
Lối vào của Bảo tàng quốc gia Đan Mạch trên đường Ny Vestergade xưa kia tàu Titanic neo đậu trước khi hạ thủy
Chỉ cách nhà ga trung tâm Copenhagen chưa đầy 15 phút bộ hành là đến được Bảo tàng quốc gia Đan Mạch (DNM), một trong những cung điện cổ xưa nhất còn hiện hữu đến ngày nay mang phong cách kiến trúc Rococo – hình thành từ năm 1684 dưới vương triều Frederik đệ tam. Nền tảng ban đầu của bảo tàng cũng được hình thành từ vương triều Frederik với những hiện vật giá trị được vị vua này cất công sưu tập từ khắp thế giới, thuộc bộ sưu tập Hoàng gia Kunstkammer Đan Mạch. Đến năm 1825, bộ sưu tập được hiến tặng cho các bảo tàng mới được thành lập, và phần nhiều trong số ấy thuộc về DNM.
Là một kiến trúc hoàng gia theo phong cách Rococo – với các nét trang trí tiêu biểu như tranh tường, cùng lối sắp đặt và lựa chọn các chi tiết nội thất tạo nên sự sang trọng, quý phái – DNM đã phải qua nhiều lần tôn tạo, chỉnh sửa, đặc biệt trong quãng thời gian từ năm 1743 – 1744. Chịu trách nhiệm tu bổ và xây mới cho công trình là Nicolai Eigtved, kiến trúc sư hàng đầu về phong cách Rococo của Đan Mạch những năm 1730 – 1740. Nicolai Eigtved chuyên đảm nhiệm các công trình phục vụ hoàng gia như cung điện Christiansborg, cung điện Amalienborg, Sophienberg, Fredensborg, bệnh viện Frederiks - nay là Bảo tàng Mỹ thuật ứng dụng Đan Mạch…
Đến năm 1892, tòa kiến trúc hoàng gia đồ sộ được chuyển đổi công năng thành DNM để giới thiệu các nét văn hóa, lịch sử không chỉ riêng của Đan Mạch mà với rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Bước qua cánh cổng được thiết kế giản đơn, cả một không gian rộng lớn mở ra nơi sảnh chính dẫn lối đến các bộ sưu tập đa dạng, đáng chú ý trong số ấy là không gian nơi tầng một (từ phòng 101 – 126), trưng bày các hiện vật thuộc thời kỳ Trung đại và Phục hưng (từ năm 1050 – 1660).
Các dãy hành lang nối liền không gian trưng bày được sắp đặt theo nguyên bản của một cung điện hoàng gia khi xưa ở thế kỷ 18. Với những người yêu thích các chi tiết trang trí nội thất kiểu cổ điển hoặc muốn tìm hiểu phong cách kiến trúc Rococo, không gian trưng bày từ phòng 127 – 135 sẽ cung cấp một góc nhìn tổng thể về các khía cạnh của lịch sử kiến trúc, không gian nội thất và lối trang trí nhà cửa từ năm 1700 ở Đan Mạch.
Sự sang trọng quý phái đến những mộc mạc ấm cúng là cảm xúc khi tham quan các phòng trưng bày được tái hiện nguyên bản từng không gian như phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn của những người quyền quý khi xưa trong xã hội Đan Mạch. Tiêu biểu trong nhóm trưng bày này có căn phòng toàn bằng gỗ được chạm trổ tinh tế của thương buôn Aalborg, mang niên đại từ năm 1602 cùng những hiện vật trang trí nội thất cũng toàn bằng gỗ, được sắp đặt hài hòa tạo nên một tổng thể không gian sống ấm cúng và sang trọng, là đại diện tiêu biểu trong phong cách nhà ở của những người giàu có của Đan Mạch thế kỷ 17.
Được mệnh danh là bảo tàng trong bảo tàng bởi sự đa dạng của không gian kiến trúc – nội thất và các hiện vật trưng bày, DNM cũng chính là bảo tàng có bộ sưu tập lớn nhất của Đan Mạch ở khía cạnh văn hóa và lịch sử từ thời cổ đại đến tận những năm 2000. Tiêu biểu là mảng đề tài Dân tộc học được trưng bày ở không gian tầng 2 (từ phòng 253 – 273). Và nếu chỉ xét riêng về đề tài này, DNM là bảo tàng trưng bày bộ sưu tập Dân tộc học lâu đời nhất thế giới (từ năm 1849).
Mang nền tảng là các hiện vật thuộc bộ sưu tập hoàng gia, thế nên từng hiện vật ở các chất liệu đa dạng như bạc, vàng, gốm, gỗ, đá, ngà voi… đều thấy trong đó sự tinh tế thể hiện qua đường nét chạm trổ, khảm nạm rất cầu kỳ, chi tiết. Những hiện vật theo nhóm gây chú ý khách tham quan như bộ sưu tập chạm khắc từ ngà voi, với đề tài phần nhiều liên quan đến các tích truyện trong Kinh thánh của Thiên Chúa giáo, bộ sưu tập đồ đúc đồng, cùng các hiện vật khảo cổ thuộc nhiều nền văn minh khắp thế giới. Các căn phòng được sắp đặt theo nguyên bản của lối sống quý tộc thế kỷ 17–18, và trong đó các chi tiết trang trí luôn là những câu chuyện thú vị, chẳng hạn như chiếc giường cưới Clausholm được làm từ năm 1650 bằng chất liệu gỗ sồi, với những chi tiết điêu khắc thể hiện các hàm ý tốt lành cho cuộc sống lứa đôi như đức tính nhẫn nại, hy sinh, tin tưởng và trung thực.
Những chi tiết hấp dẫn từ hiện vật sưu tầm đến các mảng đề tài trang trí kiến trúc và nội thất mang từng phong cách khác biệt của DNM luôn khiến cho thời gian trong DNM như ngắn lại.

Sảnh chính là phần giếng trời lấy nguồn sáng vào các không gian trưng bày

Cầu thang thông tầng lên các phòng tham quan

Nét vương triều mang phong cách Rococo là điểm nhấn kiến trúc của bảo tàng

Không gian trang trí đậm nét Á Đông được giữ theo nguyên bản dưới triều vua Frederik V

Chiếc giường cưới Clausholm

Một góc trưng bày các hiện vật sưu tầm từ thời vua Frederik III

Nét sơn mài Nhật Bản trong một mảng trang trí kiến trúc ở bảo tàng

Các không gian nội thất được thể hiện theo nguyên bản của cuộc sống quý tộc Đan Mạch dưới triều vua Frederik


Căn phòng gỗ được chạm trổ tinh tế của thương buôn Aalborg có từ năm 1602

Bộ sưu tập các hiện vật đồ đồng từ thế kỷ 17 – 18

Bộ sưu tập sừng – đựng thức uống – được viền kim loại với các chi tiết trang trí sinh động, những chiếc sừng thời cổ đại không có chân đế, có nghĩa là người được mời sẽ phải uống cạn hoặc chuyền tay nhau chứ không đặt xuống bàn

Bộ sưu tập điêu khắc từ ngà voi


Bài và ảnh Nguyễn Đình
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 110