Từ cậu bé hiếu động đến kiến trúc sư tài năng
Thuở nhỏ, Anders Lendager thích chế tác đồ chơi của mình từ đồ vật cũ, cửa xe ô tô hỏng hay những chiếc lốp xe thủng. Năm 13 tuổi, tình yêu kiến trúc trong ông bắt đầu nhen nhóm nhờ việc say mê ngắm nhìn những kết cấu chắc chắn, những khoảng trống kỳ diệu ở các công trình kiến trúc thành phố. Đó cũng là lý do khiến ông nỗ lực không ngừng để theo học tại trường kiến trúc Aarhus.
Suốt thời gian học tập và nghiên cứu tại trường, khi hiểu sâu sắc về hiệu ứng nhà kính và tác động tiêu cực do băng tan ở Nam Cực, ông khao khát tìm cách bảo vệ môi trường sống qua các giải pháp thiết kế. Có lẽ vì vậy mà con đường thiết kế về sau này của ông luôn đặt môi trường bền vững lên trên hết. Quan điểm thiết kế của ông rất rõ ràng: “Tạo ra công trình của ngày mai từ phế liệu của ngày hôm nay”.
Hiện tại, Anders Lendager là kiến trúc sư, người sáng lập và giám đốc điều hành tập đoàn Lendager. Ngoài ra, ông còn là thành viên của Hiệp hội các công ty kiến trúc Đan Mạch, thành viên của Ban cố vấn về chương trình tăng tốc SDG Liên hiệp quốc, giáo sư thỉnh giảng tại trường kiến trúc Aarhus và diễn giả chính tại các sự kiện, hội nghị liên quan đến vấn đề tài nguyên - môi trường.
Những công trình tiêu biểu
Hiểu rõ trách nhiệm của mình cùng niềm tin vật liệu tái chế là tương lai mới cho ngành kiến trúc, Anders Lendager cùng nhóm cộng sự đã nghiên cứu, thử nghiệm và chứng minh giá trị của chúng tại các dự án do tập đoàn Lendager thực hiện.
1. Resource Rows
Resource Rows là một trong những dự án làm nên danh tiếng của Anders Lendager. Với diện tích 9.148m2, khu phức hợp nhà ở này có thể hạn chế 29% khí CO2 thải ra môi trường và biến 463 tấn chất thải (bê tông phế thải, ván gỗ, cửa sổ cũ…) thành vật liệu xây dựng.
Đáng chú ý nhất, mặt tiền được ốp từ các mô-đun gạch lấy từ nhà máy bia Carlsberg, trường học cũ và những ngôi nhà bỏ hoang. Thực chất là do không thể tái chế từng viên gạch riêng lẻ do độ bền của vữa xây nên đội ngũ của Anders Lendager đã xử lý theo từng mô-đun và đặt để, sắp xếp tạo ra mặt tiền mới.
2. Upcycle Studios
Upcycle Studios được xây dựng từ bê tông tái chế, ván sàn bỏ đi… Dự án này đã chứng minh triết lý kiến trúc bền vững của Anders Lendager: vật liệu tái chế là mảnh ghép còn thiếu của nền kinh tế tuần hoàn.
Trên tổng diện tích 3.000m2, dự án có thể hạn chế 45% khí CO2, biến 1.000 tấn rác thải thành vật liệu xây dựng và giành chiến thắng trong giải thưởng Danish Design Award 2019.
3. Toà nhà TRÆ - Đan Mạch
Tòa nhà văn phòng TRÆ được thành phố Aarhus đầu tư gần 5,5 triệu DKK (tương ứng khoảng 1 triệu USD) từ quỹ khí hậu đô thị. Với tổng diện tích sàn 14.850m2, tòa nhà cao gần 80m chia thành ba tòa tháp kết nối với nhau để làm văn phòng, nhà hàng, quán cà phê và không gian đô thị xanh mở cửa cho người dân. Vì lẽ đó, dự án này vừa là thách thức vừa là cơ hội để đưa vật liệu tái chế lên một tầm cao mới.
Ngoài việc xây dựng tòa nhà bằng gỗ có quy mô lớn đầu tiên ở Đan Mạch, nhóm thực hiện còn biến rác thải địa phương thành tài nguyên quý giá để sử dụng cho các hạng mục mới như mặt tiền, cửa sổ, sàn.
Tìm hiểu thêm về Anders Lendager tại: https://lendager.com
Tư liệu & hình ảnh: Anders Lendager
Nhà tái chế với gạch ốp mặt ngoài được làm từ gạch tái chế
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 207