Quán nhỏ mùa đi

Lượt xem: 244263
12/12/2017 0:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài Nguyễn Ngọc Tư ảnh Leftstudio

Cũng chẳng cần đến lúc cô con gái ông chủ quán cà phê mời cưới, ta mới sực nhớ ra thời gian là thứ giỏi giả đò. Ngoài mặt thì mơ màng, tỏ ra chậm rãi, thậm chí còn gây ảo giác đứng yên, nhưng cuồn cuộn dưới đáy. Một bữa nào đó, khi chắt cà phê trong phin ra ly, có một nhánh bàng khô rơi lên vai, ta ngước lên nhìn cái cây họ trồng hồi quán mới mở. Lúc đó cô con gái mới mười hai, cái cây ngang đầu người, giờ nó cao gấp bảy. Nghĩa là chừng ấy thời gian cái quán nước này chứng kiến ta lụn dần.

 
 
Vốn biết đời ngắn, mới khóc oe oe đây, chưa kịp làm chuyện gì coi được thì mắt mờ tay run, nhưng vẫn không rút bớt thời gian ngồi quán. Tuổi nhỏ quán kem, lớn chút quán cà phê, quán nhậu, cứ vậy, tới lúc nằm bẹp mới thôi thèm. Không phải là chưa từng chứng kiến cảnh một ông méo miệng, chân đi tập tễnh do di chứng của cơn tai biến mạch máu não mùa hai, được thằng con chở đến quán nước ngồi, mặc dù vợ ông nói uống nước ở nhà cho đỡ tốn, nhưng ông chồng vẫn đòi đi quán cho được. Một phần đời ông được lưu giữ ở đó, bịnh gì thì cũng ráng ra thăm chừng, hồi nhớ, gặp mấy con nhỏ bán vé số thường ỉ eo anh Năm à, anh Năm ơi. Ăn mặc đẹp khó ngờ, mấy cô không thèm năn nỉ chi cho sứt mẻ lòng tự trọng, chỉ cần để xấp vé số lên đầu gối anh Năm, dần đặt lên giữa đùi, rồi xích dần lên tới chừng nào anh chịu rút tiền ra mua vì xúc động. 
Những bà vợ cổ điển không bao giờ hiểu nổi sao chồng con họ chấp nhận ra quán uống những thứ cà phê giả đò, làm từ chất tạo mùi và bắp rang, mà không chịu uống cà phê nhà thơm ngon thứ thiệt. Nhưng người có thú ngồi quán nghĩ khác, ra quán đâu phải để uống như trâu khát nước lung. Ấy là không gian tụ bạ, kể cả ta có ngồi một mình một bàn, thì tiếng muỗng va vào thành ly thủy tinh, tiếng cười nói chung quanh, tiếng kéo ghế dịch bàn cũng làm ta không đơn độc. Đi quán, là về nhà. Vậy nên có quán cũ èo, long lở nước sơn một bữa bỗng dưng sửa sang sáng loáng, đánh mất luôn khách cũ. Họ không còn tìm thấy ở đó sự thân thuộc, như thằng nhỏ mất ngủ vì lạ nôi. 
Mỗi cái quán là một hãng tin, với những thông tấn viên vô cùng nhiệt tình. Muốn thông tỏ xóm thì ngồi ngay cái quán đầu hẻm, ai đánh ghen ai vừa trúng số đề, ai đang chửa trâu đi xin gạo... Ngồi chưa nóng ghế, trà đá còn chưa bưng ra, ta đã biết được thông tin mới nhứt của vụ cướp tiệm vàng, một đám cháy vừa diễn ra đâu đó. Có chuyện kể rằng những vua quan tốt muốn hiểu lòng dân, hãy vi hành quán cóc vỉa hè. Loại chuyện đó được phân loại là cổ tích, nghĩa là ngày xưa ngày xửa. 
 
 
 
 
Và những cái quán cà phê máy lạnh kín bưng, không khí u tịch, những người khách chia sẻ thế giới của họ điềm đạm hơn. Ở đó, họ dịch những cuốn sách kinh điển, viết những trang tiểu thuyết ăn khách, họ ký kết những hợp đồng bạc tỉ, hoặc vả họ chẳng làm gì, ngồi sau những làn kính sáng bóng, chụp hình khoe phây - búc cho sang, “sáng nay ngồi Paradis ngắm lá vàng rơi, họ pha capuchino bằng nước hơi nguội nên không ngon như mọi bữa”. 
Cũng ngộ, người đâu mà đông vậy, tiền đâu mà nhiều vậy, quán mở là có khách. Cứ như giới chủ quán chơi bùa mê. Nhìn hàng quán, khó tin nền kinh tế long đong. Nhưng thằng cháu chứng minh, vì lấy bằng cao học ba năm rồi chưa có việc làm, nên buổi tối nó chạy xe ôm cho đỡ ê mặt với người quen, ngày thì trầm quán, bởi ở nhà sẽ điếc tai với bà già hay ca cẩm nuôi ăn học chi giờ cà nhỏng chống xâm lăng. Vậy là mọc rễ ngoài quán, đến nghĩ cũng chẳng thiết nghĩ gì, chỉ dõi nhìn người đời qua lại, để tự lừa mình họ trôi chứ ta không trôi, ta còn nhiều thời gian lắm. Thằng cháu khám phá hết quán này đến quán khác, “lênh đênh qua hàng quán tàn phai”, nói theo chữ của nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Lại có những người chỉ đến đúng một quán, ngồi đúng bàn chỗ ấy, bữa nào kẹt quá phải ngồi góc khác, thấy bất an. Giữa các kiểu khách, có nhiều bậc ba mẹ lấy quán làm chỗ chờ con tan chỗ học thêm này, chở qua chỗ khác. Buổi tối đến lượt những quán nhậu mở lòng ôm cả niềm vui nỗi buồn của cư dân thành phố vào, an ủi.
Coi lại thì chỉ tiệm sách là vắng, lảng vảng vài ba đứa nhỏ. Một người bán chữ sáu năm trước có viết một bài, ý nói nếu một phần ba người ngồi quán cầm cuốn sách, đời chị ta sẽ ngon lành. Giờ nhắc lại, chị ta cười, hồi ấy còn nông nổi, ngồi quán mà cắm đầu vô sách ai mà coi. Ngồi quán là để nhìn mặt người. 
Về xứ quê Mút Cà Tha cũng thấy quán đông. Từ nước mặn vào đồng, dân thừa mứa thời gian để chơi. Nghe vợ thằng Sáu méc buổi sáng muốn gặp ổng (tức chồng của nó), thì ra quán Mười Tím. Mở mắt ra là ổng dọt mất, nhiều bữa còn không chờ đổ lú xách tôm ghé vựa bán giùm. Trưa vừa tà tà về tới nhà thì bạn nhậu đi ngang ới, lại ra quán bê thui. Hỏi thăm cái quán nước chiếu phim kiếm hiệp Hồng Kông mà ta chép miệng thèm thuồng đi qua hồi còn con nít, nghe bảo chuyển thành quán nhậu ca cổ rồi.
Hồi nhỏ, theo má đi chợ, ngang qua mấy tiệm nước thấy vài ông đội nón nỉ ngồi bắt tréo chân, đứa nhỏ nhà quê ngưỡng mộ vô cùng. Ngồi quán là một điều chi đó sang trọng và xa vời, bởi cả thúng rau má bưng sệ hông, chỉ đáng giá hai tô mì thịt heo. Chỉ là đứa trẻ, nên nghĩ ngồi quán tức là có nhiều tiền. Sau này, phát hiện ra những người hay la cà quán xá, cũng nghèo, được cái rảnh tay rảnh chân.
Bữa nọ ai đó bâng quơ nói, tại tụi mình ngồi quán mà đất nước lẹt đẹt dưới đáy, ngó quanh thấy chẳng bằng ai, bị láng giềng ỉ lớn con ăn hiếp. Vậy là gây tranh cãi. Ráo riết kiếm tiền quá, chết cũng đâu có mang theo. Có làm, có chơi mới là biết sống, họ ngồi thiền, mình ngồi quán, tâm hồn khỏe như nhau. Vài ông lưỡng lự, thấy bên nào nói cũng có lý. Thuyết phục nhau mãi, thì đã tới trưa. Hẹn sáng mai ra quán cãi tiếp.
Lúc về có đoàn xe tang ngang qua, ngó tấm ảnh dựng trên xe đầu rồng thấy quen, hình như là chị trong nhóm đá cầu hay ngồi quán này, mới hôm kia thôi còn nói cười rổn rảng. Mười năm chung quán, chẳng biết tên nhau. Không rõ nhà chị ở ngay trên đường này, hay người thân rành chỗ chị hay tới mỗi ngày, nên vòng qua cho người nằm kia từ giã quán lần cuối?
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 117