
.jpg)
Kiến trúc cổng tháp Romon được tướng quân Toyotomi Hideyoshi dựng nên từ 1589

Trong Thần Đạo, tương truyền có đến hơn 8 triệu triệu vị thần khác nhau, và toàn nước Nhật có khoảng 80.000 ngôi đền, Inari là vị thần lúa gạo, hoa màu… nên được kính thờ nhiều nhất, với thống kê khoảng gần phân nửa số đền thần đạo ở Nhật có thờ Inari. Ở cố đô Kyoto, ngôi đền Fushimi Inari được xây dựng ở vị trí như hiện tại từ năm 965 dưới thời Heian (Bình An) 794-1185, và là đền thờ Inari lớn nhất toàn nước Nhật. Điểm độc đáo của ngôi đền, không chỉ từ những tòa kiến trúc cổ mà còn là những chiếc cổng Torii với thống kê đã có hơn 5.000 (có tài liệu ghi là 10.000), được người dân cung tiến, xây dựng bao quanh đền, tạo thành một quần thể kiến trúc ngoạn mục.
Trở lại câu chuyện Torii, đây là nét tiêu biểu của Thần Đạo, vừa là biểu tượng, vừa là dấu mốc để phân định ranh giới giữa phàm tục và thần linh, giữa thế giới con người và nơi cư ngụ của các vị thần. Có nhiều lý giải về sự ra đời của Torii gắn với vị thần cao cả nhất của Thần Đạo là Thiên Chiếu Đại Ngự Thần (Amaterasu) - còn gọi là nữ thần mặt trời, được xem là thủy tổ của hoàng gia Nhật Bản và Thiên Hoàng. Truyền thuyết kể rằng khi ngự trên thiên giới, nữ thần Amaterasu thường sai sứ giả là một loài chim đi khảo sát tình hình nơi hạ giới, và chiếc cổng Torii ở ranh giới giữa phàm tục và thần linh là nơi vị sứ giả dừng chân nghỉ. Chiếc cổng làm nơi chim đậu từ đó hình thành như một dấu chỉ nhận biết về đền Thần Đạo, và cũng mang biểu trưng cho sự hưng vượng, sung túc.
Theo thống kê toàn nước Nhật, có khoảng 26 phong cách kiến trúc Torii khác nhau như Kasuga, Sashima, Ryobu, Myojin, Hachiman, Shinmei… Tên gọi các phong cách thường cũng là tên ngôi đền có loại hình kiến trúc Torii đó, trong đó phong cách Myojin là phổ biến nhất. Lý giải về kiểu dáng của các Torii là vì có nhiều loài chim mang móng vuốt khác nhau, nên tùy vào đó mà thanh ngang của Torii cũng được thiết kế khác biệt để các loài chim đậu lên một cách thoải mái.
Torii ở đền Fushimi Inari mang phong cách kiến trúc Myojin, hàng ngàn chiếc Torii ở Fushimi Inari được lý giải rằng thần Inari thường ban cho nông nghiệp được mùa, nông dân ấm no, đến khi nông nghiệp quanh vùng dần thay thế bằng công nghiệp, các công ty, các ông chủ lớn nhỏ cũng tìm đến đền cầu xin việc làm ăn thuận lợi, khi lời cầu được đáp ứng, họ trở lại cung tiến, góp tiền xây nên các cổng đền để tỏ lòng cảm ơn thần, hình thành nên những con đường Sando (tham đạo) với hàng ngàn Torii liền kề nhau (Senbon Torii), dẫn lối lên đền chính, cảm giác đi dưới các Torii dày đặc ở Fushimi Inari giống như đang đi trong một đường hầm ngập màu đỏ son đặc trưng trong kiến trúc xây đền và Torii của Thần Đạo.
Mất khoảng 3 giờ để có thể đi hết con đường Torii dẫn lên đỉnh núi, nơi ngoạn cảnh cố đô Kyoto từ trên cao. Kiến trúc tổng thể đền Fushimi Inari mang nhiều nét tương đồng như các đền Thần Đạo khác, cũng với các công trình chính như cổng đền (Torii), tham đạo (Sando), bồn nước thanh tẩy (Temizuya), nhà diễn kịch – Thần lạc (Kagura), nhà dâng lễ vật (Haiden), chánh điện (Honden)… mỗi kiến trúc mang một nét đặc trưng riêng, sử dụng ba gam màu chủ đạo gồm: đỏ, trắng, và các tông trầm như đen, màu rêu, xanh đồng của các chi tiết mái lợp, cả quần thể ẩn dưới tán rừng thông, tạo thành một không gian thờ tự uy nghiêm, thành kính, là một cảnh quan đẹp nhất trong số các đền thần đạo khác miền cố đô Kyoto.

.jpg)
.jpg)
Đẹp trong từng chi tiết trang trí, hòa hợp cùng cảnh quan thiên nhiên là hình ảnh quen thuộc trong các ngôi đền Thần Đạo của Nhật Bản
Tòa kiến trúc nơi diễn ra các buổi trình diễn kịch Noh truyền thống Nhật Bản
Những “đường hầm” Torii dài hun hút trên đường lên đỉnh núi
Lan can trang trí ở cây cầu đá Thập Thạch Kiều thật tinh xảo, thể hiện tay nghề hoàn hảo của thủ công Nhật Bản. phiền, lo toan…
Torii ở đền Fushimi Inari có giá trị xây dựng thấp nhất là 130.000 yen (khoảng 25 triệu đồng), tên người cung tiến cùng năm tháng, ngày giờ thường được ghi lên Torii
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 117