Báo cáo của Hội Kiến trúc sư TP.HCM khẳng định, “Luật đi vào cuộc sống không chỉ giúp tăng cường công tác quản lý dưới dạng văn bản pháp luật cao nhất mà còn định hướng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần định hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Thực thi Luật Kiến trúc, ngày 17.7.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 85/2020/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc. Nhìn chung, kể từ khi Luật Kiến trúc có hiệu lực thi hành, việc hoạt động nghề nghiệp, thiết kế công trình ít xảy ra các trường hợp tranh cãi, hạ giá thành bất hợp lý của các đơn vị tư vấn trong đấu thầu, ít có các mâu thuẫn giữa đơn vị tư vấn và chủ đầu tư”.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện nhiệm vụ theo Luật Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư TP.HCM tập trung vào các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho Hội viên. Trong nhiệm kỳ 5 năm nhưng thực tế hoạt động chỉ là 3 năm qua (2 năm 2020, 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hiệu lực của Luật Kiến trúc được thi hành từ tháng 7.2021), Hội Kiến trúc sư thành phố đã tổ chức được 57 buổi hội thảo trong chương trình Phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) với nhiều chuyên đề, đa dạng về nội dung chuyên môn (kiến trúc nhà ở, bệnh viện, trường học, văn hoá, thể thao…), sát thực và có nhiều thực tiễn mang tính thời đại trong công tác hành nghề. Hội còn tham gia làm diễn giả và đồng tổ chức Hội nghị Kiến trúc quốc tế “AIA SEA Symposium 2023” với Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ Đông Nam Á. Các hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp này đã tạo ra được sức hút lớn trong giới kiến trúc sư cả nước, nhất là những kiến trúc sư đang hành nghề thiết kế, sáng tác kiến trúc, được giới chuyên môn đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu có những đóng góp lớn, tích cực, chất lượng và mang lại lợi ích thiết thực cho công tác hành nghề, phát triển kỹ năng, chuyên môn cho giới kiến trúc sư và các bên liên quan. Nhằm tạo điều kiện cho các kiến trúc sư có đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề, từ năm 2021 đến nay, Hội Kiến trúc sư TP.HCM đã tổ chức 9 kỳ thi sát hạch phục vụ cấp Chứng chỉ hành nghề kiến trúc cho hơn 800 kiến trúc sư trong và ngoài thành phố theo nhiệm vụ được Bộ Xây dựng và Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân công.
Hoạt động của Hội góp phần làm cho bộ mặt kiến trúc TP.HCM có nhiều thay đổi trong giai đoạn 2020-2025. Các khu nhà ở cao tầng ở khu trung tâm cũng như ở các quận ven trung tâm, các huyện ngoại thành đã phát triển nhanh chóng, một phần nào đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân thành phố cũng như tạo được nhiều không gian đô thị mới. Kiến trúc TP.HCM đang phát triển theo xu hướng hiện đại, kiến trúc bền vững, tiết kiệm năng lượng và đa dạng hóa về hình thể, kỹ thuật, thẩm mỹ. Nhiều kiến trúc sư đạt được giải thưởng trong các cuộc thi kiến trúc của thành phố cũng như các giải thưởng kiến trúc quốc gia và quốc tế. Một số kiến trúc sư đã sáng tác những công trình tiêu biểu có tính triết lý theo xu hướng kiến trúc xanh, bền vững, đổi mới công nghệ,... Các công trình kiến trúc đã tạo được sự hưởng ứng nhất định về một xu thế sáng tác trong giới kiến trúc sư trẻ. Nhiều sinh hoạt chuyên đề về kiến trúc, môi trường, đô thị, cộng đồng,… với tính phản biện và chia sẻ đã góp phần vào sự phát triển của kiến trúc thành phố.
KTS Lưu Hướng Dương, Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM trao quyết định cho hội viên mới trong đợt kết nạp hội viên ngày 7.3.2024
Nhưng thực tế, hoạt động kiến trúc TP.HCM cũng bộc lộ những hạn chế. Nhiều nơi, kiến trúc còn phát triển tự phát chưa có sự thống nhất, tập trung trong quy hoạch, xây dựng, chưa có lý luận phê bình để định hướng cho bản sắc kiến trúc thành phố. Kiến trúc chưa được nghiên cứu sâu, rộng về sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới môi trường phát triển bền vững ở thành phố. Việc bảo tồn, sửa chữa các công trình kiến trúc cũ, giá trị cao chưa có được những tiêu chí rõ ràng, cụ thể.
Về quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2020-2025 cũng có nhiều diễn biến, thay đổi. Sự phát triển về kinh tế xã hội và dân số của thành phố, biến đổi khí hậu, những thay đổi phát triển về công nghệ, về kỹ thuật số,... đã tác động đến thành phố, cho nên quy hoạch TP.HCM cần phải điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với xu thế, hoàn cảnh mới và tương lai phát triển. Bộ Xây dựng đã có văn bản số 91/BXD-QHKT ngày 16.1.2019 gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó thống nhất đề nghị của UBND thành phố và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn 136/TTg-CN ngày 1.2.2019 chấp nhận đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.HCM. Điều đó cũng cho chúng ta thấy nhiều bất cập trong quy hoạch và quy hoạch chưa theo kịp, chưa đáp ứng được với sự phát triển của thành phố. Mặt khác, thành phố cũng đã có những nghiên cứu về phát triển đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, đô thị dịch vụ... và nghiên cứu về sử dụng mặt nước và mặt đất ven sông, kênh rạch... đang được đề xuất, bổ sung trong quy hoạch mới. Nhiều không gian đô thị chưa được nghiên cứu và thiết kế đô thị, cũng như nhiều khu nhà ở lụp xụp, nhà ở trên kênh và ven kênh rạch chưa được chỉnh trang.
Về những điều đã làm được trong suốt khóa VIII nhiệm kỳ 2020-2025, KTS Lưu Hướng Dương, Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM đề cập đầu tiên đến công tác phản biện xã hội và hoạt động nghề. Với mục tiêu đã đề ra trong phương hướng tại Đại hội lần thứ VIII cùng phương châm hành động là “Sáng tạo - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp”, công tác phản biện xã hội và hoạt động nghề trong khoá VIII rất đa dạng, phong phú và chuyên sâu, có chất lượng cao trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch mà trọng tâm là địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước nói chung và thành phố nói riêng. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện các công tác tổ chức thi sát hạch phục vụ cấp Chứng chỉ hành nghề kiến trúc, tổ chức các buổi hội thảo Phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) khi Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 và Nghị định 85/2020/NĐ-CP được ban hành, Hội Kiến trúc sư TP.HCM là một trong những đơn vị đi đầu và làm rất tốt trong việc triển khai thực hiện các nội dung trên. Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư thành phố có nhiều kiến trúc sư là thành viên trong Hội đồng Tư vấn kiến trúc, Hội đồng Nghệ thuật của thành phố đã có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện và hỗ trợ trong công tác chuyên môn về qui hoạch, kiến trúc, nghệ thuật góp phần cho sự thay đổi mới hơn, tốt hơn của thành phố nói chung.
Chụp ảnh kỷ niệm sau Hội nghị Kiến trúc quốc tế “AIA SEA Symposium 2024” do Hội Kiến trúc sư TP.HCM phối hợp với Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ Đông Nam Á tổ chức
Về phương hướng hoạt động Hội Kiến trúc sư TP.HCM khoá IX, nhiệm kỳ 2025-2030 sắp tới, KTS Lưu Hướng Dương nhấn mạnh, Hội Kiến trúc sư TP.HCM tiếp tục phương châm hành động là Sáng tạo - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp. Về công tác tư vấn - sáng tạo, phản biện xã hội và hành nghề, Hội Kiến trúc sư TP.HCM sẽ tập trung vào các hoạt động để hướng tới đạt các mục tiêu góp phần đưa Luật Kiến trúc vận hành thực chất và đầy đủ trong lĩnh vực thiết kế, đầu tư, xây dựng tại Việt Nam: Chủ động trong vận động, đề xuất tạo lập môi trường hành nghề phù hợp với luật pháp, công bằng, bình đẳng và thông thoáng cho kiến trúc sư ở thị trường Việt Nam. Nâng cao chất lượng tư vấn sáng tạo mang tính chuyên nghiệp, góp phần tạo nên những công trình có giá trị cho cho TP.HCM và cả nước. Chú trọng toàn diện, đồng bộ giải pháp về quy hoạch, công trình, nội ngoại thất, cảnh quan. Đề xuất các giải pháp kiến trúc thích nghi với sự biến đổi của khí hậu, môi trường, phòng chống, ứng phó thiên tai. Góp phần triển khai tốt quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch không gian. Tham mưu kịp thời, có trách nhiệm cho tổ chức Đảng và chính quyền TP.HCM và khu vực về công tác phát triển đô thị, trọng tâm là lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch,… Hội cũng sẽ định hướng tham gia các chương trình xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, đổi mới công nghệ, vật liệu, tạo nên những công trình kiến trúc bền vững, giảm thải… của thành phố. Đẩy mạnh hoạt động nghề về kiến trúc đối với Hội viên, hướng đến kiến trúc có giá trị thời đại, phát triển bền vững và mang bản sắc địa phương. Chủ động trong vận động, đề xuất tạo lập môi trường hành nghề phù hợp với luật pháp, công bằng, bình đẳng và thông thoáng cho kiến trúc sư.
Cả nước và TP.HCM đang bước vào kỷ nguyên vươn mình với hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.
KTS Lưu Hướng Dương bày tỏ mong muốn, giới kiến trúc sư TP.HCM cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình với đất nước, với thành phố bằng tinh thần Sáng tạo - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp.
Đại hội chi hội 33, Hội Kiến trúc sư TP.HCM nhiệm kỳ 2025-2030
Tư liệu các kỳ Đại hội Hội Kiến trúc sư TP.HCM
Đại hội thành lập nhiệm kỳ I (1981-1987)
Diễn ra ngày 19.9.1981 với 160 hội viên sáng lập.
Ban thư ký: KTS Lưu Thanh Nhã, Tổng thư ký; KTS Nguyễn Quang Nhạc, Phó tổng thư ký; KTS Lê Văn Năm, Phó tổng thư ký; KTS Nguyễn Ánh Tuyết, Ủy viên; KTS Nguyễn Kim Sến, Ủy viên.
Đại hội lần 2, nhiệm kỳ II (1987-1994)
Diễn ra ngày 23.9.1987 với 200 đại biểu.
Ban thư ký: KTS Lê Văn Năm, Tổng thư ký; KTS Nguyễn Ánh Tuyết, Phó tổng thư ký thường trực; KTS Nguyễn Quang Nhạc, Phó tổng thư ký; KTS Nguyễn Kim Sến, Phó tổng thư ký; KTS Trần Đình Quyền, Ủy viên; KTS Nguyễn Văn Oanh, Ủy viên; KTS Trần Văn Dưỡng, Ủy viên.
Đại hội lần 3, nhiệm kỳ III (1994-2000)
Diễn ra tháng 11.1994 với 250 đại biểu.
Đoàn chủ tịch: KTS Lê Văn Năm, Chủ tịch; KTS Nguyễn Ánh Tuyết, Phó chủ tịch thường trực; KTS Nguyễn Kim Sến, Phó chủ tịch; KTS Nguyễn Quang Nhạc, Phó chủ tịch; KTS Trần Đình Quyền, Ủy viên; KTS Trần Văn Dưỡng, Ủy viên; KTS Khương Văn Mười, Ủy viên.
Đại hội lần 4, nhiệm kỳ IV (2000-2005)
Diễn ra ngày 16 và 17.11.2000 với 280 đại biểu.
Đoàn chủ tịch: KTS Lê Văn Năm, Chủ tịch; KTS Nguyễn Ánh Tuyết, Phó chủ tịch thường trực; KTS Nguyễn Kim Sến, Phó chủ tịch; KTS Khương Văn Mười, Phó chủ tịch; KTS Trần Văn Dưỡng, Ủy viên; KTS Nguyễn Văn Tất, Ủy viên; KTS Trần Đình Quyền, Ủy viên; KTS Nguyễn Trường Lưu, Ủy viên; KTS Nguyễn Quang Nhạc, Ủy viên.
Đại hội lần 5, nhiệm kỳ V (2005-2010)
Diễn ra ngày 16 và 17.3.2005, có 300 đại biểu.
Đoàn chủ tịch: KTS Khương Văn Mười, Chủ tịch; KTS Châu Mỹ Anh, Phó chủ tịch thường trực; KTS Lê Cẩm Thùy, Phó chủ tịch; KTS Nguyễn Thu Phong, Phó chủ tịch; KTS Lê Văn Năm, Ủy viên; KTS Nguyễn Văn Tất, Ủy viên; KTS Nguyễn Trường Lưu, Ủy viên; KTS Dương Hồng Hiến, Ủy viên; KTS Trần Minh Tâm, Ủy viên.
Đại hội lần 6, nhiệm kỳ VI (2010-2015)
Diễn ra ngày 7 và 8.1.2010 với hơn 300 đại biểu.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành khoá VI nhiệm kỳ 2010-2015 gồm 21 thành viên. Ban chấp hành đã họp bầu ra đoàn chủ tịch gồm 11 thành viên. KTS Khương Văn Mười làm Chủ tịch; các KTS Châu Mỹ Anh, KTS Nguyễn Văn Tất, KTS Nguyễn Trường Lưu và KTS Nguyễn Thu Phong làm Phó chủ tịch.
Đại hội lần 7, nhiệm kỳ VII (2015-2020)
Diễn ra ngày 4.4.2015 có 355 đại biểu.
Đại hội Đại biểu Hội Kiến trúc sư TP.HCM lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015-2020) đã bầu ra Ban chấp hành mới với 25 thành viên. KTS Nguyễn Trường Lưu được bầu làm Chủ tịch; các phó chủ tịch là KTS Nguyễn Văn Tất, KTS Phạm Tứ, KTS Lưu Hướng Dương.
Đại hội lần 8, nhiệm kỳ VIII (2020-2025)
Diễn ra ngày 29.2.2020 với hơn 200 đại biểu. Đại hội Đại biểu khóa VIII nhiệm kỳ 2020-2025 bầu ra Ban chấp hành gồm 25 người. KTS Nguyễn Trường Lưu làm Chủ tịch; các Phó chủ tịch là KTS Lưu Hướng Dương, KTS Phạm Phú Cường và KTS Trần Khánh Trung.
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 223-224