Hành hương tới nhà thờ Neviges

Lượt xem: 7230
8/3/2018 0:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS Vũ Thị Nam Bình (CVUT Praha) ảnh Tường Huy 

Gottfried Böhm là kiến trúc sư người Đức, ông nổi tiếng và được biết đến như một kiến trúc sư về nhà thờ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về kiến trúc. Cha của ông, kiến trúc sư Dominikus  Böhm (1880-1955) - một trong những người xây dựng nhà thờ nổi tiếng ở Đức vào thời điểm đó. Chính vì thế mà Gottfried Böhm có những ảnh hưởng nhất định từ cha của mình. Trong số đó phải kể đến nhà thờ hành hương ở Neviges, đó là một điểm nhấn trong sự nghiệp kiến trúc của ông.

 
 
Sân trong được thiết kế rộng rãi như con đường với hàng loạt bậc tam cấp uốn lượn đẹp mắt
 
Nhà thờ hiện hữu giống như dãy núi bền vững mãi mãi tựa như sức mạnh và thiêng liêng
 
Neviges được xem như một địa điểm hành hương quan trọng nhất của Tổng giáo phận Cologne (tiếng Đức là Köln) và ảnh hưởng quan trọng đến kinh tế của vùng. Những cuộc hành hương đến vùng đất này đã có từ thế kỷ thứ 17 và ngày càng phát triển hơn. Số lượng người đến thăm nơi đây ngày một tăng. Điều đó đã thúc đẩy dự án xây dựng nhà thờ lớn thứ hai trong tổng giáo phận Cologne (sau nhà thờ lớn Cologne) vào năm 1959. Dự án thiết kế nhà thờ với 900 chỗ ngồi và 2.000-3.000 chỗ đứng, với 4-5 nhà nguyện, kho và sáu phòng xưng tội. Ngoài ra bên cạnh nhà thờ là nơi ở cho các tu sĩ, trường học và trung tâm chăm sóc trẻ mầm non, bảo tàng hội truyền giáo, nhà dưỡng lão… trên cơ sở giữ lại các nhà nguyện có sẵn và vườn tu viện. 
Đã có rất nhiều phương án tham gia dự thi, hội đồng giám khảo đã trao ba giải cho ba phương án được xem như là tốt nhất và phương án của Gottfried Böhm không nằm trong những giải thưởng đó. Phương án của ông chỉ được khen ngợi từ ý tưởng và giải pháp quy hoạch cho tổng thể tu viện. Mà trong phương án đó, nhà thờ nằm ở phía tây nam của tu viện, đó cũng là vị trí cao nhất của đồi. Đặc biệt, phương án này hướng ra nhà ga trung tâm, tạo những đường mòn dẫn dắt khách hành hương đến nhà thờ chính. Gottfried Böhm mô tả phương án như là chuỗi hình vuông giống như mắt xích chạy dọc hướng tới nhà thờ với quảng trường rộng lớn bao phủ bên trong nhà thờ. 
Tuy nhiên cả ba giải thưởng của hội đồng giám khảo đã không đạt được sự đồng thuận của đức Tổng giám mục. Cả ba phương án đoạt giải đó vẫn chưa tìm thấy được một hình thức xây dựng thoả đáng, có nghĩa là một hình ảnh và biểu tượng của một nhà thờ hành hương. Cuối cùng phương án của Gottfried Böhm gây được sự chú ý nhờ ý tưởng về quy hoạch tổng thể và đặc biệt đã thuyết phục đức Tổng giám mục sau khi làm lại thiết kế nhưng vẫn dựa trên ý tưởng tổng thể, chỉ thu gọn lại còn 800 chỗ ngồi và 2.000 chỗ đứng. 
Phương án quy hoạch tổng thể tu viện của Gottfried Böhm thoả mãn nhu cầu nhà thờ hành hương, với không gian chức năng phục vụ chạy dọc tiến đến nhà thờ chính bên cạnh sân trong được thiết kế rộng rãi như con đường với hàng loạt bậc tam cấp uốn lượn đẹp mắt. Sân trong có thể chứa được lượng lớn khách hành hương.  Từ xa, nhà thờ chính giống như ngọn núi đá nhấp nhô, đồ sộ và khá ấn tượng.
Trong bản thiết kế mới này, mặt bằng cơ cấu của nhà thờ vẫn giữ theo hình thức truyền thống, hành lang giữa tiến vào bàn thờ. Không gian trung tâm nhà thờ là điểm giữa lối đi, được nhấn mạnh bởi chóp cao nhất của mái – tổ hợp từ ba khối kim tự tháp hướng lên trời. Phía bên trong của khối kim tự tháp như phô diễn những nếp gấp và dường như mắc vào nhau. Sự kết hợp đó làm cho không gian mái của nhà thờ trở nên hấp dẫn hơn, độc đáo hơn, không giống như các hình thức mái vòm trong các nhà thờ truyền thống xưa nay. Những góc nhọn của các khối bêtông gây xúc cảm về sự đồ sộ, kiên cố và biểu trưng cho sức mạnh.  
Gottfried Böhm đã lựa chọn kết cấu bêtông cốt thép cho nhà thờ giống như là tận dụng được công nghệ hiện đại. Vào thời điểm thập niên 1960, khi Cộng hoà Liên bang Đức đã phát triển thành một quốc gia giàu và công nghiệp hoá cao, các sản phẩm công nghiệp trở nên thịnh hành với giá rẻ và phổ biến. Vì thế, sử dụng các vật liệu hiện đại và phương pháp sản xuất (tức là thép, kim loại, bêtông đúc sẵn thay vì gạch và làm thủ công…) Nó đã giúp cho Gottfried Böhm thể hiện ý tưởng của mình, cấu trúc tự do, hình thức phức tạp, góc cạnh đặc biệt là mái của nhà thờ. 7.500 mét khối bêtông và 510 tấn thép xây dựng – đó là con số khó tin nhưng đã được sử dụng để xây dựng nhà thờ này. Ông cũng đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của kỹ sư kết cấu Felix Varwick. Kỹ sư này đã phải sử dụng các phép tính riêng cho những cấu trúc đa giác, hình dạng tự do của các khối bêtông phức tạp.
Không gian nội thất bên trong cũng tương đồng với hình thức bên ngoài của nhà thờ cũng với nhiều góc nhọn, khối đa giác xếp lẫn lộn với nhau không theo nguyên tắc nào hoặc cũng có thể coi nó giống như cấu trúc của tinh thể. Tuy nhiên, trái ngược với nó, đồ đạc thiết kế trang trí nội thất lại được xử lý bằng hình thức thủ công, đơn giản. Đặc biệt là Gottfried Böhm tự tay thiết kế tay vịn cho các cửa đi của nhà thờ. Các cửa lối vào đều được làm bằng khung kim loại lưới vuông gắn với kính. Cửa sổ trang trí bằng những tranh kính màu, tạo cho không gian nội thất thêm nhiều màu sắc, đặc biệt là khi được chiếu sáng bởi ánh nắng mặt trời, lúc đó không gian sẽ trở nên huyền ảo hơn. 
Mỗi một công trình kiến trúc ra đời là có một câu chuyện dài về nó. Nhà thờ  hành hương ở Neviges cũng vậy, nó cũng có câu chuyện về quá trình lựa chọn kỹ càng các phương án để đi đến xây dựng và Gottfried Böhm đã vinh dự khi được nhận công trình này. Chính nhờ sự sáng tạo của mình, ông đã tạo ra một mô hình kiến trúc hiện đại cho nhà thờ, một không gian kiến trúc ấn tượng. Nổi bật ở đây là thiết kế tổng thể với điểm nhấn là nhà thờ trung tâm hiện lên ở vị trí trang trọng nhất, nó hiện hữu giống như dãy núi bền vững, mãi mãi tựa như sức mạnh và thiêng liêng. Sau này người ta không chỉ coi nơi đây là cuộc hành hương tôn giáo mà còn là cuộc hành hương về kiến trúc. Gottfried Böhm xứng đáng là kiến trúc sư chuyên về thiết kế nhà thờ khi tiếp bước nghề của cha mình. Bởi vì ông đã chứng tỏ được thành công trong từng thiết kế của mình – mà đặc biệt ở đây là nhà thờ hành hương Negives. Năm 1986, người kiến trúc sư này đã vinh dự nhận được giải thưởng Pritzker, ông cũng chính là người Đức đầu tiên nhận được giải thưởng cao quý này. 
 
Địa điểm: Neviges (Velbert), Đức 
Thời gian: từ năm 1964 đến 1968
Hệ thống cấu trúc: Bêtông cốt thép
Kiến trúc sư: Gottfried Böhm
 
  
Lối kiến trúc thoạt nhìn rất tương phản nhưng lại cực kỳ hoà hợp với kiến trúc ngôi làng cổ nơi đây
 
Không gian phía sau nhà thờ chính
 
Đồ đạc thiết kế trang trí nội thất lại được xử lý bằng hình thức thủ công, đơn giản.  Đa số đồ đạc và phụ kiện cho đồ thờ đều làm bằng đá tự nhiên
 
   
Không gian trung tâm của nhà thờ, hành lang tiến đến bàn thờ trung tâm. Không gian nội thất ấn tượng với nhiều góc nhọn, khối đa giác xếp lẫn lộn với nhau không theo nguyên tắc nào hoặc cũng có thể coi nó giống như cấu trúc của tinh thể. Ghế được làm bằng gỗ sồi sáng màu với khung kim loại. Thiết kế nội thất đơn giản trang nhã và thanh lịch
 
 
Cửa sổ trang trí bằng những tranh kính màu, tạo cho không gian nội thất thêm nhiều màu sắc
 
Chóp mái điểm cao nhất của nhà, với các nếp gấp xoay quanh tâm mái
 

 

Cửa đi ngoại thất được làm bằng khung kim loại, trang trí chi tiết hoa văn bằng hình thức thủ công

 
Sàn nhà lát gạch trần màu hài hoà với kết cấu bêtông cốt thép
Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống, số 47