Dĩ nhiên nhu cầu được tôn trọng và muốn thể hiện bản thân là điểm chụm trên đỉnh tháp Maslow(**) trong mọi nhu cầu của con người, cũng là điều hoàn toàn chính đáng khi ai cũng mong được nhận lời khen, chúc tụng, những bình luận, tương tác tích cực từ mọi người. Bài viết không đề cập sâu hơn các tương tác mang tính truyền thông, hay những ứng xử sao cho phù hợp trên mạng xã hội và ngoài đời khi khoe nhà. Vấn đề đặt ra: Cần lưu ý tổ chức không gian sống hợp phong thủy và văn hóa ứng xử sao cho bền vững, chứ không chỉ nhằm giúp gia chủ thỏa sức “sống ảo, phông bạt”.
“Phông bạt” quá sẽ lợi bất cập hại
Làm nhà, mua sắm nội thất là chuyện lớn đời người, hao tổn tâm trí và kinh phí, do đó tâm lý khoe khoang thành tích, thở phào sau khi “vượt đỉnh”, chia sẻ gian khó… khi làm nhà là điều dễ hiểu và có thể thông cảm. Nhưng nếu những cái “muốn khoe” lại thiếu sự kiểm soát cẩn trọng về chuyên môn lẫn văn hóa, thì sẽ rất dễ “lợi bất cập hại”. Nhất là có thể với mục tiêu “làm nhà để khoe” đó mà không ít chi tiết, không gian, hình thức… của ngôi nhà được hình thành từ đầu không có lợi về công năng, thẩm mỹ và hiệu quả kinh tế.
Thực tế nhiều gia chủ, nhà đầu tư khôn ngoan không bao giờ khoe khoang hình ảnh nhà cửa, nội thất, đồ đạc… của họ vì những lý do bảo mật an ninh, giữ gìn góc riêng tư, và tránh bớt sự ghen tỵ của miệng lưỡi thế gian. Điều đó thể hiện phần nào yếu tố Khiêm trong cuộc sống, bởi những người thành công với năng lực hay kiến thức thực chất sẽ hiểu nhà cửa cũng chỉ là một dạng tài sản, không cần bộc lộ và càng không cần ai mổ xẻ hay trầm trồ. Dù chủ động hay vô thức, đó là những gia chủ có sự hiểu biết mà triết lý Đông phương gọi là “tri túc”, hay còn thể hiện qua câu “đạo của Trời lấy chỗ dư bù chỗ thiếu, đạo của Người lấy chỗ thiếu bù chỗ dư”.
Tuân theo đạo Trời, tức là những thứ đang tự nhiên vận hành trong vũ trụ, như nước thấy chỗ trũng thì chảy, cây có không gian thoáng thì vươn tới, nở hoa. Đó là thuận lẽ tự nhiên. Tuân theo đạo của Người, tức là cần tránh suy nghĩ, biểu hiện mang tính chủ quan, nhu cầu xuất phát bởi tự ái, ích kỷ, đã thắng còn muốn phô trương; đã giỏi còn muốn mình hơn vượt thiên hạ, đè bẹp tất cả người khác... thì ắt thành ra nghịch với lẽ luân thường. Phong thủy thể hiện triết lý Đông phương về tự nhiên và xã hội, hai chữ phong và thủy cũng mang tính tương tác, chứ không tách riêng ra theo kiểu “phong là gió, thủy là nước” thuần túy. Trồng cái cây chỉ để làm điểm nhấn lạ mắt, hay đặt hồ nước vì muốn “tài lộc vào như nước”... đều là các biểu hiện ưa chuộng hình thức mà coi nhẹ nội dung. Tôn trọng tự nhiên còn là tôn trọng sự khác biệt, bởi mỗi vùng miền, mỗi nhà, mỗi người đều có điểm chung và khác biệt, từ chung đến riêng nếu giải quyết tốt thì ngôi nhà tồn tại thuận tự nhiên, mà thiên lệch thì sẽ gượng ép hình thức, lâu ngày nảy sinh mâu thuẫn khó hóa giải.
Khi xét trên phương diện ứng xử tốt với điều kiện chung quanh, gần gũi văn hóa với người sử dụng... thì có thể lý giải vì sao những không gian tối giản bên Nhật Bản, hay kiểu nhà mộc mạc ở Việt Nam lại được công chúng nơi đó chấp nhận và tồn tại lâu dài, bởi đáp ứng được nhu cầu cơ bản nhất, bởi những kiểu thức chạy theo thời thượng quá mức hay sao chép xa lạ, phù phiếm thiếu thân thiện, thiếu gần gũi sẽ dần bộc lộ sự xa cách với vùng đất mà ngôi nhà tọa lạc.
Nhà truyền thống Việt sống giao hòa với thiên nhiên là ví dụ sống động cho thái độ tri túc trong ăn ở
Thuận tự nhiên để sống an nhiên
Thuận tự nhiên biểu đạt qua Văn hóa Việt qua nguyên tắc làm nhà tuân thủ Âm Dương và Ngũ Hành, tương tự 4 tiêu chí của ngành kiến trúc là thích dụng, bền vững, kinh tế và thẩm mỹ. Ứng với 64 quẻ Dịch học, có thể thấy tính Thích dụng nằm trong Quẻ Thái là kết hợp Càn với Khôn: Đòi hỏi sự thông thạo, hiểu biết, làm nhà theo quy luật giao hòa tự nhiên có trật tự phân minh thì mới đạt nhu cầu.
Quẻ Khiêm chính là ứng xử khôn ngoan sao cho nhà cửa bền vững tuân theo thực chất bên trong, biết đủ (tri túc) chứ không phô trương thì mới tồn tại và phát triển lâu dài, là kết hợp giữa Cấn và Khôn trong bát quái.
Tính kinh tế nằm trong Quẻ Tiệm kết hợp giữa Cấn với Tốn: Làm nhà phải theo thứ tự, cẩn trọng để không sai sót, giảm hao tốn, quản lý và kiểm soát quá trình xây dựng cũng như sử dụng.
Yếu tố thẩm mỹ trong làm nhà cửa liên hệ đến quẻ Quan, là quẻ với nội quái là Khôn, ngoại quái là Tốn. Quẻ này cũng đọc là quẻ Quán, là biểu thị cho người ta thấy, là xem xét, nhìn nhận sự vật trên đời, cần nhất thái độ quán chiếu tường minh, khách quan vô tư lợi tư dục. Quẻ này cũng hàm chứa yếu tố thời cuộc biến động, cần chiêm nghiệm, quan sát cẩn trọng để tránh thất bại.
Cách kết hợp các quẻ trên cũng là cách cha ông ta chọn đất cất nhà không thẳng chính diện trục bắc nam hay đông tây (bị thủy - hỏa xung khắc, nắng chiếu chói chang) mà theo trục Càn Khôn Cấn Tốn để thuận hợp với địa lý - khí hậu đất Việt, cấu trúc sông ngòi và mạch nước, mạch núi tự nhiên.
Thời thông tin mạng xã hội lan tràn hiện nay, cần đặt ra một số câu hỏi để tránh tình trạng “sống ảo” khi làm nhà:
- Có đảm bảo tiện ích, tiện lợi, an toàn? Cần xem những chi tiết xếp đặt chỉ mang tính trang trí tạo nét bên ngoài, có ảnh hưởng gì đến tiện ích trong sử dụng và bảo trì. Ví dụ, dùng gạch bông gió ở đường có nhiều bụi và tiếng ồn thì giải quyết ra sao. Hoặc nhà có nhiều người già, trẻ em mà dùng gạch đá lát sàn bóng loáng, lan can cầu thang quá thưa thoáng… sẽ gặp vấn đề gì? Cần chú ý nhà ở không phải môi trường quán xá hay cửa hàng, có được bảo trì dọn dẹp hàng ngày không…
- Có tạo trường khí tốt, hay gây xung sát gì không? Một số kiểu nhà có khối dáng “cool ngầu” hay giải pháp “độc lạ” có thể gây cảm giác bất ổn cho người cư ngụ. Nhà dùng màu sắc quá đậm hoặc quá sáng dễ làm thiên lệch về âm dương, nhà dùng quá nhiều vật liệu gương, kính tuy giúp phản chiếu ánh sáng lấp lánh nhưng cũng gây nguy cơ ảo giác, va chạm, bất an… Một số nhà lấy thô mộc, gạch trần bao trùm toàn bộ không gian dễ dẫn đến cảm nhận trường khí âm u, bụi bặm.
- Có ứng xử hợp bối cảnh không? Các địa phương khác nhau luôn có tự nhiên và xã hội - văn hóa khác nhau. Việc cóp nhặt kiểu nhà nơi này vào nơi khác sẽ thành sự áp đặt hình thức. Ví dụ một số gia chủ “mê nhà kiểu Tây” (biệt thự kiểu cổ điển thời Pháp thuộc) mà không nhận ra đó là kiểu nhà đã được nhiệt đới hóa và bản địa hóa rất cao, cấu trúc hợp với khí hậu nhiệt đới quan trọng hơn các chi tiết trang trí bề ngoài. Nhưng hiện nay nhiều gia chủ áp dụng thiếu cân nhắc kiểu nhà này tạo nên hình ảnh phản cảm, lòe loẹt và không hợp điều kiện hiện đại.
Chọn chất liệu hoàn thiện phù hợp cá tính chủ nhân, kinh tế và hiệu quả là cách thức “khoe nhà” khéo léo
Tri túc trong làm nhà
Trở lại quẻ Khiêm khá sâu sắc trong triết học Đông phương. Phàm đã khởi sự làm nhà tức sẽ có biểu lộ hình thức, thì nên biết đến chữ “khiêm” để điều chỉnh. Khiêm đúng sẽ giúp đối nhân xử thế đúng. Kiến trúc và nội thất không phải lúc nào cũng tích tụ cho nhiều dương tính (thông qua vật chất, màu sắc, mảng miếng...) mà biết dùng âm cũng có thể tôn dương, nhờ không có thể đạt sắc, sẽ thành khiêm cung chừng mực, vạn sự muốn hanh thông phải đạt giao thoa, thăng giáng khí hóa tuần hoàn tự nhiên xảy ra mỗi thời khắc, nhờ đó mới sinh hóa phát triển được (Khiêm, là hạ mình xuống thì đạo của trời sẽ làm cho đầy, vì quy luật của trời đất là như vậy. Đạo giữ thân mình suy cho cùng chỉ quy về một chữ Khiêm. Càng hay càng đẹp lại càng không cần phải nói quá nhiều).
“Ít mà lại nhiều” cũng trùng với nguyên lý Less Is More trong tư tưởng thiết kế Tây phương. Các kiểu thức hoàn thiện nhà cửa dù theo trường phái, phong cách nào cũng chỉ là “tấm áo” hoàn thiện ở một thời điểm và hoàn cảnh nhất định, không phải là giải pháp duy nhất và “đỉnh cao trí tuệ” gì ghê gớm cần phải hô hào khoe khoang. Biết Tri Túc trong làm nhà là cả một quá trình đi từ nhận thức, có kiến thức rồi chuyển thành cách thức, với sự khôn ngoan, tỉnh thức. Quá trình “nhận thức - tỉnh thức” này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của gia chủ mà còn cần hợp tác các bên liên quan. Cụ thể là:
- Chọn cho ngôi nhà của mình nhóm giải pháp nào vừa đúng và đủ với công năng và khả năng tồn tại, duy trì, thích ứng theo thời gian, để hướng đến sự tư nhiên trong chốn cư ngụ là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ mà gia chủ nên hiểu để thực hiện, đừng để một số thông tin thiếu chọn lọc và một số nhà chuyên môn có quan niệm cực đoan dẫn dắt, thao túng, lợi dụng nhu cầu sống ảo của gia chủ để quảng bá sản phẩm tràn lan.
- Khoe nhà không đúng sẽ dễ gây rối loạn về trường khí, bất tiện trong sử dụng. Ví dụ khu vệ sinh hay khu bếp nếu muốn bố trí kiểu thoáng mở thì cần xem xét tính chất nấu nướng, thói quen sinh hoạt có tiện không khi “khoe ra” nhằm tránh ảnh hưởng của khói mùi, độ ẩm của nước hay lộ ra vật dụng phòng tắm mang tính riêng tư. Việc che chắn cũng vậy, đôi khi xuất phát từ thói quen hàng ngày bừa bộn, nhiều nhà thích ngăn chia nhiều để tạo nên những chỗ “khuất mắt”, nhưng càng làm vậy càng khiến nhà ngột ngạt, giảm thông thoáng.
- “Dụng ở chỗ không” để cao tính tối giản, khoảng trống hữu dụng nhằm tạo ra nền tảng cơ bản cho nội thất. Thói quen “khoe đồ” vô tình đã lấy mất những khoảng trống quý giá hiếm hoi, khiến một số nhà thành cái... kho, là nơi triển lãm đủ thứ vật dụng, hình ảnh, thành tích, đồ lưu niệm theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”. Cách sắp xếp lấp đầy khoảng trống ấy khiến Nội Khí phong thủy bị đình trệ, thiếu hụt khoảng trống, khoảng thở, khoảng luân chuyển khí trong và quanh nhà. Những vùng Thuần Âm (do không tiếp xúc được với bên ngoài) hay Thuần Dương (do dùng vào mục đích kinh doanh, giao tiếp nên thường va chạm, chịu bụi bặm) đều cần vùng đệm, khoảng thông tầng... để cân bằng lại Âm Dương.
Nơi ở hiện đại kế thừa chất mộc mạc của hiên nhà người Việt, giếng trời, nơi chuyển tiếp âm dương khéo léo, tinh tế
Quan điểm phong thủy- kiến trúc hiện đại là “khoe đúng- che đủ” để không gây ra va chạm lợi ích của nhau. Cần chọn lọc và có mức độ điều tiết với những không gian “sống ảo” trong trưng bày đồ đạc. Cụ thể là đồ trưng bày phải có quan hệ về nội dung cũng như hình thức với gia đình, gia chủ. Dù cho nhà có mấy chục bức tranh đẹp thì vẫn phải chọn lựa những bức nào phù hợp và đồng bộ với nội thất. Những tác phẩm nghệ thuật dù đắt tiền và tinh xảo nhưng nếu quá đối chọi với phong cách nội thất thì chỉ nên mang tính điểm xuyết hoặc sử dụng vào những dịp đặc biệt như lễ, tết. Hiểu về bản thân thì gia chủ sẽ biết mình thiên về xu hướng nào (cổ điển, hiện đại…) mà chọn đồ trang trí phù hợp. Cũng có thể dễ dàng rà soát lại xem từ trước đến giờ mình thấy thoải mái, may mắn khi trưng đồ gì, màu nào, tấm ảnh nào của mình ưng ý nhất để mà “tốt khoe xấu che” hơn là chạy theo tâm lý đám đông, luôn cảm thấy “không bao nhiêu cho đủ”, từ đó ngập chìm trong vô vàn phong cách, bài trí, phô trương lộn xộn, tùy tiện.
(*) Cụm từ phông bạt hay lối sống phông bạt xuất hiện gần đây để chỉ những người có cách sống ảo, hào nhoáng bên ngoài, phủ lên sự thật không có thực hoặc xấu xí bên trong. Lúc này, lối sống phông bạt trở thành sự che đậy và ngụy tạo.
Trên các trang mạng xã hội, giới trẻ thường dùng từ “phông bạt” để châm biếm, mỉa mai những người sống giả tạo, tự phủ lên mình cái phông bạt hào nhoáng để tạo ra một con người khác hẳn, khiến cho mọi người nhìn vào phải ngưỡng mộ nhưng thực chất lại rất xa vời thực tế.
(**) Tháp nhu cầu Maslow (Maslow’s hierarchy of Needs) là một mô hình tâm lý đại diện cho những hành vi, tâm lý phổ biến của con người theo mô hình 5 tầng của kim tự tháp, mỗi tầng tượng trưng cho một nhóm nhu cầu cơ bản của con người, bắt đầu từ các nhu cầu đơn giản đến phức tạp hơn, bao gồm: Sinh lý (Physiological), An toàn (Safety), Quan hệ xã hội (Love/Belonging), Kính trọng (Esteem), Thể hiện bản thân (Self-Actualization).
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 221