
Bởi vậy, dù cũng vào cữ “không hẹn mà… sửa” quen thuộc, thì xu hướng chung hiện giờ là nhìn trước ngó sau. Ở nhà nhiều hơn ra ngoài lâu ngày quen nếp, ưu nhược nhà cửa đã tương đối rành rẽ, nên xu hướng sửa nhà kiểu “Đi Ai Oai” ngày càng gia tăng. Ai oai không biết, chỉ biết nôm na là trò “mình tự xử” này vốn lan truyền từ gu Tây phương hướng dẫn thủ công Do It Yourself - D.I.Y giờ đây thêm trợ giúp của mạng xã hội, vừa làm vừa “laichym” nên làm chưa xong gia chủ đã tận hưởng mưa lời khen hoặc bão gạch đá rất là oai phong lẫm liệt! Cũng bởi ranh giới giữa oai phong và lẫm liệt vốn khá gần trên mấy gang bàn phím, nên “toa thuốc” trang hoàng nhà cửa vào dịp cuối năm luôn cần có thêm vài câu chỉ định - chống chỉ định, đặng lúc cần kíp nhắc nhở bà con trong thời đại công nghệ thông tin dễ dàng tìm kiếm đồ chơi nên cũng dễ sai lệch. Chuyện sáng tạo hay tối tạo thì… hên xui vậy, dù các gia chủ chấp nhận “mình làm mình chịu” thì cũng nên lưu ý một số quy tắc nhỏ, tạm thu gọn trong 4 chữ Nhìn Ngó Trước Sau!
Nhìn ngó độ tương quan
Ai cũng biết không nên mặc quần áo quá rộng hay quá chật, vậy sao sửa nhà lại chọn đồ đạc không vừa với không gian, không hợp khu vực dành cho nó? Trước khi đi mua đồ nội thất, nhớ lấy thước đo khoảng lọt lòng và trừ hao xê dịch, hình dung về vị trí sẽ đặt chiếc ghế hay bức tranh. Việc ghi lại kích thước tĩnh (vốn có của đồ vật) và kích thước động (như khoảng mở cánh cửa tủ, khoảng lùi nhìn ngắm, khoảng với tay lấy đồ trên cao...) sẽ giúp chọn được món đồ vừa ý và vừa vặn không gian sử dụng.
Tương quan còn là quan hệ giữa 2 hoặc nhiều món vật dụng về hình thức, chất liệu và tỷ lệ. Ví dụ kệ sắt bằng sắt thô ráp đi với bàn ghế gỗ tự nhiên trông sẽ thế nào, tranh cổ điển treo trên bức tường gạch trần kiểu công nghiệp nhìn sẽ ra sao, trần nhà thấp mà bộ đèn treo hơi lòng thòng, dù không đụng đầu nhưng cảm giác có ổn không?
Nhìn ngó khoảng liên kết
Các đồ đạc trong phòng bình thường có thể đảm nhận chức năng độc lập và không liên quan đến nhau, nhưng khi muốn trang trí lại nhà cửa cho đẹp hơn, tưng bừng hơn vào cuối năm thì rất cần có sự kết nối, liên kết với nhau. Có những vẻ đẹp mang tính thời điểm, và gắn bó chặt chẽ với không gian tùy theo công năng thời điểm cụ thể, như bàn ăn buổi tối trông khác buổi sáng chỉ nhờ bật tắt hệ đèn. Tính liên kết còn thể hiện ít nhiều quan điểm thẩm mỹ, lối sống của gia chủ. Một tấm thảm trên sàn với màu sắc tươi tắn là sự kết nối giữa các đồ đạc nội thất khác như bàn ghế hay tủ kệ, vì vậy nên nhìn lại kiểu dáng các đồ gỗ đang “đè” lên tấm thảm đó xem có đồng bộ hoặc cùng phong cách không, nếu cần thì phải dọn dẹp bớt. Tương tự với một chiếc đèn chân sắt theo kiểu dù máy ảnh hay bức tượng cổ điển khá đẹp bày giữa phòng, có thể trông chúng ấn tượng thật đấy, nhưng cần nhớ rằng nhà ở không phải là viện bảo tàng hay gallery hoặc studio chụp ảnh.
Đặt bàn ghế hợp lý, tạo lối đi và khoảng trống vừa đủ để sử dụng không gian hiệu quả hơn
Nhìn ngó ít hay nhiều
Thay đổi về lượng luôn kéo theo thay đổi về chất. Cho dù phòng khách hay phòng sinh hoạt có bộ sưu tập thú vị như đồng hồ, tranh tượng, hoặc đồ gốm sứ đắt giá, tinh xảo… thì vẫn nên đặt ra câu hỏi: liệu có nhiều quá không? Thị giác bị nhiễu loạn sẽ gây cảm giác ngột ngạt mệt mỏi, và chẳng ai còn nhớ căn phòng “chất chơi” đó có cái gì hay khi có… quá nhiều thứ hay ho trong đó. Nên chọn những thứ quan trọng nhất, có giá trị gợi nhớ, ấn tượng đẹp, cảm xúc tốt, và cất bớt những thứ còn lại, ví dụ như tấm ảnh cả gia đình quây quần đầm ấm sẽ có giá trị vào ngày tụ họp cuối năm hơn một bức hình phong cảnh chung chung. Hoặc có thể chọn chưng ra những đồ vật theo thời điểm, và điểm xuyết vài thứ khác biệt, nhưng không phải là tất cả. Ngay tại các bảo tàng hàng đầu thế giới cũng chỉ trưng bày số lượng rất hạn chế những thứ quý giá mà họ có, và có sự điều chỉnh thay đổi tùy theo chủ đề và thời điểm. Less Is More luôn mang ý nghĩa triết lý thiết kế đúng đắn: Ít hơn sẽ tốt hơn!
Nhìn ngó theo chỗ trống
Nhiều người nghĩ rằng căn phòng sẽ trông rộng hơn nếu ở giữa phòng hoàn toàn trống trải, đồ đạc cố gắng áp sát vách tường, dùng đồ gấp xếp ép vào vách khi cần mới mở ra…Nhưng sự thật không hẳn vậy, trừ phi căn phòng đó là nơi tập thể dục hay tổ chức một buổi khiêu vũ! Nếu không phải vậy thì hãy nhìn ngó đến những “khoảng trống có nghĩa”, một khái niệm thiết kế hình thành theo công năng và giao thông trong các khoảng không đủ thoáng đãng. Việc sắp xếp đồ đạc và vật trang trí theo nhóm, có chính phụ và chú ý những khoảng trống giữa các nhóm cũng như khoảng trống ở lưng ghế sẽ giúp căn phòng thoải mái về bố cục hơn là đạt độ rộng về mét vuông. Khi bố trí hợp với “kịch bản sinh hoạt” thì khoảng trống hữu ích sẽ giúp mọi người định hướng vị trí cũng như tương tác với nhau tốt hơn, thay vì bàn ghế cứ kê theo kiểu ép sát tường. Với những mảng bố trí mang tính chủ đạo của căn phòng sinh hoạt như tủ kệ, dàn âm thanh, ghế sofa lớn... thì khoảng trống trước và chung quanh chúng giúp mọi người có thể tụ tập, chụp ảnh kỷ niệm hoặc đơn giản là tương tác với nhau mà không bị “ép” trong một khoảng không cố định bởi sự gò bó của vật dụng.
Nhìn ngó động và tĩnh
Ai cũng dễ dàng sắm những chiếc gối trang trí hay bình hoa, dây đèn treo nhấp nháy hay hoặc mảng giấy dán tường màu sắc họa tiết tưng bừng, hấp dẫn. Nhưng khi bắt tay vào trang hoàng nhà cửa, sửa chữa dịp cuối năm thì nên cân nhắc những phụ kiện bổ sung về ánh sáng và sắc màu đó có làm nhà đang tĩnh trở nên động hơn, có làm xáo trộn không khí vốn có mà lại không thể hiện được ý tưởng chung của gia chủ, có làm rối mắt hay bất tiện khi sử dụng không. Sự gần gũi, êm ả và thoải mái cho nơi ăn chốn ở vẫn cần được ưu tiên, chứ không phải dạng trang trí “thu hút mọi ánh nhìn” như show-window tại mặt tiền các cửa hàng khu trung tâm. Những phụ kiện do tận dụng đồ sẵn có, do sáng tạo nên trong khuôn khổ hạn hẹp đôi khi đem lại nhiều hiệu quả bất ngờ mà chưa chắc các món phụ kiện “hàng khủng” có thể vượt trội. Cách dùng ánh sáng cũng vậy, ai cũng có thể tham khảo những kiểu đèn lung linh, độc lạ, nhưng cần nhớ rằng nhà mình khác nơi công cộng, và nếu để lượng điện tiêu thụ tăng đột biến thì rõ ràng cách chọn lựa đã chưa hiệu quả.
Như vậy, để vừa tạo ra sự đổi mới thú vị trong nội thất, đồng thời vừa không vướng phải những sai lầm nho nhỏ làm hỏng đi sự hài hòa cần thiết cho không gian sống của mình, tạm đúc kết vài câu “khẩu quyết” có vần có điệu khi nhìn ngó nhà cửa sửa chữa cuối năm: độ tương quan - khoảng liên kết - ít hay nhiều - theo chỗ trống - động và tĩnh.
(*) KS HOÀI THU - Khoa Thiết kế Nghệ thuật - Đại học Hoa Sen

Chút biến tấu khác biệt trong đèn trang trí gia tăng tính sáng tạo cho không gian, tạo nên cá tính riêng
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 186