Muôn màu không gian cà phê Sài Gòn

Lượt xem: 9378
15/11/2017 0:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống

Ở Sài Gòn, rủ nhau đi uống nước, ai cũng: “cà phê nha!”. Đi cà phê, đã thay thế cho đi uống nước hay gặp mặt từ bao giờ trong ngôn ngữ của người Sài thành? 

 

 

 

Cà phê và tôi

Có lẽ ít ai biết. Những đồn điền cà phê arabica đầu tiên ở Việt Nam được người Pháp lập ra năm 1888 ở miền Bắc. Cùng với năm tháng và sự phát triển, Việt Nam đã thành nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới. Và người Việt cũng đã mặc nhiên công nhận thói quen ở Sài Gòn uống cà phê,  ở Hà Nội uống trà (chè), cho dù thủ đô cũng có và giữ truyền thống uống cà phê cho tới nay.
Không biết từ khi nào, cà phê đã thành thứ thức uống không thể thiếu được trong đời. Như một sự đam mê, đến độ bạn bè nói rằng, máu trong người tôi, một nửa là cà phê rồi. Không bao giờ dám tự nhận mình là người nghiền cà phê hay hiểu biết về cà phê, cái thứ nước ấy hấp dẫn tôi nhất ở cái mùi của nó. Chỉ vì ham lần mò theo hương vị cà phê, mà tôi đã tham gia vào vài buổi thử cà phê ở vùng miền nam nước Đức (người ta gọi là cafe cuppings – tương tự như những buổi thử rượu vang tại những vùng trồng nho). Bỏ qua những kiến thức phức tạp và nghệ thuật về cách rang xay, tẩm ướp tạo mùi vị riêng của mỗi hãng, điều làm tôi thích thú nhất chính là những thông tin về mùi vị (aroma) có trong hạt cà phê: trái cây, gia vị, mật ong, cỏ, gỗ, hoa... Chuyên gia Đức cho rằng hạt cà phê là một “trái bom mùi vị” và là sự tổng hợp của khoảng 800 mùi khác biệt, nhiều hơn cả  mùi vị có trong rượu vang. Chẳng thế mà, những người uống cà phê thường xuyên như tôi cứ ngây ngất cả người, khi đi ngang qua những quán cà phê thơm lừng. Thêm một điều thú vị nữa mà những người uống cà phê ai cũng biết, là thứ nước chứa cafein ấy cũng để lại cái “hậu” trong miệng như khi bạn uống trà. Trong những quán cà phê ở châu Âu hiếm khi nào bạn nhận được ly nước lọc cùng ly cà phê, vì họ thích giữ lại cái hậu đó chứ không thích “tráng miệng“ như người Việt.

 

 

Màu cà phê Sài Gòn

Mê cà phê, sống ở Sài Gòn là quá hợp. Đôi khi tìm đến quán cà phê để ngắm quán và ngửi mùi cà phê nhiều hơn là do muốn uống. Vẫn nhớ thời chân ướt chân ráo tới đây có những chiều mưa, ngồi trong mái hiên cái quán bé xíu ở công viên Chi Lăng nhìn sang những tòa nhà cổ, cố hình dung ra người xưa Sài Gòn uống cà phê ra sao trong những Givral, Broadard, Continental... Ông già bán sách cũ trên đường Đồng Khởi mách cho một địa chỉ còn “cà phê vớ”, “cà phê kho” kiểu “made-in-China”. Vậy là mò lên tận Chợ Lớn, để chui vào một quán cà phê có cái xe hủ tíu trước cửa đầy màu sắc ngộ nghĩnh vẽ Lưu Bị, Quan Công trên kính. Không còn nhớ là đường nào nữa. Gọi “cà phê” thì được luôn cả bánh bao, xíu mại, ăn mới tính tiền. Cà phê được cho vào cái túi vải giống như chiếc vớ, nhúng vào ấm nước đang sôi, “kho” khoảng 5 phút mới được rót ra.

Thời nào cũng vậy, Sài Gòn đầy rẫy “cà phê cóc”, trên đường sang trọng cũng như trong hẻm bình dân. Sáng và chiều người ta ngồi uống cà phê phin đặc, thơm nức mũi. Cà phê đen đậm trong ly hay tách nhỏ. Thật là trái ngược với thói quen uống cà phê kiểu Tây, lỏng lét và uống như thay nước. Uống cà phê là uống cả cái không khí xung quanh. Có một thời, tôi hay lui tới khu vực Hồ Con Rùa, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Chiểu, nơi tối tối đầy nhóc người, uống cà phê, ăn kem, và... ăn uống tùm lum thứ khác. Đúng kiểu Sài Gòn. Ngồi san sát trên lề đường dưới ánh đèn dầu, về sau có thêm những bóng điện tù mù câu từ trong nhà ra. Những năm 2000, các quán cà phê sang trọng bắt đầu mọc lên như nấm, cũng tập trung nhiều ở Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và Hồ Con Rùa, trước khi lan sang những con đường khác tại quân ba, quận nhất. Và người ta bắt đầu chú ý chăm chút cho một “không gian cà phê” có phong cách hơn.
Giới trẻ Sài Gòn mê cà phê ngày nay có quá nhiều lựa chọn. Gu nào cũng có, khẩu vị cà phê kiểu gì cũng thể thỏa mãn. Thêm nhiều thương hiệu phục vụ cho cà phê mang đi. Đôi khi tôi cũng theo các bạn trẻ ngồi “cà phê bệt” ở khu Nhà thờ Đức Bà để hưởng cái thú được tự do giữa cây xanh, nhờ ly cà phê sữa đá Sài Gòn mang đi cái chát chao không chỉ do trời nắng. Tôi rất thích trào lưu khoảng 5,6 năm trở lại đây, khi nhiều quán cà phê phá bỏ tường rào, cửa và cổng. Cây xanh được sử dụng thật sự hữu hiệu như sự ngăn cách mang tính ước lệ giữa không gian cà phê với đường phố. Một sự cải biên quá thông minh từ trào lưu “cà phê vườn” thịnh hành đầu những năm 2000.
Sài Gòn giờ đủ loại quán cà phê với đa dạng phong cách. Nhiều thương hiệu lớn nước ngoài đã có mặt như Starbucks, Gloria Jean, NYDC, Coffee Bean bên cạnh các thương hiệu của Việt Nam như Trung Nguyên, Highland, Phúc Long... Có thể kể thêm vài quán có tiếng và đẹp như Serenade, Ciao, Khanh Casa, Ru Nam, AE Cafe, các quán trong các tòa nhà cao tầng với tầm nhìn thành phố từ trên cao, các quán đặc biệt như cà phê Tây Tạng (trang trí kiểu Phật giáo Tây Tạng), cà phê động vật (chó, mèo, vẹt, chim, bò sát...), cà phê massage cá... 

 


Bỏ qua những quán cà phê sang trọng và đắt tiền, tôi thích tới những quán nhỏ vắng khách, nằm sâu trong hẻm hay trên những con đường yên tĩnh. Kujuz Cafe - cà phê cửa sổ theo cách gọi của riêng tôi - là nơi không nhiều người biết vì một quán nằm trên đường Trần Quý Khoách nhưng không có bảng hiệu, một quán nằm sâu trong con hẻm nghệ thuật đường Tôn Đức Thắng. Quán đặc biệt ở những bức tường tạo ra từ những ô cửa sổ nhiều màu, làm thành một không gian đầy sáng tạo. Gọi là quán cà phê nhưng bạn sẽ phải tự pha chế đồ uống của mình. Bù lại bạn có một không gian tĩnh lặng và rất lãng mạn, riêng tư. Quán cà phê mang tên Bâng Khuâng, bạn cũng phải bâng khuâng đến đỏ mắt mới tìm thấy. Nằm trên lầu 2 của một chung cư đường Thái Văn Lung, đây là nơi lý tưởng cho những ai ưa sự yên tĩnh và hoài niệm. Phong cách chiết trung với bàn ghế đủ loại, sách cũ trên sàn gạch bông, xe đạp treo trên tường... mang lại cho bạn sự gần gũi, dung dị mà thanh thoát. Ở đây, tôi có thể ngồi hàng giờ bên cửa sổ chỉ để ngắm chiếc cầu thang thoát hiểm xưa cũ của tòa nhà. Một đường cong mềm mại có thể làm mềm đi bất cứ tâm hồn chai cứng nào. Vị cà phê mang theo mùi vôi vữa bong tróc từ bức tường đang dựa lưng làm sao có thể có ở đâu khác? Những không gian cà phê như thế đang âm thầm lan rộng sau những bức tường cũ trong một thành phố mới. 
Thích nhất vẫn là các quán cà phê trong những chung cư cũ. Trào lưu mở shop thời trang, cửa hàng lưu niệm và các quán cà phê trong các chung cư cũ có từ khoảng 3,4 năm nay. Từ những quán đầu tiên, ngày nay đã có những “quần thể shop và quán cà phê”, biến những chung cư đậm chất vintage hay retro này trở nên nổi tiếng, tạo thành điểm nhấn rất độc đáo trong bản đồ quán xá Sài Gòn mà không thành phố nào ở Việt Nam có được. Những căn hộ cũ kỹ được cải tạo lại toàn bộ hay từng phần theo nhiều phong cách độc đáo khác nhau. Các quán cà phê chung cư đều có điểm chung là giá cả thức uống rất hợp lý, chỉ bằng một nửa so với các quán ở trung tâm mà ngon cũng không kém. Mỗi quán đều có một thế mạnh riêng. L’Usine trong chung cư Đồng Khởi là một không gian nghệ thuật và đồ ăn tây. Catinat Cafe  hay The Morning Cafe lại có tầm nhìn tuyệt đẹp từ ban công. Ở Loft Cafe đường Pasteur, bạn thấy hai tháp chuông Nhà thờ Đức Bà như sát bên ly kem của mình. Trong quán She trên chung cư Pasteur, cả hành lang lầu 2 được biến đổi thành một khu vườn, cảm giác như gần như xa với tòa nhà đối diện. Không gian bên trong ấm cúng với những  bức ảnh đen trắng của các diễn viên nổi tiếng; và tuy là quán cà phê, nhưng món trà đá bào 3 màu đặc biệt mang tên She với hương vị trái cây tươi lại rất đặc sắc. 

 


Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những quán cà phê trong một chung cư đường Tôn Thất Đạm. Ai vào đây lần đầu sẽ mang một cảm giác ngỡ ngàng và... hơi rờn rợn bởi sự cũ kỹ, dù người ra vào tấp nập đến không ngờ. Chiếc cầu thang đá rửa chạy suốt 4 tầng lầu với những ô cửa sổ mở ra một không gian biến đổi liên tục. Khi thì là tòa công xưởng với những mảng tường nhuốm màu thời gian đẹp não nùng. Khi là những mái tôn đầy màu sắc có dàn hoa giấy, hay những ô cửa sổ hắt ra ánh đèn vàng đầy thu hút từ các cửa hiệu, quán cà phê ở tầng dưới. Khi lại là tòa Bitexco sừng sững vươn mình trên những mái nhà xưa cũ. Các hiệu thời trang vintage không thể đếm hết và rất nhiều quán cà phê xinh xắn. Hai quán cà phê đẹp nhất khu này, theo tôi, là Mocking Bird và Things Cafe, không kể một quán kiểu Nhật đang “hot” với teen. Không bảng hiệu, tấm bảng “Open” treo  trên cánh cửa màu vàng tươi cho bạn dũng khí bước vào. Ở Things, nhiều thứ của căn hộ được giữ nguyên, giống như ta đang đến thăm nhà một người bạn. Những món đồ vintage bừa bộn (có bán luôn) mang  lại cho quán một không khí vô cùng đặc biệt. Trong khi đó, Mocking Bird là bar không gian nhỏ xíu, nhưng chỗ nào cũng hay. Món lá trà tươi  xay nhuyễn với đá bào là đặc sản bên cạnh các loại cà phê. Ngồi ở nơi từng là ban công của căn hộ, nhìn ra đại lộ Võ Văn Kiệt và rạch Bến Nghé đang lên đèn, ngắm những cây cột cổ kính uy nghi của tòa nhà ngân hàng chìm dần vào bóng tối, thấy như thời gian đang quay trở lại nơi này.
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng mỗi thành phố đều như một thực thể sống. Thể xác là những con đường, những ngôi nhà, mà nói dưới góc độ “cà phê”, là bao gồm những không gian cà phê như vậy. Những con người và cuộc sống diễn ra hàng ngày trong không gian đó, mang lại phần hồn cho thành phố này. Sự hài hòa giữa xác và hồn, giữa ngoài và trong, mang lại cho mỗi không gian đô thị một bản sắc riêng biệt. Tôi tin là bạn sẽ cảm nhận rõ điều đó khi bước chân vào những không gian muôn màu của cà phê Sài Gòn.

 

Bài Họa sĩ Trẩn Thuỳ Linh ảnh TL

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 109

Bài liên quan