1. Thứ sáu 13.11.2015 diễn ra vụ thảm sát ở Paris thì hôm sau, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, ta có thể gặp những hoạt động tưởng nhớ các nạn nhân. Người Việt Nam và người nước ngoài, người già và người trẻ, họ chia thành nhiều nhóm khác nhau, có ca hát, có đặt hoa và thắp nến.
Đó là hoạt động cộng đồng diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ vào 14 và 15. 11.2015, hơn 6 tháng sau khi phố đi bộ Nguyễn Huệ hoàn thành.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ được đưa vào hoạt động ngày 29.4.2015. Phố dài 720 mét, rộng 64 mét nối từ UBND TP.HCM đến bờ sông Sài Gòn có không gian quảng trường dành cho người đi bộ được ghi nhận là “lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam”.
Tháng 9.2015, nhân 70 năm Quốc khánh, trang vnexpress đưa ra danh sách “Những công trình ghi dấu ấn 70 năm qua”. Cùng nhà máy thủy điện Hòa Bình, hầm đường bộ đèo Hải Vân, cầu Mỹ Thuận, đại lộ Đông - Tây, hầm vượt sông Sài Gòn…, phố đi bộ Nguyễn Huệ được ghi nhận là công trình “dấu ấn 70 năm qua”.
Một công trình mới với công năng mới, người dân làm quen, sử dụng và sống với nó. Đi bộ dọc phố đi bộ, nếu không bận rộn, có thể kiếm một chỗ nào đó, mở ipad và tìm. Với google, ta dễ tìm được các hoạt động ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Một không gian với công năng mới được chào đón với sự đồng tình, sự tò mò và cả sự nghi ngại.
2. Phố đi bộ Nguyễn Huệ là công trình có nhiều ý kiến, bài viết, tin tức liên quan. Kể cả khi sắp hoàn thành, một kiến trúc sư vẫn phát biểu trên báo “thế giới người ta không làm phố đi bộ ở đường có nhiều cao ốc văn phòng như Nguyễn Huệ”!
Bây giờ ta vẫn dễ tìm thấy những bài báo này trên mạng. Rằng thì là trên thế giới có rất nhiều thành phố có phố đi bộ. Ở thành phố kia, phố đi bộ giống chợ đêm - trung tâm mua sắm - đặc sản - ẩm thực địa phương. Ở thành phố nọ, phố đi bộ giống một quảng trường với nhiều hoạt động âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật đường phố. Ở thành phố đó, phố đi bộ là một trung tâm vui chơi cho thanh thiếu niên và vân vân… Nếu cứ chiếu theo những bài báo đó thì phố đi bộ Nguyễn Huệ chẳng giống ai.
Vì vậy, có người đến phố đi bộ và tiếc. Vì vậy, có người đến phố đi bộ và ước.
“Phố đi bộ có thành phố đi bộ hay không là do sự chọn lựa của người dân bản địa và du khách”, một trong những bài báo kể trên kết luận.“Nhu cầu của cư dân sẽ tạo nên “hồn cốt” của phố đi bộ”, một kiến trúc sư trả lời phỏng vấn.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ xuất hiện và tồn tại. Buổi tối, đặc biệt là tối cuối tuần, người dân và du khách kéo nhau về. Đông và vui.
Một ngày tháng 6, những chiếc ghế đầu tiên được đóng từ những cây dầu 100 tuổi trồng gần đoạn giao giữa phố Lê Lợi với Nguyễn Huệ được mang đến đường Nguyễn Huệ. Những cây dầu đó được chặt để lấy chỗ làm metro. Rồi wifi miễn phí xuất hiện, cảnh sát đi patin xuất hiện.
Những ngày cuối năm, có nhiều thông tin liên quan đến không gian này cũng xuất hiện trên mặt báo.
Đầu tiên là Satra - chủ đầu tư Thương xá Tax đã có phương án bảo tồn Thương xá Tax gửi các ban ngành liên quan xin ý kiến trước khi trình UBND TP.HCM. Một số báo đăng tin dựa theo thông báo của Satra. Một số báo khác dựa theo bản thông báo của Satra, có phỏng vấn thêm các kiến trúc sư và ý kiến được phản hồi đều là vui mừng hoặc tin tưởng trước thông tin này. Satra chiếm một vị trí đáng kể ngay ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi.
Thứ hai là một Liên hoan nghệ thuật đường phố sẽ lần đầu được tổ chức. Liên hoan do báo Tuổi Trẻ, Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, công ty Sen Vàng phối hợp tổ chức từ 18.12.2015 đến 3.5.2016. Hẳn nhiên là những ban nhạc vào sâu nhất sẽ tham dự vòng chung kết diễn ra ở phố đi bộ.
Tiếp theo là thông tin đường hoa tết Bính Thân lại quay về Nguyễn Huệ sau một năm tổ chức ở Hàm Nghi.
Phố đi bộ vẫn tồn tại, vẫn là đường Nguyễn Huệ. Có lẽ nó sẽ không lặp lại một con phố đi bộ nào đó trên thế giới. Nó là Nguyễn Huệ của Sài Gòn - TP.HCM.
Tiếp theo nữa, đầu năm 2016, nhân sự kiện ra đời của hàng loạt thương hiệu mới ở hai bên đường, một trang báo đã có bài mô tả cuộc chạy đua “săn” thuê mặt bằng ở đường Nguyễn Huệ. Giá thuê đã tăng và được dự báo là sẽ còn tăng. Nhãn hiệu thức ăn nhanh đến từ Mỹ chấp nhận phá thông lệ thuê mặt bằng “ít nhất phải 10 năm” với thời hạn ngắn hơn để có mặt ở đây. Phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện đã được coi là “địa điểm check-in hàng đầu của giới trẻ”. Giờ vàng ở con phố này không phải là ban ngày. Các nhà kinh doanh đã tìm thấy cơ hội. Thị trường đã điều chỉnh.
Dường như người dân và du khách đã chọn lựa phố đi bộ, biến nó thành không gian đầy sức sống. Có lẽ đó cũng là thành công của các nhà quản lý.
3. Tôi đã nhiều lần đi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Có lúc lái xe hơi ở hai bên đường dành cho xe hơi, tôi cảm nhận độ rung từ bánh xe lăn trên mặt đường lát đá. Khi đợi đèn đỏ, dù đông đúc nhưng tôi cũng thấy mọi người có vẻ từ tốn hơn, đường phố vắng những tiếng còi xe chát chúa.
Sáng sớm, bạn có thể đạp xe hoặc chạy bộ cùng với nhiều người khác. Buổi sáng mát mẻ, hiền hòa. Khi nắng lên bắt đầu gay gắt, phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn có mấy chỗ là bóng mát của các cao ốc rất thuận tiện cho sinh hoạt tập thể. Đó là những buổi tập thể dục của các cụ lớn tuổi, các buổi mít tinh…
Trong ngày, có lẽ chỉ đầu giờ chiều là nắng nóng, ít người đến phố đi bộ. Khi mặt trời lặn, phố đi bộ bắt đầu đông nhưng “giờ vàng” của phố đi bộ có lẽ bắt đầu từ 19 giờ và kéo dài đến khuya. Có những buổi tối, tôi cùng người thân đến ngồi trên vỉa hè phố đi bộ, một sợi dây mỏng mảnh phân chia không gian. Một phía của sợi dây là cửa hàng với bàn ghế, nơi du khách có thể chọn một tách cà phê, ly kem hoặc một ly bia nhâm nhi ngồi ngắm phố phường. Bên kia sợi dây là không gian công cộng của vỉa hè và phố đi bộ, mọi người đi lại, vui chơi, chụp hình “tự sướng”. Hẳn nhiên, sợi dây mỏng mảnh chia được không gian là nhờ ý thức và sự hợp tác của mọi người. Phố đi bộ Nguyễn Huệ hấp dẫn có lẽ là vì vậy!
Ở đây, trên con phố này, tôi có nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm từ ngày còn các kiosque bán hàng trên phố, từ ngày còn là chợ hoa rồi đường hoa, từ ngày còn là sinh viên, còn độc thân rồi có gia đình…
Biết bao nhiêu gắn bó với một con đường!
Tại số 92-96 Nguyễn Huệ, ngày 15.4.1995, đúng 130 năm sau ngày 15.4.1865 - ngày ra đời của “Gia Định báo”- tờ “Sài Gòn Tiếp Thị” ra mắt bạn đọc. Năm 1996, trên số xuân Sài Gòn Tiếp Thị, tôi viết bài nói về sự tăng trưởng của tiêu dùng, tỷ lê số gia đình có tivi, xe máy đang tăng lên. Bài viết có câu “thị trường chỉ còn thiếu xe Rolle Royce”. 20 năm sau, năm 2016, hãng Rolls Royce đã chính thức có mặt ở Việt Nam. Tại một “thớt” chủ đề Rolls Royce trên một trang web xe hơi, người ta đã thống kê đầy đủ loại, màu xe, biển số của hơn 100 chiếc Rolls Royce đang lăn bánh trên các nẻo đường đất nước này. Trong một mẫu quảng cáo của một tập đoàn lớn làm chủ một cao ốc nối từ Đồng Khởi qua Nguyễn Huệ cũng có chiếc Rolls Royce đang lăn bánh trên đường Nguyễn Huệ. Còn tờ Sài Gòn Tiếp Thị (bộ cũ) kia thăng trầm lắm! Trụ sở tờ báo không còn ở Nguyễn Huệ từ lâu lắm rồi. Nó phiêu dạt qua mấy địa chỉ trước khi đóng cửa tại một biệt thự trên một con đường nhỏ ở quận 3. Ở đó, số phận run rủi thế nào, người viết bài này lại là người chắp bút viết lá thư chia tay bạn đọc không hẹn ngày gặp lại. Nhưng đó là chuyện khác!
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 117