Donald Trump 2.0: Nội các – Chính sách đối ngoại

Lượt xem: 2172
6/12/2024 9:00 - Bạn đọc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài TRẦN VĂN CHÂU Ảnh TƯ LIỆU

LTS: Trên KT&ĐS số trước, bạn đọc đã thấy bức tranh toàn cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 qua góc nhìn của giới doanh nhân. Việc ông Donald Trump tái đắc cử sau một nhiệm kỳ gián đoạn là sự kiện mang tính lịch sử, hứa hẹn định hình lại vai trò của Mỹ trên trường quốc tế.

 
Trên tinh thần mong muốn một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác để cùng phát triển, từ danh sách đề cử nội các mới trong nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump mà báo chí thường gọi là nhiệm kỳ Donald Trump 2.0, doanh nhân Việt kiều Trần Văn Châu-CEO Paint & More tiếp tục chia sẻ với bạn đọc những suy nghĩ và phân tích về chính sách đối ngoại sắp tới của Mỹ. Điều đáng nói là sự thân thiết và gần gũi giữa Tổng thống Trump và tỉ phú công nghệ Elon Musk qua cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky của Ukraine cũng như việc cùng tham dự buổi phóng tên lửa SpaceX Starship (6).
 
 
Tư tưởng cốt lõi "Nước Mỹ trên hết"
Đại đa số các thành viên trong Nội các của Trump 2.0 (chờ quốc hội Mỹ phê duyệt) từ Ngoại trưởng Marco Rubio, Bộ trưởng quốc phòng Pete Hegseth, Bộ trưởng thương mại Howard Lutnick, Bộ trưởng năng lượng Chris Wright, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Waltz, GĐ tình báo quốc gia Tulsi Gabbard, GĐ CIA John Ratcliffe, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Elise Stefanik, … đều rất phù hợp với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết". Đây là trụ cột chính trong chính sách của ông Trump. Điều này thể hiện rõ trong các phát biểu về việc ưu tiên lợi ích quốc gia, giảm bớt cam kết đa phương và tập trung vào các mối quan hệ song phương có tính thực dụng cao.
 
Định hướng chiến lược
(1) Trung Quốc - biển Đông, eo biển Đài Loan và Đông Nam Á
Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump dự kiến tăng cường các biện pháp chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, bao gồm áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, hạn chế chuyển giao công nghệ và tăng cường hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sáng kiến "chia tách" kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc có thể tiếp tục gây ra các biến động lớn trong thương mại toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Mỹ có thể củng cố quan hệ với các quốc gia như Việt Nam, đồng thời gia tăng hợp tác quân sự với nhiều nước kể cả các nước trong khối ASEAN.
(2) Nga-Ukraine và NATO, ông Trump có xu hướng thúc đẩy các thỏa thuận hòa bình để kéo Nga và Ukrane ra khỏi chiến tranh, tìm kiếm các thỏa thuận chiến lược có lợi cho Mỹ, đồng thời tiếp tục gây áp lực tài chính lên NATO. Điều đáng nói là ông muốn kéo Nga bớt phụ thuộc vào Trung Quốc trong thế cô lập để triệt hạ Trung Quốc.
(3) Do Thái và Trung Đông, chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông sẽ là ủng hộ Israel mạnh mẽ để đi đến những thỏa thuận với các nước Trung Đông như thời Trump 1.0 và kéo các đồng minh của Mỹ tại khu vực để tăng cường sự hợp tác quân sự với Mỹ nhằm triệt hạ Iran. Việc tập trung vào lợi ích quốc gia và giảm bớt cam kết đa phương có thể khiến các đồng minh của Mỹ cảm thấy khó đoán.
(4) Cử tri Mỹ
Trump của năm 2024 có đôi phần khác biệt. Ở tuổi 78, ông gầy đi đôi chút, mái tóc vàng nhạt hơn, nước da vẫn màu đỏ cam nhưng trong ánh mắt thoáng hiện một vẻ trầm tư. Những người thân cận nhận xét về một con người dường như vừa thay đổi sau lần bị ám sát vào ngày 13.07.2024 vừa không thay đổi – có lẽ trầm tĩnh hơn, nhưng không kém phần quyết đoán về “sứ mệnh” và “số phận” của mình được “Chúa lựa chọn” để dẫn dắt nước Mỹ. Sau đại dịch COVID càng nhiều cử tri trẻ của Mỹ quan tâm đến chính trị mà bằng chứng tại Pennsylvania, bang chiến địa chủ chốt trong kỳ bầu cử lần này, con số của nhóm cử tri lần đầu đi bầu, Trump đã nâng tỷ lệ ủng hộ từ 32% lên tới 54%.
 
Elon Musk, Trump và các nhà lập pháp Hoa Kỳ
 
Nhận diện lại 3 cường quốc
Trước lúc đi sâu vào chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới, thiết nghĩ cũng cần nhìn lại lịch sử cận đại của các nước có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế. Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, chúng tôi đi sâu phân tích 3 nước Nga, Trung Quốc và Mỹ.
 
(1) Với nước Mỹ, sự hình thành của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là hết sức đặc biệt. Cùng với lịch sử của nước Mỹ thì địa lý với ranh giới 2 bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương là một điều hiếm có. Nước Mỹ đã thu hút một lượng lớn nhân tài như Albert Einstein, Nikola Tesla… ngày xưa và giờ đây là Elon Musk. Khi người tài đến, họ mang cho đất nước biết bao ý tưởng mới đầy sáng tạo. Nước Anh cũng đã để lại cho nước Mỹ tài sản quý hiếm là ngôn ngữ tiếng Anh ở các thuộc địa và một học thuyết nhân từ.
Tháng 10.2024, giải Nobel Kinh tế được trao cho 3 nhà kinh tế người Mỹ Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson bởi sự nghiên cứu về “Cách thức thể chế được hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của các quốc gia”. Họ đã tập hợp một bộ dữ liệu lớn cho nhiều quốc gia trên giới và chỉ ra các phương pháp tác động của thể chế ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Theo các tác giả của giải Nobel kinh tế 2024, thì không phải ngẫu nhiên mà nước Anh có cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 (máy hơi nước). Cuộc cách mạng này đã mang tới sự phát triển thịnh vượng cho nước Anh gần 2 thế kỷ trước khi nó được truyền lại cho Hoa Kỳ. Bởi sự phát triển khoa học công nghệ đều có liên quan mật thiết đến tinh thần tự do.
Tất cả những điều trên đã dẫn đến việc hình thành một nước Mỹ có sự phát triển bền vững về mọi mặt từ nhân khẩu học, giáo dục và thu hút nhân tài. Ngày nay, trong 50 trường đại học nổi tiếng của thế giới thì nước Mỹ đã chiếm hơn 40 đại học danh giá, Trung Quốc chỉ có 1 và phần còn lại là chia đều cho các nước như Anh, Pháp, Đức, Nhật...
 
(2) Với nước Nga, cũng như Anh (Anh Giáo), Nga cũng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Thiên Chúa giáo La Mã (Giáo Hoàng) để xây dựng ra Chính Thống giáo (Thượng Phụ). Từ đó ở nước Nga đã xuất hiện nhiều người tài trong việc phát triển khoa học mà bằng chứng là Bảng phân loại tuần hoàn và những nhà khoa học nổi tiếng của Nga ở cuối thế kỷ 19. Sự phát minh từ khoa học đã dẫn đến bùng nổ kinh tế của Nga và đưa đến việc Sa Hoàng thúc đẩy xâm chiếm mở rộng lãnh thổ sang Mãn Châu, Trung Quốc và Hàn Quốc. Những hành động này chỉ dừng lại khi Nga bị Nhật đánh bại thê thảm trong trận hải chiến gần đảo Tsushima vào năm 1904. Tất cả những sự kiện trên đã đưa đến cuộc cách mạng 1917 và việc nhuộm đỏ khối Đông Âu sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Tuy nhiên, như những luận cứ của các nhà Nobel kinh tế 2024 đưa ra, sự phát triển kinh tế có liên quan đến sai lầm thể chế. Do đó, sự sụp đổ của khối Đông Âu và cuộc Cách mạng Nhung 1989 là khó tránh khỏi.
Đó là điều mà chúng tôi đã theo dõi và chứng kiến khi sinh sống tại Tây Berlin, Đức vào thời điểm bức tường Berlin được đập bỏ (1989). Với những sự kiện có liên quan như Công Đoàn Đoàn Kết Walesa Ba Lan ra đời (đầu thập niên 1970), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II người Ba Lan (1978), và điều đáng nói là gần 40 năm trước vào ngày 19/11/1985: Reagan và Gorbachev tổ chức cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên tại Thụy Sĩ.
 
Ông Donald Trump tham quan Apple Computer ở Austin, Texas vào tháng 12/2019
 
(3) Và Trung Quốc
Ngày 07.12.1970, Thủ Tướng Đức Willy Brandt đã quỳ gối tại Warsaw, Ba Lan ở Nghĩa Trang Khởi nghĩa Ghetto Do Thái. Đây là một nghĩa cử cao quý đã đưa Ông nhận được giải Nobel Hòa Bình vào năm 1971. Sự nghiệp chính trị của Ông có định hướng “OstPolitik” là “Chính trị hướng Đông” và qua đó đã mở ra những chuyện Ông gặp gở các nhà lãnh đạo của Liên Xô và các nước Đông Âu. Trên bàn cờ của gian đoạn chiến trạnh lạnh thời đó, Kissinger đã đi một nước cờ với Bắc Kinh mở đường cho cuộc gặp giữa tổng thống Nixon và chủ tịch Mao Trạch Đông năm 1972.
Sau đó là các diễn biến, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973 và Việt Nam thống nhất năm 1975.
Về phía Mỹ, có lẽ họ chỉ mong muốn tách Trung Quốc ra khỏi khối Liên Xô để chuyển từ thế lưỡng cực đối trọng thành thế quan hệ tay 3: Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ. Cùng với đó, Mỹ chỉ hướng đến việc xây dựng và phát triển kinh tế khi họ nhận thấy Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tiềm năng còn Mỹ thì có khả năng tài chính cũng như có năng lực về mọi mặt như họ đã hỗ trợ xây dựng và phát triển lớn mạnh với Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,…
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc thì không nghĩ đơn giản như vậy vì họ đã trải qua những bước thăng trầm lịch sử của đất nước họ từ năm 1839 với chiến tranh nha phiến cho đến 1949. Do đó, họ xem người Mỹ và phương Tây chỉ là khách hàng nên họ cố gắng học hỏi mọi điều để sau này có thể tự thực hiện. Khi Trung Quốc đã học được và tự sản xuất được thì họ xem Mỹ và phương Tây là đối thủ trong kinh doanh.
Tuy nhiên vào thời điểm năm 2024 này, khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ thì hoàn cảnh đã khác với 8 năm trước vào thời điểm 2016.
1- Lợi thế về lao động giá rẻ, dân số vàng cũng không còn. Theo các số liệu thống kê, vào năm 2030 số người lớn tuổi của Trung Quốc sẽ lên đến 300 triệu người. Không như 40 năm trước, 15 người lao động lo cho một người lớn tuổi - 15:1 thì ngày nay là 2:1 nên Trung Quốc được cho là CHƯA GIÀU MÀ ĐÃ GIÀ.
2- Sau bao nhiêu năm khai thác tài nguyên để phục vụ cho sản xuất tạo thành công xưởng xuất khẩu cho thế giới thì giờ đây, tài nguyên và năng lượng của Trung Quốc đã cạn. Một nửa những dòng sông đã biến mất, 60% nước ngầm bị ô nhiễm. Kết quả là Trung Quốc giờ đây đã trở thành nhà nhập khẩu năng lượng và thực phẩm lớn nhất thế giới.
 
Các yếu tố chính định hình một cường quốc phát triển bền vững
 
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD)
Chiến lược AĐD-TBD sẽ là ưu tiên hàng đầu. Với cá tính của ông Trump, trong nhiệm kỳ thứ hai, nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ có một sự đối đầu trực diện với Trung Quốc. Dấu hiệu nhận biết là trong nội các của ông, chúng ta thấy toàn những người có quan điểm cứng rắn về chính sách đối ngoại như Ngoại trưởng Marco Rubio. Rubio từng là thượng nghị sĩ nổi tiếng ủng hộ các chính sách ngoại giao cứng rắn nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ. Còn bộ trưởng Quốc phòng Peter Hegseth lại là một cựu quân nhân, là bình luận gia chính trị tại Fox News. Ông đang muốn tái cấu trúc lực lượng quân đội để đối phó với các mối đe dọa đến từ bên ngoài.
Có thể nói, Peter Hegseth là cánh tay nối dài để thực hiện những công việc mà ông Trump còn bỏ dở của nhiệm kỳ 1.0 như năm 2019, Trump đã ký sắc lệnh thành lập Lực Lượng Không Gian Hoa Kỳ viết tắt USSF – United States Space Force mà trong đó có các chương trình tiên phong và đột phá như:
• ASAT – Anti-Satellites Weapon – Vũ khí chống vệ tinh
• Tàu vũ trụ Boeing X-37B không người lái và tái sử dụng như cách Elon Musk áp dụng cho SpaceX
• Phát triển vũ khí Laser đặt trên không gian (nhằm kiểm soát tất cả vệ tinh, tàu vũ trụ, GPS, …)
• Chương trình Laser năng lượng cao tự bảo vệ - Air Force’s Self-Protect (ứng dụng thiết thực cho phi cơ chiến đấu F, …).
Đó là chưa kể đến các nhân vật khác như Cố vấn An ninh Quốc gia Hạ nghị sĩ Michael Waltz & Bà Tulsi Gabbard – GĐ Tình báo Quốc gia đều là cựu quân nhân mà tất cả đều đồng quan điểm cứng rắn.
Với niềm tin: "Hòa Bình thông qua việc thể hiện về Sức Mạnh" vào ngày 23.11.24, Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ khởi động lại chương trình SLCM-N viết tắt của Sea-Launched Cruise Missile - Nuclear, tức là tên lửa hành trình phóng từ biển có đầu đạn hạt nhân. Đây là chương trình mà chính quyền Trump 1.0 đã khởi động từ 2018. Hai ngày sau, hôm 25.11.24 tại Wash­ington DC, Ngoại trưởng Marco Rubio & Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz đã đưa ra chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump.
Ông Trump sẽ tăng cường và thúc đẩy các thành viên của các Hiệp ước như AUKUS, QUAD, bộ tam Mỹ-Nhật-Hàn và bộ tam Mỹ-Nhật-Philippine cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như tại eo biển Đài Loan và biển Đông.
Về tình hình thương mại sẽ là một sự bao vây toàn diện đối với Trung Quốc. Điều đáng nói là hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn từ khủng hoảng bất động sản, nợ công cao, suy giảm tiêu dùng nội địa và chính sách “phân tách” công nghệ của Mỹ với các lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao như chip và thiết bị điện tử từ lĩnh vực Semiconductor. Cùng với đó là việc áp thuế cao lên các nước Mexico, Canada hay các nước ở Nam Mỹ có cảng biển mà Trung Quốc dùng để trung chuyển hàng hóa. Đó là chưa tính chuyện ông Trump yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện đúng như trong Hiệp Ước Thương Mại đã ký hồi đầu năm 2020 và nhất là sự khởi động truy tố nguyên nhân COVID.
Về chính sách đối ngoại với Triều Tiên, ông Trump cũng có thể khôi phục chính sách ngoại giao cá nhân với Kim Jong Un giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên.
 
 
Ở khu vực biển Đông, Mỹ có thể tăng cường tuần tra tự do hàng hải trong chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương rộng mở. Mỹ có thể khuyến khích Việt Nam đóng vai trò tích cực hơn trong ASEAN để tạo ra sự đồng thuận trong khu vực, đối phó với Trung Quốc tại biển Đông. Sự phối hợp này có thể bao gồm các sáng kiến về thương mại, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường.
May mắn thay trong chương trình nghiên cứu về Laser, người ta đã phát hiện và thử nghiệm thành công việc truyền năng lượng sạch (pin mặt trời) không cần dây cáp vật lý từ vũ trụ về trái đất (1.45 triệu thước Anh ~ 1.325 triệu mét). Đây sẽ là những tia nắng của bình minh mở ra một kỷ nguyên mới cho tương lai về việc giải quyết những thách thức về năng lượng của loài người. Và tương lai thế giới sẽ đi về đâu khi mà hiện nay 2 con người có ảnh hưởng lớn đến chính trị Mỹ lại xuất thân từ doanh nhân và khoa học công nghệ như Donald Trump và Elon Musk.
Quan hệ Mỹ-Việt có tiềm năng được củng cố để phát triển như mới đây Elon Musk đưa ra yêu cầu các nhà cung cấp cho công ty SpaceX cần chuyển từ Đài Loan về Việt Nam còn tập đoàn Trump Organization lại ký kết đầu tư BĐS 1.5 tỷ USD vào Hưng Yên.
Mọi việc còn đang diễn tiến nên chúng ta cần thời gian để chiêm nghiệm & trải nghiệm.

 
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 222