Shiro Kuramata: Nhà thiết kế tài năng của Nhật Bản sau Thế chiến II

Lượt xem: 918
25/10/2024 9:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - HOÀNG OANH

Với khao khát khám phá và đổi mới, Shiro Kuramata đã đặt nền móng cho xu hướng thiết kế táo bạo, phá vỡ quy tắc thiết kế thông thường, ảnh hưởng đến các thế hệ nhà thiết kế sau này. Hiện nay, tác phẩm của ông được lưu giữ, trưng bày tại một số bảo tàng trên khắp thế giới.

 
 
Cuộc đời và sự nghiệp
Shiro Kuramata sinh năm 1934, học kiến trúc ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Tokyo (năm 1953) và được đào tạo nghề mộc tại Học viện Thiết kế Kuwasawa (năm 1954). Sau đó, ông làm việc cho nhiều công ty sản xuất đồ nội thất để tích lũy kinh nghiệm và nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo. Đến năm 1965, ông thành lập Văn phòng Thiết kế Kuramata, Tokyo. 
Vào cuối những năm 1980, Shiro Kuramata được Ettore Sottsass mời tham gia nhóm thiết kế nổi tiếng nước Ý - Memphis Group. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu tầm ảnh hưởng của ông cũng như các thiết kế Nhật Bản trong cộng đồng thiết kế thế giới.
Xuyên suốt sự nghiệp, ông nhận nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng Văn hóa Nhật Bản về thiết kế năm 1981 và Huân chương Nghệ thuật và Văn học của Pháp năm 1990. 
Các tác phẩm của ông hiện đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới như Bảo tàng Mỹ thuật ở Boston, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Hara ở Tokyo, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia… 
 
Bình hoa Ikebana được thiết kế năm 1980
 
Đặc trưng phong cách thiết kế thể hiện qua các tác phẩm tiêu biểu

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa phương Đông và nghệ thuật phương Tây
Ra đời vào năm 1980, bình hoa Ikebana là sự kết hợp giữa văn hoá cắm hoa Ikebana truyền thống Nhật Bản và vẻ đẹp tinh khiết của pha lê chì, một chất liệu được ưa chuộng trong nghệ thuật thủy tinh phương Tây.
Ghế bành có tay vịn (năm 1982) sở hữu vẻ đẹp đương đại ấn tượng nhờ sự kết hợp giữa đường nét đơn giản, thanh lịch đậm chất phong cách Nhật Bản và vật liệu hiện đại: Phần khung làm bằng kim loại mạ crôm, đệm ngồi sử dụng bọt polyurethane và bọc bằng vải hoặc da.
 
Chiếc ghế bành có tay vịn với nhiều phiên bản màu sắc khác nhau 
 
Độc đáo, phá vỡ các quy tắc thông thường 
Ghế sofa How high the moon của Shiro Kuramata năm 1986 đã thách thức các quan điểm thông thường về đồ nội thất. Đây là tác phẩm phản ánh sự năng động mới nổi và sự sáng tạo đang trưởng thành của Nhật Bản sau Thế chiến II.
Chiếc ghế sofa không theo quy ước này được chế tác từ lưới thép, phác thảo hình dạng không cần khung hoặc giá đỡ bên trong như ghế truyền thống. Cộng với đặc tính phản chiếu ánh sáng của lưới thép, chiếc ghế trở thành tác phẩm độc đáo được đánh giá cao.
Vào tháng 5 năm 1998, How high the Moon được bán với giá 12.650 GBP (24.000 USD) tại Bonhams London - nhà đấu giá quốc tế tư nhân, cũng là một trong những nhà đấu giá mỹ thuật và đồ cổ lâu đời và lớn nhất thế giới. Từ sự kiện này, tên tuổi Shiro Kuramata xuất hiện trong danh sách những nghệ sĩ/nhà thiết kế được chú ý nhất của thế kỷ 20.
 
Chiếc ghế How high the moon chế tác hoàn toàn từ lưới thép
 
Ghế Miss Blanche đặt theo tên nhân vật nữ chính trong vở kịch A Streetcar Named Desire của Tennessee Williams và lấy cảm hứng từ hoa cài áo của Vivien Leigh trong bộ phim chuyển thể
 
Đưa các vật liệu mới vào tác phẩm thiết kế
Shiro Kuramata là một trong những nhà thiết kế tiên phong trong việc sử dụng những vật liệu mới như kính, nhựa acrylic trong suốt, lưới thép vào thiết kế nội thất. Ông khéo léo tận dụng sức mạnh của ánh sáng khi tác động lên những vật liệu này để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật táo bạo. 
Như ghế Miss Blanche năm 1988 với toàn bộ phần đệm ngồi và tựa lưng được đúc bằng nhựa acrylic, phần chân ghế làm từ nhôm anodized; bên trong khối acrylic là các nhánh hoa hồng được bố trí ngẫu nhiên. 
Tasahi Yokoyama từng giải thích: “Hoa hồng màu đỏ là để truyền tải trạng thái cảm xúc cao độ. Khi xuất hiện lơ lửng trong không gian bên trong khối acrylic, Miss Blanche như che khuất câu chuyện phổ biến của bố cục trừu tượng, tính trong suốt của vật liệu, truyền đạt sự rõ ràng về cấu trúc và thay đổi nhận thức của người xem về tác phẩm”. 
 
Kệ sách với các ngăn kệ có kích thước đa dạng tạo nên không gian lưu trự linh hoạt
 
Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng dựa trên hình dáng các khối hình học thông thường
Cách tiếp cận của Shiro Kuramata trong các tác phẩm thiết kế là truyền tải vẻ đẹp siêu thực, trừu tượng cho các vật dụng hàng ngày, dựa trên hình dáng những khối hình học thông thường.
Như tủ xoay di động thiết kế năm 1970, một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng thu hút thị giác làm bằng vật liệu nhựa acrylic màu đỏ bóng và được trang bị 20 ngăn kéo xoay quanh một giá đỡ kim loại thẳng đứng.
Hay như kệ sách sơn mài mờ màu trắng (năm 1970) với các ngăn kệ có kích thước đa dạng, tạo nên không gian lưu trữ linh hoạt, vừa vặn. Ngoài chức năng lưu trữ như vốn dĩ, kệ sách của Shiro Kuramata còn là một tác phẩm trừu tượng gợi mở về sự vô hạn của tri thức.
 
 
Tìm hiểu thêm các tác phẩm của Shiro Kuramata tại: http://www.shirokuramata.com/
Tư liệu & hình ảnh: Internet

 
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 220