề trông xuống thác nước, vị trí ngồi yêu thích của người chủ đầu tư công trình mỗi khi đến thăm nơi đây. Có lẽ ngoài ông ra thì không ai khác chọn xây nhà tại vị trí đó, ý tưởng xây nhà “can thiệp vào thiên nhiên nhưng lại bao bọc lấy (thiên nhiên)” đã cho ra đời một thiết kế với tầm vóc phi thường. Vài năm sau, trong cuốn “The Truth Against The World” (tạm dịch là “Chân lý và những gì được tuyên truyền”), Wright đã đưa ra lời khuyên sau: “… chọn một vị trí không ai thích – một nơi có những đặc tính riêng biệt: cây cối, cá tính riêng, hay một nhược điểm gì khác. Đứng ở vị trí đó, quan sát xung quanh và tìm xem anh/chị bị thu hút bởi điều gì. Lý do gì khiến cho anh/chị muốn xây công trình của mình ở đó? Tìm cho ra những lý do đó rồi thiết kế làm sao để khi xây nhà xong thì vẫn có thể đứng ở cùng vị trí đó nhìn ra xung quanh, tất cả vẻ đẹp của cảnh quan vẫn còn nguyên vẹn. Công trình xây ra nhấn mạnh, làm tăng thêm vẻ đẹp nguyên thủy của cảnh quan…”.
Tòa biệt thự trở thành một phần của cảnh quan thiên nhiên, ôm lấy thác nước vào lòng. Vị trí ngôi biệt thự được xây trên khối đá mà người chủ biệt thự thường đến ngồi. Tổ hợp cầu thang nối các tầng
Phòng khách bao gồm nhiều đồ đạc cố định và có thể di dời, được thiết kế và sắp xếp đồng bộ với kiến trúc của ngôi nhà. Ví dụ như những cái ghế dài có đệm gợi đến những xà đỡ bao lơn bên ngoài. Những ghế ngồi cố định dọc cửa sổ có thể dùng làm chỗ ngủ cho khách.
Nhà trên thác được xây trên tảng đá mà khách hàng của Wright thích ngồi và thưởng thức vẻ đẹp của thác nước cũng như cảnh quan xung quanh. Nhưng thiết kế còn đi xa hơn thế: khối đá trở thành một phần của căn nhà, kiến trúc sư đã thiết kế để lò sưởi của phòng khách đặt ngay trên khối đá đó. Khối đá đã trở thành trái tim của căn nhà. Ở đây cũng phải nói thêm vế sự tinh tế, quan tâm tới từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trong thiết kế của người kiến trúc sư. Wright đã tính toán chừa sẵn một khoản lõm . trên tường để cái nồi đun nước có thể xếp vào vừa vặn khi không sử dụng. Sự tính toán “đo ni đóng giày” này còn có thể thấy ở thiết kế phòng làm việc của người con trai, khi Wright cắt một khoảnh trên bàn ¼ cung tròn để vừa vặn cho việc mở cửa sổ.
Công trình “nhà trên thác nước”, như tất cả các công trình kiến trúc vĩ đại khác, đều có thể được phân tích bằng ngôn ngữ của âm nhạc ở kết cấu tổ chức, nhịp điệu, chủ đề. “Falling Water”, ngay từ cái tên đã thấy được cảm hứng từ tầng thác đổ, nhiều chi tiết trong ngôi nhà như cũng được phối lại nhịp nhàng theo nguyên lý âm nhạc. Giai điệu của dòng thác nghe được khi đứng ở ngoài tầng bao lơn treo lơ lửng, hợp âm trên hợp âm, quãng tám trên quãng tám, được lặp lại réo rắt trong chủ đề phụ: tổ hợp cầu thang mở thanh thoát từng nốt từ tầng này lên tầng khác. Với một chút trí tưởng tượng ta có thể nhìn những bậc thang như là những nốt nhạc – một hàng những phím đàn lơ lửng được giữ lại bởi những sợi dây treo dài và mỏng.
Phòng khách bao gồm nhiều đồ đạc được thiết kế cố định, hoặc có thể dời - tất cả đồ nội thất đều do KTS Frank Lloyd Wright thiết kế riêng cho căn biệt thự. Đồ nội thất được thiết kế đồng bộ với kiến trúc ngôi nhà
Ghế ngồi cố định dọc cửa sổ có thể làm chỗ ngủ cho khách. Lò sưởi xây từ khối đá giờ đã trở thành trung tâm - trái tim của ngôi nhà và nồi đun nước có thể xếp vừa vặn vào tường. Bàn làm việc được cắt một khoảnh 1/4 cung tròn để tiện cho việc mở cửa sổ
Những dầm lớn vượt thác đan chéo nhau nhịp nhàng theo nguyên lý âm nhạc. Đứng từ công trình, có thể nhìn thấy cảnh quan xung quanh còn nguyên vẹn, hòa quyện cùng thiên nhiên
Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống, số 113