KTS Võ Minh Đức: “Nếu được chọn lần nữa, tôi vẫn chọn nghề kiến trúc”

Lượt xem: 7575
11/4/2025 7:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài Phạm Hy Hưng Ảnh Đinh Quang Tuấn và tư liệu của KTS Võ Minh Đức

Tháng tư, cùng cả nước, Sài Gòn-TP.HCM kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước! KT&ĐS có dịp trò chuyện và ghi lại những chia sẻ về chuyện làm nghề của một kiến trúc sư được sinh ra, được đào tạo, làm nghề và trưởng thành trong giai đoạn này, ở vùng đất này. Những tác phẩm mà anh góp phần sáng tạo, xây dựng đang hiện diện trong đời sống nơi đây. Bài viết không phải là phỏng vấn mà chỉ ghi lại chuyện làm nghề qua những công việc, suy nghĩ hàng ngày. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc chia sẻ của KTS Võ Minh Đức, người sáng lập Công ty Sarco.

 
KTS Võ Minh Đức trên công trường ở dự án Sân bay Long Thành năm 2025
 
Bước ngoặt sự nghiệp và hành trình đến với SARCO
Tôi theo nghề kiến trúc - xây dựng không chỉ vì đam mê, mà còn là sự tiếp nối truyền thống gia đình. Cha tôi từng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại tỉnh Thuận Hải cũ (trước khi tách thành Bình Thuận và Ninh Thuận như ngày nay). Hết phổ thông năm 1989, tôi thi vào Đại học Kiến trúc TP.HCM và tốt nghiệp năm 1994. Tôi bắt đầu sự nghiệp tại Công ty Tư vấn Thiết kế thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), Bộ Xây dựng. Dù lương khiêm tốn, công việc lại nhiều, chưa có định hướng rõ ràng, tôi vẫn kiên trì bám nghề.
Giai đoạn 1994-1995, Việt Nam bắt đầu mở cửa, có nhiều cơ hội phát triển cho ngành kiến trúc-xây dựng. Nhờ làm tại một công ty lớn, tôi có cơ hội tiếp cận nhiều dự án có quy mô. Là kiến trúc sư trẻ, được đào tạo bài bản, tận tâm, tôi may mắn được các kiến trúc sư đàn anh tin tưởng giao nhiều việc. Lý do rất đơn giản, thấy tôi làm được việc, hiền lành, dễ thương, nên các anh/ chị bảo, “Theo anh/ chị làm việc này đi!”.
Năm 2000, lần đầu tiên tôi chủ trì thiết kế một công trình cao tầng quy mô lớn: Dự án chung cư Mỹ Phước tại Bình Thạnh, do Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 (thuộc CC1) làm chủ đầu tư. Công trình có 18 tầng và 1 hầm, cao 60m tổng diện tích xây dựng lên đến 48.000m². Trước đó, tôi đã thiết kế nhiều công trình dân dụng, công nghiệp lớn, nhỏ, từ thấp đến cao tầng. Nhưng với vai trò chủ trì thiết kế, đây là dấu mốc quan trọng đầu tiên.
Từ trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy sự phát triển của công trình cao tầng là xu hướng tất yếu. Nhiều người lầm tưởng rằng thiết kế nhà cao tầng chỉ đơn giản là “xếp chồng tầng lên nhau”. Thực tế, đây là một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến trúc, kỹ thuật, mỹ thuật và pháp lý. Thiết kế công trình cao tầng phức tạp hơn rất nhiều, với hàng loạt yếu tố cần giải quyết như phòng cháy-chữa cháy, thông gió, giao thông ngang và đứng, kết cấu, hệ thống MEP… Kiến trúc sư không chỉ thiết kế mà còn là người chủ trì, kết nối tất cả các bộ phận liên quan trong dự án.
Thời điểm đó, thủ tục pháp lý và quy hoạch rất phức tạp. Đơn cử như việc xin cấp phép tĩnh không, thay vì chỉ làm việc với một cơ quan như hiện tại, tôi phải trình hồ sơ qua ba cơ quan khác nhau.
Năm 2003, công trình Mỹ Phước hoàn thành. Cũng chính lúc đó, tôi nhận ra bản thân không phù hợp với môi trường công ty nhà nước. Đây là bước ngoặt đưa tôi đến quyết định thành lập SARCO năm 2004, một hành trình mới, đầy thử thách nhưng cũng nhiều cơ hội phía trước.
 
Phối cảnh khu nhà cao tầng tại đô thị Gia Hòa, Thủ Đức, TP.HCM

Năm 2005, tôi nhận dự án chung cư Kim Hong tại quận Tân Phú, công trình gồm 15 tầng và 1 hầm, tổng diện tích xây dựng 24.000m². Dù trước đó đã tham gia nhiều dự án lớn tại CC1, nhưng khi vận hành công ty riêng, tôi thấy trách nhiệm và áp lực hoàn toàn khác. Để đảm bảo chất lượng và tiến độ, tôi tập hợp một đội ngũ các kiến trúc sư, kỹ sư kết cấu, kỹ sư điện và kỹ sư cấp thoát nước.
Với vai trò chủ trì và chủ nhiệm dự án, tôi chịu trách nhiệm toàn bộ phần thiết kế kiến trúc, các hạng mục kết cấu, MEP… giao cho đội nhóm phụ trách. Tuy nhiên, không phải ai cũng theo kịp tiến độ và yêu cầu kỹ thuật. Tôi buộc phải nhiều lần thay đổi người phụ trách bộ phận kết cấu, MEP, tìm kiếm những cộng sự phù hợp hơn.
Nhận thấy tầm quan trọng của kết cấu cao tầng, tôi chủ động thuyết phục chủ đầu tư hợp tác với thầy Nguyễn Văn Hiệp, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này với mức giá hợp lý để dự án được triển khai đúng tiến độ.
Thành công của chung cư Kim Hong mang lại nhiều cơ hội mới. Vào thời điểm đó, số công trình cao tầng tại Việt Nam còn ít và không phải đơn vị nào cũng đủ khả năng tham gia phân khúc này. Chính vì vậy, tôi luôn nhắc nhở anh em đồng hành: “Nếu bây giờ không làm, sau này sẽ không có lý lịch công trình, cũng chẳng có kinh nghiệm thực tế và sẽ không còn cơ hội bước vào phân khúc công trình cao tầng”.
 
 
“Nếu mình không tư vấn tốt, không ai giao công trình cho mình thiết kế”
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp, tôi thấy đó là chặng đường không dễ dàng. Tốt nghiệp ở tuổi 24, sau vài năm làm việc, đến 30 tuổi, tôi nhiều lần phân vân tiếp tục gắn bó với CC1 hay tìm hướng đi mới. Trong thời gian đó, tôi từng có cảm giác chơi vơi, lơ lửng trong nghề. Sau này nhìn lại, tôi hiểu ra một điều quan trọng: Tôi không có người đỡ đầu và cũng không ai nói với tôi rằng, trong nghề này, kiên nhẫn là điều tối cần thiết.
Dấu mốc lớn trong nghề của tôi là dự án Hotel Nikko Saigon. Công trình này được thiết kế sơ bộ bởi CYLee & Partner Architects, Taiwan (công ty thiết kế tòa tháp Taipei 101 danh tiếng). SARCO thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công và đảm nhận hầu hết các công đoạn quan trọng còn lại. Chính dự án này giúp tôi trưởng thành hơn với vai trò tư vấn thiết kế, đồng thời nhận ra bài học quan trọng: Kiến trúc sư không chỉ thiết kế, mà còn phải là người tư vấn giải pháp và đồng hành cùng chủ đầu tư.
Từ đó, tôi nhận thức rõ hơn rằng nếu không có khả năng tư vấn, sẽ không ai tin tưởng giao công trình cho mình thiết kế. Điều đó đã thôi thúc tôi theo học thêm văn bằng hai tại Đại học Luật TP.HCM để trang bị kiến thức pháp lý phục vụ việc tư vấn thiết kế chuyên nghiệp hơn.
Có một thống kê trên thế giới cho thấy: Để trở thành một kiến trúc sư giỏi và có kinh nghiệm thực sự, cần ít nhất 10 đến 20 năm hành nghề liên tục. Kiến trúc sư không chỉ là một người biết vẽ đẹp hay tính toán khoa học, mà còn phải hiểu luật pháp, nắm tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng, đồng thời đáp ứng một cách “đúng” và “đủ” “nhu cầu” cũng như “mong muốn” của chủ đầu tư. Kiến trúc sư cần có hiểu biết về văn hóa, lịch sử, địa lý, chính trị… để có thể trở thành một chuyên gia tư vấn thiết kế toàn diện.
Khi chủ đầu tư đặt câu hỏi, kiến trúc sư phải có câu trả lời ngay. Nếu không thể tư vấn một cách thuyết phục, khách hàng sẽ tìm đến một đơn vị khác. Trong lúc tôi đang ngồi trình bày phương án với chủ đầu tư, đâu đó ngoài kia, một nhóm kiến trúc sư khác cũng sẵn sàng chờ đến lượt của họ. Cơ hội không chờ đợi ai.
Giá trị cốt lõi của nghề là gì? Suốt những năm tháng làm nghề, tôi luôn tự hỏi: “Điều gì tạo nên một kiến trúc sư giỏi?” Câu trả lời không chỉ nằm ở kỹ năng hay kinh nghiệm mà còn ở thái độ, tinh thần trách nhiệm và khả năng đồng hành cùng chủ đầu tư để hiện thực hóa giấc mơ của họ.
 “Tâm” và “Tầm” là hai yếu tố không thể thiếu. Có tâm với nghề, kiến trúc sư sẽ luôn trăn trở để tạo ra những công trình tốt nhất, không thỏa hiệp với tạm bợ, cẩu thả. Có tầm nhìn xa, kiến trúc sư không chỉ chăm chăm vào yêu cầu trước mắt mà còn phải suy nghĩ về sự bền vững, tác động của công trình đến cộng đồng, đến môi trường.
 
Sân Tenniss tại đô thị Gia Hòa, Thủ Đức, TP.HCM
 
“Nghề này rất khó, mình phải tự chứng minh trước đã!”
Nói về dự án The Art - Gia Hòa, ban đầu tôi không quen anh Bảy Hoàng (tên thường gọi của chủ đầu tư dự án này) mà chỉ quen một bạn của anh. Tôi thiết kế nhà cho người bạn của anh và căn nhà ấy gần nhà anh Bảy. Công trình đó thu hút sự chú ý của anh Bảy.
Trong kiến trúc, sự sáng tạo là yếu tố cốt lõi. Khi chủ đầu tư nhìn vào một phương án, họ phải cảm được và thấy hứng thú trước, rồi mới tính đến các bước tiếp theo. Ngày trước, chúng tôi thường so sánh hóm hỉnh với dân trong nghề: Giống như lần đầu gặp một cô gái, ngay ánh nhìn đầu tiên phải thấy “kết” đã, rồi mới có động lực tìm hiểu. Kiến trúc cũng vậy, phương án thiết kế cũng phải có sức thuyết phục từ cái nhìn đầu tiên.
Sau khi hoàn thành căn nhà của anh bạn, tôi nhận được cuộc gọi từ anh Bảy: “Anh có dự án này” và anh giới thiệu về Gia Hòa. Khi trao đổi, tôi nói với anh rằng tôi sẽ làm một phương án trình cho anh.
Tôi tiếp cận công việc theo cách riêng, tự chứng minh năng lực trước. Nghề kiến trúc rất khó, hơn nữa mình là một công ty nhỏ, mình phải thuyết phục bằng tâm, tầm và cái “lửa” nghề. Để một chủ đầu tư rót vốn hàng nghìn tỷ đồng không phải chuyện đơn giản. Vì thế, tôi bắt tay vào thực hiện phương án thiết kế với hàng trăm bản vẽ sơ phác, từ trang bìa đến trang cuối, từ phối cảnh ngoại thất đến phối cảnh nội thất, tất cả được thể hiện theo đúng chuẩn quốc tế, hoàn toàn miễn phí. Khi tôi đưa phương án, anh rất thích, mang đi tham khảo bạn bè, đối tác và nhận được lời khen.
 
Hồ bơi mang tên Ánh Viên tại khu đô thị Gia Hòa

Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được triển khai ngay lúc đó do suy thoái kinh tế.
Trước đó, anh Bảy đã từng giao dự án này cho nhiều đơn vị nghiên cứu, trong đó có cả các công ty có yếu tố nước ngoài. Đã có hợp đồng thiết kế được ký kết và tạm ứng, nhưng vì tình hình thị trường cùng một số lý do khác, dự án tạm hoãn.
Một năm sau, tôi bất ngờ nhận được lời mời từ anh Bảy: “Làm trước cái công viên”. Tôi đặc biệt thích cách đặt vấn đề của anh là muốn trong công viên có một công trình mang dấu ấn đặc trưng, đến mức nếu ngồi trên máy bay bay ngang qua có thể nhận ra ngay.
Công viên với nhiều cây xanh, thảm cỏ, có bốn sân tennis, tôi đề xuất thiết kế khu hội quán hình dáng cây vợt gắn liền với trái banh tennis là điểm nhấn. Sau khi hoàn thành, tôi chính thức tiếp nhận việc thiết kế các tòa cao tầng của dự án khu đô thị The Art - Gia Hòa.
Từ đầu, vai trò của tôi không chỉ là người thiết kế mà còn là tư vấn chiến lược, gần như là một đại diện của chủ đầu tư để nói chuyện với khách hàng. Trong quá trình làm việc, tôi phải trao đổi rất nhiều với anh. Đây là không gian sống phục vụ hàng ngàn người, không thể chỉ theo ý chí cá nhân của ai, ngay cả với cá nhân chủ dự án. Kiến trúc sư là người kiến tạo không gian sống, môi trường sống với nhiều yếu tố đan xen. Trong mối quan hệ giữa kiến trúc sư và chủ đầu tư, một hợp đồng kinh tế đơn thuần không thể mô tả hết sự gắn kết. Chúng tôi vẫn thường đùa, kiến trúc sư và chủ đầu tư phải “ăn nằm” với nhau, hiểu nhau đến từng chi tiết thì dự án mới thành công được.
Các khối cao tầng của Khu đô thị Gia Hòa được khởi công giữa năm 2015, đến năm 2017 hoàn thành đưa vào sử dụng khối nhà đầu tiên. Hiện nay, khu đô thị này là nơi cư ngụ của hàng ngàn người với giá trị bất động sản gia tăng đáng kể. Những con đường mang tên Út Trà Ôn, Thanh Nga, Xuân Quỳnh, Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền, Trịnh Công Sơn, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi… cùng bốn khối nhà cao tầng mang tên các danh nhân Mozart, Beethoven, Leonardo da Vinci, Chopin đã tạo nên một không gian sống hiện đại, trong lành và thân thiện.
Riêng với cá nhân, tôi không dám khẳng định rằng dự án Gia Hòa là đẹp nhất hay tốt nhất, nhưng đó là một sự kết hợp trọn vẹn giữa các kiến trúc sư người Việt và một chủ đầu tư Việt Nam, không có sự hỗ trợ của yếu tố nước ngoài, không phụ thuộc vào bất kỳ tập đoàn quốc tế nào, điều mà rất nhiều dự án bất động sản khác đã làm. Vào thời điểm đó, đây là một dự án lớn, và việc đồng hành cùng nhau đi đến thành công chính là một thành tựu. Tôi không mong đợi lời khen ngợi từ ai cả, đối với tôi, dự án này là tâm huyết và tôi tự hào khi có thể để lại một dấu ấn kiến trúc như vậy.
 
Tên những văn nghệ sỹ nổi tiếng đã trở thành tên đường quen thuộc với cư dân trong khu đô thị Gia Hòa, một nét văn hóa đặc trưng khác biệt khó thấy ở các dự án khác tại TP.HCM
 
“Nghề này không dễ theo đâu”
Kiến trúc sư là người sáng tạo không ngừng. Khi một công trình đã được đưa vào sử dụng, quá trình thiết kế có thể kết thúc, nhưng trong suy nghĩ của kiến trúc sư, sự tìm tòi và khát khao hoàn thiện vẫn tiếp tục.
Kiến trúc không đơn thuần là xây dựng, mà là nơi kiến trúc sư gửi gắm tâm huyết, những trăn trở, suy tư, và cả những khoảnh khắc thăng hoa sáng tạo. Kiến trúc sư không chỉ thiết kế công trình, mà còn truyền cảm hứng, khơi nguồn đam mê cho đồng nghiệp, cho chủ đầu tư. Thành công của dự án là thành công của chính mình.
Thông thường, kiến trúc sư mang trong mình một “cái tôi” rất lớn nhưng đó là “cái tôi” của nghề nghiệp, của sáng tạo, chứ không phải sự lập dị trong đời sống. Tôi luôn khuyến khích các kiến trúc sư trẻ bảo vệ quan điểm của họ, kiên định với tư duy sáng tạo. Nhưng đồng thời, cũng cần biết lắng nghe, đối thoại để chọn ra giải pháp tối ưu nhất.
Tại công ty chúng tôi, phần lớn kiến trúc sư trẻ gia nhập khi chỉ có 1-2 năm kinh nghiệm. Ở các công ty lớn, một kiến trúc sư có thể chỉ đảm nhận một khâu trong dự án. Nhưng ở đây, họ theo công trình từ khâu làm việc với cơ quan chức năng, nghiên cứu chỉ tiêu quy hoạch, trao đổi với chủ đầu tư đến triển khai phương án, thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công. Chính nhờ quy trình này, sau vài năm, nhiều người đã có thể tự lập, đứng vững trong nghề.
Tôi cũng luôn nhấn mạnh với anh em về sự quan trọng của việc biết từ chối. Trong cuộc đời làm nghề có ít nhất một lần, dù cần việc, tôi vẫn từ chối một dự án 5ha với 3.000 căn hộ, trung tâm thương mại, dịch vụ… từ một chủ đầu tư lớn. Khi nhận thấy quan điểm không đồng điệu, cách làm việc có khoảng cách, trong một lần trao đổi khá căng thẳng họ nói:  “Vậy thì chúng ta thanh lý hợp đồng”, tôi đáp, “OK” và không giải thích gì thêm.
 
Một thế hệ mới được sinh ra và lớn lên trong không gian, môi trường sống ở khu đô thị Gia Hòa
 
Kiến trúc, hành trình của đam mê và trách nhiệm
Tôi vẫn thường tâm sự với các kiến trúc sư trẻ rằng: “Nếu bạn chọn kiến trúc vì nó là một nghề nghệ thuật, hãy suy nghĩ lại. Nếu bạn chọn kiến trúc vì đam mê, hãy chuẩn bị thật kỹ. Nếu bạn chọn kiến trúc để kiếm tiền, hãy dừng lại”. Nghề này không dễ dàng, không phải ai cũng có thể theo đuổi đến cùng. Nhưng nếu đã xác định đi theo con đường này, hãy sẵn sàng đối mặt với thử thách, rèn luyện tư duy, học cách kiên trì và không ngừng sáng tạo.
Tôi có hai con trai, một cháu đang học năm cuối đại học, một cháu vừa vào đại học. Tôi vẫn định hướng các con theo nghề kiến trúc, dù biết con đường này không dễ đi. Kiến trúc là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, đòi hỏi người làm nghề phải vừa là nhà khoa học, vừa là nghệ sĩ và muốn trở thành một kiến trúc sư giỏi phải có hiểu biết rộng về lịch sử, kinh tế, địa, chính trị, xã hội... Nếu chưa nắm rõ những yếu tố đó thì làm nghề rất khó khăn.
Đến thời điểm này, tôi vẫn tự hào nói rằng tôi yêu nghề kiến trúc. Nghề này đã cho tôi những trải nghiệm quý giá, những bài học đắt giá và quan trọng nhất là những công trình để lại dấu ấn. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn kiến trúc, vẫn bước đi trên con đường đầy thử thách nhưng cũng đầy vinh quang này.
Làm cha mẹ, ai cũng mong con mình có một cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy. Nhưng với tôi, hạnh phúc không chỉ là sự ổn định về vật chất, mà còn là được sống với đam mê, được cống hiến và tạo ra giá trị. Chính vì vậy, tôi mong các con có thể tiếp tục theo đuổi nghề kiến trúc, một nghề đòi hỏi tâm huyết, sự sáng tạo và cả lòng kiên định.
Các con tôi đang học tập tại Mỹ, được tiếp cận với những tinh hoa của nền giáo dục tiên tiến. Nhưng trong thâm tâm, tôi luôn hy vọng một ngày nào đó, các con sẽ trở về, không chỉ để hành nghề, mà còn để góp phần định hình tương lai của kiến trúc Việt Nam. Việt Nam đang trên đà phát triển, và trong vài thập kỷ tới, đây vẫn sẽ là một thị trường đầy tiềm năng. 
Tôi tin rằng, với những gì đã được học hỏi và trải nghiệm, thế hệ các con sẽ là những người kế thừa và nâng tầm kiến trúc Việt Nam, một nền kiến trúc hiện đại, vững bền nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.
 
Tên những văn nghệ sỹ nổi tiếng được đặt làm tên đường trong khu đô thị Gia Hòa
 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 226