1.
Đi ăn nhà người khác, có nhiều cách nói, nhưng từ nhỏ, tôi đã nghe quen chữ ăn chực rồi. Tốt xấu gì không biết, nhưng ăn chực lúc nào cũng… ngon.
Đại gia đình bên nội tôi sống quây quần, nhà này dựa lưng nhà kia. Con nít chơi chung một khoảng sân rộng và đứa này ăn chực nhà đứa kia là chuyện thường xuyên. Nhớ về tuổi nhỏ của mình, dĩ nhiên là nhớ nhiều thứ, nhưng cái không khí lao nhao, cái mùi vị thơm tho đậm đà trong những bữa cơm nhà nội, nhà bác, nhà cô tôi, luôn nằm chễm chệ trong ký ức. Ký ức của dặm dài tuổi thơ ăn chực. Có hàng chục lý do để tôi ăn chực, nhưng có lẽ, lý do cốt lõi nhất là nó luôn vui và luôn được người lớn… quyến rũ. - Ăn với nội nha, mẹ con bữa nay chắc về trễ lắm! - Ăn với cô ba đi, sáng nay cô thấy mẹ con mua cá rô, xương không hà. - Ăn với bác hai cho con Tú vui, bữa nay có sườn muối sả chiên nè…
Rồi tôi mang khí quyển đậm đà tình cảm đó về Sài Gòn, học hành rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái. Chuyện ăn chực tưởng đâu chỉ còn trong quá khứ, hoặc chỉ khi nào về quê, qua chơi nhà ai mà gặp bữa. Nhưng không…
Một lần vì quên chìa khóa vào nhà, tôi vào tiệm gội đầu gần nhà để tranh thủ thư giãn chờ ông xã chạy về. Tiệm bình dân, con bé chủ tiệm trẻ măng tên Yến, vốn là trẻ mồ côi gốc miền Tây, chồng nó làm công nhân cho công ty Kềm Nghĩa. Vợ chồng Yến thuê một căn phòng chừng 16 mét vuông vừa để ở vừa mở tiệm nên cái gì cũng bé tí, tinh giản hết cỡ. Tôi bước vào tiệm cũng gần 7 giờ tối, Yến đang nấu dở nồi canh. - Chị chờ em chút, vừa hết đợt khách, em tranh thủ nấu nồi canh, đói quá. Tôi vén màn vừa đứng nói chuyện vừa nhìn em nấu nướng. Nồi canh chua bông so đũa nấu chay với đậu hũ. Mùi rau ngò, mùi tỏi phi quyện với mùi me dậy lên một cơn sôi trong bụng tôi, trời, mày nấu gì ngon vậy Yến!
Tắt bếp, Yến không lo gì chuyện gội đầu cho khách (là tôi), lại lấy cái mâm, dọn ra hai cái chén hai đôi đũa, giằm một chén nước mắm y đầy ớt. Nồi canh múc hết ra một cái tô lớn. Nó bày ra giữa tiệm cùng nồi cơm bốc khói. - Chị ăn với em đi rồi làm gì làm, nhìn chị là biết đi làm về chưa vô được nhà. Ăn với em cho vui, ảnh bữa nay làm ca đêm rồi!
Trời ạ, mục đích của tôi là đi gội đầu trong thời gian chờ có chìa khóa vào nhà. Mà cái nồi canh chua bông so đũa, cái chén nước mắm giằm ớt và nồi cơm thơm phức đã giáng vào bụng tôi một cú knock out. Nói thiệt xấu hổ, tôi không chống chế hay từ chối được một lời. Ngồi bẹp xuống ăn cơm với Yến. Ăn ngon lành, no nóc thì chồng tôi chạy về tới, dừng xe ngay trước cửa tiệm: Ơ, ăn chực à!
Nghe chữ ăn chực, lòng tôi như vỡ ra một điều gì đó. Tôi đã ăn chực một cách đúng nghĩa ở Sài Gòn rồi đó, ngon lành và đầm ấm nữa. Cô chủ tiệm tóc trẻ tuổi đã thổi lên trong tôi một thứ tình nghĩa tưởng là chỉ có ở thôn quê, tưởng là chỉ ở những người trong dòng họ. Yến dĩ nhiên không giàu, bữa ăn của em vì thế cũng đạm bạc không thể đạm bạc hơn. Vậy mà tôi đã ăn ngon hơn cả khi ngồi trong nhà hàng sang trọng.
Chung cư nơi tôi ở, cửa sổ bếp của các căn hộ đều quay về chung một cái hẻm gió. Mỗi khi tôi nướng bánh, mùi thơm thoát bay lên thì thế nào cũng có nhà “phản hồi”: mẹ Kiến nướng bánh thơm quá! (Nói thêm là tôi thích làm bánh, dù biết là không nên ăn bánh ngọt nhiều, nên làm ra 20 bánh thì mang biếu hàng xóm chung cư cũng hơn chục cái với lời mời: ăn nóng cho ngon!). Và sau cái bữa cơm ngon thần thánh nhà em Yến làm tóc, tôi luôn nhắc thêm con trai, nhớ mang xuống cô Yến 3 cái nha con!

2.
Sài Gòn, cho trước nhận sau hay là nhận trước cho sau, hình như không thể xác định. À, nó loay hoay như câu hỏi, con gà có trước hay quả trứng có trước. Tình nghĩa của người Sài Gòn xoay vần, xoay vần, mang theo trong hành trình của nó bầu khí quyển ấm áp, ân tình hiếm đô thị nào có được.
Cách đây hai năm, tôi định viết một bài thực tế về tục cúng xóm của người dân khu vực Bảy Hiền. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Hương thì: Vào Sài Gòn đã lâu nhưng người Quảng vẫn giữ những tập tục, tín ngưỡng của mình. Tháng giêng, từ sau mùng 10 đến 20 âm lịch, vào những buổi chiều tối ở dọc các con hẻm trong khu Bảy Hiền hay ở những khu dân cư có quê quán Quảng Nam, lễ cúng xóm (còn gọi lễ Kỳ yên) được tổ chức long trọng. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng những ông chánh bái mặc áo dài khăn đóng đọc sớ ngân nga trọng vọng, quỳ lạy cúc cung với mong ước phong điều, vũ thuận, xóm giềng đoàn kết, bình an, làm ăn phát đạt. Dịp này, những chị em, con cháu trong xóm có dịp quây quần bên nhau lo việc bếp núc, bày biện bàn ăn… Sau lễ, bà con ngồi lại ăn uống, hỏi thăm sức khỏe, bàn việc làm ăn, kể chuyện quê hương hay hát hò, ngâm thơ. Đây là nét văn hóa đặc trưng của người Quảng giữa lòng Sài Gòn mà khó có cư dân vùng khác ở Sài Gòn có thể duy trì lâu dài được như thế.
Để bài viết được sinh động, từ mùng 7 tết, tôi đã bắt đầu chạy rề rề quanh khu vực này. Thấy người ta dựng rạp bày biện cúng kiếng thì tấp vào chơi, hỏi chuyện. Vậy là được mời ở lại ăn tiệc với bà con cho vui. Ngồi trong bàn ăn với toàn người lạ tôi có cảm giác như lạc về một vùng tuổi thơ nào đó, theo cha đi đám giỗ ở một miền quê. Người ta rì rầm nói chuyện, hỏi thăm chuyện làm ăn, sức khỏe của nhau. Cô bé ngây thơ hồi đó và cô nhà báo ngơ ngác bây giờ, cứ ngồi im lặng lắng nghe và cảm nhận… thức ăn.
Hôm sau, sếp hỏi đề tài cúng xóm tới đâu rồi, tôi đùa, để em đi ăn chực đến qua rằm tháng giêng rồi em viết! Mà thiệt, người dân Bảy Hiền luôn rộng lòng lẫn rộng… bàn ghế để mời tôi ăn cùng. Nếu muốn, mỗi ngày ăn chực một đám, ăn dài dài toàn thức ăn ngon! Sài Gòn của tôi hào phóng là vậy, nhưng Sài Gòn cũng là một kẻ tự trọng nên người dân Bảy Hiền chưa bao giờ phải lo chuyện canh chừng những đứa “ăn chùa”! Sau lần ăn chực người dân Bảy Hiền năm đó, sếp cứ trêu tôi “tiến bộ”, vì đã “nâng tầm phạm vi ăn chực lên mức độ khu vực”.
3.
Với một hình thức khác, cách gọi khác nhưng tôi nhận ra một sự tương đồng như anh em song sinh với ăn chực. Đó là ăn cơm từ thiện!
Có những buổi trưa phải ở lại bệnh viện chờ buổi chiều làm thêm vài thủ tục, tôi cũng xếp hàng nhận cơm từ thiện mà ăn, dù tôi có tiền và biết, chỉ cần bước ra khỏi cổng, mình đã có thể chọn mua cơm phở hủ tíu bánh canh tùy thích. Lương tâm của bà bán cơm sẽ quyết định bạn có được một dĩa cơm sạch hay không. Nhưng cơm từ thiện thì xuất phát từ tâm nên tôi… yên tâm, ít nhất, không vì lợi nhuận mà những người thực hiện nêm vào đấy những thứ có vị ngon lành mà độc hại. Bữa đó ngồi ăn cơm chung với những người bạn “đồng bệnh”, vui niềm vui hiếm hoi ít ỏi của những người đang chiến đấu với bệnh tật nghiệt ngã. Thấy cảm ơn Sài Gòn muôn vàn. Sài Gòn lại cho tôi cái cảm giác ăn chực ân tình, cái cảm giác được quan tâm và thương yêu.
Cơm từ thiện ở các bệnh viện và các quán cơm 2.000 đồng đã làm nên một Sài Gòn bình dị và bao dung. Sài Gòn vẫn là thành phố hiện đại và phát triển hàng đầu của cả nước, nhưng Sài Gòn sẽ không vì thế mà lạnh đi những nơi cần một vòng tay ấm. Và ăn chực ở Sài Gòn, tin đi, Sài Gòn ăn chực bao no!
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 117