Khổ trước thì sướng sau

Lượt xem: 5745
14/11/2017 0:00 - Nhà ở

Nhà ông Cường ở mặt tiền một con đường nhỏ tại quận 3. Mỗi lần lái xe về đến nhà, ông Cường đều dừng xe bên kia đường, bấm còi cho người giúp việc ra mở cửa và chạy thẳng vào gara. Gọn, nhẹ, nhanh chóng. Nhưng ông phải chịu hai cái cực: thứ nhất là cửa phía chỗ ngồi của tài xế sát tường. Vì vậy ông phải tự xoay trở trèo từ ghế có vôlăng sang ghế bên kia mới ra được khỏi xe; thứ hai là lúc đi thì ông phải de xe ra ngoài.

 


 

De xe ra khỏi gara có cái dễ là không phải canh chạm tường hoặc cửa nhưng lại phải canh xe cộ đi lại ngoài đường. Ông Cường bảo: “Tui làm theo thói quen là chính. Sướng trước thì cực sau. Lúc lái xe về nhà, nếu de vô thì mất công canh tới canh lui, chạy thẳng vô vừa nhanh vừa dễ nhưng lúc de ra phải chịu cực chứ biết sao”! 
Rất nhiều tài xế chọn cách giống như ông Cường, tức là đưa xe vào nhà theo thứ tự “đầu trước đuôi sau”. Ông Hoàng có nhà trong một khu dân cư có quy hoạch đàng hoàng cũng chọn cách “đầu trước đuôi sau”. Ông Hoảng bảo, chỗ ông de ra rất khoẻ vì đường nội bộ luôn vắng.
Nhưng cũng có những chủ xe không bao giờ chịu chạy xe vào nhà mà luôn de vào. Họ có “triết lý” hẳn hoi. Ông Kiên, chủ một căn nhà nằm trong hẻm ở đường Trường Chinh, Tân Bình nói: “Để xe trong gara mà không quay đầu ra ngoài thì kể như chưa đúng chuẩn. Lái xe mà không de vào gara thì kể như chưa biết lái xe”. Căn nhà của ông nằm trong hẻm, nhà thì hẹp, việc de vào cũng không đơn giản. Nhưng mỗi lần lái xe về nhà, ông không ngại khó, ngại tốn thời gian để de xe. Rèn luyện riết, ông tạo thành thói quen. Cứ canh đúng là nhấn ga, chiếc xe chui tọt vào nhà rất gọn. Nhìn chiếc xe cụp kiếng đậu sát tường, mấy người hàng xóm ngồi uống cà phê trước cửa phải công nhận là ông Kiên có “tay lái lụa”. Ông Kiên bảo, lúc về de vào hơi mất công chút nhưng lúc lái xe ra rất khoẻ. “Cực trước thì sướng sau, có thiệt đi đâu mà sợ”, ông Kiên nói. 
Nhưng con ông Kiên thì không nghĩ như vậy. Anh Công đi học nước ngoài về, đã thi lấy bằng lái xe. Từ lúc có bằng lái xe, anh Công được tự do sử dụng xe nhà. Mỗi lần lái xe về, anh Công cứ chạy thẳng xe vào cho “nhanh, gọn, tiện”. Nhìn con trai để chiếc xe ở tư thế “méo”, ông Kiên nói: “Chạy xe vào nhà chính ra rất khó để đậu cho ngay ngắn. De xe vào nhà tuy khó hơn de ra nhưng nó cũng là một cách để rèn luyện sự kiên nhẫn và tính cẩn thận. Nếu con thấy khó thì mua giấy dán sàn về dán thành hai lằn trong nhà cho dễ canh. Đàn ông mà không de được xe vào nhà thì kém”. Chẳng biết vì sợ bị chê là kém hay sợ cha mà anh Công phải de xe vào nhà. Một lần anh không cẩn thận bị đụng tường, trầy xe. May là mấy hôm đó ông Kiên đi công tác nước ngoài vắng nên anh Công lái xe ra xưởng đề nghị “làm thật nhanh” và dặn mẹ “về đừng nói với bố”. Bây giờ thì anh Công cũng trở thành “tay lái lụa” khi đưa xe vào nhà.
Chị Thanh Phi thì kể: “Tôi lái Fiat 1.3. Hồi còn ở nhà phố tại đường Phan Xích Long, tôi cũng thích tự de xe vào nhà. De xe ở chỗ lạ thì phức tạp chứ nhà mình tuy có bốn mét chiều ngang nhưng thuộc lòng từng góc, từng gờ nên làm vài ba lần là quen. Nói chung chỉ cần canh cẩn thận chút xíu là được. Bây giờ tôi chuyển sang ở chung cư có hầm xe rộng rãi, chẳng cần phải tính chuyện de hay tiến nữa. Lái xe về, thấy còn rỗng cứ đánh một vòng thẳng tiến vào chỗ đậu. Nếu thấy chật thì de trong bãi cũng dễ hơn de vào nhà”.  
Tổng kết chuyện này, ông Cường bảo, chọn cách nào khi đưa xe vào gara là theo thói quen và đặc điểm của căn nhà. “Tôi thấy lái xe vào vẫn tiện hơn”, ông nói.

 Bài Hưng Long minh hoạ Hồng Nguyên

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống

Các tin khác