Cha và con và chiếc Tesla

Lượt xem: 3726
14/11/2024 10:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài PHẠM HY HƯNG Tranh vẽ AI

Vợ chồng con trai tôi ở Mỹ mua chiếc Tesla mới đầu tiên và thấy rõ lợi thế giảm chi phí nhiên liệu, tăng mức độ an tâm. Không lâu sau, các con tiếp tục đổi chiếc xe thứ hai sang Tesla. Đó cũng là thời điểm gia đình trẻ chuyển sang giai đoạn mới, ổn định cuộc sống, chào đón và chăm sóc thế hệ tiếp theo, kết thúc quá trình gần 10 năm học tập và hội nhập trong môi trường mới. Bây giờ, chiếc xe cũ đầu tiên mua trên đất Mỹ lúc con còn là sinh viên năm hai và chiếc xe chạy xăng mua bằng tiền từ những tháng thu nhập đầu tiên đã trở thành kỷ niệm. 

 
 
1.
Tôi từ Việt Nam qua thăm các con, thăm cháu nội mới sinh và có dịp lái Tesla trên đường phố Mỹ. Chuyện trải nghiệm lái xe về kỹ thuật xin nói trong dịp khác. Còn ở đây là chia sẻ câu chuyện gia đình giữa cha và con bên chiếc Tesla, bao gồm cả bên trong và bên cạnh. 
Một ngày cuối tuần con trai tôi rủ, “hôm qua xe đi nhiều, gần hết điện rồi, bây giờ con phải vào công ty sạc điện xe, bố đi với con không?”. “Lâu không con?”; “Dạ, khoảng một tiếng”. Tôi gật đầu, thế là hai cha con lên xe. Con tôi làm việc trong một công ty công nghệ lớn, họ khuyến khích dùng xe điện bằng cách tạo ra bãi đậu có những cột sạc miễn phí đặt trong khuôn viên công ty dành cho nhân viên. Con trai tôi bảo, “Từ hôm vợ con nghỉ sanh thì con đảm nhiệm sạc điện cho cả 2 xe. Ngày làm việc thì con sạc trong khi đi làm nhưng cuối tuần nghỉ ở nhà, xe đi nhiều thì phải vào công ty sạc. Mỗi lần sạc từ vài chục phút đến cả tiếng đồng hồ. Thường thì con cầm theo cuốn sách để đọc, cũng có hôm con vào phòng gym”. 
Con lái xe vào công ty cách nhà chừng 15 phút lái xe, gắn đầu sạc vào xe rồi rủ tôi đi dạo trong khuôn viên công ty để chờ. Cha con tôi vừa đi dạo vừa trò chuyện nhiều đề tài, từ công việc đến kỷ niệm. Sau hơn nửa tiếng, khi app trên điện thoại báo pin xe đã đủ điện ở mức cần thiết thì cha con tôi ra về. Trên đường về, tôi cầm lái, con trai ngồi bên cạnh chụp cho bố kiểu hình lái xe trên đất Mỹ để đăng facebook.
Từ hôm đó, cha con tôi có thêm hoạt động thú vị là đi sạc điện xe. Nghe con rủ là tôi lên xe. Những câu chuyện giữa hai cha con lại tiếp tục. Câu chuyện có khi lan man từ lúc con còn học phổ thông ở Việt Nam đến những năm đầu đại học ở Mỹ, từ lúc làm nghiên cứu sinh đến khi công bố nghiên cứu, đi hội nghị khoa học, đi làm. Hết một tháng sống cùng các con ở Mỹ, tôi về Việt Nam, những câu chuyện giữa hai cha con bên chiếc Tesla tạm dừng.
 
2. 
Một năm sau, tôi lại sang Mỹ thăm các con. Một năm có nhiều thay đổi. Cháu nội tôi đã lớn hơn, sõi hơn nhiều. Hai chiếc Tesla của các con thay nhau đưa đón cháu nội tôi hàng ngày đến nhà trẻ nên phải sạc điện thường xuyên. Những buổi đi sạc điện, trò chuyện với con trai lại bắt đầu. 
Con trai tôi đã đổi sang chỗ làm mới nên bây giờ chúng tôi đến trạm sạc điện trả phí, cũng ở cách nhà chừng 15 phút lái xe. Công ty mới của con tôi khuyến khích dùng xe điện bằng khoản tài trợ trực tiếp. Sau khi đưa xe vào sạc, cha con tôi mua mỗi người một ly cà phê rồi vừa đi dạo vừa trò chuyện. 
Nhân vật trung tâm của câu chuyện giữa hai cha con bây giờ là cháu nội tôi. Thằng bé đã biết đi, biết chạy lon ton và đang tập nói. “Trẻ lên ba, cả nhà học nói”, thằng bé bập bẹ nói cả tiếng Anh tiếng Việt, biết bao nhiêu chuyện để kể cho nhau nghe. 
Con trai tôi hào hứng kể chuyện con trai của nó, lâu lâu lại hỏi, “hồi còn bé con có như vậy không? Thế hồi còn bé, con thường làm như thế nào”? Tôi nhắc lại những chi tiết mà tôi cho là mới lạ khi thấy các con chăm sóc cháu nội của mình và bảo, “cách các con nuôi trẻ bây giờ khác bố mẹ nuôi con thời xưa nhiều lắm”. 
Đi bên con, nhiều lúc tôi ngỡ ngàng khi hình dung chàng trai đang đi cạnh mình là thằng bé của ngày xa xưa 30 năm trước. Tôi cũng ngỡ ngàng khi nhớ lại ngày xưa, từng có thời điểm, tôi ở cùng lứa tuổi và có nhiều thắc mắc có lẽ cũng giống con - chàng trai đang đi cạnh tôi bây giờ. 
Câu chuyện giữa hai cha con lần này nối tiếp lần kia, trải qua nhiều mốc thời gian, nhiều sự kiện khác nhau, từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai. 
Nhớ lại bao nhiêu gian khó mà vợ chồng các con đã vượt qua bằng tình yêu dành cho nhau, bằng nỗ lực không ngưng nghỉ, tôi nói với con trai, “Bố mẹ đã có được các con. Bây giờ các con lại có được gia đình hạnh phúc như hôm nay. Biết là khó so sánh ngày xưa với ngày nay nhưng bố mẹ rất vui mừng, tự hào khi thấy, từ lúc đi học đến khi đi làm, các con đã đạt được nhiều điều mà bố mẹ ngày xưa có mơ ước nhưng chưa đạt được”. Con trai tôi hào hứng, “vợ chồng con cũng sẽ chăm sóc, dạy dỗ và mong con trai con sau này sẽ biết nỗ lực để đạt được những điều mà con chưa đạt được”. 
 
 
3.
Câu chuyện khiến tôi nhớ về cha tôi tức là ông nội của chàng trai đang đi bên cạnh tôi. Bây giờ ông đã mất. Tôi muốn kể cho con tôi nghe, ngày xưa, lúc sinh thời, cha tôi từng gửi gắm kỳ vọng mong tôi có thể đạt được điều mà ông chưa làm được. 
Cũng cần nói thêm là cha tôi rất tự hào về tôi. Khi tôi đậu đại học, tôi thấy cũng bình thường như bạn bè cùng trang lứa nhưng cha tôi lại bảo, tôi đã đạt được điều cả đời ông mơ ước. Bởi vì từ nhiều năm trước đó, ông phải bỏ học khi đang học cấp 2 do hoàn cảnh gia đình rồi không bao giờ được đi học lại.  
Khi tôi tốt nghiệp đại học, nhà tôi ở thành phố nhưng tôi được phân công đi dạy học ở một tỉnh xa trong bốn năm như một dạng nghĩa vụ. Tôi thấy đi như vậy là cực khổ, thua thiệt so với những người ở lại thành phố nhưng cha tôi lại bảo đó là cơ hội tốt để trưởng thành. 
Một lần, cha tôi đi công tác và ghé trường nơi tôi đang dạy để thăm tôi. Thời đó còn bao cấp, thầy cô giáo vùng xa cực khổ lắm, không có điện. Cha tôi có 3 ngày cùng ăn cùng ở, chứng kiến tận mắt những khó khăn của thầy cô giáo vùng xa thì thương lắm. Những dự kiến đặt ra từ lúc ở nhà như tận dụng mấy năm đi dạy ở tỉnh để nghiên cứu thêm chuyên môn, ngoại ngữ hoặc học thêm một nghề phụ là chuyện gần như phi thực tế. Ba ngày thăm tôi có lẽ đã đem tới cho cha tôi nỗi lo khi ông thấy tôi có biểu hiện buông xuôi. 
Về thành phố, cha gửi ngay cho tôi một lá thư. Tôi bất ngờ khi nhận thư của cha, một lá thư viết tay bỏ vô phong bì, dán tem gửi bưu điện. Bây giờ mọi người dùng email, tin nhắn, có lẽ chẳng ai gửi thư theo cách ngày xưa nữa. Tiếc là tôi không còn giữ được lá thư đó nhưng nội dung thì tôi vẫn nhớ như in. 
Trong thư cha tôi viết, đại ý, không phải là chuyện thế hệ đi trước không làm được điều gì đó thì đổ trách nhiệm, bắt thế hệ sau phải gánh vác, phải giải quyết. Nhưng thế hệ đi trước có thể kỳ vọng, mong muốn thế hệ đi sau sẽ nỗ lực để hoàn thành những mong ước mà thế hệ trước chưa làm được. Cha tôi mong tôi đừng vì khó khăn trước mắt mà bỏ phí những năm tháng tuổi trẻ. Nói theo cách hiện nay là cha mong tôi luôn sống chân thành, suy nghĩ tích cực. Cha tôi mong tôi không đổ lỗi cho hoàn cảnh, coi gian khổ như một cơ hội để rèn luyện, phải hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy được giao, trau dồi chuyên môn, giữ sức khỏe để chuẩn bị hội nhập khi quay lại thành phố. 
Nhắc lại chuyện ngày xưa, tôi muốn tâm sự với con trai là tôi đã nhiều lần suy nghĩ về lá thư đó. Mỗi lần ngẫm nghĩ, tôi lại nhận ra được điều gì đó mới mẻ về nội dung hoặc chí ít là niềm cảm hứng mới. Cha tôi đã chọn cách nói khiến tôi cảm nhận được mong ước của thế hệ đi trước, tôi thấy được truyền cảm hứng, nhận ra trách nhiệm của mình. Tôi không thấy mình chịu áp lực theo kiểu bị đòi hỏi, vì mình đã được hưởng điều này điều nọ nên bắt buộc phải đạt được như thế này thế kia. 
Rất nhiều điều đã được cha con tôi tâm sự với nhau trong khi đi sạc điện xe. Tôi mong con trai tôi truyền cảm hứng chứ không tạo áp lực cho cháu nội của tôi. Câu chuyện giữa hai cha con kéo dài không dứt. 
Về nước, tôi nhớ cháu nội, nhớ các con, nhớ những điều hai cha con đã nói với nhau khi đi sạc điện xe, nhớ câu chuyện cha và con và chiếc Tesla.
 
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 221