Việc phối kết màu sắc, chất liệu trong từng chi tiết trang trí, kết hợp cùng các hiện vật phục chế mang phong cách xưa ở thập niên 40 - 50 như bàn ghế, đèn tường, tranh treo, tạo nên sinh khí cho tổng thể công trình
Các khu biệt điện, biệt thự, khu nghỉ dưỡng của vị vua triều Nguyễn cuối cùng của chế độ Quân chủ Việt Nam (thường được dân gian gọi là Dinh Bảo Đại) trong thời gian làm Hoàng đế Đại Nam và quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, từ tòa kiến trúc trên đỉnh đồi Vung (Đồ Sơn), đến Bạch Dinh (Vũng Tàu), biệt thự Cầu Đá hay còn gọi là lầu Bảo Đại (Nha Trang), biệt điện Bảo Đại (Buôn Ma Thuột), biệt thự Hồ Lăk (Buôn Ma Thuột), Dinh II, Dinh III (Đà Lạt)… đều đã được đưa vào khai thác du lịch, nghỉ dưỡng, là điểm tham quan… duy chỉ có Dinh I (Đà Lạt) từ lâu nay vẫn còn là một “ẩn số” chưa được giải mã.
Tòa nhà lịch sử
Chủ nhân đầu tiên của Dinh I – Robert Clément Bourgery, vị triệu phú người Pháp - hẳn thật hữu ý khi chọn vị trí đắc địa trên đỉnh đồi thông ngay trung tâm Đà Lạt để tạo nên một công trình đồ sộ (1940), với sự phối hợp các đường nét Tây Âu vào kiến trúc thuộc địa. Phần đế móng và tường bao tầng thấp của tòa nhà sử dụng nguồn đá núi khai thác từ các mỏ đá trên cao nguyên Lâm Viên, kết hợp với gạch nung và chất kết dính để nâng chiều cao công trình thành 2 tầng, mái lợp ngói Tây, là một kiến trúc đẹp và cũng mang phong cách quen thuộc của các dinh thự tại Đà Lạt từ cảnh quan đến lối thiết kế xây dựng.
Vị trí hoàn hảo ở cảnh quan và bề thế của tòa nhà được vua Bảo Đại để mắt đến, nên sau khi trở lại nắm quyền, nhà vua đã mua lại căn biệt thự (1949). Toàn bộ ngoại thất được giữ nguyên trạng, riêng phần nội thất được biến đổi công năng, tu bổ và sửa sang lại thành nơi làm việc của Bảo Đại và cận thần cho “Hoàng triều Cương thổ” (Domaine de la Couronne) cai quản năm tỉnh thuộc xứ thượng nam Đông Dương là Đồng Nai Thượng, Lang Biang, Pleiku, Daklak, Kontum.
Quy chế hành chính Hoàng triều Cương thổ tồn tại từ năm 1950 đến 1955 giải thể, và số phận của tòa kiến trúc cũng thay đổi theo chủ mới, là dinh cơ riêng của Ngô Đình Diệm (1956), tiếp sau đó trở thành nhà nghỉ dưỡng phục vụ các chính khách, nguyên thủ của nhà cầm quyền đương thời cho đến năm 1975.
Những vàng son một thuở của tòa kiến trúc dần bị đi vào quên lãng giống với rất nhiều công trình khác trên phố núi Đà Lạt, các hiện vật còn lại trong căn biệt thự dần bị tẩu tán, hỏng hóc. Công năng của tòa nhà liên tục thay đổi, từ nhà khách, tiếp tục đổi chủ đầu tư để đưa vào kinh doanh sòng bài, sàn nhảy, sau đó bị hoang phế suốt quãng thời gian gần chục năm. Trong khi đó các dinh thự và biệt điện khác của vua Bảo Đại tại Đà Lạt như Dinh II, Dinh III vẫn hàng ngày mở cửa đón khách tham quan. Việc phục chế, tôn tạo để trả lại vẻ đẹp song hành cùng giá trị lịch sử cho kiến trúc Dinh I, thực sự là một việc cần và nên làm.
Phòng họp chính của vua Bảo Đại và các thành phần nội các
Phòng làm việc của ông Nguyễn Đệ - Đổng lý Văn võ phòng Đức Quốc trưởng Bảo Đại - người chỉ huy công việc tại Văn võ phòng, được vua Bảo Đại giao trọng trách “Khâm mạng Hoàng đế”
Tổng thể không gian nội thất đóng vai trò tạo nền để tôn lên vẻ đẹp của các hiện vật trang trí như bàn ghế, tranh treo tường
Dấu xưa ở lại
Ở hầu hết các công trình kiến trúc khi bắt tay vào công đoạn phục chế, không gian ngoại thất dù được trả về nguyên bản vẻ đẹp và giá trị ban đầu, sự thành công của việc phục chế mới chỉ dừng lại ở khái niệm “đúng”, còn muốn “đủ” – đòi hỏi những người làm công tác chuyên môn phải có một trình độ hiểu biết, tay nghề vững và tình yêu cùng niềm đam mê mới có thể hoàn thiện nét đẹp cốt lõi chính là phần hồn của công trình, thông qua các chi tiết, đường nét, bố cục, lối sử dụng màu sắc và vật dụng trong trang trí nội thất.
Từ một công trình bỏ hoang lâu ngày như Dinh I, cộng với những biến thiên của thời cuộc, sức tàn phá thời gian, những hiện vật nguyên bản còn lại từ thời cựu hoàng Bảo Đại, chỉ còn là xác nhà và một vài đồ dùng nội thất đã sứt tai, gãy gọng. Hai tầng lầu của Dinh I được phân thành 15 phòng mang nhiều công năng khác nhau, trong đó chính yếu là các phòng làm việc, hội họp, thư giãn… bài toán đặt ra cho công tác trùng tu là làm sao phải trả lại công năng của một nơi làm việc đậm nét vương triều, với cách bày trí, sử dụng các chi tiết nội thất tương ứng với thời điểm sử dụng hoàng kim của công trình ở những năm 50 thế kỷ trước.
Mất hơn một năm tìm hiểu, thực địa, tra cứu nguồn tư liệu ảnh tại Thư viện Quốc Gia, bảo tàng, các nhiếp ảnh gia đã từng thực hiện hình ảnh Dinh I, nhưng những chi tiết chính xác về không gian nội thất của tòa nhà hiếm như mò kim đáy bể. Việc phục chế công trình đành thực hiện qua lời kể từ các nhân chứng cùng thời, kết hợp nguồn tài liệu về các vật dụng trang trí kiến trúc mang đường nét và phong cách thuộc địa ở những năm 40 – 50, và số hiện vật đồ gỗ còn lại (khoảng 50%) nhận bàn giao từ Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng làm cơ sở cho công đoạn phục chế.
Từng bước, những bộ bàn ghế làm việc, đôn trang trí chân cong, dài duyên dáng theo phong cách Louis thuộc địa, những bức tượng Tây Âu, bộ đèn treo, đèn tường, tay nắm cửa, vòi nước, bình trang trí, nắp lò sưởi, tranh treo tường, điện thoại kiểu cổ, gốm Biên Hòa xưa… dần được đưa vào trong trang trí các căn phòng một cách có chủ ý tùy theo công năng sử dụng. Những mảng màu của trần nhà, tường bao, đến mặt sàn lát gỗ và thảm trang trí, là sự phối hợp kỳ công để tạo nên sự sang trọng, quý phái, thể hiện đầy đủ uy quyền của một không gian làm việc đậm nét hoàng triều, giản dị mà tinh tế chứ không rườm rà, diêm dúa như các kiểu kiến trúc cung đình truyền thống.
Điểm đặc biệt của Dinh I so với các biệt điện khác của Bảo Đại là công trình chủ yếu phục vụ mục đích làm việc, không phải nơi nghỉ dưỡng, do vậy việc bố trí luồng lưu thông được điều chỉnh theo nguyên lý kiến trúc gắn liền với công năng của từng phòng. Từ không gian phòng khách, hội họp, làm việc, phòng nghỉ, phòng thư giãn… tất cả kết nối liền mạch, mỗi căn phòng mang một lối trang trí theo đúng với chức năng riêng, được chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ. Công trình đã hoàn thiện và dự định chính thức đón khách tham quan trong tháng 9.2015, hứa hẹn sẽ là một điểm đến mới hấp dẫn dành cho những người yêu thích tìm hiểu giá trị xưa cũ về kiến trúc, văn hóa và lịch sử của phố núi Đà Lạt xưa và nay.
Dinh I Bảo Đại: số 1 Trần Quang Diệu, phường 10, TP. Đà Lạt
Đơn vị phục chế, trùng tu công trình: Công ty cổ phần thiết kế - xây dựng HCD
Lối sắp đặt các hiện vật trang trí dựa theo công năng của từng phòng, tạo sự rộng thoáng và gần gũi
Phòng nghỉ của Nam Phương hoàng hậu
Phòng nghỉ giản đơn, ấm cúng của vua Bảo Đại ở Dinh I
Dinh I mang công năng nhà là nơi làm việc, do vậy không bố trí phòng ngủ, mà chỉ có phòng nghỉ gồm bộ bàn ghế và chiếc giường đôi dùng cho việc nghỉ trưa
Ảnh trang trí cho toàn công trình đều liên quan đến đời sống sinh hoạt, gia đình của vua Bảo Đại, được phục chế với số lượng hơn 100 bức
Việc bố trí thảm đỏ xuyên suốt các trường lang tạo điểm nhấn cho công trình thêm phần sang trọng, hòa hợp với cốt cách vương triều của cựu hoàng Bảo Đại
Trường lang kết nối các phòng chức năng, tạo sự lưu thông liền mạch cho tổng thể công trình
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 112