Chất Á Đông từ truyền thống đến đương đại

Lượt xem: 8154
24/9/2020 14:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - KTS Tạ Mỹ Dương

Vấn đề muốn đề cập ở đây là chất Á Đông trong  nội thất kiến trúc ngôi nhà của người Việt Nam. Thực ra cho đến lúc này, rất khó để có thể đưa ra một không gian nội thất thuần Việt. Qua nhiều thế kỷ, sự giao lưu, gặp gỡ, hoà trộn, nội thất kiến trúc ở ta hiện nay đang ở thời kỳ đa phong cách.

 
 
Nhà cổ Bình Thuỷ, Cần Thơ. phong cách nội thất của những gia đình phú ông, bá hộ đầu thế kỷ 20. Sự sắp đặt đặc trưng truyền thống theo nguyên tắc đối xứng. Những bộ ghế bàn kiểu Trung Hoa, bên cạnh những sản phẩm du nhập, bàn tròn đường nét đơn giản kiểu châu Âu, tủ kính, đèn chùm và đặc biệt là cái bàn lavabô gương kính. Cột kèo truyền thống trên bệ đá, nhưng vòm cửa và mô típ trang trí mang dấu ấn Pháp. những cánh cửa “nhà Tây” lá sách gỗ là một loại sản phẩm đầy chất nhiệt đới
 
Chút âm hưởng “dân gian đương đại”
 
Từ nội thất của những người làm ruộng...
Xin được mượn câu mở đầu một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Tôi sinh ra ở nông thôn, cha mẹ tôi là nông dân”. Ngôi nhà sinh ra từ con người, cũng như con người, nó bị chi phối, định dạng, có khả năng sinh tồn, thích ứng và biến chuyển trước mọi tác động của điều kiện tự nhiên và đời sống xã hội. Và cũng như con người, ngôi nhà Việt đầu tiên sinh ra từ nông thôn, chủ nhân của nó là người nông dân, những người mà cuộc sống của họ là bám vào đồng ruộng. Do vậy, không gian nội thất của những mái nhà tranh ấy đầu tiên là một không gian chứa đựng một đời sống nông nghiệp, mang tính thiết dụng, đơn sơ.
Trước hết, những thứ quan trọng mà người nông dân phải để trong ngôi nhà của họ là công cụ lao động và nông sản. Cày, bừa, liềm hái, bồ thóc, thúng mủng, quang gánh, cối xay, chày giã gạo. Kế đến là các thứ đồ đạc phục vụ cho đời sống sinh hoạt và tâm linh. Dưới bếp có chạn bát đĩa, giá để nồi niêu, đòn treo quang gánh, rổ rá, giần sàng. Trên nhà có bàn thờ, phản, chõng đóng đơn giản bằng tre, gỗ. Người nông dân xưa chưa có khái niệm bàn ăn, họ đặt mâm xuống đất, ngoài sân, hoặc ở đầu hè, ngồi xếp bằng, hoặc trên một cái ghế nhỏ và thấp. Hoặc ngồi ăn trên phản, chõng tre khi nhà có việc. Rất nhiều công việc đều làm ở tư thế ngồi gần như ngồi xổm, ngồi sàng gạo, ngồi đun bếp, mổ cá, làm gà. Có lẽ do vậy, mà người dân quê Bắc bộ có đặc tính là thích ngồi xổm, thói quen ấy vẫn sống đến tận bây giờ (hiện thấy nhiều thanh niên ra Hà Nội, ngồi lên ghế đá, ở giữa công viên hoặc ngay ở bờ hồ. Có người vào WC vẫn thích ngồi xổm cả lên xí bệt). Phản, chõng có nhiều chức năng, vừa để nằm, vừa để ngồi, ngồi chơi, ngồi ăn uống, tiếp khách, trẻ con học bài. Hình ảnh thường thấy có mấy đứa trẻ bò xung quanh một ông thầy đồ học chữ. Có lẽ phải rất lâu sau này cái bàn mới xuất hiện. Bàn gỗ đơn giản, với mấy cái ghế đẩu mộc mạc, đơn sơ. Từ một nếp sống như vậy, sự nghèo khổ, lại thường xuyên phải đối phó với thiên tai, mất mùa, phải chăng đã tạo ra một thói quen, một tâm lý “tích cốc phòng cơ”. Tâm lý đó tạo nên một đặc tính trong ngôi nhà người Việt, là nhiều  đồ đạc (cũng giống trong ngôi nhà của người Hoa). Đặc tính đó có tính lưu truyền cho đến bây giờ.
Nhu cầu trang trí nội thất của người nông dân cũng đơn sơ như cuộc sống của họ. Nội thất nặng về tính sử dụng nhiều hơn là trang trí. Có chăng chỉ là mấy bức tranh dân gian, gà, lợn trên tường, nhưng chủ yếu là vào ngày tết. “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo nổ, tưng bừng trên vách bức tranh gà” như Tú Xương miêu tả. Nhưng chính hình dáng mộc mạc, chất liệu tự nhiên như tre, gỗ, đất, đá, sành của những vật dụng như cối xay thóc, chày giã gạo, cối đá, chum vại lại là vật có tính thẩm mỹ. Hoặc như cái chái trước hiên nhà, sinh ra do điều kiện khí hậu, là để che cái nắng mưa, làm bằng nan tre, mộc mạc nhưng thật gợi cảm. Chính những vật dụng đó lại có tính trang trí tự thân, tạo nên không khí nội thất trong căn nhà.
Đến mấy trăm năm sau này, là thời chúng ta đang sống, điều ấy đang được khẳng định, nhiều nội thất sang trọng bây giờ lại lấy chính những vật dụng “nhà quê” ấy để làm duyên.
Ở một tầng lớp khác, là những người có học, các ông thầy đồ làng - tuy vẫn còn những dấu ấn nông nghiệp, vì vợ vẫn là nhà nông - do có điều kiện hơn, chất văn hoá và những nhu cầu thẩm mỹ đã hiện diện trong ngôi nhà của họ. Ngoài những bức tranh dân gian, là hoành phi, câu đối. Khá hơn thì có bàn nước, ghế đôn, bộ tràng kỷ kê trước bàn thờ. Tính trang trí đã được thêm vào với một thẩm mỹ tinh tế nhưng giản dị.
Khi một số người nông dân trở nên giàu có, họ là những phú ông, địa chủ. Ngôi nhà của họ trở thành dinh thự. Nội thất dinh thự của tầng lớp này mang đậm chất hưởng thụ và tính phô trương. Và đã có những yếu tố ngoại lai, du nhập. Tường đã được tô vẽ, trang trí bằng hoa văn gốm. Những tủ chè, sập gụ được chạm trổ cầu kỳ, những bình gốm sứ Trung Hoa, hoành phi câu đối sơn son thếp vàng. Ruộng đã phát canh thu tô, hoặc thuê tá điền làm nên trong nhà không để nhiều nông cụ. Kho thóc có chỗ riêng. Không gian ở đã được tách biệt, tính trang trí đã ở mức nhiều hơn là thiết dụng.
 
 
Hình ảnh nội thất trong nhà ở gia đình bắc bộ đầu thế kỳ 20. phụ nữ ngồi trang điểm trên sập và thầy khoá trẻ ngồi bên bàn nước (tư liệu)
 

 

 
Hình ảnh nội thất nhà ở nông thôn Bắc bộ và góc nội thất của một gia đình tiểu tư sản Hà Nội vào thập niên 60 qua nét vẽ của KTS Nguyễn Cao Luyện và Tạ Mỹ Duật
 
... Đến những tiểu thị dân
Thị tứ hình thành, nông dân đi ra từ đồng ruộng, trở thành thị dân. Những phố thị với các lô nhà là cửa hàng buôn bán hay phường nghề. Lúc này, chức năng của một ngôi nhà phố vẫn như ở quê, nghĩa là vừa ở, vừa sản xuất, hoặc buôn bán. Do vậy, cấu trúc ngôi nhà vẫn phải đáp ứng hai nhu cầu, là ở và làm việc. Tính thích dụng vẫn là số một. Sự chật chội và bề bộn trong ngôi nhà - cửa hàng (hoặc ngôi nhà - xưởng sản xuất) vẫn là một đặc tính. Tuy nhiên nhu cầu trang trí đã đuợc chú ý hơn. Và mang dấu ấn thành thị. Nhưng là một phong cách thành thị kiểu hàng phố, chưa hẳn sang, nhưng cũng không quá hèn. Thương nhân giàu vẫn là tràng kỷ, sập gụ tủ chè, hoành phi câu đối, vừa thì vẫn cái phản gỗ mộc mạc. Người khá giả hay có tâm lý “phải bằng hoặc hơn người”, nên tính phô trương khá phổ biến trong tầng lớp tiểu thị dân. Tranh tường vẫn là tranh dân gian như tranh thờ các vị thần, thú vật, là lối tranh Hàng Trống. Hay tranh tứ bình, tranh giấy dó Đông Hồ.
Về mặt thẩm mỹ, dù với người giàu ở thôn quê hay các tiểu chủ mới nơi phố thị, sự cầu kỳ, diêm dúa của phong cách thẩm mỹ Trung Hoa luôn ám ảnh và quyến rũ họ. Cũng là một điều dễ hiểu, cái tác động, ảnh hưởng của một nền văn hoá mạnh và lâu dài như thế. Chất mộc mạc, đơn sơ của nhà nông, thẩm mỹ giản dị tinh tế của những ông thầy đồ làng tuy vẫn còn nhưng luôn bị dao động và lấn át bởi sự diêm dúa và tinh xảo của nhiều sản phẩm ngoại lai.
 
Phòng ngủ có không khí của phong cách nhật với nghệ thuật bonsai, chất liệu gỗ và sỏi đá
 

Tiện nghi và lối sống châu Âu trong một không gian có kết cấu và sắc màu châu Á
 
Thời thuộc địa và sự xuất hiện phong cách Đông Dương
Đó là khi người Pháp đến. Việc đầu tiên họ phải làm là xây dựng những ngôi nhà cho chính họ. Những ngôi nhà đó phải theo quan niệm thẩm mỹ của họ, những tiện nghi đẳng cấp của họ. Nhưng ngay cả người Pháp cũng bị tác động bởi chính những sắc thái bản địa, từ điều kiện khí hậu, nghệ thuật trang trí tinh xảo ở các kiến trúc cổ, ở sản phẩm mỹ nghệ và bắt đầu hình thành một sự gặp gỡ, pha trộn. Có một phong cách châu Âu đã được “nhiệt đới hoá” về khí hậu, Á Đông hoá về thẩm mỹ trong không khí nội thất, đấy chính là “Đông Dương”. Giống như một bộ complet may bằng vải đũi, rất Tây nhưng mát và mềm mại. Giường ngủ với các thanh treo mùng, quạt trần, những tấm rèm cửa lụa là, những tấm chăn, vải gối có hoa văn hoạ tiết đẹp và tinh xảo từ bàn tay của người thợ thủ công.
Những bộ bàn ghế khắc chạm, hoặc sofa được tạo ra từ sự kết hợp giữa cái sang và sành sỏi của người Pháp, với sự tinh xảo khéo léo của thợ thủ công bản địa, đã tạo ra một phong cách mà sau đã thành một trào lưu có tính dẫn dắt.
Đông Dương là của người Pháp, nhưng có thể nói đó là một phong cách mang đậm chất Á Đông. Ngoài các ông Tây thực dân, phong cách này được cảm nhận và đưa vào ngôi nhà của một số ít gia đình bản xứ, là các nhà tư sản, quan lại cao cấp hay số ít trí thức có thu nhập cao như bác sĩ, dược sĩ.

Nội và ngoại thất của một resort theo phong cách Á Đông mới. có ảnh hưởng chất của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nét đẹp hài hoà từ kết cấu, chất liệu, chi tiết trang trí, và rất nhiệt đới
 
Nội thất kết hợp dân gian và hiện đại
 
Các thuộc tính á đông trong ngôi nhà của người việt
Bản sắc Việt: Bắt nguồn từ điều kiện khí hậu: không khí nóng ẩm nên giường ngủ, bàn ghế thường đóng cao. Để cách biệt giữa trong và ngoài, ngôi nhà luôn có không gian đệm, và cái không gian đó có tính “mập mờ”, như kín mà như hở, uyển chuyển và linh hoạt, như hàng hiên, sảnh nhà. Chỉ với tấm bình phong, có thể ngăn chia không gian theo nhiều cách. Những tấm bình phong trong ngôi nhà Việt là một bản sắc, và cũng là giải pháp về phong thuỷ.
Về sắp đặt: Luôn thích sự cân bằng đối xứng. Lấy trục chính làm trung tâm, bàn thờ ở giữa, hai hàng tràng kỷ hai bên và hai gian bên là phản nằm. Thích trưng bày theo cặp. Cặp chậu cảnh trước hiên, cặp đôn sứ ngoài cửa, cặp lục bình hai bên tủ, bàn thờ. Sau này trong nhiều năm vẫn theo cách đó để bài trí, phòng khách, tâm điểm là kệ để ti vi, dàn máy, hai bên là cặp loa, cặp tượng. Có lẽ từ ảnh hưởng của tính tôn nghiêm Phật giáo. Sau này đã phá cách hơn và mặt bằng trở nên linh động.
Về chất liệu: Vật liệu tự nhiên được sử dụng tối đa như tre, gỗ, gốm, sứ luôn tạo ra cảm xúc gần gũi, thân thiện. Tâm linh và tôn ti trật tư cũng là một thuộc tính trong ngôi nhà Việt truyền thống. Sự sắp đặt nơi thờ cúng, không gian dành cho các bậc vai vế trong gia đình như ông bà cha mẹ, vị trí treo tranh ảnh các cụ phải ở nơi trang trọng, vào những vị trí đẹp nhất. Thích nhiều chi tiết, đồ đạc, vật trang trí phô trương cũng là một đặc tính trong nhiều ngôi nhà. Có lẽ do tâm lý từ ngàn đời.
Yếu tố ngoại lai: Á Đông theo địa lý là một phạm vi rộng, nhưng gây ảnh hưởng nhất về văn hoá thẩm mỹ vẫn là từ hai nền văn hoá lớn là Trung Hoa và Nhật Bản. Trong nội thất cũng vậy, một Trung Hoa nhiều chi tiết, tinh xảo, sặc sỡ, cầu kỳ và mang tính động. Một Nhật Bản với đường nét tinh giản, dễ phù hợp với phong cách hiện đại và mang vẻ tĩnh của thiền cũng đang được nhiều người ưa chuộng trong thời gian gần đây.
Phong cách Pháp được “nhiệt đới hoá”, kết hợp với nghệ thuật thủ công Việt cũng gây một cảm giác tích cực, gợi chất Á Đông. Khi những tiện nghi vật chất đã thành chuẩn mực và dễ giống nhau, thì không khí nội thất mới là phong cách, là cái thể hiện bản sắc, diện mạo. Bên cạnh một kiểu châu Âu của tiện nghi và công nghệ, một Á Đông nguyên thuỷ rườm rà dễ bị cho là “quê mùa”, những người có thị hiếu thẩm mỹ theo hướng thích cách tân nhưng vẫn có chút hoài cảm, đã đưa ra một quan niệm Á Đông mới, mà ta hay gọi là “dân gian đương đại”. Đây là một phong cách dựa trên những hình ảnh truyền thống, cổ điển nhưng được lược bớt và cách điệu, chỉ mang tính gợi chứ không sao chép và quá nệ cổ, nhìn ra ngay vẻ hiện đại nhưng vẫn lẩn khuất một sự gợi nhớ về quá khứ. Cũng không cần nhiều lắm, có khi chỉ phảng phất, điểm bằng một hoạ tiết, vật dụng như rèm cửa, vải bọc, bức tranh dân gian, hoặc một vài thứ đồ mỹ nghệ thủ công như sành sứ, gốm, thậm chí chỉ với một mùi hương, cũng tạo ra cái hồn châu Á dù trong một không gian nội thất theo phong cách mới. Khi nó đạt được sự phù hợp về cảnh sắc, lối sống, gây một xúc cảm thẩm mỹ nhẹ nhàng, ấm áp thì đấy là một sự thành công.
 
Nội thất phòng ngủ tại biệt thự của vua Bảo Đại ở Đồ Sơn. Tái hiện lại tinh thần “Á - Âu hoà trộn” của cái thời và tính cách vị cựu hoàng
 
Sảnh cà phê, sảnh đón tiếp và gian đọc sách thư giãn tại Victoria resort Hội An. Một đặc trưng của sự thành công trong việc tạo ra không gian nội thất gợi phong cách Đông Dương, đầy tính hoài cảm, nhiệt đới, nhưng vẫn rất mới
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 17