Góc tâm linh trong căn hộ

Lượt xem: 8412
3/11/2017 0:00 - Tư vấn phong thủy
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống

Tôi muốn mua một căn hộ chung cư và chuẩn bị sửa chữa nội thất để dọn vào ở. Nhà tôi có bàn thờ gia tiên và thờ Phật nên tôi muốn đặt bàn thờ sao cho trang trọng, nhưng nghe nói là nếu căn hộ bên trên mình có không gian gì xấu “đè” lên nóc bàn thờ của mình thì sẽ không tốt. Vậy xin hỏi cách xử lý trường hợp này thế nào, và tôi nên đặt bàn thờ ở đâu trong căn hộ để đạt được tính trang nghiêm. Nguyễn Như Trang, chung cư Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM.

 

 

Không gian tâm linh có thể kết hợp làm nơi tiếp khách trang trọng, hoặc nơi thiền định riêng tư tùy theo vị trí và cách bố trí

 

 

Không ít gia chủ khi mua căn hộ chung cư rất quan tâm đến vị trí và cách thức bố trí bàn thờ, hay đơn giản hơn là một góc tâm linh trong nhà. Câu trả lời thường nghe là: nơi thờ cúng cần đặt tại vị trí trang trọng của căn hộ. Nhưng thế nào là “trang trọng” thì cũng có nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau. Không ít trường hợp ở căn hộ chung cư, nơi trang trọng nhất tại căn hộ của mình có khi chưa chắc là ở tầng trên không bị… ai đó bố trí cái gì “thiếu trang trọng” đè lên! Mặt khác, góc tâm linh cũng là khái niệm khá rộng, với nhà này là nơi thờ cúng, hàng năm có giỗ chạp khách khứa tụ họp mang tính đối ngoại khá nhiều, nhưng với người khác chỉ là một chỗ yên tĩnh để thiền định, thuần túy nội bộ riêng tư. Do vậy có thể xem xét một số kinh nghiệm và cách xử lý phong thủy sau đây nhằm giải quyết nhu cầu tạo góc tâm linh trong căn hộ:
– Nếu tuân thủ theo bố cục truyền thống, thì vị trí trung tâm, hay còn gọi là trung cung của mặt bằng sử dụng, vốn ít dùng bố trí không gian riêng tư, là giao điểm của các luồng đi lại trong nhà, tập trung người dễ dàng, không đi vào quá sâu trong các phòng, hướng ra cửa chính... và do đó hợp với không gian tâm linh hơn cả. Có thể dễ thấy cách bố trí này tạo cảm giác quen thuộc vì trong tâm thức cư dân Việt ta luôn dành nơi trung tâm và đón tiếp chính của nhà truyền thống là nơi đặt bàn thờ.
– Khi cấu trúc mặt bằng căn hộ không có vùng trung cung thoáng rộng, mà theo dạng ngăn chia nhiều phòng có hành lang ngoài thì gia chủ có thể chọn một phòng ở vị trí đảm bảo dịp giỗ tết có thể bày biện thắp nhang thuận tiện, còn ngày thường thì dùng làm nơi thờ cúng kết hợp làm thư phòng, đọc sách, hoặc tập thiền, yoga (nếu phù hợp). Chú ý dạng phòng thờ như vậy không cần có phòng vệ sinh riêng, hoặc có thể khoanh một góc trong không gian chung, làm bậc bước lên để tạo sự trang trọng và xác lập độ riêng biệt. Việc thiết kế tủ kệ cũng giúp ngăn nhẹ nhàng khu vực thờ với các khu vực sinh hoạt khác, đồng thời tận dụng tủ đặt bàn thờ để kết hợp thêm làm tủ sách, nơi đặt vật dụng trang trí hay đồ kỷ niệm của gia đình theo kiểu tủ kệ liên hoàn.
– Với các mặt bằng chung cư cao ốc có sự giống nhau giữa các tầng, thì khoảng trung cung ít khi bị làm khu vệ sinh hay phòng ngủ của căn hộ phía trên “đè lên”. Thực tế để đảm bảo an tâm, một vài gia chủ cũng có... đi lên tham khảo mặt bằng tầng trên trước khi cố định nơi đặt phòng thờ – bàn thờ cho căn hộ của mình. Cũng rất cần gia chủ nghĩ đến giải pháp thoát nhang khói và chống ố vàng trên trần (cụ thể, dùng tủ thờ có nóc, dùng tấm kính ngăn phía trên, bàn thờ kề cận cửa thông gió, hoặc mở cửa ra ban công...) để không gian thờ cúng không bị ám khói và tránh tạo cảm giác nặng nề khi bước vào căn hộ.
Như vậy tùy theo hoàn cảnh gia đình mà cách bài trí phòng thờ, bàn thờ trong căn hộ có thể linh hoạt phù hợp trên tinh thần giữ gìn sự tôn nghiêm, ít bị ảnh hưởng bởi các sinh hoạt khác. Trong ngôi nhà hiện đại – nhất là căn hộ chung cư thì việc bài trí nội thất còn cần thêm sự giản dị và thẩm mỹ hiện đại, tránh làm bàn thờ theo lối trang trí lòe loẹt cầu kỳ vốn hợp hơn với dạng nhà vườn hoặc nhà phố biệt lập.   

 

Dù có thể diện tích không nhiều nhưng không gian phòng thờ trong căn hộ rất cần tiếp cận
môi trường bên ngoài, đảm bảo thông thoáng, thoát hơi nhang khói

Bài ThS. KTS HÀ ANH TUẤN ảnh AN NGUYÊN

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 100