
Mặt tiền tu viện hang đôi Pyathatgyi
Kiến trúc dành cho thờ cúng và thiền
Người ta có thể tìm thấy các dấu tích về sự phát triển của kiến trúc và thiết kế đền chùa Phật giáo Myanmar qua nhiều thế kỷ có độ tuổi cả ngàn năm qua tại Bagan.
Kiến trúc đền chùa đặc trưng
Mặc dù hình dạng, cấu trúc mỗi công trình mang ý nghĩa tâm linh và chức năng riêng biệt, nhưng về cơ bản các công trình khi xây dựng được chia thành hai loại theo Phật giáo Nam tông nguyên thủy: chùa dành cho thờ tự; đền, tháp, tu viện, thư viện dành cho tu, thiền.
Những ngôi chùa biểu tượng và cũng là nơi dành cho thờ phượng đức Phật có chức năng đơn giản có thể là kiến trúc kết hợp hoặc tách rời.
Cấu trúc chùa thường là tháp hoặc quần thể tháp bao quanh tháp trung tâm có phần bệ lớn phía dưới, thu nhỏ khi lên cao, tạo thành vòm chuông, hoặc khối, mô phỏng hình dáng stupa, với các khớp nối khá tinh xảo. Thông thường, phía trên mái vòm là tháp nhọn, gắn vương miện, và xá lợi Phật thường được chôn ở chân tháp (nếu có). Một số chùa tháp kết hợp gian thờ, thường là tòa nhà có bục trung tâm, cửa vào ở ba hoặc bốn hướng, thông với hành lang chạy quanh. Chính điện là nơi đặt tượng Phật, xá lợi.
Chùa khác với đền về khái niệm không gian, nổi bật nhất là cách cân bằng ánh sáng và bóng tối. Lối vào chùa thường là hành lang nhô ra một chút từ tiền sảnh, giúp tạo cảm giác về không gian chuyển tiếp mở rộng mời chào đến với thế giới thần linh. Sự to lớn của công trình, những họa tiết màu sắc hấp dẫn mắt nhìn, thể hiện nơi cao trọng dành thờ kính Phật. Phật tử đến chùa thường ngước lên tượng Phật hoặc đỉnh chùa, lắng lòng tìm đến sự thờ phượng trong niềm tin.
Tuy nhiên, đền tháp là công trình chiếm ưu thế tại Bagan cổ. Những kiến trúc này được đánh giá là nơi thành công cho khái niệm miêu tả không gian không có ánh sáng và ánh sáng trong không gian, tạo ra cảm giác hoặc cái nhìn có chiều sâu, thậm chí là ảo ảnh khi bước đi trong đền.
Đền hầu hết là các tòa nhà (một hoặc hai tầng) bốn cửa quay bốn hướng đông tây nam bắc, với tháp trung tâm, và hệ thống hành lang đơn, đôi hoặc ba chạy song song bao quanh. Cửa chính dẫn vào sảnh lớn, tạo phần nhô ra ở mỗi mặt. Với các đền tháp lớn, ở mỗi mặt, ngoài cửa chính còn có hai cửa phụ đối xứng, dẫn vào hành lang. Đền có sân thượng hoặc ban công rộng, bậc thang đơn giản, thuận tiện cho các hoạt động tu, thiền.
Từ cửa đền bước vào tiền sảnh, khoảng trống chuyển tiếp tạo cho con người cảm nhận sự thay đổi về không gian và quy mô, dẫn đến cảm nhận về thay đổi môi trường, đặc trưng bởi sự suy giảm của nhiệt và ánh sáng và sự gần gũi của các yếu tố trang trí. Khi tiếp cận chính điện, ta thường có cảm giác chuyển từ sợ hãi sang kính trọng.
Ngoài ra, cấu trúc đền tháp chỉ có một lối vào duy nhất, với một tiền sảnh hoặc hội trường, hành lang tối có điểm cửa sổ nhỏ trên vách bao quanh chánh điện trung tâm dành đặt tượng Phật cũng chiếm nhiều ở Bagan.
Đặc điểm của các công trình
Mặc dù theo ghi chép cổ, khu vực này từng có nhiều đền tháp bằng gỗ, nhưng đều đã biến mất hoàn toàn. Với những công trình tồn tại ngày nay, vật liệu xây dựng chính là gạch nung, với rất nhiều kích cỡ.
Sa thạch cũng được dùng để tăng cường, gia cố tại chân hoặc khung đỡ tại các công trình lớn. Khung thạch cao (cát, vôi cùng với các vật liệu hữu cơ khác) được dùng trong các kiến trúc trang trí phía ngoài. Phía bên trong, các hoa văn điêu khắc thường được làm từ vữa đắp hoặc vẽ lên trần hoặc tường. Không phổ biến nhưng kim loại (đồng và sắt) cũng được dùng cho những phần cứng và làm kiên cố hơn một số khu vực nhất định như chóp tháp. Gỗ cũng được sử dụng làm các dầm đỡ và cửa chính.
Các tầng mái đền chùa thường được trang trí với các trụ, tháp nhỏ, hoặc hoa văn đơn giản. Các hoa văn điêu khắc trang trí mặt ngoài các công trình cũng là những hoa văn lá cây đơn giản, chủ yếu tập trung ở các vòm cửa hoặc cột nối. Đôi khi xuất hiện các điêu khắc hiện thân của thần giữ cửa Duara-pala hoặc thần Nat, nhưng phần lớn là để lộ những viên gạch trơn giản dị nhưng chắc chắn, không bị rêu phong, kết dính với nhau hàng trăm, ngàn năm qua.
Cơ bản, cấu trúc đền tháp tại Bagan chủ yếu là hệ thống khung gồm các bức tường, cột đồ sộ bằng gạch, dày từ 1,2 – 2,4m. Bên ngoài được trát vữa chống thấm và trang trí bằng thạch cao. Trụ trung tâm có thể là trụ bằng gạch hoặc đá và đất, vừa đóng vai trò là trụ đỡ trung tâm cho cả kiến trúc, vừa là khu chính điện bốn mặt đặt các pho tượng Phật lớn nhiều kiểu dáng.
Hệ thống tường cột này được nối với nhau nhờ hệ thống hành lang có mái vòm len lỏi quanh đền. Ở dọc hoặc cuối mỗi hành lang đều có các cửa sổ hoặc cửa phụ thoát ra ngoài. Vách hành lang có các am nhỏ hoặc hình vẽ câu chuyện về cuộc đời đức Phật. Hệ thống bậc thang dẫn lên tầng trên hẹp, chỉ vừa một người đi.
Đối với những người tham quan bình thường khi bước xuyên qua các hành lang, có thể chỉ cảm thấy thú vị. Nhưng các kiến trúc sư nhận định: khái niệm ánh sáng và bóng tối ở các hành lang mang lại ý nghĩa sâu sa hơn cho việc thiền. Khi một người bước vào các hành lang từ gian chính, họ sẽ có cảm thấy như mất đi thị giác và phương hướng. Nhưng khi bình tâm, từ từ điều hòa lại ánh sáng trong hành lang, hình ảnh từ các bức tường mờ mờ hiện lên nhờ ánh sáng từ các cửa sổ rọi vào, màu sắc hình ảnh trở nên rõ nét hơn khi mắt đã quen thuộc với môi trường ánh sáng bên trong, cùng với không gian yên tĩnh, đó là lúc con người dần dần lạc vào trạng thái thôi miên của cõi thiền.

Tháp nhỏ trên các góc mái

Quần thể đền tháp Bagan cổ

Mái vòm nhọn tỏa cung

Hệ thống hành lang quanh bục trung tâm

Hoa văn trang trí trên vòm cửa chính


Hệ thống hành lang (gần trung tâm) xuyên suốt từ cửa phụ sang cửa phụ phía đối diện

Hoa văn trang trí trên vòm cửa phụ

Các kiểu đền tháp một cửa

Gạch là vật liệu chính của các đền tháp
Hai kiệt tác ngàn năm
Bất cứ một vị vua khi lên nắm quyền đều muốn để lại cho hậu thế một di sản tôn giáo. Chính vì vậy mà họ đều xây dựng những công trình tôn giáo ấn tượng nhất, cả về hình dạng và kiểu cách. Bagan có hai kiến trúc độc đáo, nổi tiếng nhất xây trên nền tảng hình chữ thập cân đối nhưng hình dạng hoàn toàn khác nhau. Đó là Ananda và Dhammayangyi.
1. Duyên dáng Ananda
Lấy ý tưởng từ ngôi đền trong tuyết trắng trên núi Himalaya, vua Kyansittha xây Ananda năm 1091. Được coi là đền đẹp nhất và đông khách hành hương nhất tại Bagan cổ, Ananda giống như bảo tàng các loại nghệ thuật Myanmar như kiến trúc gạch, đá, vữa, điêu khắc đá, tranh tường, kính, đất nung, gỗ khắc...
Ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc bắc Ấn Độ và Mon, đền Ananda cao 51m, chiều rộng nhất 88m, sơn trắng phía ngoài với ngọn tháp mạ vàng. Thiết kế trục theo bốn hướng, Ananda có hành lang song song chạy quanh trung tâm, dành cho từng giai cấp khi vào đền. Hành lang gần tháp trung tâm dành cho các vị sư đi quanh cầu kinh; hành lang giữa dành cho gia đình hoàng gia, vương tôn, công tử và hành lang ngoài cùng dành cho dân thường. Dọc các hành lang, ba tầng khám với hơn 1.000 khám, nhỏ dần khi lên cao âm trong các bức tường. Hàng trăm bức tượng và phù điêu bằng đá tả cảnh từ cuộc đời của Đức Phật, cũng như tượng Phật đặt trong khám. Tuy nhiên, các nhà xây dựng cho rằng, mục đích của khám nhằm giảm tiếng vang bên trong đền.
Trung tâm là phòng hình vuông lớn bốn mặt với bốn tượng Phật đứng đặt trong hốc cong. Đây là các tượng Phật bằng gỗ tếch mạ vàng cao 9,5m trong đó hai bức tượng ở hướng bắc và nam được tạc từ thế kỷ 12.
Theo các nhà khảo cổ, hệ thống đón gió tự nhiên là độc đáo nhất Ananda. Đó là hệ thống cửa sổ nối các hành lang, đón đủ khí vào không gian phía trong. Ngoài ra, ánh sáng trời có thể chiếu vào bên trong nhờ hệ thống cửa sổ cong của hành lang ngoài. Mỗi mặt đền là 8 cửa sổ đón ánh sáng xuyên qua ba tầng tường hành lang mang ánh sáng vào. Đặc biệt là giếng trời từ mái đền, mang ánh sáng đi đoạn dài 33m chiếu trực tiếp vào khuôn mặt các tượng Phật ở cả bốn phía. Các giếng trời cũng là lỗ thông hơi luồng gió tự nhiên trong đền.
Năm 1968, lần đầu tiên những bức họa trên tường phía bắc và đông của đền được phát hiện sau khi các nhà khảo cổ dùng hóa chất rửa lớp vôi bên ngoài. Trận động đất năm 1975 khiến tháp bị đổ phải xây dựng lại, khi gạch vữa trên tường rơi xuống thì rất nhiều thông tin về kiến trúc xây dựng ngôi đền thời kỳ đầu tại Bagan được tiết lộ, đặc biệt là cách dùng gạch nung làm nên công trình vững chắc qua thời gian. Sân đền hiện được bức tường cao bao quanh với bốn cửa nối với bốn hành lang lớn dẫn vào. Ban đêm, hệ thống đèn chiếu sáng lên toàn bộ ngôi đền, rực sáng một góc Bagan cổ tạo nên điểm nhấn độc đáo giữa hơn 2.000 đền tháp xung quanh.
2. Kim tự tháp bằng gạch nung
Đền Dhamayangyi nổi tiếng nhờ sự to lớn, đồ sộ giữa rừng tháp nhỏ bao quanh. Nhưng với người quan tâm đến kiến trúc, hình dáng một kim tự tháp của Dhamayangyi mới là điều ấn tượng hơn cả. Đây là kiến trúc đền duy nhất có hình kim tự tháp tại Bagan cổ, mà đến nay chưa có lời giải thích tại sao hình dạng này được dùng thay vì hình dạng truyền thống thường thấy ở Myanmar. Nhìn bên ngoài, đền là quần thể kim tự tháp 6 tầng bậc thang, bốn mặt quay bốn hướng. Nền đền thờ rộng 78m, lõi trung tâm rộng 25m. Tuy đã bị mờ và từng bị gạch vữa phủ kín nhưng nhiều tranh vẽ Phật trên hệ thống tường dọc hành lang vẫn được nhìn thấy mờ ảo khi ánh sáng chiếu vào.
Khi các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật Bagan, chứng cứ cho thấy, các phần của ngôi chùa này bị chặn lấp ngay sau khi nó còn đang xây dựng vì hệ thống gạch vữa chặn các ống thông đều có chung tính chất với gạch vữa dùng xây dựng đền. Các lỗ đón sáng đều bị bịt bằng gạch, hành lang bên trong cũng bị chắn lấp. Trong khi dân gian đồn rằng chính vua Naruthu đã cho chặn nguồn sáng vì mặc cảm tội lỗi giết cha, anh và vợ, một số nhà nghiên cứu đoán rằng, có lẽ vì quá đồ sộ nên cấu trúc yếu, không chống đỡ nổi hệ thống mái vòm phía trên.
Ngôi đền này khởi công khi vua Narathu nắm quyền vào năm 1170. Dù ba năm sau, khi vua bị sát hại, công trình bị bỏ dở, nhưng vẫn là kiến trúc tôn giáo độc đáo còn tồn tại sau gần một ngàn năm trong quần thể Bagan cổ.

Sảnh lớn nối từ cửa đền ra cổng, mới trùng tu

Tượng bằng thạch cao Duara-pala (ngồi) ngoài cửa đền

Một góc đền đang được trùng tu

Tượng thần giữ cửa đúc khuôn thạch cao Duara-pala (đứng) chính điện

Toàn cảnh đền Ananda
Bài và ảnh Kim Dung
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 104