Tham quan quảng trường mới

Lượt xem: 5448
31/1/2024 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài THANH NGA Ảnh phối cảnh TL Sở QHKT

Dịp 30.4.2015, TP.HCM sẽ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ thành không gian quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành phố ta đã có một quảng trường hội đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội, một quảng trường xứng tầm để tổ chức các hoạt động, một điểm đến hấp dẫn có khả năng thu hút nhân dân và du khách.

 
Phóng viên Kiến Trúc & Đời Sống đã gặp KTS Nguyễn Trường Lưu, phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM là người chủ trì thiết kế công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và ThS. KTS Huỳnh Xuân Thụ, giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM là người chủ trì thiết kế đường Nguyễn Huệ để tìm hiểu thêm về không gian này. 
Như Kiến Trúc & Đời Sống tháng 4.2014 đã đăng, TP.HCM đã quyết định chọn mẫu tượng Bác Hồ do nhà điêu khắc Lâm Quang Nới thực hiện để đặt tại vị trí công viên tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi trước trụ sở UBND TP.HCM. Đây là khu vực gần trung tâm hành chính, nằm giữa các công trình di sản kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử nhưng lại gắn liền với các hoạt động hiện tại. Hơn nữa, không gian này cũng có kiến trúc ổn định sau khi quy hoạch khu trung tâm hiện hữu đã được duyệt. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt theo hướng đông nam dọc đường Nguyễn Huệ hướng ra sông Sài Gòn, một không gian mở, đẹp, trang trọng, ấm cúng, gần gũi. 
 

TP. HCM là một trung tâm kinh tế, văn hóa quan trọng của cả nước. Trong định hướng phát triển dài hạn, ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch được xác định là thế mạnh, là một trong những trọng điểm đầu tư để tăng nhanh tỷ lệ cơ cấu trong tổng GDP của thành phố. Hiện du lịch thành phố đã tăng trưởng nhiều so với thời mới mở cửa nhưng thiếu điểm đến vẫn là một khó khăn của ngành du lịch. Do quy hoạch trung tâm thành phố còn nhiều bất cập nên ta vẫn chưa tổ chức được một không gian kiến trúc cảnh quan đẹp, thuận lợi trong việc tiếp cận với các đầu mối hệ thống giao thông công cộng, kết nối được các trung tâm thương mại mà lại có tầm ý nghĩa văn hóa, lịch sử. 
Vì  lẽ đó, thành phố quyết định nghiên cứu mở rộng quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh kéo dài đến sông Sài Gòn. Điều này cũng phù hợp với chủ trương quy hoạch các tuyến phố đi bộ ở khu trung tâm hiện hữu. Toàn bộ đường Nguyễn Huệ biến thành quảng trường với hạt nhân chính là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một không gian công cộng ở trung tâm hội tụ đầy đủ yếu tố chính trị, văn hóa, lịch sử đã được hình thành. 
Về quy hoạch, quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh - đường đi bộ Nguyễn Huệ là không gian kết nối với các tuyến phố đi bộ khác sẽ được tổ chức trong tương lai. Không gian này tiếp cận thuận lợi với hệ thống ga metro trước chợ Bến Thành, ngã tư đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi, các bến xe buýt trung tâm. Trong bán kính vài trăm mét quanh không gian này hội tụ được gần như tất cả mọi yếu tố để phát huy vai trò trung tâm dịch vụ, thương mại, hệ thống khách sạn lớn nhất của thành phố. Và đặc biệt, đường Nguyễn Huệ thông ra đường Tôn Đức Thắng kết nối trực tiếp với đô thị mới Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn. 
Việc phân chia không gian của quảng trường đường Nguyễn Huệ khá đơn giản. Vỉa hè hai bên đường rộng từ 6-8 mét. Hai bên có đường dành cho ba làn xe hơi. Quảng trường ở giữa rộng 27 mét. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng giữa công viên trước UBND TP.HCM hướng quay về phía sông Sài Gòn. Xung quanh tượng là hồ sen, thảm cỏ. Phía sau tượng là vườn hoa. Phía trước tượng là quảng trường ở chính giữa. Từ giao lộ với đường Lê Lợi kéo dài đến bờ sông Sài Gòn có đài phun hình vuông biểu diễn nhạc nước nghệ thuật đặt tại bùng binh cây liễu cũ và hình tròn đặt ở cột đồng hồ trước đây. Phần còn lại là diện tích trống dành cho quảng trường.
Toàn bộ vỉa hè, đường đi và quảng trường được lát đá granite tự nhiên. Cây xanh trồng hai bên vỉa hè là cây dầu dáng trực, độ cao trung bình 15 mét. Khu vực tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trồng 45 cây sứ bông trắng. Phần còn lại được trồng hai hàng cây lộc vừng có chiều cao đủ tạo bóng mát làm dải ngăn cách giữa đường và quảng trường. Dưới gốc cây là ghế đá được làm từ đá đen bó vỉa hè của đường Nguyễn Huệ cũ. Tiếp nối giữa các cây lộc vừng dọc theo đường là hệ thống bồn hoa làm bằng nhựa composite có hoa văn, có thể tháo ráp, thay thế nhanh tùy theo mùa, theo nhu cầu sự kiện diễn ra ở quảng trường.
Hệ thống chiếu sáng gồm đèn đường, đèn chiếu sáng tượng đài, chiếu sáng đài phun nước, chiếu sáng hệ thống cây xanh… đều làm bằng đèn led tiết kiệm năng lượng. Xung quanh quảng trường có hệ thống loa âm thanh hiện đại. Quảng trường có hệ thống điều khiển trung tâm được đặt dưới một tầng hầm rộng 600m2. Tất cả chế độ chiếu sáng, nhạc nước, âm thanh, bảng thông tin đều có thể lập trình theo nhiều chế độ khác nhau. Tùy theo thời tiết hoặc theo giờ trong ngày, các đài phun nước có thể chuyển sang chế độ phun sương làm mát vi khí hậu cho không gian quảng trường. 
Hệ thống hạ tầng đô thị như cống cấp thoát nước, mặt đường, nền đường cũng đã được thay thế, làm mới toàn bộ. Có hệ thống hai nhà vệ sinh ngầm được thiết kế mới đồng bộ, đủ để phục vụ du khách tham quan. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đầu mối các móc xích, ổ cắm cung cấp điện, đấu nối cấp nước đều được chuẩn bị sẵn để có thể cung cấp ở nhiều nơi trên quảng trường phục vụ cho nhu cầu kết nối các gian hàng khi tổ chức hội chợ, đường hoa… 
Như vậy, quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh – đường đi bộ Nguyễn Huệ kéo dài từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng. Đây là một không gian công cộng có cảnh quan đẹp, thân thiện, thuận tiện giao thông, nằm ngay trung tâm, bên cạnh trụ sở hành chính của thành phố. Xung quanh không gian này là nhiều công trình di sản kiến trúc có giá trị tiêu biểu cho cả quá trình lịch sử hình thành cũng như phát triển của thành phố như trụ sở UBND TP.HCM, Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà, dinh Thống Nhất, Bưu điện thành phố, khách sạn Rex, khách sạn Contineltal... Kề cận đó còn có hệ thống chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ lớn, các khách sạn hàng đầu. Đây là địa điểm thuận tiện và đủ hấp dẫn để người dân và du khách có thể đến tham quan, dạo chơi, tham gia sinh hoạt tại quảng trường vào mọi thời điểm trong ngày. 
Về tính chất hoạt động, xung quanh tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là vườn hoa, hồ sen và sân rộng thích hợp tổ chức các hoạt động tưởng niệm, dâng hoa. Toàn bộ quảng trường là nơi có thể tổ chức các buổi mít tinh, biểu diễn nghệ thuật ngoài trời với các quy mô khác nhau.
Từ giao lộ đường Lê Lợi đến giao lộ với đường Tôn Đức Thắng là nơi có đủ diện tích, điều kiện kỹ thuật điện, nước, chiếu sáng để tổ chức đường hoa ngày tết. Từng khu vực có thể diễn ra các sự kiện thương mại, dịch vụ, triển lãm. 
Không bao lâu nữa, sau lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh - phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ chính thức đi vào hoạt động. Tính từ thời điểm đó, nhân dân thành phố sẽ có một không gian mới đẹp, hiện đại, có nhiều chương trình hấp dẫn để sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Du khách trong và ngoài nước khi đến TP.HCM sẽ có điểm đến mới mang dấu ấn tiêu biểu của lịch sử, văn hóa thành phố, một điểm đến hấp dẫn, thuận lợi, an toàn, thân thiện. Và khi đó, có thể nói, TP.HCM đã có quảng trường - đó là quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 105