Theo thống kê trong hơn 3.000 bảo tàng của hiệp hội Bảo tàng Anh, Bảo tàng Lịch sử Tự Nhiên Anh, mở cửa từ 18.4.1881, luôn trong danh sách dẫn đầu về lượng khách tham quan hàng năm. Đây là nơi có bộ sưu tập mẫu vật thiên nhiên lớn nhất thế giới, với hơn 70 triệu mẫu vật, trong số ấy có rất nhiều mẫu vật hóa thạch của các loài khủng long khổng lồ, như giống Diplodocus hiện được trưng bày ngay sảnh chính, sau lớp cửa ra vào.
Đến thế kỷ 21, trong tòa kiến trúc đã hơn 130 năm tuổi của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh, người ta cho thực hiện một công trình kỷ lục khác, Trung tâm Darwin – nơi làm việc của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về sinh vật và thực vật học – có vẻ ngoài giản đơn như một vỏ kén khổng lồ.
Trung tâm Darwin do Công ty Kiến trúc CF Møller của Đan Mạch thiết kế và thi công từ tháng 6.2006 đến 15.9.2009 hoàn thiện, trở thành một biểu tượng kiến trúc đương đại ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh. Có giá trị xây dựng lên đến 78 triệu Bảng (hơn 300 tỷ đồng), với 280 nhân công thực hiện công trình, hình thành nên một không gian liên hoàn gồm 8 tầng lầu trong chiếc vỏ kén.
Trung tâm Darwin cũng mang công năng sử dụng như một bảo tàng, nơi trưng bày hơn 42 triệu mẫu sinh vật, thực vật và các loài côn trùng thuộc các bộ sưu tập khác nhau được lớp vỏ kén bảo vệ. Các hiện vật được bày trong hệ thống tủ lưu trữ di động có tổng chiều dài đến 3,3km, tất cả được kiểm soát ánh sáng, điều khiển độ ẩm và nhiệt độ rất chặt chẽ để bảo quản.
Phân khu trung tâm của vỏ kén là nơi tập trung nghiên cứu khoa học, với hơn 200 nhà khoa học cùng lúc làm việc trong không gian đó mỗi ngày bên cạnh các thiết bị thí nghiệm công nghệ cao, và điều thú vị là công chúng có thể tương tác, quan sát công việc thường ngày của một nhà khoa học, có thể đặt câu hỏi để các nhà khoa học trả lời việc họ đang làm thông qua hệ thống micro hai chiều ở các khoang làm việc. Du khách đi trong vỏ kén có thể hiểu rõ hơn công việc của các nhà khoa học như thu thập mẫu vật, đặt tên cho loài mới, sắp đặt lại các mẫu vật để phục vụ cho mục đích nghiên cứu bệnh sốt rét, hay theo dõi việc biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến đời sống sinh vật trên trái đất.
Các lối đi thông tầng trong vỏ kén không sử dụng bậc cấp vừa tiện lợi để người tàn tật có thể sử dụng xe lăn di chuyển, đồng thời cũng nhằm giảm thiểu tiếng ồn vang vọng lại từ những bước chân, tránh sự phân tâm của các nhà khoa học khi đang làm việc và ô nhiễm sóng âm ở các không gian có triển lãm sử dụng âm thanh.
Thoát ra khỏi vỏ kén, cảm giác như bước ra từ bộ phim khoa học viễn tưởng, bởi khi ấy sẽ thấy sự tương phản của con người nhỏ bé và chiếc vỏ kén khổng lồ bị chụp bởi một chiếc lồng thủy tinh với giàn khung chịu lực gồm 30 cột thép nguyên khối dài 28m chống đỡ, đây là cột thép xây dựng dài nhất ở London. 8 tầng lầu trong vỏ kén là khối kiến trúc bê tông có đường cong lớn nhất toàn châu Âu. Bề mặt vỏ kén được bao phủ bởi 3.500 mét vuông thạch cao được đánh bóng bằng phương pháp thủ công. Sàn đá là nguồn đá vôi tự nhiên lấy từ vùng Portland ở Anh.
Trung tâm Darwin được thiết kế theo tiêu chuẩn bền vững, bao gồm các vật liệu cách nhiệt để bảo quản bộ sưu tập mẫu vật và hệ thống chiếu sáng tiên tiến tiết kiệm năng lượng, là một biểu tượng kiến trúc đương đại nằm trong biểu tượng kiến trúc cổ điển ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh.
.jpg)
Chiếc vỏ kén được chụp trong khung kính với các trụ thép chịu lực khổng lồ. Với chiều cao 65m, Trung tâm Darwin là một trong những công trình kiến trúc độc đáo nhất trong số các bảo tàng đương đại tại Anh
Kiến trúc hình khối bê tông của vỏ kén sở hữu đường cong lớn nhất so với tất cả các kiến trúc đương đại toàn châu Âu. Hệ thống nhà kính gồm 30 cột thép nguyên khối chống đỡ, được công nhận là cột thép xây dựng dài nhất trong các công trình kiến trúc ở London 

Lối vào trung tâm Darwin đi từ hướng Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh
Lối vào chính của Trung tâm Darwin nằm trên đỉnh chiếc vỏ kén
* Trung tâm Darwin được tuyển chọn từ tổng số 59 đồ án dự thi năm 2001, hiện có tổng diện tích sàn 16.000 mét vuông, do Công ty Kiến trúc C.F Møller Architects thiết kế. Công trình hoàn thiện năm 2009 và đạt các giải thưởng kiến trúc danh giá như: Giải công trình bê tông xuất sắc nhất tại Anh (2009), Giải kiến trúc về công trình nghệ thuật giải trí (2009), Giải đề cử cho những công trình mang kiến trúc hiện đại tại Anh, Mies van der Rohe (2009).
|
Không gian trưng bày các mẫu vật nghiên cứu và nơi làm việc của các nhà khoa học bên trong chiếc vỏ kén ở Trung tâm Darwin
Các lối đi thông tầng trong vỏ kén không sử dụng bậc thang mà dùng đường dốc để giảm thiểu tiếng ồn gây phân tâm các nhà khoa học khi đang làm việc. Lối đi dẫn dắt khách tham quan qua bộ sưu tập mẫu vật, không gian trưng bày hình ảnh đầy ấn tượng về các giống loài động vật, côn trùng trong tự nhiên được phóng đại, tạo hiệu ứng thị giác mạnh cho người tham quan
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 116