Khu vực trung tâm với khối lớn được thiết kế thành trục nhìn hướng ra sông Seine. Phía ngược lại là chiếc khinh khí cầu và khối nhà kính theo kiểu kiến trúc công nghiệp cũ lồng trong kết cấu mới
Một năm khó khăn trôi qua, có thể không dài với những dự án kiến trúc - quy hoạch hoành tráng, với những định hướng phát triển tính bằng chục năm hoặc hơn, nhưng để lại không ít dấu ấn, trăn trở. Khi cả thế giới đang từng ngày thay đổi sâu sắc, không chỉ bởi dịch bệnh, mà thông qua ảnh hưởng của dịch bệnh đã buộc những vấn đề thiết yếu của cuộc sống cần được định nghĩa lại. Trong đó, nhu cầu gặp gỡ, trao đổi văn hóa trong cuộc sống trở thành một trong những “từ khóa” cùng với băn khoăn về chuyện phục hồi không gian công cộng (KGCC) sau đại dịch như thế nào.
Nhìn lại rồi bước tiếp, đầu năm luôn là thời khắc để trông người mà ngẫm đến ta, ôn cố tri tân… với mục tiêu phát triển văn hóa sống sao cho hài hòa, bền vững, và linh hoạt, hiệu quả trong một thế giới biến đổi mỗi ngày.
Từ một công viên quyến rũ
Khi bị “cấm cửa” quá lâu bên trong bốn bức tường, những thời khắc hiếm hoi ra ngoài dạo bộ, hay gặp gỡ ai đó… ngày càng trở nên “xa xỉ” và cấp thiết. Với dân sống trong đô thị, những khoảng trống ý nghĩa, hữu ích mà lại không tốn kém, dễ tương tác… kiểu như André Citroen là không dễ kiếm tìm. Đây là một công viên đương đại ở quận 15 Paris. Tại đây 250 trước, cũng cùng cái tên này là cơ ngơi nhà máy ô tô André Citroen, còn hôm nay, đó là một chuyển đổi độc đáo và ít ngờ. Ngay với dân kiến trúc - quy hoạch trong khu vực quận 15 nếu không chịu khó “lục lọi” sẽ khó tìm ra địa chỉ thú vị này, bởi vị trí của nó khá kín đáo, được bao bọc bởi các nhóm công trình bệnh viện, văn hóa, hành chính và nhà ở.
Thoạt nhìn, André Citroen yên tĩnh và đơn giản kiểu vườn hoa như Jardin Anne Frank, với cùng một vị thế và lối vào nguyên tắc, hai hàng cột hai bên một lối đi lát bằng bêtông. Nhưng, sau đó, một không gian tầng bậc hiện ra, với sự đa dạng về thảm thực vật, từ các bụi tre, các tiểu cảnh đậm chất Á Đông đến các bụi cây được cắt thẳng hàng lối theo phong cách Pháp. Tất cả các lối đi đều dẫn về khu vực quảng trường trung tâm, nơi có khối tích cực lớn với thiết kế đối nghịch, tối giản, chỉ với mảng cỏ và mặt nước đặt trên một ramp dốc tà tà hướng tầm nhìn ra thẳng sông Seine. Một bên của quảng trường là một chiếc cầu với kết cấu cong đưa chuyến tàu lửa xình xịch cắt ngang tầm nhìn. Ở giữa quảng trường, một khinh khí cầu khổng lồ với dịch vụ đưa du khách ngắm nhìn toàn cảnh Paris trên cao. Còn kết thúc trục quảng trường, hai khối nhà kính mô phỏng lại các không gian xưởng công nghiệp cũ với hệ kết cấu khung thép được bọc bằng kính làm “tàng hình” toàn bộ khối tích to lớn của chúng.
Citroen là vậy, đặc biệt ngay từ cái nhìn đầu tiên, với thiết kế công năng và cảnh quan chỉn chu và đầy tính sáng tạo. Từ khu trò chơi trẻ nhỏ đến khu tham quan cho du khách đều có sự đa dạng về hoạt động, tiểu cảnh đến đại cảnh đều xử lý kỹ lưỡng. Nhưng Citroen không phải là công viên duy nhất “gây thương nhớ” ở Pháp, bởi các KGCC như vậy có không ít, có thể kể như Georges Brassens, hay Place Republique, cho đến Place de la Concorde, rồi cả L’Arc de Triomphe… với điểm chung đều sở hữu những chức năng và nội dung không hề “đụng hàng”, như những phần tiếp nối của một cuốn sách hấp dẫn mà bạn không tài nào dừng đọc. Và dù sở hữu “thương hiệu riêng”, nhưng tất cả đều có chung một quan điểm tiếp cận bền vững: tạo lập cho cư dân đô thị những khoảng-trống-có-nghĩa.


Lối vào chính của công viên với hai hàng cột được tạo dáng từ các loại cây khác nhau thay đổi sắc thái theo xuân, hạ, thu, đông
Đến những khoảng trống có nghĩa: là gì, tại sao, cho ai, thế nào?
Chuỗi câu hỏi trên xoay quanh chủ thể: Khoảng trống đô thị, dĩ nhiên cái gì cũng phải có khoảng trống, cần định vị và giải quyết ra sao, từ quan niệm cơ bản nhất.
Không phải ngẫu nhiên mà Giambattista Nolli(1) đã vẽ một bản đồ(2) thể hiện mối quan hệ giữa phần không gian bên trong các tòa nhà ở thành phố Rome với phần đường phố và các KGCC bao quanh chúng. Đây là một trong những bản đồ đầu tiên cho thấy mức độ quan trọng giữa các thành phần cấu tạo nên thành phố, là một tổng thể không thể tách rời, đặc biệt là khi khởi đầu nghiên cứu quy hoạch, hay bắt đầu công cuộc thiết kế, tạo dựng một thành phố.
Những gì bản đồ của Nolli thể hiện chứng minh, trong suốt chiều dài lịch sử cho đến nay, khoảng trống đô thị được định nghĩa như một không gian không lấp đầy bởi việc xây dựng các tòa nhà, mà để trống cho một số hoạt động cần diễn ra ngoài trời, có tính cộng đồng hay công cộng như: công viên, vườn hoa, sân trong tòa nhà, quảng trường, thậm chí, kể cả vỉa hè và lòng đường. Nhưng điều cơ bản là khoảng trống ấy phải được nhìn nhận và xác lập giá trị, công năng, cấu trúc, thậm chí hình thái, dạng thể… từ đầu, hoặc ít ra điều chỉnh song hành với quá trình thiết kế các tòa nhà và thiết kế đô thị. Điều này khiến nó khác với khoảng lùi quy hoạch không được phép xây dựng, xây dựng tạm thời, hay khác với những quan niệm về lộ giới, vát góc nơi giao lộ… Nói cách khác, các khoảng trống, tưởng như là một thành phần để không, không quá quan trọng, thực ra gắn bó mật thiết với diễn biến đời sống trong và ngoài các tòa nhà, với các hoạt động của con người. Khoảng trống cũng không phải cứ “hở ra là lấp đầy”, hoặc nơi để “điền vào chỗ trống” mà với nhiệm vụ trở thành KGCC thì các hoạt động xã hội, văn hóa, kinh tế… của ít nhất một nhóm người, đặc biệt là những người sống ở khu vực đó sẽ (phải, cần) có chỗ để diễn ra. Một nơi chốn ngụ cư có đời sống tinh thần, xã hội tốt đẹp là nơi có một hệ thống KGCC hấp dẫn, thú vị và thể hiện được linh hồn văn hóa của chính dân tộc đó. Cụm từ Genius Loci - hồn nơi chốn - chính là khởi nguồn từ những khoảng trống có nghĩa đó. Ví dụ như nhà thờ Notre Dame Paris trông to lớn, đồ sộ như vậy, dĩ nhiên cần một khoảng trống tương xứng đủ để có thể chiêm ngưỡng toàn bộ tầm vóc, và để chứa đựng những hoạt động thường ngày của khách du lịch và của những con chiên ngoan đạo. Mặt khác, việc thiết kế một chuỗi hạng mục KGCC như vậy cũng đến từ ý niệm muốn trình bày những tinh hoa trong chính nền văn hóa của dân tộc Pháp, điều khiến mọi người phải ngước nhìn và thán phục trước sự phát triển về văn minh lẫn tầm vóc văn hóa so với những thành phố khác. Thời nay ta hay gọi là xây dựng - định vị thương hiệu, nhưng trước kia, đơn giản đó là tình yêu với một vùng đất, khát khao tạo lập nơi chốn cho mình và con cháu cư ngụ dài lâu cả về giá trị vật chất lẫn di sản tinh thần để lại.

Các bề mặt lối dạo bộ không bêtông hóa hoàn toàn mà vẫn để đất tự nhiên, tạo điều kiện tốt cho sự sống của cây xanh
Khu trò chơi trẻ từ 10-13 tuổi, với các khối trò chơi mạo hiểm hơn được thiết kế bằng gỗ và khu trò chơi cho người lớn với đủ các dụng cụ cơ bản. Có nhiều trạm cấp nước sạch miễn phí để mọi người cùng sử dụng và bãi đỗ xe ngầm
Quan niệm đúng để hành động không sai
Trong quá khứ, Paris cũng từng có nhiều khu ổ chuột, chịu ô nhiễm môi trường diễn ra trầm trọng khi các nhà máy đặt ngay trung tâm thành phố, hệ thống lọc nước thải chưa có… Thế nhưng, kể từ năm 1853, việc tái quy hoạch Paris của Haussman đã được bắt tay vào thực hiện rốt ráo. Đầu tiên là tái quy hoạch các trục đường dẫn đến các công trình quan trọng, xóa bỏ các khu ổ chuột, di dời cơ sở công nghiệp ra ngoại ô, làm mới toàn bộ hệ thống nước thải… Quan trọng nhất, quy hoạch tái thiết này tạo thêm các mảng xanh cho thành phố, gia tăng giá trị cho KGCC, với quỹ đất chính là những nhà máy bị buộc chuyển ra ngoài ngoại ô, những vị trí đẹp nhất dành cho hệ thống KGCC và công trình văn hóa mới. Không có chuyện di dời xong dành đất cho dự án nhà ở hoặc thương mại. Điều này giúp toàn bộ các KGCC lớn nhỏ ở Paris còn đến hiện giờ đều được tạo lập từ giai đoạn này, các công viên và cây xanh trồng mới hoàn toàn ngoại trừ công viên Boulogne là rừng nguyên sinh mà thôi. Mặc dù Paris là một thành phố du lịch, nhưng những KGCC này không chỉ dành cho đối tượng “có thu phí” này, mà trước tiên để phục vụ người dân bản địa.
Chính vì xác lập những quan niệm cơ bản đúng đắn như vậy, mà từng KGCC ở Pháp nói chung, Paris nói riêng đều bắt buộc có một công năng nhất định, kể cả ở quy mô thành phố và quy mô khu vực. Không có chuyện làm một khoảng trống giống nhau kiểu đồng phục, hoặc ngược lại, mạnh ai nấy làm và bị chuyển đổi theo thời gian, bị “xâu xé” bởi các lợi ích riêng lẻ khác ngoài lợi ích của cộng đồng. Trong luật quy hoạch Pháp nêu rõ KGCC ở quy mô nhỏ sẽ phục vụ cho những người dân ở xung quanh bán kính nhất định, nếu có dân cư theo tôn giáo, sắc tộc, vùng miền cụ thể thì sẽ phải tổ chức KGCC phù hợp với các nhóm dân cư đó (ví dụ sân làm hội chợ, nhà thờ, quảng trường cho lễ hội địa phương…). Còn KGCC ở quy mô lớn như vùng hay đô thị thì sẽ quan niệm đa năng, đa dạng, gắn với các hạng mục về văn hóa, xã hội, hành chính... lân cận. Ví dụ như công viên khu tòa án sẽ có nội dung và công năng, thiết kế khác công viên gần khu thể thao. Đó cũng là một giải pháp khá thú vị để “nuôi sống” công trình bằng hoạt động có thu phí, có dịch vụ nơi KGCC, đồng thời làm giàu hoạt động văn hóa trong KGCC bằng lịch sử, văn hóa của các công trình kề cận. Một vòng tròn cộng sinh hợp lý và bền vững, có qua có lại.
Có thể thấy, thông qua hành trình tái quy hoạch thành phố Paris, mà cụ thể là xác lập cơ sở cho KGCC, ta sẽ nhận ra ít nhiều hiện tại Việt Nam ta cũng đang bước vào hành trình như Paris trong quá khứ. Sớm hay muộn, đặc thù lịch sử, văn hóa, khí hậu… thì cũng đã định hình từ lâu, không thể đảo ngược. Nhưng vấn đề phải suy ngẫm chính là làm cách nào để tạo ra những không gian đô thị có bản sắc, ở những nơi đã từng là một dấu ấn vang danh một thời, như Đà Lạt, như Sài Gòn - TP.HCM? Có nhiều cách thức, quan điểm tiếp cận, nhưng việc giữ gìn và gia tăng sức sống, hơi thở văn hóa cho KGCC chắc chắn là điều mọi đô thị đều mong mỏi. Như mọi con người đều có ký ức, mọi nơi chốn đều có ngày hôm qua, việc thiết kế công năng tiếp diễn, hay nói cách khác là tái sử dụng lại các không gian cũ luôn là điều tất yếu và cần nghiên cứu rõ ràng, sâu sắc. Quan điểm này vừa giúp tránh lãng phí tài nguyên sẵn có, những di sản của cả người Pháp và người Việt đã để lại, vừa giúp tạo dựng nên vóc hình của cả một hệ thống khoảng trống có ý nghĩa, không chỉ đa dạng linh hoạt, mà còn mang đậm dấu ấn của chính chúng ta, chứ không phải là sản phẩm vay mượn của ai khác.
(1) Giambattista Nolli ( 9.4.1701-3.7.1756) là một kiến trúc sư và nhà khảo sát người Ý, là người đã tạo ra bản đồ Nolli, một bản đồ của thành phố Rome cổ, được đánh giá là chính xác nhất cho đến thời điểm hiện nay.
(2) La Nuova Topografia di Roma (gọi tắt là bản đồ Nolli): ra đời vào năm 1748, một thời kỳ bùng nổ về sự ra đời của các loại bản đồ khác nhau, đặc biệt là các phối cảnh chim bay nhìn toàn cảnh thành phố. Bản đồ Nolli là một bản điêu khắc chi tiết từ quy mô quy hoạch đến một phần kết cấu kiến trúc các hạng mục công trình trong thành phố. Bản đồ được chia thành 12 mảnh rời ghép lại, có kích thước tổng là 176x208cm.
(*) KTS Lê Khánh Vân, thạc sĩ 2 của trường Kiến trúc Quốc gia (ENSA) Paris - Master 2 d’École Nationale Supérieur d’Architecture (ENSA) Paris La Villette
Sự kết hợp giữa các mảng thực vật đến từ châu Á (tre, bonsai kiểu Nhật ) và châu Âu (thông, các loại cây cắt khối) cũng như sự hài hoà với kiến trúc tạo nên không gian đa dạng, gắn kết
Khu vực trung tâm với khối lớn được thiết kế thành trục nhìn hướng ra sông Seine. Phía ngược lại là chiếc khinh khí cầu và khối nhà kính theo kiểu kiến trúc công nghiệp cũ lồng trong kết cấu mới
Paris cũng có một thời chật vật trong việc tái quy hoạch để trở nên hoa lệ như ngày hôm nay. Hình ảnh về một khu phố ổ chuột ở Paris trước thời Haussman, xa xa là các khu nhà giàu nhiều tầng (website French Morning)
Bản đồ Nolli với phần màu đen biểu thị cho các kết cấu công trình và không gian cá nhân, các mảng trắng thể hiện không gian bên trong công trình, KGCC xung quanh và các trục đường. Hình ảnh mảng bản đồ xung quanh đấu trường Colosseum, Wikipedia/Plan Nolli
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 178