Đáng ghi nhớ, có lẽ là việc tổ chức cho ba gia đình của những người bạn làm một chuyến du lịch qua Mỹ khám phá miền Tây của Hoa Kỳ với những nơi mà chúng tôi đi qua như San Francisco, Napa Valley, Lake Tahoe, Little Saigon/Orange County, HollyWood và Las Vegas. Ngoài ra chúng tôi còn tranh thủ chia nhau người thì vào Home Depot, Best Buy, Fry Electronic kẻ thì đến Costco, Walmart, Safe Way... và cũng đủ giờ để 2 lần đến Outlet Gilroy và Great Mall ở San Jose. Cũng nhờ đi chuyến này mà chúng tôi mới có dịp để biết thêm nhiều điều về Hà Nội và lại càng hiểu rõ người Hà Nội nghĩ gì về Sài Gòn, bởi cả đoàn 8 người lớn một cháu nhỏ mà hết 7 người nói giọng Bắc.
Nét tương đồng
Trên xe có anh bạn văn hay chữ tốt nên có những đoạn đường xa như từ Lake Tahoe về San Jose hay Las Vegas về Gilroy, chúng tôi có người tâm sự. Anh biết, chúng tôi có một thời gian dài sống ở châu Âu nên anh vào đề như sau: “Anh Châu nhận xét thế nào về châu Âu và Mỹ?”. Tôi trả lời với anh rằng, Hà Nội nó có nhiều nét tương đồng như châu Âu, còn Sài Gòn thì hao hao nét Mỹ. Nếu chúng ta xét trên những khía cạnh như sau: Về lịch sử châu Âu và Hà Nội đều có lịch sử hình thành trên 1.000 năm. Cổ kính, nhịp sống chậm, cách sống ít cởi mở. Trong khi đó Hoa Kỳ và Sài Gòn trẻ trung, nhịp sống nhanh và mãnh liệt hơn. Cả hai còn có nét chung là trẻ. Có lịch sử hình thành chỉ hơn 300 năm thôi. Với sắc dân Hoa Kỳ là nơi hội tụ tinh hoa của thế giới với nhiều sắc dân nên còn gọi là Hiệp Chủng Quốc. Tương tự Sài Gòn là nơi tập trung dân tứ xứ, quy tụ nhân tài của không chỉ 3 miền đất nước mà còn các nước như người Chàm, Xiêm, Trung Hoa từ thời xa xưa. Rồi người Mã Lai và Nam Dương đến Saigon qua con đường tơ lụa. Sau này người Pháp đến, người Ấn Độ qua và rất nhiều sắc dân khác từ châu Âu cũng theo vào. Ngày nay thì vô số kể, người đến từ Đài Loan, Singapore, Thái, Phi Luật Tân, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thậm chí còn hình thành cả khu người Hàn Quốc ở Phú Mỹ Hưng, xóm người Tây ở Thảo Điền, phố Phạm Ngũ Lão với Tây ba lô và biết bao Việt kiều mang đủ quốc tịch nói đủ thứ tiếng.
Hiện nay, dân số của Hoa Kỳ gần 300 triệu dân. Trong đó có tỷ lệ: 22% người da đen; 13,5% Mexico + châu Mỹ La Tinh và 4,5% Á châu, 1,5% người Trung Đông, 1% hoặc ít hơn là người da đỏ. Phần còn lại là người da trắng mà hầu hết là đến từ Âu châu và các nước ven vùng Địa Trung Hải. Và văn hóa thì đại đa số người ở Mỹ cũng như người Sài Gòn đều là người tứ xứ đến lập cư nên nhiều người trong số họ trang bị một tinh thần “tha hương cầu thực”. Nhờ khoác lên người hành trang có phần mạo hiểm từ gia đình với gốc gác di cư này mà người Mỹ hay người Sài Gòn đều dễ chấp nhận cái mới, thích mạo hiểm…
Hoa Kỳ là đất nước đa văn hóa, bởi mỗi sắc dân đến đó họ mang theo văn hóa, cái ăn, cái uống, cái mặc, cái nghề họ làm, họ thích và cứ như thế lâu dần các nét văn hóa này pha trộn, biến tấu thành một thứ văn hóa chung tạo nên cá biệt của người Mỹ. Đó là văn hóa thực nghiệm.
Sài Gòn là nơi quy tụ nhiều dòng kiến trúc, văn hóa, ẩm thực từ các nơi khác trên thế giới
Đa dạng Sài Gòn
Ẩm thực Sài Gòn đúng là hiệp chủng quốc, phong phú, đa dạng. Hiện, không có một loại ẩm thực nào trên thế giới có mà Sài Gòn thiếu, từ đồ ăn Tây như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Nam Mỹ, Brazil, Mễ Tây Cơ... đến châu Á thì Hoa, Nhật, Hàn, Thái… còn món ăn Việt Nam các miền thì vô số. Ngày nay, chỉ riêng thức ăn, thức uống của Mỹ được gọi là fast food đã có hơn 20 thương hiệu nào MacDonald, Burger King, KFC, Pizza Hut, Domino Pizza, StarBucks Coffee...
Vì Hoa Kỳ là một nước quá lớn nên ẩm thực của họ cũng thay đổi theo vùng miền, nhưng chính yếu có thể kể là đến từ Âu châu mà đại diện là Ý, Pháp, Anh, Đức, các nước ven vùng Địa trung hải... Một phần từ Mexico đã hòa trộn giữa Tây Ban Nha và những thổ dân Nam Mỹ, từ Á châu có Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Ẩm thực Hoa Kỳ còn có Steak & Fast Food (American) và một ít ẩm thực khác của người da đen.
Điều thoải mái nhất của Sài Gòn ngày nay là chúng ta không bị kỳ thị hay phân biệt khi nói một giọng khác người Sài thành, nhưng thử hỏi nếu quý vị ra Bắc hay ghé Huế mà sử dụng những giọng hơi khác của người bản xứ thì sẽ có tiếng xầm xì và đôi khi còn bị phân biệt bằng hình thức “chặt chém”. Người ta nhận thấy, Hoa Kỳ có 3 giọng chính là giọng Mỹ miền Bắc/Trung Bắc, giọng Mỹ miền Nam và giọng Mỹ miền Tây.
Cho đến cuối thập niên 1940, cải lương vẫn là món giải trí chính của người Sài Gòn với những nghệ sĩ tài ba như Bà Năm Sa Đét, Út Trà Ôn… Khoảng đầu thập niên 1950, âm nhạc Sài Gòn bắt đầu có nhiều thay đổi và Sài Gòn đã mở vòng tay đón nhận bao giới văn nghệ sĩ từ khắp mọi miền. Kể từ đó nền âm nhạc Sài Gòn ngày càng phong phú.
Vậy tại sao họ chọn Sài Gòn?
Một câu chuyện nữa mà chúng tôi luôn trao đổi là tại sao người Việt ở hải ngoại mà đặc biệt là Việt kiều ở Mỹ khi về Việt Nam thường chọn Sài Gòn để xây dựng công ty? Xin được vắn tắt như sau: Vì Sài Gòn có thời tiết và khí hậu dễ chịu; Vì Sài Gòn cho người ta cảm giác thoải mái như cách họ đang có ở Mỹ; Vì Sài Gòn là nơi nhận và cho.
Trong đại đa số những người Việt đến và sống tại Hoa Kỳ được chia thành 2 nhóm: Nhóm A là những người lớn tuổi khi di cư đến Mỹ và họ không hội nhập được đời sống tại đây. Nhóm B đến Mỹ khi còn trẻ và nhóm được sinh ra tại Mỹ. Nhóm B này lại được chia ra thành 2 nhóm: Nhóm B1 hòa nhập hoàn toàn với người bản xứ và ít quan tâm đến Việt Nam. Nhóm B2 là nhóm hòa nhập và thành công ở xã hội Mỹ nhưng nhờ có nguồn gốc về gia đình và được trang bị tốt từ thế hệ cha anh nên họ quan tâm và để ý đến Việt Nam. Do vậy khi có cơ hội tiếp cận với Việt Nam họ hưởng ứng liền. Tuy nhiên làm thế nào để họ tích cực hơn, để họ dấn thân và công hiến là điều chúng ta cần trăn trở! Mặc dù cộng đồng người Việt đến Mỹ muộn hơn so với các cộng đồng khác như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Phi Luật Tân nhưng chúng ta đã gặt hái được rất nhiều thành tích đáng khích lệ. Chỉ sau vài năm đầu khó khăn nơi xứ người thì toàn bộ người Việt đã lọt vào trong 2 tập hợp thượng lưu 5% và trung lưu 35% mà không bị rơi vào tập hợp nghèo khổ 60% còn lại như những sắc dân da màu khác. Mong rằng, với tinh thần cầu tiến và ý chí vươn lên như hành trang mà họ luôn canh cánh mang trong người lúc ra đi sẽ là hành trang quý báu cho bao thế hệ để làm nên tên tuổi của người Việt tại Hoa Kỳ như người Do Thái đã làm.
Một vận hội mới của đất nước đang đến qua Hiệp ước Thương mại TPP. Để biến vận hội này thành sự phát triển bền vững, chúng ta cần rất nhiều công sức của mọi người trong nước cũng như Việt kiều mà đặc biệt là Việt kiều ở Mỹ
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 117