Báo SGGPO viết, “Chiều 12-12, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (Sở Xây dựng TPHCM) Vũ Văn Điệp cho biết, sau thời gian tham khảo ý kiến các chuyên gia, UBND TP.HCM chấp thuận phương án nâng cấp, cải tạo khuôn viên khu vực Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước mặt tiền UBND TPHCM trên đường Nguyễn Huệ (quận 1). Theo đó, hai hàng sứ trắng sẽ được di dời, đưa về trồng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, thay thế bằng những loại cây bonsai”.
Bản vẽ phối cảnh khu vực đặt Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện đài phun nước đã được thay thế bằng hồ nước
Theo ghi nhận của phóng viên KT&ĐS, vào cuối tháng 1.2024, sau khi di dời hai hàng sứ trắng, hiện tại khu vực Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trồng mai tứ quý và thảm hoa thay thế. Tại 4 góc của khu vực Tượng đài vẫn còn 4 cây sứ bông trắng. Hai bên cũng hiện ra hàng cột đèn chiếu sáng trước kia ẩn trong hàng cây sứ.
Bản tin trên báo SGGO có một số ý kiến của độc giả quan tâm đã đăng bình luận. Bạn đọc tên Phong viết: “Tôi đi qua đoạn đường này cũng chỉ vì hàng hoa sứ, nhất là khi sương đêm đã xuống đẫm mùi hoa càng ngào ngạt làm mát dịu cả thân tâm! Hàng cây có giá trị không chỉ vẻ đẹp mà cả về mặt phong thủy!”; Một bạn đọc ghi là “Đọc giả” thì viết: “Sao không để qua Tết rồi hãy thay! Mà sao lại phải thay thế trong khi cây đang tạo bóng mát mà hoa lại thơm. Bonsai thấp, chỉ đẹp chứ không mát”. Một bạn khác ký tên “Bạn đọc” thì bình luận: “Trời ơi tiếc quá! Tôi thấy đường này đẹp vì có hai hàng cây sứ…”.
Theo bài viết trên báo SGGPO thì “Toàn bộ khuôn viên và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng, chiều cao 6,3m (phần thân tượng cao 4,5m, phần đế tượng cao 1,8m) nằm trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ do Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (Sở Xây dựng TP.HCM) tiếp tục quản lý. Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ có chiều dài 670m, rộng 64m, tọa lạc trên địa bàn phường Bến Nghé (quận 1) được TP.HCM nâng cấp, đầu tư, chỉnh trang trở thành phố đi bộ vào năm 2016, với nhiều hạng mục công trình gồm: đèn chiếu sáng, đài phun nước tạo cảnh quan, cây xanh… Nơi này thu hút du khách khi ghé thăm thành phố và phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi của người dân, đồng thời là nơi tổ chức triển lãm đường hoa được người dân thành phố rất quan tâm, yêu thích”.
Hình ảnh thực tế công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi phục hồi nút giao thông Lê Lợi - Nguyễn Huệ với hàng cây sứ trắng ở bên trong hàng cây sao dầu trên đường Nguyễn Huệ
Trước đó, trên ấn phẩm KT&ĐS số 95 xuất bản tháng 4.2014 và KT&ĐS số 105 xuất bản dịp Xuân Ất Mùi 2015 đã có bài giới thiệu công trình “Quảng trường đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM” trước khi công trình này được khánh thành.
Theo số liệu mà KT&ĐS ghi nhận, thực tế xung quanh Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có trồng 45 cây sứ bông trắng bao gồm 18 cây phía tòa nhà Union Square, 18 cây phía khách sạn Rex và 9 cây phía sau bức tượng- trước trụ sở Ủy ban nhân dân TP.HCM. Trong đó, 9 cây phía trụ sở Ủy ban nhân dân TP.HCM có chiều cao được thiết kế là 3.200 mm, đảm bảo che chắn phần sau bức tượng từ phía Ủy ban nhìn ra như thông lệ thiết kế khu vực đặt tượng đài tại các quảng trường.
Về vấn đề di dời hai hàng cây sứ bông trắng, KT&ĐS đã trao đổi với một kiến trúc sư xin được giấu tên. Vị kiến trúc sư cho biết, thực tế hàng cây sứ bông trắng xung quanh tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quen thuộc với người dân thành phố tính từ khi khánh thành công trình năm 2015 đến nay. Về mặt ý nghĩa, cây sứ được trồng tại đây có bông trắng tinh khiết nở quanh năm, có hương thơm, phù hợp với không gian tượng đài, có tính chất tưởng nhớ.
Hình ảnh hàng cây sứ bông trắng và hồ sen xung quanh Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước kia
Đặc biệt, cây sứ bông trắng như đã trồng phù hợp khi góp phần tạo thành không gian của quảng trường. Các cây sứ được chọn có tán đẹp, lá không quá dầy, phân bổ đều, cho phép ta có thể nhìn qua tán cây thấy công trình phía sau. Về mặt tổ hợp không gian thì chiều cao, độ dày của tán cây vừa tạo ra "độ đóng nhất định" tạo giới hạn của quảng trường nhưng lại có độ mở vì tán cây thoáng. Nếu chỉ dùng cây có thân thẳng thì không tạo được độ dày như vậy. Thực tế, các hàng cây bông sứ trắng với độ cao trên mắt tầm nhìn của người bình thường vừa tạo ra bóng mát vừa có “độ đóng tương đối” về mặt không gian. Nhìn theo chiều dọc, từ chỗ mọi người đứng rồi đến tượng đài, sau tượng đài đến một lớp cây rồi mới đến trụ sở Ủy ban. Nhìn theo chiều ngang từ phía tòa nhà Union square hoặc từ khách sạn Rex nhìn sang đều thấy không gian có hàng cây tách biệt “phần động” là khu giao thông bên ngoài với “phần tĩnh” bên trong quảng trường, tạo sự trang nghiêm phù hợp với hoạt động đặt hoa, mặc niệm, tưởng nhớ. Tỷ lệ chiều cao của cây cũng phù hợp, hài hòa với không gian tổng thể, không lấn át kiến trúc.
Theo vị kiến trúc sư thì cũng có thể có nhiều ý kiến khác nhau và cây sứ bông trắng không phải là không có những hạn chế. Sứ bông trắng là cây kiểng trong vườn chứ không phải là cây xanh đường phố. Đó là loại cây thân mềm, cành dễ gẫy. Đặc biệt, trụ sở UBND Thành phố là công trình có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc. Nếu duy trì hàng cây sứ, du khách muốn chụp hình trụ sở Ủy ban phải ra khỏi quảng trường và bước xuống lòng đường Lê Thánh Tôn.
Hiện TP.HCM đã thay hoàn thành di dời các cây sứ bông trắng và trồng thay thế các cây mai tứ quý, thảm hoa. Mai tứ quý là loại cây có hoa quanh năm, đẹp, tán cây nhỏ hơn so với các cây sứ bông trắng trước kia.
Hình ảnh cột đèn chiếu sáng và thảm hoa chụp ngày 29.1.2024 tại vị trí trước kia là hàng sứ bông trắng
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 210