Nam House: Kiến trúc hiện đại nhiệt đới

Lượt xem: 1062
20/11/2024 8:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài CTV Ảnh HIROYUKI OKI

Công trình Nam House nằm ở Thủ Đức, được thiết kế có tính toán đến sự tiện nghi khí hậu để cuộc sống trở nên thoải mái và dễ chịu trước những ảnh hưởng tiêu cực của nhiệt độ, môi trường thành thị…

 
Thực tế cho thấy nhiệt độ trong khu vực có cây xanh có thể thấp hơn nhiệt độ khu vực xây dựng 6 đến 8°C. Hồ nước được bố trí ở hướng Đông Bắc nhằm tăng độ ẩm và giảm nhiệt độ xung quanh nhờ quá trình bốc hơi nước, qua đó điều tiết được khí hậu quanh nhà
 
Khu đất nằm trong hẻm nhỏ, được truyền lại từ nhiều đời, hàng xóm xung quanh hầu hết là họ hàng thân thiết. Nhà bên hông là nhà của mẹ ruột chủ nhà, bên còn lại cũng là khu đất của họ hàng. Nên khi đặt vấn đề với đơn vị thiết kế, chủ nhà rất muốn ngôi nhà mới kết nối được với những nhà xung quanh, đặc biệt là nhà của mẹ bên cạnh.
 Khi nghiên cứu lên ý tưởng thiết kế mọi người đã đề xuất ra giải pháp tách ngôi nhà ra làm 3 khối với hai khối đặc nằm trước sau liên kết lại với nhau bằng khối rỗng ở giữa.
Khối trước bố trí gara, phòng vệ sinh, lối vào, phòng ngủ và phòng học. Đây đều là các không gian riêng tư nên khối này được bao bọc phần lớn bởi các mảng tường đặc.
Khối ở giữa bố trí phòng khách - bếp - ăn, đây là các không gian chung nên khối này được xử lí mở ra 2 bên để kết nối với thiên nhiên và với nhà của mẹ ở bên cạnh. Bên cạnh đó, do mở ra cả hai mặt nên ánh nắng mặt trời tác động vào rất nhiều, vì vậy hai khối trước sau lúc này có tác dụng che chắn bớt ánh nắng.
Khối sau bố trí 2 phòng ngủ, phòng vệ sinh, và khu giặt phơi. Đây cũng là các không gian riêng tư nên khối này cũng được bao bọc phần lớn bởi các mảng tường đặc.
 
 
 
 

 

Ngôi nhà liên tục bị nung nóng bởi nhiệt độ môi trường cộng với hiệu ứng nhà kính, và sự tích nhiệt của tường, sàn, mái,... Để không khí trong nhà không bị đốt nóng lên như vậy thì hệ thống thông thoáng tự nhiên phải hoạt động liên tục 24/24, chứ không phụ thuộc vào sự đóng mở cửa người sử dụng. Để giải quyết triệt để vấn đề này, tất cả các hệ cửa bao gồm cửa sổ và cửa đi đều được tích hợp lam Z thông gió, được bố trí dưới thấp để hút khí lạnh và trên cao để thoát khí nóng. Bên cạnh đó, mỗi không gian đều được bố trí ít nhất 2 hệ thống cửa (ngoại trừ cửa đi) để giúp không khí mới vào và khí nóng thoát ra một cách dễ dàng
 
Trong công trình này, đơn vị thiết kế đã áp dụng 5 giải pháp thiết kế kiểm soát khí hậu bao gồm:
1. Cách nhiệt cho kết cấu với giải pháp tách lớp tường 
2. Giảm thiểu nhận nhiệt mặt trời 
3. Tăng cường thông gió tự nhiên
4. Điều khiển độ trễ của dòng nhiệt trong chu kỳ mùa nóng
5. Sử dụng cây xanh, mặt nước
Sự phối hợp của năm chiến lược thiết kế kiểm soát khí hậu đã loại bỏ được hầu hết các vấn đề thiếu tiện nghi khí hậu của môi trường, qua đó thiết lập được một khu vực vi khí hậu tiện nghi góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu stress cho những người sống bên trong.
 
Thiết kế: CTA | Creative Architects
Địa chỉ: 354/46B Phan Văn Trị, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM  
Web: ctacta.com.vn
Cây xanh: Phúc Garden
Diện tích khu đất: 688m2
Diện tích tầng trệt: 180m2
 
 
 
 
Theo các nguồn nghiên cứu khoa học, nguyên nhân dẫn đến hiệu ứng nhà kính là sự truyền nhiệt bức xạ mặt trời vào trong phòng và sự ngăn cản truyền nhiệt từ phòng ra ngoài bằng đối lưu. Như vậy, mọi ngôi nhà dù có tất cả kết cấu bao che bằng kính nhưng nếu mở cửa để thông thoáng đối lưu thì không còn hiệu ứng nhà kính nữa
 
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 221