Thăm toà nhà trung tâm Pompidou

Lượt xem: 9177
9/3/2018 0:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài Hoàng Dương Cầm ảnh Tường Huy 

Đến thăm Trung tâm Pompidou ở Paris, bạn có thể dễ dàng nhận ra phong cách kiến trúc hậu hiện đại - “kỹ thuật cao” với kết cấu và hệ thống ống dẫn lộ thiên theo mỹ học kiểu máy móc chính xác. Đây là một biểu tượng về kiến trúc, do nhóm KTS Richard Rogers, Renzo Piano và Gianfranco Franchini thiết kế    từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20.

 
Lối vào chính từ quảng trường phía đông, mỗi ngày đón tiếp hàng ngàn du khách và học sinh tham quan đồng thời vào thư viện. Khối kiến trúc “lộn ngược” với màu sắc mang tính trang trí khiến trung tâm Pompidou trở nên khác biệt
 
Năm 1971, cuộc thi đồ án kiến trúc cho dự án xây dựng một “tổ hợp kiến trúc đô thị thế kỷ” nằm ngay giữa trung tâm khu Beaubourg, nơi nổi tiếng với các kiến trúc mang tính lịch sử, đã được tổ chức theo đề xuất của Tổng thống Pháp thời đó là Georges Pompidou. Công trình được trao cho nhóm KTS Piano+Rogers, sau này đều được vinh danh với giải thưởng Pritzker cao quý nhất trong ngành kiến trúc, với ý tưởng ban đầu về một không gian sinh hoạt công cộng có tính mở và linh hoạt cao, một quảng trường giống như sự nới rộng đầy năng động của các chức năng nội thất, cùng mặt tiền khá dài của toà nhà được hình dung như các “bề mặt thông tin.” Mặt giáp đường phố sẽ thể hiện dữ liệu liên quan đến giao thông, còn phía quảng trường dành cung cấp thông tin và các mục giải trí cho khách bộ hành. 
Công trình khởi công vào tháng 4.1972 và khánh thành ngày 31.1.1977,  với chí phí xây dựng lên tới 993 triệu franc Pháp (năm 1972). Cho đến nay, toà nhà đã được trùng tu bảo dưỡng một lần từ tháng 10.1996 và hoàn thành tháng 1.2000, với chi phí 576 triệu franc Pháp (năm 1999).
Thoạt nhìn, toà nhà như bị “lộn trái” bởi các không gian bên trong toà nhà được giải phóng khỏi sự chiếm dụng thường trực của các hệ thống chức năng. Toàn bộ hệ thống vận chuyển như cầu thang, thang cuốn... và hệ thống ống dẫn phục vụ được đưa ra bên ngoài toà nhà. Các loại ống dẫn của toà nhà được mã hoá bằng màu sắc: màu xanh dương cho ống dẫn khí, xanh lam cho ống dẫn lỏng, màu vàng cho đường cáp điện và màu đỏ cho các dòng lưu thông (thang máy) và an toàn (cứu hoả). Đây chính điều khiến nó được coi là một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo và nổi bật, khác xa so với kiến trúc mang tính lịch sử của khu vực đô thị xét theo mọi yếu tố có thể hình dung: từ quy mô đến chiều cao hay hình thức và tính biểu đạt. 
Khách tham quan có thể dễ dàng nhận biết các thông số kỹ thuật của toà nhà, chỉ đơn giản bằng cách ngắm nhìn nó. Chạy dọc theo chiều dài của mặt tiền phía tây, nơi tiếp giáp với lối đi bộ trên quảng trường là các cầu thang cuốn. Còn hệ thống ống dẫn phục vụ được gắn bên ngoài mặt tiền dài phía đông nhờ một bộ khung thép và giằng chéo lộ thiên.
Thiết kế đặc biệt này thực chất nảy sinh do nhu cầu sử dụng linh hoạt không gian bên trong của toà nhà. Hạ tầng máy móc được chuyển hẳn ra bên ngoài lớp tường kính để tạo ra những không gian nội thất thông suốt, không trở ngại. Hệ thống khung kết cấu nằm bên ngoài toà nhà có chức năng tạo lực căng ngoài cho hệ thống cột xung quanh không gian chính, kéo các dầm ngang hướng xuống để giảm bớt lực uốn tác dụng lên sàn. Thiết kế kết cấu kiểu này giúp hạn chế số lượng cột đỡ và tăng khoảng cách g  iữa hai cột lên đến 53,3m. 
 
 
 
Mặt tiền phía tây và nam của toà nhà với hệ thống cầu thang và lối đi. Tại đây hình thành trung tâm có nhiều quán xá, là nơi thư giãn lý tưởng trong lúc thưởng ngoạn Paris
 
Bên trong lối đi mái vòm của toà nhà, có thể quan sát thành phố và đồi Montmartre từ đây
 
Tượng trưng bày trên tầng 5 của bảo tàng

 

Một góc càphê sân thượngPhòng trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại của bảo tàng
 
 
Không gian trưng bày dành cho kiến trúc
Không gian triển lãm chuyên đề của bảo tàng, sảnh sau, nơi bán vé tham quan
 
Ý tưởng “lộn trái” toà nhà là một trong những dự định kiến trúc đã được thực hiện thành công nhất. Hệ thống khung tường cùng hệ thống thang cuốn và đường ống được coi là một trong những đặc điểm độc đáo nhất của nó. 
Toà nhà được thiết kế thành hai phần: 1/ Ba tầng hầm là nơi đặt các thiết bị kỹ thuật và các khu vực dịch vụ. 2/ Bảy tầng lầu có kết cấu thép và kính, bao gồm một bancông và một tầng lửng. 
Hệ thống khung thép có 14 cổng hiên với 13 cột, khẩu độ 48m và ở cách nhau 12,8m. Trên đỉnh các cột, tại mỗi tầng, là hệ xà dầm bằng thép đúc, mỗi thanh dài 8m và nặng 10 tấn. Dầm cái dài 45m gác lên các thanh xà dầm, phân tán lực đều lên các cột đỡ và được cân bằng bởi hệ vì kèo néo vào các thanh giằng chữ thập. Mỗi tầng đều cao 7m tính từ sàn tới trần. Hệ thống khung thép và tường kính bao quanh các không gian mở của toà nhà. 
Ban đầu, dự án này vấp phải sự phản đối quyết liệt của những người không thích ý tưởng về một “nhà máy lọc dầu trong lòng thành phố”. Tuy thế, sau khi tiếp nhận bộ sưu tập của bảo tàng Nghệ thuật hiện đại quốc gia Pháp và mở cửa đón khách vào ngày 2.2.1977, trung tâm Pompidou đã trở thành biểu tượng của thành công: ban đầu được thiết kế cho 5.000 lượt khách/ngày, trên thực tế, nó đã đón chào hơn 25.000 lượt khách mỗi ngày. Từ đó cho đến nay, nơi đây đã đón hơn 150 triệu lượt khách và là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất ở thành phố ánh sáng.
Đến đây, ngoài cơ hội tham quan một trong những bảo tàng mỹ thuật quan trọng nhất trên thế giới hay đắm chìm trong thế giới nghệ thuật đương đại trong khu vực triển lãm theo chương trình, bạn còn có dịp khám phá một thư viện công nổi tiếng nhất, với 450.000 đầu sách, 2.600 tạp chí và một bộ sưu tập lớn các ấn phẩm truyền thông. Ngoài ra, nơi đây còn có hiệu sách, rạp chiếu phim và một sân thượng ngắm cảnh tuyệt vời.
Thư viện chiếm ba tầng dưới của toà nhà. Tầng bốn và năm dành trưng bày bộ sưu tập của bảo tàng. Hai tầng trên được sử dụng cho các cuộc trưng bày lớn. Bộ sưu tập của bảo tàng có hơn 60.000 tác phẩm, chủ yếu là nghệ thuật của thế kỷ 20. Trên tầng 4, bạn có thể tìm thấy các tác phẩm thuộc trào lưu dã thú, trừu tượng, siêu thực, lập thể và trừu tượng biểu hiện, trong thời kỳ từ 1905 – 1965, đại diện bởi các nghệ sĩ như Matisse, Kadinsky, Miró và Picasso, Pollock. Tầng 5 dành trưng bày nghệ thuật từ sau năm 1965, bao gồm cả trào lưu pop-art và biểu hình. Bảo tàng mở cửa hàng ngày từ 11 giờ sáng đến 10 giờ tối, trừ các ngày thứ ba và ngày 1.5. 
 
Thể loại: kiến trúc văn hoá và giải trí Phong cách: hậu hiện đại/hi-tech
Hệ thống kết cấu: khung thép, sàn bêtông gia cố Địa điểm: Paris, Pháp Xây dựng: 1971-1977
Kiến trúc sư: Renzo Piano, Richard Rogers và Gianfranco Franchini
Công ty thi công: Ove Arup & Partners
Công năng: bảo tàng mỹ thuật, nhà hát, địa điểm sinh hoạt văn hoá công cộng và tổ chức 
các hoạt động văn hoá dành cho thiếu nhi
 
Mẫu bàn bằng vật liệu tổng hợp, thiết kế năm 1968 của Annie Tribel
Tác phẩm “Groupe de 13 (Hommage à Amnesty International), 1968” của Eva Aeppli 
 

 

Một góc càphê sân thượng. Quảng trường của bảo tàng là nơi giao lưu, các nghệ sĩ vô danh đến và biểu diễn nghệ thuật tự do. Tác phẩm “Portraits Grandeur Nature, 2007-2009” của Agnès Thurnauer
 
 
Tác phẩm “Vanitas: robe de chair pour albinos” của Jana Sterbak. Tác phẩm “Untitled (Passage II), 2002” của Cristina Iglesias
 

 

Phòng trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại của bảo tàng

Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 49