Bầu cử tổng thống Mỹ 2024, nhìn từ phía doanh nhân

Lượt xem: 1713
13/11/2024 16:00 - Bạn đọc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Trần Văn Châu - CEO Paint & More

LTS: Khi bài báo này lên khuôn thì kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2024 coi như đã chính thức ngã ngũ. Donald Trump đã trở lại Nhà trắng. Đây là sự kiện được nhiều tầng lớp trên toàn thế giới đặc biệt là giới doanh nhân quan tâm sâu sát với nhiều thông tin, cảm xúc khác nhau. Trên tinh thần mong mỏi một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác để cùng phát triển, KT& ĐS trân trọng giới thiệu bài viết của doanh nhân Việt kiều Trần Văn Châu, CEO Paint & More nhìn lại toàn cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 với những phân tích, hệ thống lại các chính sách khác nhau về một số vấn đề chính yếu để bạn đọc, nhất là giới kinh doanh có thể hình dung một số nét chính về kinh tế, chính trị sẽ diễn trong 4 năm tới.

 
Người muốn trở thành ứng cử viên tổng thống Mỹ phải đáp ứng các điều kiện sau đây, theo quy định trong Hiến pháp Mỹ: Quốc tịch: Phải là công dân sinh ra tại Mỹ (natural-born citizen); Tuổi: Phải từ 35 tuổi trở lên vào thời điểm nhậm chức; Thời gian cư trú: Phải cư trú tại Mỹ ít nhất là 14 năm trước khi tranh cử.Lộ trình của một ứng cử viên tổng thống Mỹ từ lúc bắt đầu chiến dịch đến khi (nếu thành công) trở thành tổng thống rất phức tạp qua nhiều giai đoạn:
 
 
1. Chuẩn bị và thông báo ứng cử
Giai đoạn chuẩn bị từ tài chính, đội ngũ và tìm kiếm sự ủng hộ từ các cá nhân, nhóm vận động cho đến nhà tài trợ. Khi đã sẵn sàng, ứng viên sẽ thông báo chính thức việc tranh cử tổng thống qua các sự kiện lớn hoặc thông qua các kênh truyền thông.
2. Chiến dịch sơ bộ và các cuộc bầu cử sơ bộ
Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ (primary) và các cuộc họp bầu chọn (caucus) tại các tiểu bang. Các cuộc bỏ phiếu này bắt đầu từ tháng 1 của năm bầu cử và diễn ra suốt nhiều tháng. Các cuộc bầu chọn này giúp chọn ra ứng viên duy nhất của mỗi đảng đại diện trong cuộc tổng tuyển cử.
3. Đại hội đảng và chính thức đề cử ứng viên
Sau các cuộc bầu cử sơ bộ, đảng tổ chức đại hội toàn quốc vào mùa hè năm bầu cử để chính thức công bố ứng viên đại diện của đảng cho vị trí tổng thống như tháng 7.2024 vừa qua là Đại hội đảng Cộng hòa và tháng 8.2024 là Đại hội đảng Dân chủ.
Ứng viên sẽ chọn người đứng cùng liên danh tranh cử (phó tổng thống) và công bố chính thức chương trình nghị sự của mình.
4. Cuộc tổng tuyển cử (General Election)
Diễn ra vào ngày thứ 3 của tuần đầu tháng 11.
5. Bầu cử đại cử tri
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thực chất là bầu ra các đại cử tri mà chúng tôi sẽ trình bày bên dưới. Để chiến thắng, ứng viên phải đạt ít nhất 270 phiếu đại cử tri trên tổng số 538 phiếu.
6. Xác nhận kết quả và nhậm chức
Sau cuộc bầu cử, kết quả được xác nhận vào tháng 12 khi các đại cử tri gặp mặt tại Washington D.C và bỏ phiếu chính thức. Quốc hội phê chuẩn kết quả vào tháng giêng (1) năm sau.Tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.01 trong buổi lễ Inauguration Day tại Washington, D.C., và chính thức trở thành tổng thống Mỹ.Đây là một quy trình kéo dài và căng thẳng, yêu cầu ứng viên có khả năng quản lý chiến dịch, gây quỹ mạnh mẽ và khả năng thuyết phục hiệu quả để đạt được sự ủng hộ từ cử tri trên toàn quốc.
Hệ thống bầu cử của Mỹ cấp liên bang có bầu cử tổng thống với nhiệm kỳ 4 năm, các nghị sĩ quốc hội liên bang bao gồm Thượng viện (Senate) cho 50 tiểu bang với 100 Thượng nghị sĩ (TNS) nhiệm kỳ 6 năm, Hạ viện (House of Representatives) với 435 Hạ nghị sĩ (HNS) có nhiệm kỳ 2 năm. Ở cấp tiểu bang thì có bầu cử Thống đốc (Gov-ernor), bầu quốc hội tiểu bang, thành phố, quận, hạt,…
 
Thể thức đại cử tri đoàn (Electoral College – ĐCT) và những bất cập
Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung vào bầu cử cấp liên bang và đi sâu vào bầu cử tổng thống và quốc hội liên bang diễn ra vào ngày 05.11.2024.
Tổng thống Mỹ được bầu dựa trên 538 phiếu đại cử tri (thay vì phiếu phổ thông) bao gồm 100 TNS liên bang + 435 HNS liên bang và từ năm 1961 có Tu chính án cho phép thủ đô Washington D.C có thêm 3 phiếu ĐCT. Đây là những quy định có tính cách lịch sử. Vì từ năm 1776, 13 tiểu bang đầu tiên tuyên bố độc lập đến lúc thành lập được liên bang
vào năm 1781 rồi hiến pháp ra đời năm 1788 với biết bao sự kiện lịch sử hình thành của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ.
Về nguyên tắc, hiến pháp quy định số đại cử tri của một tiểu bang là bằng số TNS + HNS của tiểu bang đó, ngoại trừ 2 tiểu bang có hệ thống hơi đặc biệt là Maine và Nebras-ka. Hiến pháp cũng quy định mỗi tiểu bang dù đông dân hay ít dân đều có 2 TNS đại diện cho tiểu bang đó. Hạ viện liên bang, các HNS chỉ thay đổi khi có thêm các tiểu bang mới gia nhập nước Mỹ. Hiện nay có 435 HNS được phân bổ theo dân số của từng tiểu bang. Nghĩa là tiểu bang càng đông dân thì càng có nhiều HNS.
Quy chế Thượng viện liên bang có 2 TNS cho một tiểu bang là sự hình thành từ lịch sử của nước Mỹ trong những tháng ngày lập quốc. Các vị quốc phụ Mỹ thời đó phải tìm cách nhân nhượng, trao cho các tiểu bang nhiều quyền lợi chính trị để các tiểu bang tự nguyện gia nhập vào liên bang. Bởi nhiều tiểu bang nhỏ lo sợ khi gia nhập liên bang sẽ bị các tiểu bang có dân đông lấn át và mất quyền lợi. Như vào thời đó, Virginia có dân số đông gấp 10 lần Delaware. Một số tiểu bang trước kia là thuộc địa của Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Cũng cần nhắc lại chuyện xưa rằng: Hội nghị Lập hiến năm 1787 và Hội trường Liên bang 1789 trong kế hoạch thành lập một Cơ quan lập pháp lưỡng viện quốc hội là không hề đơn giản. Vì vào thời điểm đó, trên thế giới chưa có một mô hình bầu cử nào cả. Việc phân bổ dân biểu của Hạ viện theo tỷ lệ dân số không gặp rắc rối, nhưng việc phân bổ dân biểu của Thượng viện đã gặp phải nhiều tranh luận. Trong các cuộc tranh luận, một số tiểu bang đã đe dọa sẽ ly khai nên họ đã giành chiến thắng áp đảo với tỷ lệ 5-4 trong một thỏa thuận được gọi là Thỏa hiệp Connecticut. Một thỏa thuận đạt được giữa các đại biểu, xác định thành lập 2 cơ quan: Thượng viện, với thành viên đại diện cho toàn bang; Hạ viện, với thành viên đại diện cho các quận, hạt trong các tiểu bang.
Từ thời gian đầu lập quốc của xứ cờ hoa, việc các quốc phụ Mỹ luôn khẳng định sự “thống trị của đa số” (Majority Rule) nhưng lại luôn tôn trọng và bảo vệ “quyền của thiểu số” (Minority Rights). Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp (Constitution). Tuy nhiên, nhưng năm gần đây người ta thấy một số bất cập của thể thức bầu cử tổng thống bằng Đại cử tri như năm 2000, ứng cử viên Al Gore của đảng Dân chủ thắng ứng cử viên G. W. Bush của đảng Cộng hòa hơn 553 ngàn phiếu phổ thông trên toàn quốc, nhưng chỉ vì thua vỏn vẹn có 537 phiếu phổ thông tại tiểu bang Floria mà ông Gore đã không giành được chiếc ghế tổng thống. Đó là quy chế “Winner Takes All” – “được ăn cả ngã về không”. Nghĩa là khi ông Bush thắng ông Al Gore 537 phiếu phổ thông tại tiểu bang Floria thì ông Bush giành được 25 đại cử tri của tiểu bang này. Tương tự như vậy, năm 2016, ông Donald Trump có nhiều số đại cử tri và giành chiến thắng tổng thống nhưng trên thực tế bà Hillary Clinton có số phiếu phổ thông nhiều hơn ông Trump tới gần 3 triệu phiếu.
Một điều bất cập nữa ở Thượng viện mà các vị quốc phụ Mỹ thời đó không nghĩ tới như hiện nay tại Thượng viện có 50 TNS của đảng Dân chủ đại diện cho 184,54 triệu người dân. Trong khi đó, 50 TNS của đảng Cộng hòa chỉ đại diện cho 142,99 triệu người dân. Theo các con số thống kê và có sự ước tính cho đến năm 2040, 70 TNS Mỹ sẽ chỉ đại diện cho 30% dân số trong khi 30 TNS sẽ đại diện cho 70% số còn lại. Một số nghịch lý khác như 22 tiểu bang nhỏ nhất của Mỹ chuyên về nông nghiệp có dân số tổng cộng khoảng 40 triệu dân được đại diện 44 TNS trong khi California có dân số là 40 triệu thì chỉ có 2 TNS.
Một bất cập khác nữa là quy định Filibuster yêu cầu 60 phiếu của TNS tại Thượng viện để thông qua nhiều dự luật quan trọng như trong chính sách đối ngoại, Thượng viện Hòa Kỳ không thể phê chuẩn thông qua Công ước về Luật biển của Liên Hiệp quốc (UNCLOS) hay một số đạo luật đã được Hạ viện phê chuẩn nhưng vẫn nằm chờ ở Thượng viện. Trên thực tế, quy định Filibuster đã làm cho quốc hội Hòa Kỳ trở nên tê liệt và không thể thông qua một số các đạo luật mới nhằm đáp ứng và đối phó với các thay đổi nhanh chóng trên thế giới, nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mong chờ thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triểnNhìn chung, 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc đang sử dụng các hệ thống chính trị được hình thành từ những năm của cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 20 mà nhiều chính trị gia cho rằng đã bộc lộ một số bất cập đối với thời đại mới bây giờ.
Làm sao quốc hội Mỹ hay quốc hội Trung Quốc có thể ra kịp các đạo luật giúp dân, hướng công nghệ theo định hướng của loài người mong muốn cho các thế hệ mai sau để theo kịp đà tiến bộ của công nghệ khi mà chỉ trong vài tháng qua, Elon Musk trình làng nhiều công nghệ vượt bậc từ Tesla Airplan, StarLink, StarShip của SpaceX,…
Cũng cần nói rằng, giải Nobel Vật lý năm 2024 được trao cho hai nhà khoa học John J. Hopfield và Geoffrey E. Hinton vì những khám phá giúp cho máy tính có thể học được theo cách mà bộ não con người thực hiện (thuật ngữ khoa học gọi là ‘machine learning’). Thời đại mà sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) sẽ lấn áp trí tuệ của con người. Theo lời cảnh báo của nhà Nobel Geoffrey Hinton: “Trí tuệ nhân tạo là mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại”.
Cách đây hơn 3 năm, chúng tôi có viết một bài về các cuộc cách mạng công nghiệp.
Cùng với đó là các cuộc cách mạng văn hóa.Thời điểm chúng tôi đưa ra các luận cứ này là vào đầu năm 2021 và một (1) năm sau đó vào tháng 2.2022, cuộc chiến Nga và Ukraine bùng phát. Vậy cuộc cách mạng văn hóa gì sẽ diễn ra và ở đâu, chúng ta hãy chờ xem.
 
Trở lại chuyện bầu cử Mỹ, một câu chuyện hấp dẫn mà cả thế giới đã và đang hồi hộp trông đợi kết quả là ai sẽ bước vào Nhà Trắng? Bởi thế giới ngày nay đang có quá nhiều diễn biến, từ chiến tranh súng đạn ở Nga/Ukraine, Israel/Palestine/Iran. Các vùng nóng phía Bắc của Miến Điện rồi Triều Tiên và Hàn Quốc hay những động thái ở biển Đông và eo biển Đài Loan,… Rồi các cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung, Âu châu-Trung Quốc,… Cũng như sự xuất hiện một loại chiến tranh khác vô hình - Chiến tranh mạng - Cyber Warefare đang diễn ra hằng ngày khi mà các báo cáo của Microsoft cho rằng mỗi ngày có khoảng 600 triệu lượt hack từ Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran,… đã xâm nhập vào các máy tính và các thiết bị điện tử của các nước phương Tây.
Do đó, thế giới ngày nay cần có một nhà lãnh đạo của Mỹ đầy bản lĩnh, quyền biến để có những quyết định đúng đắn, những chỉ thị nhanh chóng là cực kỳ quan trọng.
Như chúng ta đã biết qua truyền thông, trong 50 tiểu bang thì những tiểu bang ngã về Cộng hòa hay Dân chủ là đã quá rõ ràng khó lay chuyển cử trị thay đổi ý định của họ. Duy chỉ có 7 bang chiến trường là Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania & Wisconsin. Bởi Michigan, Pennsylvania & Wisconsin vốn là thành trì của đảng Dân chủ nhưng họ đã chuyển sang ủng hộ ông Trump năm 2016 và quay lại với đảng Dân chủ năm 2020. Trong khi Arizona, Georgia & North Carolina là nơi có tỷ lệ cử tri da màu và gốc Latin cao nên cũng khó đoán họ chọn ai.
 
Về các chính sách thì chúng ta có thể điểm qua một số khác biệt như sau:
 
Thứ nhất, chính sách về năng lượng
• Nhiên liệu hóa thạch/Năng lượng sạch: Trong khi ông Trump muốn tăng cường khai thác nhiên liệu hóa thạch qua lợi thế từ công nghệ khoan dầu đá phiến tại Mỹ nhằm đem lại nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ cũng như củng cố vị thế của Mỹ trong sản xuất năng lượng thì bà Harris lại đề xuất đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió,… nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
• Hiệp định Paris về môi trường: Bà Harris thì muốn duy trì Hiệp định Paris và thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính thì ông Trump lại muốn rút khỏi Hiệp định Paris vì cho rằng: Các nước như Trung Quốc có ký vào nhưng họ không thực hiện nên sẽ đặt Mỹ vào thế bất lợi trong cạnh tranh với Trung Quốc.
• Đạo luật giảm lạm phát (IRA): Ông Trump muốn thu hồi các khoản tiền chưa sử dụng trong IRA, bao gồm hàng trăm tỷ USD trợ cấp cho năng lượng sạch, còn bà Harris thì ủng hộ IRA và khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào năng lượng sạch nếu thắng cử.
 
Thứ hai, chính sách kinh tế
• Ông Trump đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp và người giàu nhằm thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch này có thể làm giảm tiền thu thuế cho chính phủ, dẫn đến việc thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn lại có sự phát triển bền vững.
• Bà Harris thì đề xuất tăng thuế đối với doanh nghiệp và người giàu để tăng nguồn thu. Chính sách này có thể giảm thâm hụt ngân sách nhờ tăng thuế và kiểm soát chi tiêu cũng như có tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các chương trình phúc lợi xã hội, nhưng trong dài hạn sẽ gây ra những tác động tiêu cực.
Người Mỹ thì rất thực tế vì 2 chính sách trên có ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính của từng hộ gia đình qua công việc và qua thuế má. Còn lại các việc khác như phá thai, quy định biên giới hay nhiều thứ khác có thể đều là thứ yếu đối với họ.
Bầu cử tổng thống Mỹ năm nay xẩy ra nhiều chuyện như ứng cử viên tổng thống Trump bị ám sát, tỷ phú Elon Musk ra mặt ủng hộ ông Trump,… còn tổng thống Joe Biden thì nửa chừng rút lại trong cuộc đua đều là những chuyện rất hiếm thấy và ít có tiền lệ. Đối với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ thì bầu cử năm nay sẽ là một bước ngoặt lớn về sự hội nhập trong dòng chảy chính trường khi mà có khoảng 34 ứng cử viên người Mỹ gốc Việt ra ứng cử từ cấp thành phố, địa hạt, tiểu bang cho đến cấp liên bang như HNS Derek Tran và TNS Cao Hung.
Nhưng rồi cuộc bầu cử nào cũng sẽ khép lại, cũng như nhiều giới, nhiều ngành khác trong xã hội, giới doanh nhân chúng tôi chúc mừng tổng thống mới đắc cử và mong chờ một thế giới hòa bình, ổn định để hợp tác, đặc biệt là hy vọng quan hệ Việt-Mỹ ngày càng phát triển.
 
 
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 221