Toà tháp Agbar - Biểu tượng mới của Barcelona

Lượt xem: 7350
9/3/2018 0:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS Phạm Gia Vinh ảnh Tuongprague 

Toà tháp 35 tầng là trụ sở của Agbar Group, một tổ chức đa quốc gia Tây Ban Nha, đứng như một ngọn hải đăng trên đường chân trời của Barcelona. Công trình này là nền tảng cho cả khu đô thị mới có tên “22@district”.

 

Toàn cảnh toà tháp nhìn từ bên ngoài 

 

“22@district” là một khu đô thị phức hợp mới được phát triển trên nền của một khu công nghiệp cũ từ thế kỷ 19 có diện tích 198 ha. Vị trí của công trình Agbar Tower nằm tại một vị trí rất trung tâm giữa giao lộ của ba con đường chính ở Barcelona (Gran Via, Diagonal và Meridiana avenues). Giống như một tượng đài, toà nhà hình viên đạn với vô số màu sắc đứng ở giữa Barcelona thật “bảnh bao”. Toà tháp có tổng diện tích 50.903m2, bao gồm 33.210m2 văn phòng; 17.693m2 chỗ để xe, khu dịch vụ, lối giao thông, cấp đồ cho ba tầng hầm. 
Được bọc trong một lớp vỏ dày về chất liệu, ngôn ngữ kiến trúc ở đây rất đa dạng và đem lại nhiều cách diễn giải. Nhà thiết kế người Pháp, Jean Nouvel đã gọi đứa con tinh thần của mình là “khối chất lỏng xuyên thủng lòng đất”. Ngoài ra, hình dáng toà tháp còn được nói đến với sự liên hệ của chức năng mà công ty sở hữu toà tháp đang thực hiện: cung cấp nước sạch cho Barcelona và những thành phố lớn khác của Tây Ban Nha. Cấu trúc hình dáng bên ngoài của tháp lại là sự phản ánh hình dáng của ngọn Montserrat, một ngọn núi trong tâm thức của người dân xứ Catalan. “Một toà tháp chọc trời, hay đúng hơn là “một sự phát triển độc đáo” trong đô thị cần có sự liên hệ hữu cơ giống như kiến trúc của Gaudi vậy”, Jean Novel đã thể hiện sự kính trọng của mình đối với người kiến trúc sư nổi tiếng xứ Catalan Antonio Gaudi. Và cũng giống như kiến trúc của Gaudi, Agbar Tower ngoài vẻ ngoài độc đáo và những ẩn chứa trong các ý tưởng, nó vẫn có sự liên quan một cách hữu cơ với kiến trúc phương Tây, kiến trúc địa phương của thành phố Barcelona. Được thể hiện ở cấu trúc được kiến tạo giống như việc xây dựng mô thức cột cổ điển: được bắt đầu xây dựng từ gốc của toà tháp sau đó các tầng nhà phát triển dần trong mặt bằng và tạo những đường sin trong mặt đứng của toà tháp (cũng giống như trong lịch sử người ta đã xây dựng cột cổ điển). Có ai đó so sánh Agbar Tower với công trình Swiss Re Tower ở London của Norman Foster, mặc dù công trình của Nouvel thấp hơn sáu tầng (Agbar Tower hiện vẫn là công trình cao thứ ba ở Bacerlona).
Agbar Tower được thiết kế bởi hai khối trụ tròn không đồng tâm, khối lớn hơn bao bên ngoài khối nhỏ, được kết thúc ở trên bằng một mái vòm bằng kính và thép. Toàn bộ vỏ ngoài toà nhà được bao bọc bởi vô vàn những module giống nhau có kích thước là 92,5cm2; chu vi của mỗi tầng được cấu thành bởi 120 module xếp xung quanh, và xếp cao bốn lớp cho một tầng; lớp vỏ gồm có ba lớp: một lớp bêtông, một lớp kim loại (giống như vật liệu làm mái tôn) với những màu sắc khác nhau được thay đổi từ màu gam ấm ở dưới, càng lên cao thì gam màu chuyển sang màu lạnh, gần với màu trời. Lớp cuối cùng bao gồm hơn 59.600 tấm chớp kính phản quang có tác dụng làm nhoà bớt đi màu sắc ở lớp thứ hai bên trong và có tác dụng tán xạ nhằm mục đích làm cho toà tháp lung linh hơn với vô vàn màu sắc vào ban ngày và đặc biệt hơn nữa với sự trợ giúp của hơn 45.000 bóng đèn vào ban đêm. Toà tháp có thiết kế mặt bằng mở, không có cột bên trong, tăng hiệu quả sử dụng không gian nội thất và rất nhiều màu sắc ở ngoài vỏ. 
Mục tiêu ban đầu của nhóm phát triển Layetana là làm cho toà tháp sử dụng công nghệ thấp nhất có thể và có hiệu quả về sử dụng năng lượng. Có một lối đi nhỏ dạng hành lang cho các công nhân vệ sinh có thể dễ dàng tiếp cận là làm vệ sinh cho các lớp cấu trúc của toà tháp theo chu kỳ ba tháng một, còn lớp áo ba lớp của toà tháp đảm nhiệm rất thành công trong việc thể hiện tốt hiệu năng sử dụng. Mặc dù bên ngoài thì toà tháp có thể làm cho người xem cảm nhận một sự sắp xếp không có trật tự, tuy nhiên số lượng cửa sổ mở về phía bắc được bố trí nhiều hơn hẳn số lượng mở về phía nam, nhằm đảm bảo sự thông thoáng tự nhiên và tối ưu hoá việc tận dụng ánh sáng tự nhiên.
Quá trình xây cất được diễn ra từ tháng 1.2001 đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bởi vì những túi nước ngầm hiện trạng ở độ sâu 8m so với cốt mặt đường, 30 lỗ khoan hút đã phải thực hiện chật vật trong cả năm trời cho công tác chuẩn bị hệ móng khổng lồ với độ sâu 45m. Toà tháp với độ cao tổng thể 144,4m được xây dựng theo ba bước, với công nghệ dàn giáo trượt. Bước một thực hiện với hệ cấu trúc từ trong ra ngoài và cuối cùng là lõi thang máy. Việc lắp dựng mái vòm còn phức tạp hơn nhiều với kích thước của mái vòm và độ cao của nó. Việc này được báo chí và truyền thông theo sát, kể cả trước khi nó hoàn thành, toà tháp đã thực sự trở thành câu chuyện hàng ngày của người dân trong thành phố.
Kể từ tháng 6.2005 khi hơn 1.200 nhân viên của tập đoàn Agbar chuyển vào làm việc trong toà tháp, hơn 50 công ty lớn khác cũng đã bắt đầu kéo vào các khu vực lân cận. “Tòa tháp thực sự là một lực hấp dẫn, nó lôi kéo mọi người đến với tương lai của khu 22@ này và ngoài việc trở thành công trình mang tính biểu tượng cho Bacerlona, đến bây giờ nó còn góp phần tạo nên thương hiệu cho Agbar”, một giám đốc marketing và phát triển của Layetana phát biểu.
 
Kiến trúc sư: Jean Nouvel
Thời gian xây dựng: 1.2001 đến 6.2005
Chi phí: 120 triệu euro
Địa điểm: Barcelona, Tây Ban Nha
 

   

Cận cảnh các lớp vỏ của tháp. Sự kết hợp của kính, kim loại
 
 
Không gian nội thất một sảnh vào
 
Khối lồi của toà tháp trong nội thất
 
Các triển lãm thường xuyên diễn ra tại khu vực này
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 49