Lâu đài ven biển Bắc Ireland

Lượt xem: 9429
19/12/2017 0:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Nguyễn Đình

Con đường ven biển Bắc Ireland được mệnh danh là một trong những con đường du ngoạn đẹp nhất thế giới, với thắng cảnh đẹp như tranh của tự nhiên, núi đồi, đường bờ biển, và điểm xuyết trong đó là những tòa lâu đài từ thời trung cổ với các vị trí tọa lạc đều nhìn ra hướng biển. Khám phá vẻ đẹp các lâu đài, cứ như hành trình ngược dòng thời gian, đứng trước những cổ kính hiện tại để nhớ về một thời huy hoàng quá vãng. 

 
Nét nguyên vẹn và vẻ đẹp đã qua hơn 8 thế kỷ tồn tại của lâu đài Carrickfergus
 
Vùng County Antrim ở Bắc Ireland, có đến 18 lâu đài được xây dựng từ thời trung cổ, bảy trong số ấy nay chỉ còn phế tích. Với mạch giao thông chính là con đường cao tốc Marine ven bờ biển, nối qua các lâu đài như Carrickfergus, Dunseverick, Dunluce hay Glenarm… hình thành nên một lộ trình độc đáo dành cho những người yêu thích vẻ đẹp từ kiến trúc cổ, đặc biệt là lĩnh vực lâu đài. Điểm chung dễ nhận nơi kiến trúc của các lâu đài ven biển Bắc Ireland, ngoài chất liệu xây dựng chủ yếu là đá núi lửa trong vùng, ở đó còn là sự đương đầu, thách thức và chinh phục thiên nhiên khi chủ nhân các lâu đài thường chọn vị trí tọa lạc là những địa thế hiểm hóc, cheo leo trên vách đá, hay đối mặt với sóng gió biển khơi. Bởi thế, dù còn nguyên vẹn, hay chỉ là đổ nát, câu chuyện kiến trúc của những tòa lâu đài cổ ven biển Bắc Ireland là một điểm nhấn hấp dẫn, góp thêm cho hành trình du ngoạn trên con đường ven biển Bắc Ireland thêm hoàn hảo và đáng nhớ.
 
 
 
Những đổ nát còn lại ở lâu đài Dunluce vẫn mang những nét đẹp kiến trúc độc đáo, đặc sắc sau thời gian dài bị lãng quên và nay trở thành điểm tham quan “phải đến” ở Bắc Ireland
 
Carrickfergus - lâu đài cổ tích
Rời Belfast – thủ phủ của Bắc Ireland, lâu đài đầu tiên tôi diện kiến chính là Carrickfergus, với khối kiến trúc đồ sộ, lừng lững soi bóng xuống bến cảng. Toà lâu đài hơn 800 năm tuổi này hiện là một trong những lâu đài được bảo tồn nguyên vẹn nhất ở Bắc Ireland. Câu chuyện tên gọi, việc xây dựng lâu đài, cũng như những lần đổi chủ, cứ như một chuyện kể từ cổ tích. 
Tên gọi của tòa lâu đài, gợi về một tích truyện thú vị có từ thế kỷ thứ 6, gắn với vị vua Fergus. Carrickfergus (từ cổ là Carraig Fheargus) có nghĩa là “tảng đá Fergus”. Chuyện kể lại vào năm 531, vua Fergus bị một chứng bệnh ngoài da, và tìm đến khu vực sau này xây dựng lâu đài Carrickfergus, mong tìm được một nguồn nước thánh từ các phiến đá để chữa bệnh, nhưng không may khi thuyền cập bến thì va phải đá ngầm và bị đắm. Sau này vào năm 1171, hiệp sĩ John de Courcy cùng lực lượng gồm 22 hiệp sĩ khác và 300 kỵ binh sau khi giành chiến thắng, làm chủ toàn vùng và xây nên lâu đài Carrickfergus để biểu dương quyền lực và củng cố hệ thống phòng thủ.  Mảng tường của lâu đài dày từ 3-4m, cao đến hơn 40m, được bao phủ ba mặt là nước, nếu xét về mặt quân sự, đây là địa thế rất khó để tấn công trong mọi tình huống. Lâu đài có kết cấu gồm bốn tầng, trong đó tầng hầm là nơi chứa nước, nhà kho, và hoàn toàn không có cửa sổ để tránh trường hợp bị tấn công. Tầng một dùng cho lính canh, tầng hai là nơi làm việc, gặp gỡ và hội họp của Courcy, tầng ba dùng cho gia đình Courcy với những cửa sổ lớn để hứng ánh nắng và hướng tầm nhìn ra cảnh đẹp của biển. 
Trải qua rất nhiều cuộc chiến dữ dội, tàn khốc, và nhiều lần đổi chủ, cùng những lần mở rộng, thay đổi kết cấu, gia cố thêm những công năng mới cho toà lâu đài. Đến đầu thế kỷ 20, từ 1914-1918 lâu đài là nơi chứa đựng vũ khí phục vụ cho chiến tranh thế giới thứ nhất. Đến 1928, kiến trúc Carrickfergus được công nhận là tượng đài lịch sử. Suốt từ 1939-1945, tầng hầm lâu đài được dùng để che giấu máy bay tiêm kích. Và nay trở thành điểm tham quan hấp dẫn khi đến Bắc Ireland.
 
Cảnh quan ngoạn mục của lâu đài Dunluce
 
Vẻ đẹp từ đổ nát
Những kiến trúc lâu đài còn nguyên vẹn ở Bắc Ireland cùng câu chuyện xây dựng bao giờ cũng là những thông tin thú vị, bởi ở vùng lãnh thổ này, để có thể xây nên một lâu đài đồ sộ, kiên cố, chủ nhân của chúng phải tràn đầy quyền lực, sức mạnh, sự hưng vượng mới đủ tiềm lực để tính đến chuyện xây dựng lâu đài. Chẳng hạn như vòng tường thành của lâu đài Glenarm (1260), với kiến trúc cầu đá vững chãi bắc ngang dòng Glenarm, chất liệu xây thành chủ yếu là đá bazan, ứng dụng kiến trúc xây dựng thời trung cổ, tường thành mang điểm nhấn là các cửa sổ mang phong cách Gothic, tạo nên cho Glenarm sự bề thế, duyên dáng, và cũng đầy bí ẩn.
Bên cạnh đó, những kiến trúc lâu đài đổ nát với thời gian, lại mang một vẻ đẹp kỳ lạ khác. Kiến trúc ấy có khi chỉ còn lại mảng tường, đôi hàng cột đứng chơ vơ trên mỏm đá nhô ra biển, như phế tích của lâu đài Dunseverick, cũng là một pháo đài phòng thủ của hoàng gia vùng Antrim từ thế kỷ thứ 5, bị phá huỷ vào thế kỷ 17 và sụp đổ dần, chỉ còn lại chút phế tích gợi thuở vàng son khi xưa. Tuy vậy, nét chơi vơi, nhỏ nhoi của phế tích Dunseverick cũng đủ tạo nên một nét chấm phá trước khung cảnh ngoạn mục và kỹ vĩ. Trong số các lâu đài ở Bắc Ireland, Dunluce là tên gọi được nhấn mạnh “phải đến” nếu đã chu du trên con đường ven biển. Dù còn lại không nguyên vẹn nhưng Dunluce vẫn mang những nét đẹp riêng của một tòa kiến trúc cổ độc đáo ở Bắc Ireland. Thế nhưng, Dunluce gây cho người ta sự tò mò hơn cả là những thêu dệt đầy huyền bí về bóng ma trên vách đá mà người con trai dòng họ McQuinllan thường gặp từ năm 1534, cùng những tai nạn xảy đến cho lâu đài này. 
Được xây nên từ thế kỷ 13, Dunluce với kiến trúc thời trung cổ từng là một biểu trưng quyền lực. Đến thế kỷ 17, Dunluce có mối gắn kết mật thiết với lâu đài Glenarm, bởi đồng chủ sở hữu là gia đình McDonnells. Kể từ khi xây nên, Dunluce luôn được mệnh danh là pháo đài của những pháo đài nhờ sự kiên cố, vững chãi trong kiến trúc và vị trí toạ lạc. Trải qua nhiều cuộc chiến, Dunluce vẫn đứng vững. Tuy vậy, lịch sử lâu đài ghi nhận Dunluce đã gặp một thảm hoạ lớn trong đêm giông bão năm 1639, phần bếp ăn của lâu đài bị đổ sụp xuống biển, kéo theo 7 người đầu bếp. Kể từ đó, Dunluce bị bỏ hoang, chủ nhân dời về sống ở lâu đài Glenarm. Đến 1641, hầu hết các mảng kiến trúc bằng gỗ của lâu đài bị phá hủy hoàn toàn sau một trận hỏa hoạn lớn và lâu đài ngày càng trở nên hoang phế. 
Ngày nay, Dunluce được tôn tạo để trở thành một điểm tham quan, trong lâu đài có một không gian trưng bày các di chỉ khảo cổ của Dunluce và thị trấn Dunluce kế cận. Những đổ nát của kiến trúc Dunluce được giữ nguyên vẹn, người ta đến với Dunluce để nghe câu chuyện dài về cuộc đấu tranh giữa các vị lãnh chúa trong việc sở hữu lâu đài, để tận tay chạm vào quá khứ nơi những phiến đá xây nên một Dunluce đồ sộ, để diện kiến cả một vùng cảnh quan ven biển mang tổng thể phong cảnh độc đáo, đặc sắc, làm nền cho Dunluce đẹp mãi với thời gian. 
 
Chỉ còn lại vài hàng cột, phế tích của lâu đài Dunseverick cũng là một địa danh tham quan trên con đường ven biển Bắc Ireland
 
Cây cầu đá dẫn lối vào cổng thành đồ sộ của lâu đài Glenarm
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 97