Ngày ấy chưa xa

Lượt xem: 705555
29/1/2023 7:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài TRẦM HƯƠNG Ảnh NGUYỄN HOÀNG & TL gia đình

Nhà văn Phùng Thị Lệ Lý (Le Ly Hayslip) trong chuyến về Việt Nam tháng 11 năm nay, dù có hành trình dày đặc ở Đà Nẵng và Sài Gòn vẫn kiên quyết dành thời gian gặp một người bạn cố tri. Chị nói: “Không gặp được anh ấy, chị không yên lòng trở lại Mỹ”.

 
Vì lòng quyết tâm ấy của chị, với cái chân còn đau sau một cú đâm xe, tôi ráng lê bước cùng chị lên tầng 16 một chung cư ở quận 7. “Anh Thành, anh Bùi Kiến Thành! Anh còn nhớ em không?!”. Nhà văn Lệ Lý lao đến ôm người đàn ông ngoài 90, tóc bạc trắng, dường như đang ngồi bất động trên ghế. Mắt ông đượm buồn, nở nụ cười hiền, vòng tay ra sau lưng, ôm bà dịu dàng nói: “Bảy Lý. Lệ Lý đây mà! Nhà văn nổi tiếng viết Khi trời đất thay đổi, làm sao anh quên được. Chúng ta đã cùng có chung một hành trình gian khó nhưng cũng rất đỗi vinh quang, phải không em?!”. Lệ Lý cười mà những giọt nước mắt tuôn trào trên má...
Lệ Lý nhớ lại những ngày đầu tiên về Việt Nam, sau chiến tranh. Những chuyến đi gian truân, qua nhiều cửa ải, nhiều rào cản để trở về quê hương đã lấy đi nhiều nước mắt và thêm nhiều nỗi đau trong lòng bà. Đó là những năm 1980, khi quan hệ hai nước Việt - Mỹ còn đóng băng. Quá nhiều trải nghiệm của sự chia cắt, bà đã dũng cảm gởi cho chính phủ Mỹ lá thư kêu gọi bỏ lệnh cấm vận. Trong nhiều lá thư chống bình thường quan hệ hai nước của cộng đồng người Việt lẫn người Mỹ, lá thư Lệ Lý với những cung bậc cảm xúc phải chăng đã tạo nên ấn tượng đặc biệt. Và bà là một trong những người được Tổng thống Bill Clinton mời trong đoàn khách cùng sang thăm Việt Nam năm 2000.
 

 

Ảnh trái Nhà văn Phùng Thị Lệ Lý (Le Ly Hayslip) thăm ông Bùi Kiến Thành ngày 10.11.2022 
Ảnh phải Tác giả (nhà văn Trầm Hương) được nhà cố vấn Chính phủ tặng hồi ký Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du, Nhà xuất bản Thế giới, 2020 

Còn người đàn ông trước mặt tôi, Bùi Kiến Thành, gây cho tôi một sự bất ngờ khi được gặp một chứng nhân vừa là con người góp phần làm nên lịch sử một thời. Mà ngày ấy chưa xa. Ông là con trai đầu của bác sĩ Tín (Bùi Kiến Tín) - một đại tỷ phú nổi tiếng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Tốt nghiệp bác sĩ ở Pháp, về nước năm 1941, trước tình hình sức khoẻ của người dân Việt Nam lúc ấy, bác sĩ Tín mở hãng dược sản xuất thuốc trị táo bón, thuốc ho, dầu khuynh diệp... Những dược phẩm của ông hầu hết từ những nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong nước, chỉ trừ tinh dầu khuynh diệp khiến ông trăn trở, mày mò và nắm giữ một công thức đặc biệt. “Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín” trở thành thương hiệu nổi tiếng, đồng hành cùng người dân Nam kỳ và Đông Dương. Những năm 1960, dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, bác sĩ Tín còn tiếp nhận nhà máy sản xuất bình ắc quy do con trai đầu khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, cung cấp sản phẩm cho cả miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, bác sĩ Tín bị kết tội tư sản mại bản, còn con trai ông - Bùi Kiến Thành cũng bị kết tội “vắng chủ”. Nhà nước Việt Nam đã quốc hữu hoá, đổi VABCO (công ty sản xuất Ắc quy Việt Nam) thành công ty Pin Ắc quy miền Nam.
Bùi Kiến Thành - con trai bác sĩ Tín mỉm cười trước thế sự. Cuộc đời ông có quá nhiều chuyện để kể. Hồi ký Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du do nhóm tác giả Lê Xuân Khoa, Xuân Chi, Nguyễn Thanh Huyền thực hiện đóng góp nguồn sử liệu quý giá cho thế hệ hôm nay và mai sau cái nhìn chân xác, khách quan về lịch sử một thời đầy đau thương, biến động, hào hùng của đất nước. Có thể nào tin được, một ông lão ngồi trong góc khuất của cuộc đời, với nét mặt bình thản, vô ưu hiện hữu trước mắt tôi từng là trợ lý đặc biệt cho tổng thống Ngô Đình Diệm, từng là đại diện cho Ngân hàng quốc gia Việt Nam ở Mỹ khi mới 25 tuổi. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, ông đã từng bị bắt giam 15 tháng tù, rồi tìm cách sang Pháp, sống cuộc đời ly hương bằng nghề buôn đồ cổ, mở tiệm ăn, làm bất động sản... Năm 1984, ông sang Mỹ làm việc cho tập đoàn bảo hiểm AIG, tạo nên cột mốc doanh thu bất ngờ cho tập đoàn này, nhờ sáng kiến và sự tận tuỵ của ông. Cũng thật bất ngờ, khi tôi được biết người đàn ông chìm lẫn vào đời thường này từng là cố vấn cho ba đời thủ tướng: Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng... Ngày nay, chúng ta đã quen với cụm từ nói lên sự thay đổi đường lối kinh tế hướng tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, nhưng quay về những năm 1990, ít ai biết, để chấp nhận suy nghĩ “Dân có giàu thì nước mới mạnh” mà ông thẳng thắn đề xuất với lãnh đạo Nhà nước Việt Nam từ đêm trước đổi mới là cả một quá trình phản biện và thuyết phục. Nhớ lại chặng đường gian truân, thật không dễ dàng cho bước chuyển mình của đất nước từ cơ chế bao cấp bước ra nền kinh tế nhiều thành phần, ông khiêm nhường chia sẻ: “Chuyển mình từ những đêm tối là nhờ sự sáng tạo và trách nhiệm của lãnh đạo đất nước. Tôi cũng vui vì mình đóng góp một số ý kiến thúc đẩy tiến trình đó”. 
Tháng 11 năm 1991, Bùi Kiến Thành trở lại Việt Nam, sau 26 năm xa cách. Cuộc hồi hương của ông mở đầu bằng những đóng góp sôi nổi cho Chính phủ, đặc biệt những vấn đề người Mỹ mất tích ở Việt Nam trong cuộc chiến tranh, vấn đề giam giữ công chức và sĩ quan chế độ Sài Gòn; vấn đề Mỹ và Việt Nam trả lại những tài sản đang giữ của nhau; sự cần thiết nắm vững công pháp quốc tế khi Việt Nam hiệp thương với nước ngoài, về dầu khí và vấn đề quan hệ với Hoa Kỳ, về pháp lý chủ quyền thềm lục địa... Quả thật, Bùi Kiến Thành đã góp chất xám cho một tầm nhìn thế kỷ. 
Ngày 1.11.1991, Chính phủ Hoa Kỳ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Hoa Kỳ thăm Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ. Ngày 14.12.1992, Tổng thống George Bush cho phép các công ty Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm các khoản vay song phương và đa phương dành cho Việt Nam, mở đường cho Việt Nam tiếp cận với những khoản vay tài chính nước ngoài. Ngày 3.2.1994, Tổng thống Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Ngày 28.11.1995, hai nước mở văn phòng liên lạc. Ngày 12.7.1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, gác lại quá khứ và mở ra chương mới trong lịch sử hai nước... 
 

 

Ảnh trái Gia đình Bác sĩ Tín trong chuyến đi chơi Hà Nội năm 1938. Bùi Kiên Thành lúc đó 7 tuổi. Bên cạnh là người cô chỉ lớn hơn ông vài tuổi
Ảnh phải Tôi thật ấn tượng trước một không gian tưởng niệm, nơi bức tường được ông đặt trang trọng di ảnh ông bà nội (hàng trên), ông bà Bác sĩ Bùi Kiến Tín (Bác sĩ Tín) - cha mẹ ông (hàng dưới). Mẹ ông Bùi Kiến Thành - Bà Nguyễn Thị Hoà (1915-1991). Cha ông - Bùi Kiến Tín (1912-1994)
Bà Nguyễn Thị Hòa (mẹ Bùi Kiến Thành - bìa trái). Bà quê Đại Lộc, Quảng Nam; là con gái thứ một quan đại thần triều đình Huế. Anh trai lo việc học ở xa, mới 13, 14 tuổi; cô Ba Hòa đã quán xuyến nhiều điền đất, trang trại của cha, trông coi việc trồng dâu, nuôi tằm, trồng bắp, trồng thuốc lá. Ông Bùi Kiến Thành kể: "Má tôi hồi đó có 15, 16 tuổi mà chỉ huy cả một đạo quân. Cô Ba đi trước rồi có mấy người trai bạn đi theo đằng sau hộ vệ. Ngoài ruộng, người ta cất một cái chòi cao. Cô Ba leo lên chòi ngồi giám sát, đốc thúc những người làm công ở dưới. 16 tuổi, cô Ba được gã cho Bùi Kiến Tín. Chồng sang Pháp du học, bà ở nhà sinh con, vẫn trông coi điền trang cho bên ngoại. Khi bác sĩ Bùi Kiến Tín về nước, bà sát vai cùng chồng mở nhà thuốc Bác sĩ Tín. Bà có một đức tính khá độc đáo, kiên quyết đưa các con du học nước ngoài, kể cả con gái. Bà ủng hộ việc tôi sang Pháp thi tú tài, rồi sang Mỹ, vào trường Đại học Columbia, ngành ngân hàng. Cũng từ đây, tôi chính thức bước vào cái "nghiệp" của đời mình, làm cố vấn cho chính phủ cả hai chế độ, nhiều đời lãnh đạo".

Mắt người đàn ông tuổi ngoài 90 rực sáng khi nghe nhà văn Lệ Lý nhắc đến những cột mốt quan hệ Việt Mỹ quan trọng này. Ông từ tốn nói: “Đây là kết quả của một hành trình gian nan với bao nhiêu cố gắng, mồ hôi và công sức của nhiều người, từ phía Mỹ và Việt Nam; trong đó có tôi, có Bảy Lý - người phụ nữ đã dám viết cho Chính phủ Mỹ lá thư tâm huyết kêu gọi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam! Tôi quý Bảy Lý vì điều đó...”. 
Cuộc trò chuyện giữa hai người bạn cố tri quay về với đời sống cá nhân. Nhà văn Lệ Lý hỏi thăm sức khỏe và đời sống hiện tại của ông. Tôi thật sự bất ngờ khi biết con trai một nhà hằng sản từng đóng góp nhiều tiền của cho kháng chiến chống Pháp, cứu đói cho đồng bào năm Ất Dậu như bác sĩ Tín; bản thân ông rời nước Mỹ về Việt Nam sinh sống, cống hiến chất xám cho Chính phủ Việt Nam về kinh tế và quan hệ ngoại giao; người từng được trao tặng giải thưởng “Vinh danh nước Việt” nhằm tôn vinh những người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho đất nước giờ có một cuộc sống rất khiêm nhường, lặng lẽ. Mãi đến năm 2007, ở tuổi 76, ông mới được nhập quốc tịch Việt Nam. Ông tâm sự: “Tôi qua Pháp năm 1965 rồi đến năm 1975, papa tôi - bác sĩ Tín cũng qua Pháp. Những tài sản gia đình tôi do nhà nước tiếp quản theo thời giá hiện nay cũng lên đến hàng tỷ đô la. Papa tôi có làm đơn gởi chính phủ xin lại ngôi nhà từ đường số 178 Lê Văn Sĩ để thờ cúng tổ tiên. Chính phủ nói khi nào ông hồi hương sẽ xem xét. Chưa kịp hồi hương thì ông đã mất. Tôi là con trai trưởng, cũng trăn trở việc giữ lại gốc gác gia đình nhưng rồi tôi quyết định không làm đơn xin bất cứ gì. Tôi bỏ nhiều thứ về Việt Nam làm cố vấn cho chính phủ vì lòng mong muốn Việt Nam thật sự đổi mới, phát triển. Còn cuộc sống riêng tư của tôi hoà lẫn với bao nhiêu con người. Tôi ở nhà thuê cũng 27 năm rồi. Sống bằng nghề tư vấn cho các tập đoàn tài chính, các công ty... Một người bạn xót xa cho tôi nói: “Chưa nói đến chuyện trả lại tài sản cho anh nhưng ít nhất với những việc anh đóng góp chất xám để vực dậy nền kinh tế, bao nhiêu vấn đề biển Đông, chủ quyền thềm lục địa thì anh xứng đáng có được sự chăm lo tối thiểu về nhà ở, lương để sống”. Tôi lại thấy thật đơn giản vì tôi tự lo cho mình được, để làm những việc phục vụ đồng bào. Vậy là tôi đã sống một cuộc đời có ý nghĩa, thật đáng sống”.
Tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng khách giản dị của ông, chợt dừng lại trước một không gian tưởng niệm, nơi bức tường được ông đặt trang trọng di ảnh ông bà tổ tiên, cha mẹ ông, người vợ và người con trai đã mất của ông.
Những bức di ảnh gợi nhớ những thăng trầm lịch sử trong một gia tộc, với từng số phận con người. Ngày ấy vẫn chưa xa...
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 200