Loạt tác phẩm chân dung của Lê Minh Đức với “diễn biến tâm lý” theo trình tự thời gian qua các giai đoạn sáng tác khác biệt
Hỏi họa sĩ Lê Minh Đức về quan niệm vui - buồn, và cách anh thể hiện nó vào tranh, Đức tâm sự: “Lúc làm việc, những vui - buồn là trạng thái, nó khiến mình bị tác động bởi chính mình, cộng thêm vui - buồn xã hội… những cảm xúc trạng thái ấy biểu hiện qua ngôn ngữ hội họa. Khi vẽ mình không xác định phải vẽ vui hay buồn, chỉ thuận theo cảm xúc tự trong người mà ra thôi”. Vậy là Đức vẽ, vẽ rất nhiều.
Nhìn qua chặng đường dài sáng tác của Lê Minh Đức, thấy rõ mạch sáng tác, không đeo bám hay dầm dề một đề tài cụ thể nào. Từng tác phẩm, thể hiện rõ một giai đoạn nội tâm, một trải nghiệm, một vốn sống, một trạng thái tâm lý biểu hiện của người hoạ sĩ. Đức cũng thường dùng phong cách biểu hiện để diễn đạt cái bên trong của chính mình. Nghĩ gì vẽ nấy khiến cho loạt tác phẩm của Lê Minh Đức mang một ngôn ngữ riêng, nhất là màu sắc.
“Tôi vẽ đến khi cảm giác đạt được là dừng lại, chủ quan giống theo cái mình nghĩ thôi, chứ không đặt nặng tranh phải thế này hay thế khác”
Hỏi Đức vì sao thích dùng gam màu trầm? Người họa sĩ trầm ngâm: “Không phải mình thích đâu, đấy là tự nhiên trong người mình nó thế, khi tự nhiên nó định hình thì mình chẳng thể thích hay không thích nó được, vì nó là bản chất của mình rồi, không khác đi được”. Đức cũng công nhận ở thời kỳ đầu, Đức vẽ trong sáng hơn, nhưng theo thời gian, các tông màu thêm trầm lại. Cũng là một đề tài, một bức chân dung, nhưng nhìn trong sâu thẳm, cảm giác có tầng tầng suy tư, với những tâm lý khác nhau đan cài. Đức vẽ cảnh, vẽ người, nhưng ẩn ý trong đó là vẽ ra tâm lý chiều sâu. Ở góc độ thể hiện này, những gam trầm chính là phương tiện hữu hiệu diễn sâu được cái tứ của người hoạ sĩ. Càng thêm tuổi, càng qua thời gian sáng tác, cộng với vốn sống, va đập theo thăng trầm cuộc đời, những trạng thái tâm lý khi đưa vào tranh diễn biến cũng khác đi, màu thêm trầm là một trong những minh chứng cho sự đảo chiều ấy.
“Chân dung tôi vẽ là những người ngoài xã hội, có thể quen hoặc không quen, khi vẽ tôi lồng ghép thêm tâm lý, nội tâm của mình vào”
Lấy ví dụ cụ thể ở mảng chân dung, những tác phẩm được vẽ từ hơn chục năm trước, đủ hình hài, đường nét, có lẽ khi ấy Đức vẫn còn vương vấn với những kỹ thuật được đào tạo cơ bản về một tác phẩm hội họa. Nhưng càng về sau, chân dung được Lê Minh Đức tiết chế đường nét, màu sắc, chỉ còn là chân dung khái quát, không tả hình nhưng nói được cái ý, cái tâm lý diễn biến trong tác phẩm. Nói về nghề, Đức kể: “Là công việc, cũng là trò chơi, là sở thích, tôi vẽ là cho chính mình, chìu lòng mình, ngay lúc vẽ chính là lúc muốn thể hiện cảm xúc và giải phóng năng lượng, ý tưởng… đang có trong nội tâm để tạo hình thành tác phẩm”.
Theo Kiến trúc & Đời Sống số 213