Changsha: Cảm hứng bất tận từ tinh hoa truyền thống

Lượt xem: 1812
26/7/2024 9:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Thực hiện ANH THƯ Ảnh Internet

Với tổng diện tích sàn khoảng 170 ngàn mét vuông, Changsha không chỉ là trung tâm hội nghị lớn nhất miền Trung, Trung Quốc mà còn là một điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và kiến trúc hiện đại đương thời.

 

 
Kế thừa và phát triển giá trị cốt lõi của văn hóa Trung Hoa
Trong văn hóa nghệ thuật Trung Quốc, yếu tố “khí” thuộc bộ ba hình - tâm - khí là phần quan trọng nhất. Bởi vậy nên Trung tâm Hội nghị Quốc tế Changsha bố trí chuỗi không gian theo thứ tự: Quảng trường mặt trước - cảnh quan nước - lối vào - trung tâm chính để gợi lên bầu không khí trang trọng, hoành tráng. 
Các chi tiết mang tính biểu tượng như đường viền sườn núi, mái dốc truyền thống, lối vào kiểu quạt gấp… cũng được lựa chọn nhằm góp phần tôn vinh văn hóa và thẩm mỹ Trung Hoa truyền thống.
 
 
Lối vào lấy cảm hứng từ chiếc quạt xếp Trung Hoa
 
Ngoài ý nghĩa biểu tượng, các tấm kim loại đục lỗ ở mặt tiền còn có tác dụng chống nắng, giảm tích tụ bụi bẩn và tạo ra hiệu ứng ánh sáng - bóng tối quyến rũ
 
Bức tranh thủy mặc giữa lòng thành phố
Mặt tiền Trung tâm Hội nghị Changsha được tạo nên từ 7.500 tấm kim loại đục lỗ có chiều dài, chiều rộng và mật độ khác nhau. Nhìn từ xa, Changsha không khác gì một bức tranh thủy mặc dài 900 mét nổi bật trên nền sông Lưu Dương uốn lượn. Theo như chia sẻ của đội ngũ thực hiện, thì ý tưởng thiết kế này lấy cảm hứng từ kỹ thuật vẽ mực Trung Hoa và khung cảnh sống động trong các kiệt tác đàn cổ cầm trên dòng sông Tiêu, sông Tương.
Ngoài ý nghĩa biểu tượng, các tấm kim loại đục lỗ ở mặt tiền còn có tác dụng chống nắng, giảm tích tụ bụi bẩn và tạo ra hiệu ứng ánh sáng - bóng tối quyến rũ. Chưa hết, tại vườn trên mái của Trung tâm hội nghị, một không gian nghỉ ngơi mô phỏng “He xi tai” - gian hàng phía trước Học viện Yuelu (Học viện Yuelu là biểu tượng của văn hóa Trung Quốc và Hồ Nam) được bố trí để bày tỏ sự tôn kính với học viện này.

 
 
 
 
 
Tỷ lệ phủ xanh mái nhà hơn 75% diện tích, tận dụng tối đa lượng nước mưa thu gom được và sử dụng điện năng lượng mặt trời

Đô thị đa chức năng, chú trọng tiết kiệm và bảo tồn năng lượng
40% diện tích dự án dành cho không gian xanh kết hợp khu vườn trên mái để hấp thụ hoàn toàn lượng khí carbon thải ra từ các hoạt động vận hành, hạn chế tối đa hiệu ứng đảo nhiệt đô thị(1).  
Chưa hết, dự án này còn nổi bật với tỷ lệ phủ xanh mái nhà hơn 75% diện tích, tận dụng tối đa lượng nước mưa thu gom được và sử dụng điện năng lượng mặt trời. Trung tâm cũng tính toán và tích hợp các hệ thống, thiết bị hiện đại hỗ trợ tối đa cho việc tiết kiệm và bảo tồn năng lượng như: Bộ lọc không khí sơ cấp G4, hệ thống tưới phun sương siêu nhỏ và tiết kiệm nước, hệ kính siêu trong cách nhiệt tích hợp màng ion chống cháy nổ…
Đặc biệt, Trung tâm Hội nghị Quốc tế Changsha áp dụng nguyên tắc phân chia không gian thành nhiều khu vực, mỗi khu vực đều có hệ thống làm mát và chiếu sáng riêng. Nhờ vậy mà năng lượng dễ dàng kiểm soát độc lập theo nhu cầu sử dụng, nhằm ngăn ngừa lãng phí tài nguyên.
 
(1) Hiện tượng đảo nhiệt đô thị - Urban Heat Island (UHI), được định nghĩa là hiện tượng mà tại cùng thời điểm, nhiệt độ trung bình ở khu vực phát triển đô thị với nhiều công trình nhân tạo cao hơn ở khu vực công viên và nông thôn có môi trường tự nhiên xung quanh.
 
Tên dự án: Changsha International Conference Center
Địa điểm: Thành phố Changsha, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc
Diện tích: 169.464m2
Đơn vị thực hiện: Viện Nghiên cứu và Thiết kế kiến trúc SCUT
 
 
Changsha áp dụng nguyên tắc phân chia không gian thành nhiều khu vực, mỗi khu vực đều có hệ thống làm mát và chiếu sáng riêng
 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 217