Góc riêng cho nghệ thuật đương đại ở Bologna

Lượt xem: 7713
8/12/2017 0:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Lam Phong

Tòa kiến trúc được xây nên từ năm 1915, rộng đến 9.500m2 để 10.000 nghệ sĩ, họa sĩ đến từ khắp thế giới đã có những trình diễn, sắp đặt của hơn 200.000 tác phẩm đương đại và thể nghiệm… đó là những thông tin ngắn gọn về Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Bologna (MAMbo) - điểm đến được mệnh danh là “thiên đường” dành cho người yêu nghệ thuật ở vùng Emilia-Romagna, Italia. 

 
 
Sử dụng các chất liệu kiến trúc hiện đại, tông màu sáng, cùng một tác phẩm sắp đặt làm điểm nhấn không gian là nét ấn tượng đầu tiên của MAMbo 
 
 
Nếu nói về ẩm thực, Emilia-Romagna chính là cái nôi của nền ẩm thực Ý với các món trứ danh như phô mai Parmigiano Reggiano, thịt heo muối Prosciutoo di Parma, giấm nho Acetaia del Cristo Balsamic… còn về lĩnh vực nghệ thuật, thành phố Bologna - thủ phủ vùng Emilia-Romagna cũng chính là tâm điểm của các sáng tác nghệ thuật. Nếu là người hoài cổ, quảng trường Piazza Maggiore với các kiến trúc hình thành từ thế kỷ 15 như cung điện Palazzo dei Banchi, nhà thờ San Petronio, cung điện Palazzo dei Notai, Palazzo d’Accursio… sẽ là điểm tham quan không nên bỏ qua khi đến Bologna. Riêng với người yêu nghệ thuật, Bologna sở hữu một không gian đặc biệt, nơi các tài năng, ý tưởng, nguồn cảm hứng mang đậm hơi thở đương đại được tỏa sáng, đấy chính là MAMbo - ngôi nhà chung của hội hoạ, điêu khắc, sắp đặt, trình diễn thể nghiệm, chỉ cách nhà ga trung tâm Bologna chưa đầy 10 phút đi bộ - hiện thuộc nhóm những bảo tàng nghệ thuật đương đại hàng đầu thế giới. 
Trở lại lịch sử hình thành của MAMbo với vị trí tọa lạc hiện nay, kiến trúc đắc địa này được thị trưởng của Bologna là Francesco Zanardi cho xây dựng từ năm 1915, với công năng ban đầu là một lò bánh để cung cấp nguồn lương thực cho thị dân Bologna thời đệ nhất thế chiến. Sau đó lò bánh đóng cửa và công trình trải qua nhiều giai đoạn phá dỡ, chỉnh sửa để đến năm 1929 trở thành một Bảo tàng Nghệ thuật cho đến hôm nay. 
Nằm trên trục lộ Via Don Minzoni, nhìn từ vẻ ngoài, MAMbo không có gì đặc biệt với hình thức liên kế gồm 3 tầng lầu, nhưng từ khi bước qua khung cửa kính, không gian sảnh chính của bảo tàng mở ra ngập tràn ánh sáng nhờ phần mái vòm sử dụng toàn bằng chất liệu kính lấy sáng tự nhiên và những chi tiết kiến trúc hiện đại khi sử dụng các chất liệu kim loại, kính, gỗ, đá cẩm thạch (marble) gây một hiệu ứng thị giác mạnh với người tham quan từ ngay lần tiếp cận đầu tiên. 
Dẫn lối lên tầng một, người xem sẽ bắt gặp các họa phẩm kích cỡ lớn của danh họa Ý như Renato Guttuso, Roberto Sebastian Matta… với các tác phẩm phản ánh một khái niệm bức bí mang tinh thần “nghệ thuật và sự cách tân” miêu tả cuộc sống thị dân vốn thường xuyên bị ảnh hưởng và gắn liền với những biến cố chính trị thời cuộc. Tác phẩm “Đám tang” (Funerali di Togliatti) của Renato và “Chết cho tình yêu” (Morire per Amore) của Roberto miêu tả giây phút hy sinh của người anh hùng Che Guevara, được trưng bày trong căn phòng rộng lớn, tạo một hiệu ứng đặc biệt về không gian và cảm xúc cho người xem. 
Lần lượt các công trình nghệ thuật, các tác phẩm ở thể loại tranh, điêu khắc, ký họa, in, nhiếp ảnh, kiến trúc, thiết kế, phim ngắn được trình diễn trong từng mảng không gian tách biệt, nơi không có ranh giới của các tác giả, tác phẩm và ý tưởng thể hiện, tất cả chỉ với một ý niệm là tôn vinh giá trị nghệ thuật đương đại và thể nghiệm của nghệ sĩ thuộc mọi lĩnh vực từ khắp thế giới. 
MAMbo khởi đầu chỉ sở hữu một bức vẽ và 8 tranh in, hiện đã có hơn 200.000 tác phẩm ở đủ mọi thể loại và chất liệu, hơn 22.000 bộ phim và 300.000 đầu sách về nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm của nền nghệ thuật Ý từ sau chiến tranh thế giới thứ II cho đến thời điểm hiện tại. Bảo tàng cũng kết hợp với các viện hàn lâm, viện văn hóa nghệ thuật, các học giả, nghệ sĩ, các nhà phê bình đến thực hiện trình bày hội thảo, sắp đặt, thể hiện các sáng tác đương đại của mình cho công chúng tham quan, và giao lưu, chia sẻ những quan điểm nghệ thuật và văn hóa trong nhịp sống hiện đại. Nếu đi một mình, đừng ngần ngại tiếp chuyện với các nhân viên bảo tàng ở từng khu vực trưng bày, họ sẽ chia sẻ với bạn về những quan điểm, kiến thức, chính kiến đầy lý thú về từng tác phẩm cụ thể đang trưng bày tại MAMbo.
 
  
 
Lối thông tầng lên phòng thư viện của MAMbo với kiến trúc được thiết kế đậm yếu tố đương đại trong không gian tòa nhà có từ năm 1915. Không gian “đóng” nhưng được “mở” tối đa nhờ phần trần nhà bằng kính trong suốt để lấy nguồn sáng tự nhiên
 
 
 
Lối đi từ sảnh chính lên không gian triển lãm ở tầng 1 là sự thể hiện giản đơn và hòa hợp của đường nét kiến trúc, màu sắc và chất liệu . Các mảng trưng bày ở MAMbo được thiết kế riêng cho từng tác phẩm, tôn lên vẻ đẹp tối đa và ý tưởng mà nghệ sĩ muốn thể hiện. Trong ảnh là tác phẩm “Ngôi nhà màu đỏ” (la cassa rossa), 1976 của nghệ sĩ Fausto Melotti
 
 
Tác phẩm “Biểu tượng” với chất liệu nhựa, gỗ và sơn dầu trên toan được nghệ sĩ Claudio Parmiggiani thực hiện năm 1985 
 
 
Hai tác phẩm sơn dầu khổ lớn của Renato Guttuso và Roberto Sebastian Matta 
 
 
Góc trái ảnh là tác phẩm đa chất liệu của Gilberto Zorio, 1987 
 
 
 
Lối bố cục không gian triển lãm ở MAMbo không giới hạn kích cỡ của các hoạ phẩm, nơi những bức sơn dầu khổ lớn của Pinot Gallizio thể hiện tối đa cảm xúc đến người xem
 
 
Một không gian sắp đặt các tác phẩm nhiếp ảnh về nghệ thuật thị giác ở MAMbo 
 
 
Mỗi tác phẩm ở MAMbo mang nhiều chất liệu, ý tưởng thể hiện và được sắp đặt thích hợp ở từng không gian, dễ tạo cảm xúc đến người xem 
 
 
Tác phẩm “Phong cảnh xói mòn” (eroded landscape), 1999 của nghệ sĩ người Anh Tony Cragg từ các loại bình thủy tinh được làm hoàn toàn bằng thủ công 
 
 
Với lợi thế về diện tích rộng đến 9.500 mét vuông, các phân khu triển lãm được kết nối hợp lý, tạo cho người xem cảm giác liền mạch khi tham quan MAMbo
 
Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 116
Bài liên quan